NGÔI NHÀ TIÊU BIỂU TRÊN ĐẤT QUẢNG NAM - Lê Anh Dũng -

Từ trung tâm thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) đi về hướng tây nam, qua con đường nhỏ có hàng cau thẳng đứng, qua cánh đồng lúa thuộc làng Bồng Lai, du khách sẽ gặp ngôi nhà cổ dân gian của hai cụ Nguyễn Nho Phán, Lê Thị Dật, tuổi đã ngoài 90 và người con thứ 6 thừa tự Nguyễn Nho Lĩnh.

Đây là ngôi nhà cổ của người Việt, được những người thợ làng mộc Kim Bồng nổi tiếng của Hội An xây dựng vào năm 1770, qua hai lần sửa chữa lớn là năm 1880 và năm 1918. Nhà có 5 gian, 2 chái; 3 gian giữa để thờ, 2 gian bên để sinh hoạt trà nước và tiếp khách. Chái nhà trên là nơi nghỉ ngủ của đàn ông, chái nhà ngang một phần để đàn bà nghỉ ngơi, phần lớn còn lại để cất công cụ sản xuất và dùng cho trâu đạp lúa trong ngày mùa.

Ba gian thờ, bên trong có đề ba chữ Tích Thiện Đường, nghĩa nôm na là nơi lưu giữ, giáo dục cái tốt ở trong nhà. Bên ngoài gian chính giữa treo tấm hoành phi sơn son thếp vàng đề chữ Phước Quả, hiểu là ăn ở cho có phước, ắt gặt quả. Xung quanh bàn thờ được bọc những tấm ván mứt mỏng ghép liền với nhau (dân gian gọi là phên lụa).

Trước đó là bộ trường kỷ, bộ bàn ghế đá bằng cẩm thạch. Ở bộ cửa buồng khoa và tràng kỷ, các song sưa chạm khắc đường nét thanh mảnh, tinh xảo. Hai bên gian giữa là tủ thờ, tủ chè và hai bộ phản gỗ dày một tấc; riêng tủ chè có trang trí vật dụng sinh hoạt cổ, trong đó có những đồ cổ từ thời Khang Hy, Trung Quốc.

Nhà có 3 hàng cột, gồm 64 cây, trong đó có một hàng cột cái, 2 hàng cột phụ, hàng cao nhất gọi là lồng nhất (6m), kế đó là lồng hai, lồng ba, lồng bốn. Trên cột đội cây trính đỡ đòn đông, chạm dưới là hình tượng quả bí. Mỗi cây cột ở gian thờ và tiếp khách đều treo một tấm liễn khảm xà cừ với đề tài mai - điểu, hoặc tùng - lộc. Đặc biệt, có hai bức liễng treo gian giữa với hai dòng chữ “Ngũ Lăng hào khí đa phong nhã. Tứ Ấp ca thanh hiệp quãng huyền”. Dưới chân mỗi cây cột nhà trên là đá táng chạm hoa văn nấm linh chi.

Xưa kia, nền nhà trên bằng chất liệu vôi trộn cát; từ năm 1960 được lót gạch hoa. Nhà chính lợp ngói âm dương của làng gốm nung nổi tiếng Thanh Hà, Hội An. Kề bên nhà chính là nhà mát, xưa nay đều lợp tranh sen, hoặc tranh rạ. Vật dụng làm nhà, phần lớn là gỗ tốt: bộ khung cột kèo là gỗ lim, mít, đòn tay là kiền kiền; các đầu kèo chạm trổ họa tiết rồng có đường nét mềm mại. Với diện tích sử dụng gần 500m2, nhà còn có các công trình phụ như buồng chứa lúa có ví lúa cao chứa được vài ngàn ang; có buồng đựng gạo và chạn đựng chén bát; có hai bếp ăn (một bếp chụm củi, một bếp chụm rơm).

Đi liền với ngôi nhà là cái vườn rộng 0,8ha (bằng 16 sào Trung bộ) xưa kia dành đất trồng hoa kiểng, phần lớn là phượng, vạn thọ, huệ dùng cho việc thờ phụng, cúng, giỗ; nay để chơi mai, hồng, thược dược, tùng, trong đó có hơn chục thanh mai trồng ngoài đất, khoảng một trăm mai chậu. So với nhiều nhà cổ dân gian khác ở Quảng Nam, thì đây là ngôi nhà có hai cái cổng: cổng trước, làm bằng ván, mái lợp ngói, gọi là ngõ ván; cổng sau làm bằng tre gai, mái lợp tranh sen hoặc tranh rạ, gọi là ngõ gai. Xung quanh nhà trồng cau và cây ăn trái có lũy tre, trúc, trảy làm tường rào bao bọc.

Giới thiệu tỉ mỉ ngôi nhà, ông Nguyễn Nho Châu, một thân ruột của gia đình, tâm sự “Đây là ngôi nhà cổ của người Việt, kiến trúc của người Việt, không lai Tàu, Tây từ ngạch cửa, cửa buồng khoa cho đến các cấu trúc xây dựng, hình ảnh trưng bày khác".

Làng La Qua là làng cựu, điểm cư dân đầu tiên của Quảng Nam. Chữ La Qua, theo nghĩa Chăm “La” là lụa, “Qua” là dưa, xưa kia, có lẽ đây là vùng đất dệt lụa và trồng dưa. Tổ tiên, ông bà chúng tôi vào đây lập nghiệp khoảng 500 năm, từ ông Cao của tôi đến nay là 6 đời. Ông nội tôi Nguyễn Nho Đỉnh, chánh tổng sửa chữa lớn trong năm 1918 trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc”. Ông Nguyễn Nho Quyền, anh ruột của ông Nguyễn Nho Lĩnh - người thừa tự, nói như “khoe”: “Không biết có tâm linh hồn thiêng tiên tổ hay không, chứ thiệt là kỳ diệu, suốt hai cuộc chiến tranh, ngôi nhà này ca-nông, moọc-chê rớt dày trong vườn, phạt gãy ngang ngọn xoài, cau... rứa mà như bom đạn có mắt sao ấy, nên nhà chẳng có sứt mẻ, hư hại chi đáng kể. Từ sau ngày giải phóng Quảng Nam 24/3/1975 đến nay, nhất là những năm gần đây, con cháu chúng tôi ít nhiều đều đầu tư tu bổ, xử lý mối, mọt, chuột cắn phá... thường xuyên”.

Ngôi nhà cổ hồn Việt này đã được Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa Thông tin, Viện nghiên cứu kiến trúc - Bộ Xây dựng, Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam, các ban chuyên đề, Ban văn nghệ Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng; đoàn nghiên cứu Trường đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản đến tham quan, nghiên cứu.

“Nguyện vọng nung nấu của gia đình chúng tôi là giữ gìn muôn đời di tích văn hóa của tiền nhân. Chúng tôi mong muốn được chính quyền sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có cơ sở trùng tu nhà cổ vững chắc, không bao giờ có ý nghĩ mua bán, đổi chác hoặc triệt hạ, xây mới. Nếu có tiền, chúng tôi sẽ phục hồi toàn bộ khu vực thờ phụng cho giống ngày xưa.

Nơi đây, không chỉ để kỷ niệm, hoài cổ, mà cái chính là để giáo dục, giáo dưỡng tinh thần, tinh túy nhân nghĩa, nhân bản, nhân văn của các bậc tiền nhân”-ông Nguyễn Nho Lĩnh bộc bạch khi ra tận ngõ ván để tiễn khách. Khoác một vòng tay, ông nói thêm: “Theo đặc điểm cư trú của người Việt cổ, toàn bộ cái xóm tôi đang ở, kể từ đường cái trở lên đều là bà con trong tộc họ Nguyễn Nho”.

Trên con đường nho nhỏ vào ngôi nhà cổ dân gian tiêu biểu của đất Quảng Nam nồng nàn hương lúa, thoang thoảng hương cau, xanh xanh cây trái, bất chợt tôi nghĩ: Phải chăng, qua nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm giặc Tây, hàng chục năm giặc Mỹ xâm lược tàn phá, cày xới, con người Việt Nam, sức sống Việt Nam vẫn vươn lên, vượt lên, là nhờ các lãnh tụ tài ba, lòng dân ta yêu nước, thương nòi, trong đó không thể thiếu được văn hóa làng, văn hóa từ những ngôi nhà như ngôi nhà cổ dân gian kia!

Nhận xét