Di sản gốm Chu Đậu

GomChuDau

Di sản gốm Chu Đậu

Thứ sáu 12/09/2008 12:00:00 (GMT +7)
Tác giả: Theo Nguyễn Đình
Nguồn: Tạp chí Ngày nay




Gốm Chu Đậu rất dễ trưng bày trong mọi không gian nội thất
Từ hàng trăm năm trước, nói đến lĩnh vực gốm sứ, dân gian đã truyền khẩu: Sứ Giang Tây, gốm Chu Đậu, đủ thấy rằng dòng gốm thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã được đánh giá rất cao trong thị trường gốm sứ khu vực và thế giới. Rất nhiều bảo tàng ở nước ngoài lưu giữ dòng gốm này. Rất nhiều người lầm tưởng dòng gốm Chu Đậu phải là dòng đồ xuất xứ từ Trung Quốc, bởi những nét vẽ làm mê hoặc lòng người, cùng những dáng vẻ tạo hình của hiện vật đậm chất Á Đông. Như vị giám đốc bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế cho biết: Ở Nhật có một bảo tàng lầm tưởng đồ Chu Đậu là đồ xuất xứ từ Trung Quốc, họ không xác định được niên đại, để cất trong kho và chỉ ghi xuất xứ là Trung Quốc. Khi khẳng định đây là đồ Việt Nam, họ thực sự ngỡ ngàng vì không ngờ trình độ và kỹ thuật làm gốm, nét vẽ, kỹ thuật men của những nghệ nhân Việt Nam thực sự đáng kinh ngạc.



Óc sáng tạo của người thợ gốm thể hiện qua nét vẽ các loài linh thú
Gốm Chu Đậu có lịch sử phát triển từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18, lần đầu khai quật các di chỉ lò gốm thuộc làng Chu Đậu, nên gọi gốm Chu Đậu làm danh từ chung, dù quanh vùng còn lại rất nhiều các di tích khác thuộc làng Mỹ Xá, xã Minh Tân và Thái Tân. Đầu những năm 80, việc khai quật các di chỉ lò tại Chu Đậu được phát lộ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều các hiện vật bát đĩa, lọ, ấm, chén, bình vôi... Nhưng cái tên gốm Chu Đậu vẫn chỉ là tên gọi của giới khảo cổ, nghiên cứu, chưa phổ biến rộng rãi trong giới sưu tầm. Thông qua nhiều cuộc nghiên cứu, thống kê hiện vật, rất nhiều các bảo tàng trên thế giới như ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Hà Lan, Luxembourg, Thuỵ Điển, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada... đều có sưu tập gốm Chu Đậu. Chứng tỏ, thời kỳ hoàng kim của gốm Chu Đậu phải có con đường giao thương buôn bán không chỉ trong khu vực mà còn vươn ra với thế giới.

Dáng ấm phụng thanh thoát của gốm cổ Chu Đậu
Kể từ khi con tàu đắm Cù Lao Chàm ở vùng biển Hội An của một tàu buôn đang trên đường đưa dòng gốm Chu Đậu sang Tây Ban Nha, được các ngư dân phát hiện và khai thác cuối những năm 90, là minh chứng xác thực nhất cho thấy vẻ đẹp mỹ miều của dòng gốm lừng danh Việt Nam vươn tầm ra thế giới. Dòng gốm Chu Đậu từ đó trở nên phổ biến trong giới sưu tầm cổ ngoạn trong và ngoài nước, thị trường đồ cổ sôi động hẳn lên, mỗi ngày lái buôn từ các vùng Đà Nẵng, Bình Định nườm nượp đổ về phố đồ cổ Lê Công Kiều, các lô hàng gồm đủ chủng lọai từ cao cấp đến thứ phẩm. Tượng người, tượng thú, bát, chén, đĩa, tì bà, bình vôi, thuỷ trì (nhiều người gọi là đồ đựng mực)... tràn lan trên vỉa hè con đường cổ vật.


Ấm rượu hình con gà
Nằm ở độ sâu 70m nước dưới lòng biển, con tàu đắm được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ 15, sau gần 500 năm ngủ yên, những cổ vật được khơi dậy. Do ở mực nước quá sâu, dân buôn cổ vật dùng cào khai thác trái phép gây ra nhiều thất thoát và thiệt hại rất lớn. Những hiện vật khi được cào lên bị sứt mẻ khá nhiều, khi Nhà nước vào cuộc và một số trùm cổ vật khai thác mua bán dòng gốm này như M.T ở Đà Nẵng bị cơ quan chức năng tạm giữ điều tra, phong trào khai thác trái phép lắng xuống. Kết quả báo cáo số hiện vật gốm Chu Đậu của tàu đắm Cù Lao Chàm thông tin trên các báo đài chỉ dừng ở con số 240.000 hiện vật (có chỗ đưa tin 300.000 hiện vật). Nhưng đó chưa kể đến con số thất thoát, chảy máu cổ vật ra nước ngoài khi thị trường rộ hàng, mỗi ngày hàng chuyến xe chở các hũ nhỏ (thuỷ trì), chén bát đổ về Sài Gòn, dân lái buôn từ Philippines, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan tràn sang mua thành đống, thành mớ nhiều vô số kể, tất nhiên với giá rẻ... như bèo.

Đĩa cánh sen với hoạ tiết được bố cục chặt chẽ, hài hoà nổi bật hình ảnh lân cách điệu trong lòng đĩa
Rất may mắn khi dòng gốm Chu Đậu được nhiều nhà sưu tầm tư nhân để mắt, lưu giữ lại được khá nhiều hiện vật giá trị. Nhiều sự nhận định về gốm Chu Đậu là kế thừa sự thanh thoát uyển chuyển của gốm Lý, nét tạo hình khoẻ mạnh của gốm Trần, cốt gốm xốp nhưng nét công bút thật kính nể, thêm vào kỹ thuật men đạt đến độ hoàn hảo, nhiều hiện vật có lối công bút rất tỉ mỉ, công phu mà giới sưu tầm ví von không thua kém chi đồ Tàu. Sự đa dạng trong thể loại gốm còn được thể hiện qua những chiếc tì bà đắp nổi, dát vàng lên mặt gốm, những tượng người, đĩa chim, đĩa linh thú vẽ chàm xanh dưới men, mặt phủ men tam thái, kỹ thuật này đòi hỏi công phu và tốn khá nhiều thời gian. Một sản phẩm vẽ dưới men, nung trong lửa lò, sau lấy ra phủ men tam thái lên trên, lại đem nung nhẹ lửa để giữ màu, hai công đoạn nung rất mất thời gian và công sức. Điều này chứng tỏ những nghệ nhân Chu Đậu xưa rất chú trọng về kỹ thuật và công phu chế tác.



Nắp hộp phấn đắp nổi dát vàng
Rất nhiều những hiện vật của gốm Chu Đậu không biết công dụng như những chiếc bình nhỏ xíu bằng ngón tay, miệng loe, vẽ hoa văn lối phóng bút với các đề tài bông dây, sen, hay chỉ những lằn vạch phân ô... trông rất xinh xắn, những chiếc thuỷ trì nhỏ, vẽ chim, cúc dây, hoa sen, đào, lựu, trúc. Những chiếc hộp nhỏ có nắp - dân sưu tầm gọi hộp phấn - với trang trí rất đa dạng từ hoa, đến các hình trang trí như chim, cá, tôm, voi, cọp, ngựa, nghê, rồng, mây, sơn thuỷ, mai, trúc, cả những nắp hộp đắp nổi hình chim, thú có dát vàng... thường được người sưu tầm sử dụng làm vật trang trí rất phong phú và đa dạng.

Xét về góc độ trang trí trong nội thất, gốm Chu Đậu mang gam màu sáng nhẹ, không quá nổi bật như gốm sứ Giang Tây, lại mang nét tạo hình chắc chắn, lối vẽ khi thì phóng khoáng, khi tỉ mỉ với những bố cục về nội dung, hoa văn cùng các hoạ tiết, đề tài trên gốm rất hài hoà, chặt chẽ, cộng với sự phối hợp những màu sắc của dòng men tam thái tạo cho từng hiện vật gốm Chu Đậu có một vẻ đẹp tinh tế, riêng biệt, độc đáo, không pha lẫn với những dòng gốm khác. Chính nét trầm mà phóng khoáng, trong vẻ cổ xưa lại phảng phất nét hiện đại nên rất dễ trưng bày, dù kết hợp với không gian xưa hay không gian hiện đại, gốm cổ Chu Đậu vẫn uy nghi trong vị trí của mình. Chính vì lẽ ấy, tìm mua được những hiện vật gốm cổ Chu Đậu là mong ước của rất nhiều những nhà sưu tập trong nước và thế giới.
Tạo hình hiện đại của chiếc bình rượu cổ gốm Chu Đậu

Chim chích choè - hình ảnh khá phổ biến trên hiện vật gốm Chu Đậu

Nhận xét