Chuyển đến nội dung chính
Điện Long An
Ngoại thất điện Long An
Điện Long An được xây dựng năm 1845, thời vua Thiệu Trị (1841-1847), tại bờ Bắc sông Ngự Hà để làm nơi nghỉ lại của nhà vua sau khi ông tiến hành lễ cày ruộng Tịch Điền - lễ mở đầu cho vụ mùa mới, mỗi năm tổ chức một lần vào mùa xuân. Sau khi vua Thiệu Trị qua đời, đây cũng là nơi quàn thi hài của vua trong tám tháng, trước khi làm lễ Ninh lăng (đưa đi an táng). Ngoài nơi thờ chính thức trong Thế Miếu, bài vị của vua Thiệu Trị còn được đưa vào thờ tại điện Long An - nơi ông thường lui tới khi còn sống. Trong thời kỳ thất thủ kinh đô (1885), quân Pháp đã tràn vào ngôi điện, làm mất đi sự tôn nghiêm của một nơi thờ phụng. Vì thế, sau biến cố này, bài vị của vua Thiệu Trị được đưa vào thờ tại điện Phụng Tiên bên trong Đại Nội.
Nội thất điện Long An
Năm 1909, điện Long An được dời về vị trí hiện nay (số 3 Lê Trực - Huế) để làm một chức năng mới với tên gọi là Tân Thơ Viện - nơi lưu giữ hàng ngàn tư liệu bằng chữ Hán và cả chữ Pháp, chữ Anh - chủ yếu phục vụ cho các học sinh của trường Quốc Tử Giám gần đó. Năm 1913, Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập với mục đích sưu tầm và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến lịch sử vùng đất Thừa Thiên Huế, những vấn đề văn hóa và mỹ thuật thời Nguyễn. Hội cũng ấn hành tập san riêng có tên Bulletin des Amis du Vieux Hué (tập san của Hội Đô Thành Hiếu Cổ, gọi tắt là B.A.V.H.) và lấy một góc của Tân Thơ Viện làm trụ sở. Hàng ngàn hiện vật được đưa về đây cất giữ, hàng trăm bài khảo cứu được xuất bản. Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo tàng Khải Định, gìn giữ và trưng bày những hiện vật do những hội viên của Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tầm được.
Trang trí thi họa
Ngày nay, bảo tàng này vẫn còn hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế với tên gọi Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Các sưu tập ở đây phong phú và đa dạng, phần lớn tập trung vào mảng đề tài mỹ thuật thời Nguyễn (1802-1945), gồm sưu tập y phục của hoàng gia, sưu tập đồ sứ, các đồ dùng trong sinh hoạt nơi cung cấm, những bộ tranh vẽ trên gương có tuổi thọ trên 150 năm, những bộ nhạc khí dùng trong các cuộc lễ hội chốn cung đình... Có lẽ, đây là bảo tàng duy nhất của Việt Nam hiện có một số lượng hiện vật khổng lồ của thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Vi kèo điện Long An
Có một lịch sử phức tạp như vậy, điện Long An đã gắn liền với những thăng trầm của Huế. May mắn thay, trải qua chiến tranh và thời gian hơn 154 năm, điện Long An vẫn còn khá nguyên vẹn với toàn bộ hệ thống kiến trúc bằng gỗ được làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc - kiểu kiến trúc cung đình phổ biến thời Nguyễn. Các hệ thống cột gỗ ở đây đều để mộc trơn, không sơn son thếp vàng. Nhưng bù lại, điện Long An có một hệ thống vì kèo được chạm trổ rất tinh xảo theo đồ án lưỡng long triều nguyệt (hai con rồng chầu vào mặt trăng) cùng các liên ba, đố bản có chạm khắc rất nhiều bài thơ. Hầu hết những bài thơ này đều do đích thân vua Thiệu Trị sáng tác. Thơ trang trí trong điện Long An được bố trí, sắp xếp ở hầu khắp trong-ngoài ngôi điện nhưng không bị lặp lại, không gây cảm giác nhàm chán. Sự phong phú ở đây được thể hiện không chỉ về nội dung, hình thức trình bày mà còn cả về thể loại thơ. Đặc biệt, điện Long An có hai tác phẩm thơ nổi tiếng của vua Thiệu Trị - đó là bài Vũ trung Sơn thủy (Cảnh trong mưa) và bài Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm (Đêm thơ ở Phước Viên) được làm theo kiểu hồi văn kiêm liên hoàn gồm 56 chữ Hán nhưng có thể đọc thành 64 bài thơ. Những tác phẩm này không những thể hiện một tâm hồn thi sĩ của vua Thiệu Trị mà còn mang tính khoa học ở cách lý giải, cách giải mã trong phạm vi một số lượng chữ hạn hẹp nhưng lại chứa đựng một nội dung sâu xa rộng lớn hơn nhiều. Cho đến tận ngày nay, chung quanh việc giải mã những bài thơ của vua Thiệu Trị vẫn còn rất nhiều bàn cãi. Điện Long An, với tất cả vẻ đẹp về kiến trúc và mỹ thuật, xứng đáng là ngôi điện đẹp nhất hiện còn ở cố đô.
Nguồn: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế
Nhận xét
Đăng nhận xét