Nhà Vương: hay còn gọi là Dinh Vua Mèo.
Vua Mèo là tên dân gian gọi Ông Vương Chính Đức (đúng ra là họ Vàng), người xây dựng nên Dinh thự này (Dịnh thự được xây trong 10 năm, do những thợ giỏi vùng Vân Nam - TQ trực tiếp thi công). Sau này người con trai thứ 3 của ông, Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành - tên Bác Hồ đặt) thừa kế.
Trước cửa cổng Nhà Vương
Hướng dẫn viên người bản xứ chính là Hậu duệ đời thứ 4 của Vua Mèo
4 chữ Vàng là Vua Khải Định ban cho Vua Mèo
(VnMedia) - Xung quanh cái dinh thự bằng đá của nhà Vương trên vùng đất Hà Giang hoang sơ, kỳ vĩ ấy có vô số những câu chuyện kỳ bí, hùng tráng một thời của các Thổ ty (chúa đất)...còn lưu truyền trong dân gian... Nhà Vương - di tích trên cao nguyên đá Đồng Văn
Ngồi trên chiếc xe ô tô láng cóng của thế kỷ 21 chúng tôi lượn chòng chành trên còn đường (non 200 km) mà ngàn thanh niên xung phong của 18 dân tộc đã phải mất bao công sức để mở xuyên qua cao nguyên đá.
Vượt cổng trời Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh rồi nghiêng xuống thung lũng Lũng Cẩm để lên với cao nguyên đá, núi non trùng điệp, mênh mông và hùng vĩ. Từ đường ô tô chênh vênh trên các sườn núi đá nhìn xuống thung lũng đã thấy một màu xanh thẫm của những cây sa mộc cao vút che lấp nhà Vương.
Nhà Vương tức là nhà của cụ Vương Chính Đức thân sinh ra ông Vương Chí Sình. Cụ Vương Chính Đức vốn là một bang tá (sắc phong của triều Nguyễn). Theo một số tư liệu để lại thì Vương Chính Đức vốn là người lao động của Thổ ty Hoàng Tự Bình. Khi Hoàng Tự Bình già yếu (vào đầu thế kỷ 20), Vương Chính Đức lên thay.
Vương Chính Đức giàu sụ do buôn bán hàng hóa đặc biệt là thuốc phiện. Sà Phìn chính là nơi trung chuyển thứ cơm đen từ tam giác vàng Miến Điện với vùng Vân Nam Trung Hoa sang Đông Dương. Cụ Vương lại ngấm ngầm sắm sửa vũ khí và có cả quân đội bí mật là những trưởng họ người Mông trung thành trong vùng.
Từ những năm xửa xưa, vùng biên đã hình thành hệ thống hành chính khá độc đáo. Mạn Tây Bắc thông qua vua Thái Đèo Văn Long (gọi là vua vì theo tập quán người hùng cứ một vùng gọi là vua, không phải là vua cả đất nước như ta quan niệm). Phía Tây Việt Bắc mạn Hà Giang đạo Bảo Lạc đáng kể có Vương Chính Đức và sau này là Vương Chí Sình. Vùng phía đông Bắc Lào Cai có Hoàng A Tưởng...
Và cũng như các vị vua quan khác trong lịch sử Việt Nam , dường như việc xây dựng cung điện, dinh thự cho riêng mình cũng là một cách để hưởng thụ và khẳng định quyền lực.
Những chuyện kỳ bí ở nhà Vương
Khi bắt tay xây dựng cơ dinh cho dòng họ mình, Vương Chính Đức đã mời thầy địa lý người Tàu đi khảo sát khắp vùng và đến thung lũng Sà Phìn, thầy địa lý đã chọn vùng đất này, vì địa thế ở đây nổi lên như mai rùa. Hai ngọn núi phía trước như hai mâm xôi có thể nuôi sống con cháu muôn đời. Còn phía sau là bức tường thành vòng cung ôm lấy dinh thự, nếu dựa lưng vào đó dòng họ sẽ vững chãi.
Hay là thế mà qua mấy cuộc chiến tranh, nhiều công trình kiến trúc quanh đó bị tan hoang, nhưng nhà Vương vẫn còn đó, không một mảnh bom, viên đạn nào rơi vào. Có ý kiến cho rằng nhà Vương nằm giữa thung lũng nhỏ, xung quanh là núi đá cao lừng lững trập trùng. Pháo đạn bay cầu vồng chứ không bay thẳng. Bắn bao nhiêu đạn cũng thế, hoặc mắc cả vào dãy núi bên này hoặc vọt sang tận vách núi bên kia.
Sau khi chọn được mảnh đất ưng ý, dinh thự họ Vương xây trong 8 năm và tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng. Hầu hết thợ xây dựng là người Hồi vùng Vân Nam (Trung Quốc) và những tốp thợ giỏi nhất người Mông.
Qua hàng sa mộc cổ thụ cao vút trầm mặc, trước cửa nhà Vương là cả bốn 4 dãy ngang và 6 dãy dọc, kết cấu hai tầng với 64 buồng. Tôi cố tìm một chút hơi hướng khí chất "Vua Mèo" xưa đã mất. Tường rào đá đã rêu xanh có chỗ cây mọc lòa xòa. Những cây sa mộc cao vút và vô vàn lá kim rì rào rì rào gió thổi. Biệt thự đá nhà Vương qua bao nắng mưa, bão gió, có chỗ đã bị thời gian mài mòn, hoang phế; nhưng về cơ bản vẫn giữ được hình xưa dáng cũ.
Tận cùng của tòa nhà là hậu dinh và hai dãy nhà ngang hai bên, tất cả được khép kín. Phòng nọ thông với phòng kia bằng các cửa ra vào. Để bảo vệ dinh thự, cụ Vương Chính Đức còn xây tường nhà bằng đá có lỗ châu mai và những bốt canh để lính canh gác ngày đêm.
Ở khuôn viên trong cùng này có kho lương thực, hầm chứa thuốc phiện, kho vũ khí và những vật dụng sinh hoạt. Đặc biệt là chiếc bể tắm được đục đẽo công phu hình bán nguyệt từ nguyên một khối đã khổng lồ tương tuyền vốn là bể tắm sữa dê vương giả của ông vua xứ cao nguyên đá. Thế mới hay chuyện dù đường đi khó khăn là thế mà nhà Vương vẫn có thuốc lá 555 là có thật.
Rồi lan man nghe cả chuyện về sòng mạt chược trong dinh thự Vương. Nghe đâu "thần bài" cuối cùng của dòng họ Vương (ông Phạm Văn Dục, 76 tuổi) hiện vẫn sống ở chân núi Bạch Sơn (phố Huyện Đồng Văn).
Còn rất nhiều câu chuyện bí ẩn thậm trí hoang đường liên quan đến nhà Vương, ví dụ như trong các bức tường đều có nhét vàng bên trong… khiến cho nhà Vương càng trở nên bí ẩn...
Nhưng có một sự thật là về sau này, khi Nhật đảo chính Pháp, đội quân bí mật của Vương Chính Đức và Vương Chí Sình đã góp phần với quân du kích của Mặt trận Việt Minh tiêu diệt đánh đuổi quân Pháp tại khu vực Hà Giang.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đích thân Cụ Hồ đã mời cụ Vương Chí Sình tham gia khóa Quốc hội đầu tiên và kết nghĩa anh em.
Nửa thế kỷ trôi qua, đứng ở Sà Phìn mà nghe những chuyện quá khứ thảng hoặc như gió thoảng bên tai. Nó cứ hoang vắng, mênh mang thế nào. Chỉ rõ nhất là tiếng ồn ã từ phía chợ lùi Sà Phìn (nghĩa là chợ họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần), ngay dưới chân bậc thang đá trước cổng nhà vua Mèo.
Sà Phìn mùa này cũng đẹp. Là vàng hoa cải. là lốm đốm trắng hoa ban. Và lung linh sắc màu thổ cẩm. Bọn trẻ con chân trần vác dao thản nhiên đi chăn dê trong sương lạnh rát thịt. Tôi cũng nhận ra: Sức sống người Mông ở Sà Phìn trên cao nguyên đá Đồng Văn mãnh liệt biết bao nhiêu.
Nhận xét
Đăng nhận xét