THÀNH ĐẠI LA
Cao Biền tưởng chiếm đất này dài lâu.
Nào ngờ mấy chục năm sau,
Vùi quân xâm lược dòng sâu Bạch Đằng" ./.
Thành Đại La là một kiến trúc vĩ đại, có đầu tiên ở trên đất này. La thành không phải là một tên riêng, chỉ có nghĩa là một bức thành lớn bao quanh một bức thành nhỏ ở bên trong. La thành có từ đời nhà Đường bên Trung Quốc, những căn cứ của những đất đã chiếm được đều đắp hai lần thành, thành ngoài gọi là La thành.
Suốt cả thời kỳ Bắc thuộc (111 trước Công lịch đến 939 sau Công lịch), bọn vua quan phong kiến Trung Quốc sang xâm lược nước ta đều đóng căn cứ địa ở mấy nơi bên tả ngạn sông Hồng, như Liên Lâu (Tiên Du, Bắc Ninh), rồi đến Long Biên (phía Bắc sông Đuống). Đến đời Đường, thường có quân Chà Và ở ngoài bể tràn vào và quân Nam Chiếu ở mạn Vân Nam tràn xuống, kéo đến vây đánh phủ Đô hộ; hơn nữa nhân dân không chịu nổi sự áp bức bóc lột của bọn xâm lược, cũng thường nổi lên chống đánh. Năm 824, Đô hộ là Lý Nguyên Gia, tin theo thuyết phong thuỷ, cho rằng trước cửa thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, nên nhân dân hay nổi lên "làm phản". Lý Nguyên Gia bèn rời phủ trị sang địa phận huyện Tống Bình, gần sông Tô Lịch. Lúc đầu chỉ xây một toà thành nhỏ, sau đó nhận thấy nơi ấy có địa thế hiểm yếu, liền lập phủ trị vĩnh viễn ở đó, đắp rộng cao thêm thành, làm cho dân ta hồi đó phải phục dịch rất khổ sở.
Đến năm 866, nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ làm Tĩnh Hải quân, sai Cao Biền sang làm Tiết độ sứ. Cao Biền là một tướng có nhiều tài lược và mưu trí, đã dùng nhiều thủ đoạn để loè nạt dân chúng, như việc phá những thác ngầm ở dọc sông: đêm đến, hắn cho đục đá đặt thuốc nổ, làm nổ tung những thác ấy, rồi nói phao lên là vì trời giúp vua Đường sai thiên lôi xuống phá thác, làm cho nhân dân sợ hãi. Muốn củng cố thêm căn cứ thống trị, Cao Biền cho đắp lại thành Đại La, bốn mặt dài hơn 1.982 trượng linh 5 thước, cao 2 trượng linh 6 thước. Muốn ngăn ngừa không cho nước sông Tô, sông Hồng tràn vào phủ trị, Cao Biền lại cho đắp một đường đê bao bọc ở ngoại thành, dài hơn 2.125 trượng linh 8 thước, cao 1 trượng, dày 2 trượng, trong thành cho nhân dân làm nhà ở hơn bốn chục vạn nóc. Đường đê bao ngoài thành gọi là Đại La thành, cũng gọi là Ngoại La thành.
Với Cao Biền, ngày nay ở dân gian ta vẫn còn những truyền thuyết hoang đường, như nói Cao Biền thấy ở đất Giao Châu ta có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thuỷ đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu. Vì vậy, ở nông thôn, làng nào có nhiều giếng khơi, người ta vẫn nói đó là giếng do Cao Biền đào ra. Lại như, mỗi khi thấy người nào yếu sức, tay chân cử động run rẩy, thường vẫn nói câu đã gần thành tục ngữ: "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non". Người ta giải thích là Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh" nghĩa là mỗi khi cần có quân lính đi đánh dẹp, không cần mộ người chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, rồi ủ kín, đọc một trăm lần thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hoá thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thần chú còn thiếu, khi mở ra những hạt đậu đã thành lính nhưng đều còn non chưa đủ sức, đứng lên không vững. Lại còn chuyện nói Cao Biền đắp La thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở; một đêm Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi chạy lại như bay, rồi bảo cho Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành xong, Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã. Đền thờ ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm.
Từ năm 939, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, nước ta bắt đầu độc lập tự chủ, nhưng đời Ngô Vương Quyền lại đóng đô ở Cổ Loa, hai đời Đinh, Lê thì đóng đô ở Hoa Lư, thành Đại La trở nên hoang phế. Mãi đến năm 1010, Lý Thái Tổ mới dời kinh đô đến đó, nhưng lại đắp một thành khác nhỏ hẹp hơn gọi là thành Thăng Long. Nền cũ của thành Đại La, phần lớn không còn lại dấu vết, chỉ còn nhận thấy những khoảng từ Thanh Nhàn (giáp Thanh Trì) đi lên cửa ô Cầu Dền sang ô Chợ Dừa, rồi thẳng đến ô Cầu Giấy, ngược lên đến làng Bưởi. Năm kia, ta đã cho theo dấu cũ ấy, sửa chữa lại nhiều nơi, đắp cao lên làm thành thân đê, đề phòng nạn lụt. Còn phần đê La Thành về phía sông Hồng, từ đời Lý đã nhập vào với đê Cơ Xá, và từ đời Trần đã nhập vào với đê Quai Vạc, chuyên ngăn nước sông Hồng.
Đê Đại La thành này khi còn độc lực giữ việc chống nước lụt cho nội thành, thường bị sạt lở. Năm 1243, đời vua Thái Tôn nhà Trần, nước sông Hồng lên to quá, phá vỡ một đoạn thân thành, làm cho nội thành bị ngập lụt. Cũng từ đó, các đời vua Trần mới nghĩ đến việc đắp đê quai vạc suốt từ đầu nguồn trở xuống cho đến miền bể, dọc hai bên bờ sông Hồng.
Bài thơ "Điếu cổ La thành" của nhà thơ Tế Xuyên, đời cuối Lê đã mai mỉa dã tâm xâm lược của Cao Biền, tốn công, nhọc lòng đắp nên thành ấy, kết cục bọn phong kiến thống trị Trung Quốc đều phải diệt vong. Sau chiến công trên sông Bạch Đằng năm 939, nước ta hoàn toàn tự chủ. Bài thơ đại ý như sau:
"Đại La thàn tốn công xâyCao Biền tưởng chiếm đất này dài lâu.
Nào ngờ mấy chục năm sau,
Vùi quân xâm lược dòng sâu Bạch Đằng" ./.
Doãn Kế Thiện (Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội)
Nhận xét
Đăng nhận xét