Suy nghĩ về tên gọi các kiểu nhà truyền thống ở miền Trung Việt Nam

Quảng Nam xưa là vùng đất đã hội tụ nhiều nền văn hoá, trong đó bản địa có: Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt và nền văn hoá du nhập từ Trung Hoa, Nhật Bản, Âu Châu. Nơi tiếp nhận được nhiều dòg văn hoá là khu đô thị cổ Hội An.


Ở Quảng Nam có hai loại kiến trúc, về kỹ thuật chịu lực trên cột(1) là nhà Rội/Rọi và nhà Rương/Rường và một loại thứ ba về ngoại hình là nhà Lá Mái.

1. Nhà Rội/Rọi: May mắn được những tài liệu: "Về những ngôi nhà từ vùng phía Nam sông Gianh đến Bình Định" của tác giả người Pháp Piere Gorou đã cất công nghiên cứu từ năm 1934 tại vùng Trung Trung Bộ Việt Nam. Với bản dịch đáng tin cậy của nhà nghiên cứu Đào Hùng (đăng trên Khoa học Công nghệ và Môi trường Huế). Tôi xin được đăng lại nguyên văn một đoạn trong thông tin bài dịch về nhà Rội ở vùng Quảng Trị. Hình cắt ngang cho ta thấy nét độc đáo của nhà Rội: Bộ vì kèo dựa trên một cột chính lên đến nóc, và không kết thúc bằng một thanh quá giang như ở nhà chữ đinh, ở đây chỉ có hai vì kèo, như vậy ngôi nhà dựa chủ yếu trên hai cột chính giữa. Một thông tin khác(2) của các nhà nghiên cứu Nhật Bản với điều tra vào tháng 9 năm 1994 tại Huế có giải thích Nhà Rọi: Là nhà có mặt bằng hình vuông, với các công trình tiêu biểu ở Huế là: Trường Du Tạ (công trình nằm trong khuôn viên của cung Diên Thọ, là nơi Thái Hậu lui tới để uống trà) một nhà khác gọi là Bình An đường, nhà riêng của Hoàng Hậu thời Vua Minh Mạng (nhà số 2 Đặng Thái Thân) một nhà khác (nhà của ông Phan Thuận An tác giả của nhiều công trình viết về kiến trúc Cố đô Huế cũng được xếp vào loại nhà Rọi. Phần mô tả về loại nhà này được thông tin thêm: Nhà có mặt bằng hình vuông với bước cột 3 gian x 3 gian. Gian giữa hơi rộng hơn các gian khác. Ngôi nhà có kiểu bốn mái... Kiểu nhà này có rất nhiều ở khu vực miền Trung Việt Nam, đặc biệt từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Kiểu nhà này thường hay được sử dụng trong nhà ở của các gia đình hoàng tộc trong đại nội hay cho Hoàng Hậu, Công chúa, có lẽ một phần là do cuộc sống không có tự do trong cung điện nên họ thích sống trong những kiểu nhà mộc mạc của nông dân... Ngoài ra, có thể nói kết cấu chính tại Hội An cũng có hình thức tương tự như kiểu nhà này. (Chữ in nghiêng là nguyên văn trong sách đã dẫn trên).

Từ hai thông tin trên người đọc sẽ hoang mang với hai từ Rội và Rọi. Nhưng khi đọc chương: Nhà ở dân gian trong vùng Huế - Bình Trị Thiên (xem trang 88 Kiến trúc và Khí hậu nhiệt đới Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kiến trúc, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, 1997) có tóm tắt rất cụ thể; "Nhà Rọi" có ba cột chôn sâu xuống đất, cột giữa cao thẳng tới nóc.

Như vậy từ hai mô tả ngắn gọn và giống nhau của Piere Gourou và của các kiến trúc sư chuyên gia nghiên cứu kiến trúc và khí hậu nhiệt đới Việt Nam ta đã rõ rằng: Ở Huế, Quảng Trị gọi là Rọi hay Rội, ở Quảng Nam gọi là Rội. Thế nhưng quan trọng nhất là về sự phân loại kiểu nhà của các chuyên gia kiến trúc Nhật Bản là nhà Rọi với nhà Rường chủ yếu khác nhau ở mặt bằng (hình vuông) và mái (bốn mái). Còn hai khẳng định của chuyên gia nghiên cứu kiến trúc Việt Nam và Piere Gourou thì sự khác nhau của Rội/Rọi và Rường/Rương là có cột chôn xuống đất với và cột giữa đâm thẳng lên kèo nóc đỡ đòn dông/đòn đông. Kiểu thức này ở Quảng Nam gọi là nhà Xuyên tâm và chủ yếu sử dụng trong loại nhà Rội (nhà bằng tre, gỗ) có niên đại sớm và hiện nay ít thấy. Như vậy, quan sát bản vẽ nhà của ông Phan Thuận An và Bình An đường ta thấy các cột đều được kê trên đá tảng sẽ mâu thuẫn nếu gọi kiểu nhà này là nhà Rọi (cột chôn xuống đất).

2. Nhà Rương/ Rường: Theo Pière Gourou nhà Rương: là loại nhà lớn hơn nhiều (Rương có nghĩa là cái hòm gỗ), cấu trúc phức tạp, giá trị đắt hơn nhiều; nó thuộc về các gia đình khá giả. (Lời dịch của Đào Hùng trang 92, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 4(34), 2001). Tại Quảng Nam loại nhà này cũng bằng gỗ các cột đều kê trên đá tảng, ở vùng thấp lụt nhà thường có một sàn gỗ lắp đặt trên “trính” của gian giữa hoặc hai gian đầu hồi, là một phần gác nhỏ làm nơi chứa đồ (chủ yếu lương thực) để tránh lũ gọi là Rầm. Thường hình thức giống như cái hòm, cái rương mà Pière Gourou đã mô tả. Khi trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thông, nhà nghiên cứu văn hoá Huế thì có khả năng Pière Gourou đã nhầm phát âm Rương và Rường,(3) cũng cần giải thích thêm về chữ "Rường": nghĩa là ràng lại, buộc trói lại; ta có câu: "Thanh niên là rường cột nước nhà" và cũng xuất phát từ Hán Việt là Lương Đống; vậy từ một kỹ thuật dựng nhà đơn giản ban đầu cột chôn xuống đất đến kỹ thuật phức tạp hơn không cần chôn xuống đất (dễ bị hỏng, mặt bằng sinh hoạt bị bó hẹp do nhiều cột và về thẩm mỹ) người ta đã nâng lên kỹ thuật cao bằng giải pháp liên kết các cột với nhau bằng xà, xuyên (thượng, hạ), như vậy là người xưa đã biết "ràng" các cột lại tạo thế vững vàng khi đặt các cột này trên đế kê bằng đá.

3. Nhà Lá Mái: Cũng tại vùng Quảng Trị Pière Gourou đã bắt gặp một loại nhà phổ biến, loại nhà rương lợp tranh nhưng đặc biệt mái nhà có hai lớp, gồm một mái đầu tiên bằng đất nện để khô và một mái thứ hai lợp tranh, đỡ bằng những phên đan thô sơ được bó đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái đạt mức tối đa ở trên nóc (40 cm). Cấu trúc đó có vẻ hợp lý, nhưng người ta không biết sử dụng ở phía Bắc sông Gianh, loại mái hai lớp bằng đất và bằng rơm đó người Việt gọi là "mái xông"... loại nhà được mô tả trên ở Bình Định gọi là nhà Lá Mái và trước đây đã tồn tại rất nhiều (dân gian có câu: "Phú Yên tốt lúa, Bình Định tốt nhà”...). Ở Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi hiện nay cũng còn một số nhà và thú vị nhất trong khi đi đo vẽ ngôi nhà cụ Huỳnh Anh (thôn 4, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước miền Trung du) ở tỉnh Quảng Nam, được biết rằng ngôi nhà của cụ trước năm 1941 là nhà Lá Mái, sau đó cụ đã phá phần mái đất và tranh đi để lợp ngói (ngói mua từ Hội An chở lên bằng đường sông, cập bến ở Tam Kỳ và sau đó chuyển bộ lên nhà ở Tiên Phước khoảng 25 km).

Vậy nhà Lá Mái là một loại nhà Rường được chạm khắc công phu tỉ mỷ ở bên trong, thuộc sở hữu những người giàu. Có thể ở nơi xa trung tâm sản xuất ngói lợp mái, người ta sẽ lợp tranh, nhưng tranh dễ cháy vì vậy người xưa đã có phương cách chống cháy(4) cũng như chống nóng hữu hiệu bằng cách làm thêm mái đất ở bên dưới. Vùng đất Quảng Trị nơi mà Pière Gourou đã gặp kiểu nhà Lá Mái là vùng đồi đất đỏ Bazan gần biển (cửa Tùng) với địa hình ở đồi cao, dốc, vì nếu nhà trên đồi bị hoả hoạn thì khó chuyển nước lên để chữa cháy. Đồng thời, vùng này cũng xa trung tâm sản xuất ngói lợp. Tạm suy nghĩ rằng phải chăng kiến trúc này là hình ảnh hồi cố của người Chăm, mà không riêng gì ở Bình Định, trung tâm của loại nhà Lá Mái, mà ngày trước cũng còn xuất hiện ở Quảng Nam, Bình Trị Thiên nữa.

Từ những điều nêu trên chúng tôi thấy nghiên cứu nhà ở dân gian truyền thống miền Trung nên đứng ở xứ Quảng nhìn ra phía Bắc Hải Vân với kiến trúc cung điện, xa hơn là nông thôn Thừa Thiên Huế, Quảng Trị (nhà Rội, nhà Rường, nhà Mái xông) và về phía Nam quay vào Quảng Ngãi, Bình Định (nhà Lá Mái). Cuối cùng việc gọi tên các kiểu nhà xưa cần có sự giúp đỡ của nhà ngôn ngữ học nghiên cứu đặc trưng về cách phát âm và ngữ nghĩa của từng vùng.



Nguyễn Thượng Hỷ

____________________

1) Tại Việt Nam với các kiến trúc là nhà ở chủ yếu có hai kỹ thuật chịu lực:

- Một, trên các cột (cột chôn xuống đất hay cột có đế)

- Hai, chịu lực trên thân tường - nhà của dân tộc Hà Nhì gọi là nhà Trình Tường. Nếu phân chia loại nhà theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản là nhà dân gian truyền thống ở Huế đã có 3 loại: Nhà Rường, Nhà Rọi và nhà Phố là không hợp lý. Bởi lẽ về phương diện kỹ thuật học thì việc phân loại nhà Rường và nhà Rọi là đúng, nhưng thêm nhà Phố thì lạc qua về vị trí dựng nhà và công năng sử dụng, mà ta biết nhà Phố ở trong nội và ngoại thành Huế cũng là nhà Rường.

2) Đọc "Kiến trúc phố cổ Hội An Việt Nam", Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2003. Chương 10: Đặc trưng kiến trúc của nhà phố cổ Hội An - những yếu tố nào cần thiết phải bảo tồn (trang 169 - 171) thuộc Viện Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế Trường Đại Học Nữ Chiêu Hoà, Nhật Bản.

3) Có một loại nhà kết hợp giữa Rường và Rọi gọi là Thượng Rường Hạ Rọi, kiểu nhà này có ba cột và ba trụ gắn đứng trên dầm (cột giữa đỡ quá giang, trên lưng quá giang là trụ đội đỡ kèo nóc).

4) Khi phỏng vấn cụ Đình Thạch - một người thợ mộc thuộc phường mộc ở làng Vân Hà, xã Tam Thành, huyện Tam Kỳ nổi tiếng về thi công những ngôi nhà ở phía Nam Quảng Nam (các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước) đến tận Quảng Ngãi, thì được biết rằng khi nhà Lá Mái bị cháy thì người ta chỉ cần đốt đống lửa nhỏ bên trong nhà để tạo nên sự cân bằng về áp suất không khí không cho luồng lửa táp vào trong nhà và dĩ nhiên phần mái tranh bên trên cứ cháy, phần mái đất ở giữa ngăn cách rất an toàn cho bộ khung chạm trổ đẹp ở bên dưới cũng như vật dụng quý giá ở bên trong nhà.

Nhận xét