Chuyển đến nội dung chính

NHÀ GƯƠL - DI SẢN VĂN HÓA QUÝ CỦA MIỀN ĐẤT NAM TRUNG BỘ

Cùng với nhà sàn Thái Tây Bắc, nhà rông của Ba Na, Gia Rai, nhà cổ Bắc Bộ, Nam Bộ... nhà gươl là một công trình kiến trúc nhà truyền thống tiêu biểu của người Cơ Tu và cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của cư dân Nam Trung Bộ.

Nam Trung Bộ lưu giữ 2 di sản văn hóa thế giới: phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, và nhà gươl đã và đang được đánh thức trong di sản văn hóa của một vùng đất tiềm năng này.



1. Đôi nét về người Cơ Tu:

Là một nhánh của nhóm ngôn ngữ Môn - Khme, ngữ hệ Nam Á. Cơ Tu có nghĩa là "người ở đầu nguồn nước", có lẽ vì thế mà họ cư trú ở một độ cao khá lớn so với mặt nước biển và thường ở vùng núi non hiểm trở.

Từ biện pháp canh tác "phát - cốt - đốt - trỉa" đến nghi thức lấy máu hiến sinh đều thể hiện bản sắc đặc trưng của nhóm dân tộc này.

Họ sống thành từng vel, Vel tương tự như làng của người Việt, mỗi vel có vài chục nóc nhà nằm bao quanh nhà gươl. Tại đây, nhà gươl đóng vai trò là trung tâm hành chính - văn hóa - xã hội của vel.

Đứng đầu là già làng (takovel), thường là người cao tuổi nhất, có uy tín, có hiểu biết và thuộc một dòng họ (cabu) lớn.

Mỗi vel có nhiều dòng họ, mỗi dòng họ, tên họ được đặt theo tên một con vật, hòn đá, cái cây, mưa, gió...

Xã hội của người Cơ Tu theo phụ hệ, ở đấy - vai trò người đàn ông rất lớn. Chẳng hạn, họ có quyền lấy nhiều vợ, con theo họ cha. Một điều khá thú vị là, trước đây họ sống trong ngôi nhà dài như những tộc người sống trong chế độ mẫu hệ. Đây là hiện tượng lạ.

Tập tục đa thê của người Cơ Tu không chỉ hiện hữu trong đời sống hôn nhân mà còn được biểu hiện qua việc gọi tên các thành phần kiến trúc của ngôi nhà gươl như: một cột bố (zơrmâng) và nhiều cột mẹ (tanar).

Khi nghiên cứu văn hóa tộc người Cơ Tu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tộc người này có mối liên hệ với người Việt Đông Sơn và xa hơn nữa là văn hóa thổ dân da đỏ châu Mỹ. Tuy chưa được giải thích một cách thỏa đáng nhưng nó cũng cho ta thấy vai trò, vị trí của văn hóa Cơ Tu đối với văn hóa Việt Nam hay rộng hơn là văn hóa Đông Nam Á.

Với vai trò chủ nhân của một nền văn hóa đó, người Cơ Tu đã sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc, đó là
ngôi nhà GƯƠL.
. Nhà gươl trong đời sống văn hóa người Cơ Tu:

Gươl, tiếng Cơ Tu có nghĩa là công cộng - cộng đồng. Chính cách gọi này đã phần nào nói lên một cách cụ thể chức năng của công trình kiến trúc này. Nhà gươl có 3 chức năng chính:

- Chức năng hành chính;
- Chức năng sinh hoạt văn hóa cộng đồng;
- Chức năng bảo tồn văn hóa.

Tuy nhiên, 3 chức năng này không tách biệt mà gắn kết, tác động, tương hỗ lẫn nhau. Chẳng hạn, trong lễ hội đâm trâu, biểu hiện của văn hóa cộng đòng qua chức năng của ngôi nhà gươl hòa quyện với nhau tạo nên một sắc thái văn hóa riêng biệt, chính nó làm nên bản sắc riêng của văn hóa Cơ Tu.

- Chức năng hành chính:

Có thể coi đây là chức năng quan trọng nhất, là nơi thể hiện tính cộng đồng và quyền làm chủ cao nhất của người dân.

Nhà gươl là công trình đẹp nhất, lớn nhất và quan trọng nhất mà người Cơ Tu đã đóng góp và xây dựng nên. Là nơi tiến hành hội họp, bàn bạc các công việc chung như: phòng chống thú dữ, thiên tai, ban bố các quy định chung thông qua luật tục, xử phạt...

Thường ngày, nơi đây là nơi vui chơi cho thanh thiếu niên, trẻ em, thâm trí cả dệt vải, phơi lúa, ngô và làm các công việc khác. Tuy nhiên, tính hành chính của nhà gươl được thể hiện rõ nét nhất mà trung tâm là takovel (già làng). Tiếp theo là thành viên nam lớn tuổi - họ như "tiểu nghị viện" để giúp già làng các công việc chung liên quan đến cộng đồng. Họ củng cố vai trò lập pháp.

Thứ đến là trai tráng trong vel, họ là những người thực thi mệnh lệnh của già làng và thực hiện các công việc quan trọng của cộng đồng, họ là lực lượng nòng cốt để bảo vệ cộng đồng.

- Chức năng sinh hoạt văn hóa cộng đồng:

Ngoài chức năng hành chính, nhà gươl như một nhà văn hóa, vì hầu như các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đều diễn ra ở nhà gươl và không gian xung quanh nhà gươl này, như: lễ hội đâm trâu, nghi lễ liên quan đến chu kỳ sản xuất: đi săn, đi đặt bẫy, đi cúng rẫy mới... Ngoài ra còn là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật, các trò chơi dân gian của cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhà gươl còn như một bảo tàng sống đầu tiên của một tộc người - tộc người Cơ Tu.



- Chức năng bảo tồn văn hóa:

Khi bước chân đến đây, ấn tượng đầu tiên ta nhìn rất rõ, đó là thành tố văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu. Giữa sân nhà gươl là cây cột lễ với đường nét chạm trổ công phu và những hoa văn trang trí, thoạt trông ta nhận ra những hoa văn trên chính trang phục của người Cơ Tu.

Trong nhà gươl, lưu giữ chiêng, trống, chum, choé, gùi, nỏ, bầu nước... của vel mà không hề ai lấy trộm. Có chăng, chỉ là người nơi khác đến lấy đi... Nó mặc nhiên tồn tại và bảo lưu từ đời này qua đời khác, trở thành những cổ vật quý giá, là nơi sáng tạo, nuôi dưỡng các sản phẩm văn hóa phi vật thể của vel.

Tại đây, các loại hình văn hóa phi vật thể như: âm nhạc, múa, hát thông qua các lễ hội, trò diễn... được diễn ra quanh năm và truyền qua nhiều thế hệ.

Nhà gươl - di sản văn hóa quý của miền đất Nam Trung Bộ



3. Kiến trúc nhà gươl:

Thường được xây dựng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Nét đặc trưng nổi bật là bộ mái cao, cuốn tròn hai đầu hồi. Nét đặc trưng khác biệt của nhà gươl với đa số loại nhà của các tộc người khác là con số chẵn: số gian chẵn, số cột chẵn... thậm trí đòn nóc cũng chẵn. Chứng tỏ quan niệm về con số ở mỗi tộc người có nét đặc trưng riêng.

Tỉ lệ chiều cao giữa mái, sàn và tổng thể là 2/1/3 - một tỉ lệ hết sức hợp lý trong bố cục tạo hình - cho dù nghệ nhân Cơ Tu không hề biết đến "tỉ lệ vàng" trong kiến trúc. Điều đó cho thấy sự cảm nhận về nghệ thuật của những nghệ nhân làm nhà gươl rất tinh tế, điều này thể hiện rõ nét hơn trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí nhà gươl.

- Kết cấu kiến trúc:

Khác hẳn với lối kiến trúc chịu lực dàn đều bằng hệ thống cột - xà thường thấy ở nhà rông hay đình làng, hệ thống chịu lực trong kết cấu kiến trúc nhà gươl tập trung vào một cây cột "bố" được chôn rất sâu chính giữa lòng nhà kéo dài lên đỉnh nóc liên kết toàn bộ hệ thống dầm, xà và đòn nóc. Như một cái ô vậy.

Đối xứng qua cột trung tâm là những "cột mẹ", số cột gấp đôi số gian của một nhà gươl. Các cột này liên kết với nhau thông qua hệ thống dầm, xà tạo nên một bộ khung hết sức vững chãi. Ở hai đầu hồi, các vách ngăn được làm bằng ván dày hoặc vỏ cây vừa bền, vừa chắc, vừa có tác dụng như một lớp cách nhiệt, đây là tấm lá chắn cho các chiến binh Cơ Tu phòng chống thú dữ và kẻ thù nơi khác đến.

Với độ dốc lớn nhưng hệ thống đòn mái chỉ có 1 điểm tì duy nhất lên bộ khung và liên kết từng đôi một tại đỉnh nóc, nhưng không vì thế mà mái nhà gươl lại kém chịu lực, bởi toàn bộ đòn mái đã được 2 cây đòn nóc ép chặt. Loại kết cấu 2 đòn nóc này chưa hề thấy ở các kiến trúc gỗ khác trên đất nước ta. Vì thế, nhà gươl rất thoáng, sâu. Đó là một công trình hoàn hảo, khi ta đi vào các chi tiết, bởi nó được tính toán rất kỹ lưỡng như một hệ thống các cứ liệu khoa học của kiến trúc.



- Trang trí kiến trúc:

Yếu tố nổi bật là các thành phần trang trí hoa văn hình kỉ hà, hết sức tinh tế. Gồm các loại hình tam giác, hình tròn, hình ô trám, đường gấp khúc.... được sắp xếp rất logic, tạo nên các dải trang trí nối tiếp theo những motip thống nhất từ trong ra ngoài.

Một điểm khác nữa là hình tượng con người được đưa vào khá nhiều tác phẩm trang trí nhà gươl như cảnh sinh hoạt đời thường: giã gạo, nhảy múa, uống rượu... được chạm nổi hoặc vé rất khéo léo trên các xà tạo dải trangb trí và tô điểm nội thất ngôi nhà, vừa phá đi cảm giác trống trải của không gian rộng lớn của nó, vừa thể hiện rõ nét các thành phần trang trí trong không gian kiến trúc nhà gươl.
4. Nghi thức chọn đất làm nhà:

Với tính chất đặc biệt quan trọng của một công trình trọng tâm trong buôn làng Cơ Tu, nên việc chọn đất làm nhà gươl có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của buôn làng theo quan niệm của họ. Vì vậy, trong các nghi lễ liên quan đến việc xây dựng nhà gươl, thì nghi lễ chọn đất làm nhà gươl là có ý nghĩa quan trọng nhất.

Trước hết, già làng chọn vị trí tương đối phù hợp với công năng sử dụng của nhà gươl, đó là mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm của vel. Theo quan niệm của họ, thế giới vô hình luôn được chia thành 2 phần: phần của ma và phần của con người. Do đó, trên mảnh đất dự định làm nhà gươl, người ta chia đất ra làm 2 phần theo hình sống lá chuối, với quy ước một bên của ma, một bên của con người.

Ở mỗi bên sống, họ đặt một con ốc (có người gọi là ếch) được bắt ở hai nơi khác xa nhau, nếu con "ốc ma" bò sang phần đất của người trước thì chỗ đất này không được chọn, nếu con "ốc người" bò sang phần đất ma trước thì mảnh đất này được chọn. Nếu trong trường hợp, cả 2 con "ốc" cùng không xâm phạm tới "đường biên" thì mảnh đất ấy cũng được chọn.

Một cách khác, người ta thay số lá chuối và những con ốc bằng một quả trứng được chia làm 2 nửa: một của ma, một của người. Quả trứng được đập bỏ ở phần đầu tạo nên một "chiếc nồi" nho nhỏ. Đặt chiếc nồi này lên 3 hòn sỏi rồi đốt lửa ở dưới, nếu trứng sôi trào ra phần đất của ma thì chỗ đất đó được chọn, nếu trứng sôi trào ra phần đất của người thì chỗ đất ấy không được chọn.

Họ cho rằng, trường hợp trứng trào sang đất ma, điều đó có nghĩa là người đuổi ma nên đất được chọn. Ngược lại, nếu trứng trào sang đất của người thì cũng có nghĩa là ma đuổi người nên không được chọn.

Có một cách khác khá thông dụng là lấy 6 hạt gạo nguyên mới tróc vỏ cho vào một cái ống lồ ô trẻ đôi, sau đó buộc kín lại để một vài canh giờ, nếu còn nguyên là đất tốt. Nếu các hạt gạo bị vỡ hoặc mủn ra thì mảnh đất này không thể làm nhà gươl được.

Trong quá trình diễn ra nghi thức trên, nếu gặp phải những điềm gở như cây đổ, sét đánh, khỉ kêu, thú chặn đường... thì phải hoãn ngay mọi việc. Thậm trí khi mảnh đất mới được chọn xong cũng phải bỏ.

Việc chọn đất này không chỉ áp dụng đối với nhà gươl, mà còn được áp dụng trong việc chọn đất làm nhà ở.

Kết: Có thể nói, sự tồn tại của nhà gươl trong đời sống văn hóa người Cơ Tu là một minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của nét văn hóa cộng đồng trong không gian văn hóa Đông Nam Á. Nó khẳng định vai trò và vị trí của ngôi nhà gươl trong vai trò là mắt xích của quá trình hình thành và phát triển ngôi nhà cộng đồng ở khu vực này.

Nhà gươl như chiếc cầu nối văn hóa xưa với nay. Nhà gươl là bảo tàng sống về văn hóa, giúp ta hiểu thêm về văn hóa người Cơ Tu, một tộc người vùng Nam Trung Bộ của đất nước./.

Nhận xét