RA ĐÌNH XEM RÙA CÕNG HẠC, VÀO MIẾU THẤY RÙA ĐỘI BIA

Hẳn mọi người không lạ lẫm gì với hình tượng này. Trong hai kết hợp đó, rùa đều giữ vị trí nền, làm điểm tựa cho từng kết hợp.

1. RÙA

- Trong tâm thức người Việt:

Ai về thăm huyện Đông Ngàn
Ghé thăm thành Ốc, Rùa Vàng tiên xây


Rùa Vàng đã giúp An Dương Vương xây thành Ốc, rồi dâng lẫy nỏ thần cho vua đánh bại quân xâm lược Triệu Đà. Đến khi Mỵ Châu mắc kế Trọng Thuỷ, An Dương Vương thua chạy đến núi Mộ Dạ, Rùa Vàng lại từ biển hiện lên báo rằng: Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy. Vua rút gươm chém Mỵ Châu rồi rẽ nước xuống, về với cõi vĩnh hằng, kết thúc một chuyện tình bi sử.

Cũng có câu:

Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa
Có cầu Thê Húc có chùa Ngọc Sơn


Sự tích Hồ Gươm kể chuyện Rùa thần hiện lên trên mặt hồ để thu lại thanh gươm thần mà Rùa đã trao lại cho Lê Lợi đánh thắng quân Minh xâm lược.

Rùa thần trong tâm thức người Việt gắn với Nước và Vận mệnh của đất nước, phù hộ dân Việt đấu tranh đánh bại kẻ thù để giữ nền độc lập, đem lại cuộc sống an bình cho cư dân sống trên vùng đất lắm suối nhiều sông mà chủ yếu là trị thuỷ.

Ở một số bộ lạc khác trên đất Việt Nam, rùa đóng vai trò quan trọng trong nạn hồng thuỷ, lễ cầu mưa:

VD: Người Bahnar có câu chuyện "Chuyện chim diều và cua đấu nhau", cua bị diều mổ thủng mai, thần rùa giúp cua, dâng nước đánh thần diều gây nên nạn hồng thủy làm loài người chết sạch chỉ còn lại một cặp hai chị em. Rùa khuyên họ ăn ở với nhau để phát triển giống nòi. Người con trai tức giận chém chặt rùa ra từng mảnh. Song các mảnh đó tự gắn lại thành mai rùa.

Người Khơme Nam Bộ, đến kỳ hạn hán thường có lễ cầu mưa bằng cách đào hố cạnh cây bồ đề trong chùa, đặt hình tượng cá và rùa xuống hố rồi mời thầy cúng hoặc sư đến tụng kinh cầu mưa để cứu vớt chúng sinh thủy cư (rùa, cá) mà cũng là để kích động các thần linh ban mưa lành xuống. Rùa cũng là sự hóa thân của đức Ca Diếp (Kasyapa), vị tổ thứ nhất trong thần phả, vừa của đạo Phật, vừa của đạo Hinđu.

Ở Trung Quốc, rùa là sinh vật bí ẩn, đầy tính biểu tượng. Rùa là bản sao của vũ trụ: Mai rùa cong hình bầu trời, bụng phẳng hình mặt đất. Rùa là nhân vật chính của nhiều huyền thoại, huyền tích. Rùa không chỉ đội các bia đá ghi công đức của các vị hoàng đế xưa mà còn ngự trên các trụ đá dựng nơi lăng mộ. Ngày nay, người Trung Hoa miền Bắc vẫn tin rằng, muốn để mảnh đất sinh sống của mình được vững chãi an toàn, cần tạc những con rùa bằng đá chôn xuống đất và đặt những tấm đá nặng lên lưng rùa làm nền cho trời đất gắn chặt nhau, cuộc sống sẽ ổn định.

Như vậy, ở đâu rùa cũng là sinh vật thủy cư, đậm tính thiêng, biểu trưng của sự trường tồn, vững chãi, làm nền, bệ phóng cho nhiều báu vật vô giá về vật chất, tinh thần xuất hiện trong Trời - Đất và cho con người.

Ở Việt Nam, rùa không chỉ có ý nghĩa trị thủy mà còn gắn bó với sản xuất nông nghiệp (cầu mưa, hội nước). Đặc biệt, rùa còn có ý nghĩa trọng đại trong công cuộc giữ nước (Cổ Loa, Hồ Gươm), dựng nước, hưng danh văn hóa, trí thức của các bậc hiền tài (bia tiến sĩ) của dân tộc.


2. HẠC

Theo từ điển tiếng Việt, thì hạc là chim lớn, chân rất cao, cổ và mỏ dài, thường được làm biểu tượng cho tuổi thọ. Trong hệ biểu tượng học, còn có những sự kết hợp như: hạc - tùng, hạc - thạch (đá), hạc - lộc. Hạc cũng là biểu tượng cho trí tuệ (thiên hạc), người tài giỏi.

Ở Trung Quốc, hạc còn là một trong 5 biểu tượng của ngũ luân:
1. Phượng (quân - thần)
2. Hạc (phụ - tử)
3. Uyên ương (phu - phụ)
4. Lộ (con diệc, huynh đệ)
5. Chim chìa vôi (bằng hữu).

Hạc cùng với đào và lộc là tam bảo của Thọ tinh. Ông Thọ cầm quả đào cưỡi lộc hoặc cùng hạc bay về nơi Bồng lai tiên cảnh, cõi trường sinh an bình của Đạo giáo phương Nam.

Ở Việt Nam, hạc có hai loài: Hạc cổ trắng, thường gặp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, phần sau bụng và dưới đuôi trắng; hạc đen, gặp về mùa đông ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đầu, cổ, trên thân và đuôi đen, có ánh lục và tím, ngực, bụng trắng.

Như vậy, có thể thấy hình tượng hạc có ý nghĩa tuổi thọ, đức độ, trí thức, thanh cao, siêu thoát có tính Đạo giáo.

Nhưng, kết hợp Rùa - Hạc khá phổ biến ở Việt Nam trong các đình, đền, miếu thì ở Trung Quốc ít thấy được thể hiện. Có thể hiểu được rằng, đây cũng là biểu hiện của sắc thái đặc thù của văn hóa tâm linh người Việt. Cũng như bộ kết hợp Rùa - Bia, đặc biệt là bia tiến sĩ hưng danh trí tuệ dân tộc Việt, khá phổ biến ở Việt Nam mà ít thấy ở Trung Quốc. Có thể hiểu được chăng, đây là sự thể hiện lòng tôn trọng trí thức, trí tuệ trong công cuộc dựng nước của các bậc hiền nhân. Rùa ở đây không chỉ là biểu tượng của trường thọ, bền vững, bất thối chuyển mà còn có thể hiểu được mạch thần thoại Ấn Độ là bệ phóng đem lại báu vật vào loại quý giá nhất cho trần gian, đó là tri thức - trí tuệ.

Đó chính là sự tiếp biến văn hóa đặc thù của người Việt từ hai nguồn vanư minh lớn Trung Hoa và Ấn Độ.

Nhận xét