Làng: Không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Người Cơtu gọi làng là Vêel hay Cơxơnoon các dân tộc khác như người Co gọi làng là Plây, người Bh''noong lại gọi là Plei. Nói chung, làng là một đơn vị xã hội duy nhất và có tính truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam.


Nói đến làng của một dân tộc thiểu số ở miền núi, ta thường nghĩ ngay đến khu vực cư trú, hay cách sắp xếp nhà cửa theo các hình thể khác nhau để có thể phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nhưng thực ra, nếu chú ý đến toàn bộ môi trường sống của đồng bào thiểu số, thì khi nói đến làng ta không thể không thấy một loạt các yếu tố sau: Làng là một đơn vị xã hội bao gồm nhà ở của các gia đình, diện tích đất làm nhà kho, chuồng gia súc, nhà rông, khu vực lấy nước. Ngoài ra, còn phải kể đến cả đất canh tác (nương rẫy, vườn), đất chăn nuôi, đất rừng thiêng, đất chôn người chết.

Một yếu tố khác, không kém phần quan trọng và có thể xem như một đặc điểm của làng truyền thống của các dân tộc thiểu số, là: mỗi làng chỉ có một tộc người cư trú. Có thể khẳng định đó là loại làng có kết cấu đơn nhất thành phần tộc thuộc. Nói cụ thể hơn, làng của người Cơtu thì không thể có người Cadong (hay một tộc người nào khác) vào sinh sống chung, và ngược lại.



Khi dựng làng, đồng bào thiểu số thường chú trọng tới các tiêu chuẩn không thể thay đổi sau đây: Làng phải gần nguồn nước; không được lập làng ở nơi quá xa khu vực sản xuất; làng phải ở nơi cao ráo, không có độ dốc quá lớn; phải được sự "đồng ý” của thần linh. Tiêu chuẩn thứ tư này phải được tuân thủ một cách tuyệt đối.

Do trước đây đồng bào thường sống du canh, du cư, nên việc dời làng từ nơi này qua nơi khác là điều không thể tránh. Mà muốn dời làng - một công việc rất quan trọng - thì không thể không xin ý kiến của thần linh. Cũng cần chú ý là, có những nguyên nhân phải đưa tới việc dời làng, như : trong làng có bệnh dịch làm cho gia súc hoặc nhiều người chết; phụ nữ do sinh con không được mà chết; trong làng liên tục có người “chết xấu" như cây ngã đè chết, cọp vồ, chém giết lẫn nhau...

Người Cơtu, sau khi tìm ra được chỗ đất có thể dựng làng, liền phải làm lễ cúng long trọng để “hỏi” ý thần linh có bằng lòng cho dân làng cư trú nơi đó hay không. Nhân vật đóng vai trò giao tiếp với thế giới thần linh (người Cơtu xem Yàng là cả thần linh và ma quỷ), thường là một trong những thành viên lãnh đạo của làng, được gọi là Kuôi Te’moh Yàng. Vì không phải ai trong làng cũng có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh, biết được thần linh muốn gì, nên Kuôi Te'moh Yàng được dân làng thừa nhận là người có đủ quyền, hay được trao quyền, để liên lạc với thế giới của Yàng. Kuôi Te'moh Yàng sẽ “hỏi” bằng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, ông ta lấy một quả trứng gà, đập ở đầu nhỏ hơn của quả trứng cho thủng một lỗ nhỏ, và lấy một ống tre chẻ làm tư, như dạng một cái nơm, đặt trứng gà vào đó, cho đầu nhỏ của quả trứng (đã được đập) hướng lên trên. Người Cơtu quan niệm rằng, nửa bên phải quả trứng gà là biểu tượng của trời đất, còn nửa bên trái quả trứng tượng trưng cho con người. Việc xấu hay tốt phụ thuộc vào quá trình đốt lửa và cái trứng trào ra. Kuôi Te'moh Yàng đốt lửa phía dưới ống tre cho cái trứng sôi lên, nếu lòng trứng gà trào ra phía phải - phía của trời đất - tức là báo điềm tốt, đồng nghĩa với việc Yàng đồng ý cho phép dựng làng. Còn nếu lòng trứng gà trào ra phía trái - phía của con người - thì có nghĩa là điềm xấu, thần linh không cho phép dựng làng. (Phong tục này được Quảng Nam cuối tuần đề cập trong bài “phong tục chọn đất lập làng của người Cơtu”).


Giống như người Kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đặt tên riêng cho làng của mình. Tên làng thường gọi theo địa danh nơi họ sinh sống, lập làng. Chẳng hạn, gọi theo tên thác, tên suối, tên rừng. Cũng có làng được gọi theo tên của một người hay một dòng họ đáng tôn kính (ví dụ làng Ông Tía), hoặc tên của người đứng đầu làng, tức già làng (làng của người Co xưa kia hay nằm cheo leo trên các sườn núi, thường theo cách gọi này). Tên làng còn để thể hiện đặc điểm nơi cư trú (ví dụ làng Gừng, làng Mực, làng Dung...), hay thể hiện lịch sử làng. Đồng bào các dân tộc thiểu số thường gắn bó với tên làng, tên đất, và qua bao biến thiên lịch sử, họ vẫn quyết giữ tên làng. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ, có một vài địa phương (cả ở miền xuôi cũng vậy) đặt làng mới thành thôn theo con số, như thôn 46, 47... là không thích hợp. Bởi, theo tập quán dân tộc của người Việt Nam nói chung, những tên gọi theo con số này xem ra chẳng được ưa chuộng, nếu không nói là hoàn toàn xa lạ với tâm thức dân gian. Cho nên, tốt hơn hết là nên lấy tên làng cũ đặt cho những thôn mới này. Ta hay nói đến việc cần tạo tình cảm yêu nước cho mọi người dân, nhất là cho giới trẻ, thì việc trả lại những tên làng cũ là hết sức cần thiết. Nếu không, liệu có còn ai muốn nhớ lại mảnh đất làng mình, mà dù ở thời đại nào, trong bất cứ điều kiện sống nào, tên làng, tên đất cũng là những cảm xúc sâu đậm, khởi đầu cho tình yêu đất nước.


Với thiết chế xã hội cổ truyền, làng của đồng bào thiểu số ở miền núi Quảng Nam là một đơn vị tự quản, riêng biệt và hoàn chỉnh. Trong làng, bà con sống gắn bó mật thiết với nhau, luôn luôn tôn trọng người già lão; đặc biệt là rất nghe lời trưởng bản, già làng.

Cũng đừng quên rằng, chế độ tự quản của các làng người thiểu số được vận hành trên cơ sở luật tục. Luật tục của đồng bào thiểu số thường tồn tại dưới dạng những bài hát, truyện kể, và được truyền miệng từ đời này sang đời khác để duy trì những nguyên tắc sống, mà cư dân trong các làng bản phải nối tiếp nhau thực hiện. Luật tục có tác dụng như là một thứ khuôn mẫu ứng xử, và là thước đo cho mọi lề thói chung trong cuộc sống. Cũng chính luật tục đã xác lập hệ thống tôn ti trật tự trong làng. Hơn nữa, do được coi như là những tri thức truyền đời tại bản địa, luật tục không chỉ giữ cho cư dân trong làng theo đúng nền nếp do ông cha quy định, mà nó còn là cơ sở pháp lý để già làng, hay hội đồng già làng, phân xử. Chính vì thế, kể về mặt đạo đức, luật tục còn được xem như những lời khuyên răn khôn ngoan, nhằm giúp mọi người sống đúng theo truyền thống luân lý của dân tộc mình. Qua đó, có thể điều hòa được những mối quan hệ xã hội và nhất là giữ được sự thống nhất trong cộng đồng. Với người Cơtu, sự ước chế của cộng đồng luôn tạo ra một thứ áp lực, buộc họ phải tuân thủ theo như một thứ “kim chỉ nam” trong cuộc sống. Chẳng hạn, người Cơtu hay khuyên nhau: “tấm lòng phải đẹp như cỏ tri kên, như cây tri ếch” khi đối nhân xử thế. Hay như lời khuyên phải kính trọng những bậc già lão: “Khi trước bụi tre mọc đẹp xinh tươi, nhưng bây giờ dù thân có vàng úa cũng vẫn chống đỡ cho măng” (*). Đây là những câu văn vần, câu hát trong luật tục (còn gọi là tập quán pháp ca), chứ không phải là những câu tục ngữ, như ở người Kinh.

Chính vì mỗi cư dân trong làng đều được làng đùm bọc, thương yêu, và phải luôn tuân thủ theo những luật tục của làng, nên, đúng như một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã nhận xét: “Mỗi người thiểu số luôn là thành viên của một làng nhất định, tắm mình trong không khí cộng đồng, và suốt đời bị chi phối bởi lối sống mang tập tính cộng đồng, cả cống hiến cũng như hưởng thụ”.

Như thế, làng quả là một không gian văn hóa đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Nam.


------------
(*) Hai câu hát luật tục được phiên âm như sau:
- Li lĩ lam tri kên, li lĩ lam tri ếch
- Abung adit uchât thì liêm, looi ubhôc ti tưa căh uliêm amoh uxing.



Nguyễn Văn Bổn - Theo baoquangnam.com.vn

Nhận xét