NHÀ MỒ TÂY NGUYÊN

Đăng ngày: 16:34 18-04-2008
Thư mục: Tổng hợp
Theo chu trình dựng nhà mồ, để tiến hành nghi lễ bỏ mả, việc đầu tiên của người chủ hộ là đẽo tượng mồ. Ví dụ một ngôi nhà mồ dự định bỏ vào tháng 3 trong năm, thì từ tháng 1 năm đó người chủ hộ đã bắt đầu kiếm gỗ đẽo tượng.

Nhà mồ Gia rai- Nhiếp ảnh: Trung Tin 2007
Khi quan sát những bức tượng mồ, người xem có thể nhận ra hình thể của từng bức tượng, qua bàn tay của người nghệ nhân, đều xuất phát từ thân gỗ tròn, vốn là hình dạng ban đầu của mỗi thân tượng. Bằng thủ pháp dùng mảng khối, người Gia-rai chỉ phác hoạ một vài chi tiết trên cơ thể mà làm cho bức tượng bỗng trở nên sống động như có hồn. Khác với tượng của dân tộc Việt, Khmer qua bàn tay của người nghệ nhân tạo thành những bức tượng linh thiêng, đặc biệt khi đặt ở vị trí trang trọng là nơi thờ cúng. Tượng mồ Gia –rai có khác biệt, tượng ra đời từ thiên nhiên, được người Gia-rai đặt trong khung cảnh thiên nhiên, rồi hoà vào thiên nhiên, mặc cho các yếu tố của thời tiết như mưa, nắng, sương gió làm hư hỏng. Khi quan sát tượng mồ với muôn hình, muôn dạng bao quanh lấy ngôi nhà mồ tại khu nghĩa địa, người xem không có cảm giác sợ hãi, cách biệt với thế giới tượng mồ, mà còn cảm nhận được những sinh hoạt quen thuộc vẫn tồn tại và diễn ra hàng ngày trong môi trường sống của người Gia-rai, từ người đi lấy nước, người khóc, người chia cơm lam, người đánh trống… nghệ nhân đem lại cảm giác gần gũi giữa người sống và người chết thông qua thế giới tượng mồ, đồng thời làm tan biến sự sợ hãi của người sống đối với một thế giới khác biệt.

Nhà mồ Gia rai - Nhiép ảnh : Trung Tín 2007
Ở ngôi nhà mồ này, một điểm quan trọng trong nghệ thuật tượng mồ mà người Gia-rai sử dụng là thủ pháp tạo hình, bằng cách dùng các mảng khối hình học và các đường vạch chéo, vạch thẳng để tạo nên hình nét cho bức tượng. Tuân theo những nguyên tắc nghệ thuật như vậy, trong truyền thống người Gia-rai không dừng lại ở việc đẽo gọt các chi tiết tỷ mỉ nhằm lột tả thật chính xác tính chân thực của một khuôn mẫu đã định dạng trong thực tế, mà bằng chính mảng khối, người Gia-rai chỉ gợi lên cho người xem những suy nghĩ tiếp theo. Từ một thân gỗ tròn, không lắp ghép, không thêm thắt bất cứ một phần gỗ nào, người Gia-rai đã tạo ra được bức tượng: bằng vài nhát rìu phạt mạnh trên thân gỗ tạo ra một mặt phẳng hình bầu dục đó là khuôn mặt tượng, hai hình cong nổi lên bên hai đầu là tai, phần dưới mặt tượng được vuốt cho nhỏ hơn đó là cổ. Cả khối phẳng bên dưới là thân tượng, các chi tiết như mắt, miệng, mũi, tai chỉ là những mảnh khoét chìm vào thân tượng. Hầu hết các chi tiết nổi của con người như bụng, má, cằm, ngực, vai... không được đẽo nổi trội lên, mà các phần đó được làm dẹt đi. Làm dẹt đi chứ không làm cho biến đi, mất đi, chỉ gợi lên chứ không đi vào tả thực chi tiết, vậy mà những bức tượng mồ mà người nghệ sỹ Gia-rai thể hiện vẫn làm cho người xem có nhiều suy tưởng.
NHÀ MỒ CƠ TU
Theo phong tục Cơ-tu, đây là kiểu nhà mồ lớn, bền và đẹp nhất, bề thế và khang trang nhất, nhà mồ của những người giàu có và được kính trọng trong xã hội. Nó được dựng khi tổ chức tang lễ lần thứ 2 cho người quá cố, sau khi đã mai táng từ một năm trở lên, tương tự như lễ "bỏ mả" trên Tây Nguyên. Đó là dịp lễ trọng, có cúng tế bằng trâu, có sự tham gia của toàn thể dân làng, họ hàng xa gần. Trong nghĩa địa của làng, người ta đào lấy nguyên cả quan tài đã chôn lên và đem đựng vào cỗ hòm quách đặt lộ thiên dưới hố hoặc trên mặt đất trong ngôi nhà mồ mới dựng này.
Nhà mồ Cơ tu- Nhiếp ảnh : Trung Tín 2007

Có thể 4-5 người quá cố được dồn chung vào một nhà mồ, nhưng phi là những thành viên của một gia đình, dòng tộc, và mỗi người đều có hòm quách riêng; nghĩa là tuy cũng theo tục làm mộ chung, nhưng khác với tục chôn chung như ở người Gia-rai. Ở làng, nhà mồ được dựng một mái về hướng đông, một mái về hướng tây, và chân người chết cũng quay về hướng tây. Quanh nhà mồ, người ta thường gieo trồng lúa, ngô, chuối, mía v.v. cho người chết.Lần lượt từ dưới lên, đó là: 1-Chiếc cáng dùng khiêng người chết trong đám tang; 2-Hòm quách để đựng quan tài người chết; 3-Cái giá để cúng cơm cho người chết trong đám tang. Tất cả đều làm bằng gỗ rừng lấy tại địa phương, những loại mà người Cơ-tu vùng này thường dùng làm nhà mồ, theo tập quán và kinh nghiệm dân gian của họ, như: kiền kiền, vàng tâm v.v; với công cụ chủ yếu là rìu to, rìu nhỏ, các loại đục và con dao quắm; với việc dùng củ nâu, than củi và nước mía tạo ra phẩm màu đen để tô vẽ...
Nhà mồ Cơ Tu Nhiếp ảnh : Trung Tín 2007
Các trang trí được tạo ra bằng kỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc kết hợp với sử dụng các màu đen, đỏ, trắng, vàng, theo truyền thống Cơ-tu. Nổi bật là những hình đầu trâu, con rồng, kỳ đà, chim tring, chim groóc, biểu tượng ngọn rau dớn, chiêng cồng; bên cạnh đó còn có mô-típ lá cây móc, hình người ngồi than khóc, người gõ chiêng, có cả hình trâu húc nhau, hình con lợn rừng, rắn, cá, cua, nhện, răng nhện đất v.v..

Nhà mồ là một phần đặc sắc trong di sản văn hoá Cơ-tu. Nó không chỉ phản ánh những khía cạnh về xã hội và phản ánh tín niệm cổ truyền Cơ-tu về thế giới bên kia của ma người chết, mà còn đặc biệt thể hiện đậm nét những đặc điểm tạo hình trang trí và nghệ thuật trang trí dân gian trên gỗ của người Cơ-tu. Thêm nữa, nó gắn chặt chẽ với nghi lễ lớn nhất trong tập tục tang ma Cơ-tu. Nó chứa đựng đồng thời cả những giá trị văn hoá vật thể, cả những giá trị văn hoá phi vật thể của một tộc người.

Nhận xét