Mộc mạc nét chạm xưa

moc_mac_net_cham_xua

Mộc mạc nét chạm xưa

Đa phần các tác phẩm điêu khắc trên gỗ có niên đại từ thế kỷ 16 – 17 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên... Đến với triển lãm, người xem sẽ được thưởng ngoạn những kỹ thuật chạm khắc rất mộc mạc, nét lớn, trên nền gỗ của những nghệ nhân phía Bắc thời xa xưa. Một tác phẩm xuất xứ từ Bình Xuyên, Vĩnh Phúc tả hình bàn cờ có hai người đánh, bên cạnh có hai người hầu, tất cả được chạm nổi trông rất ngô nghê, cực thực, rất gần gũi với nét sinh hoạt đời thường của một lối sống chủ - tôi thời phong kiến. Đến hình ảnh sới vật của thế kỷ 17 từ Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Tây lại một cách thể hiện khác bằng nét chạm nổi hai võ sĩ đang ở trần, đóng khố trên sới vật, cạnh đó là hai khán giả với hai vẻ mặt một già – một trẻ, tuy lối chạm đơn sơ những thể hiện tốt vẻ mặt đang rất chăm chú quan sát sới vật.


"Hai người đá cầu", thế kỷ 16, Vĩnh Tường,
Vĩnh Phúc
Ở cảnh sinh hoạt đời thường, các hiện vật thể hiện sinh động hơn với các “quần thể” tượng liên hoàn, một cảnh sinh hoạt từ Tiên Chưởng, Vụ Bản, Nam Định thế kỷ 17 với khối tượng chạm nổi nhiều hình mặt người nam nữ ở đủ mọi sắc thái, cảm xúc khác nhau. Nhưng ở cảnh sinh hoạt các tầng lớp xã hội ở thế kỷ 17 của Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, các nhân vật qua nét chạm khắc như được thần thánh hóa với lối chạm nhân vật xen kẽ các thú linh như lân – phụng liền kề rất sống động.
Cả những cảnh nhiễu nhương của xã hội thời bấy giờ cũng được phản ảnh qua nét chạm, như một tác phẩm chạm đề tài "Quan quân cướp bóc" có niên đại từ thế kỷ 17, xuất xứ từ Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tác phẩm diễn tả cảnh quan quân đi ngựa ào ào cướp bóc, lột tả những nét sợ hãi của người dân, cảnh cướp heo, đánh đập dân làng. Hay cảnh tác oai tác quái, vung tay thị uy của quan chủ và người hầu, có niên đại từ thế kỷ 17 ở Đình Phùng, Đan Phượng, Hà Tây… Còn nhiều các tác phẩm sống động, gần gũi với đời thường như cảnh đá cầu, điều voi đuổi hổ... cũng được trưng bày tại triển lãm.
80 tác phẩm tại triển lãm đều có giá trị cao về mặt lịch sử và mỹ thuật, được giới chuyên môn đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15.6.2008 tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 97A Phó Đức Chính, Q.1.

"Quan quân cướp bóc" thế kỷ 17, Vĩnh Phúc

"Nghi lễ chèo thuyền" thế kỷ 17, Đan Phượng, Hà Tây

"Quan chủ và người hầu", thế kỷ 17, Đan Phượng, Hà Tây


"Người cưỡi voi", năm 1692, Yên Phong, Bắc Ninh

"Phượng đàn", thế kỷ 17, Ba Vì, Hà Tây

"Điều voi đuổi hổ", thế kỷ 16, Thanh Liêm, Hà Nam

"Tiên nữ dâng hoa", thế kỷ 14,Văn Lâm, Hưng Yên

Nhận xét