Chuyển đến nội dung chính

TÓM LƯỢC NHỮNG KIẾN GIẢI về đặc điểm địa lý, lịch sử Việt Nam ảnh hưởng và liên quan đến các công trình kiến trúc, di tích

1. Đặc điểm địa lý:

- Việt Nam thuộc miền khí hậu nhiệt đới, địa hình kéo dài; có biển, đồng bằng, cao nguyên và rừng núi.
- Việt Nam trải dài, hẹp, địa hình phức tạp, nhiều sông suối, kênh rạch...
=> Công trình kiến trúc VN thường hòa vào với thiên nhiên để tồn tại, không thể vươn lên thách đố thiên nhiên.

=> Do ảnh hưởng của thuyết "phong thuỷ" du nhập từ Trung Hoa nen các công trình kiến trúc di tích của VN thường lựa theo sườn đồi, gò, thềm sông, suối để nhìn ra một dòng nước lấy thế "tay long", "tay hổ" làm tán, làm gốc.

- Việt Nam nằm ở vành đai nóng, độ ẩm cao, mưa lớn, gió và sương muối, nhiệt độ thay đổi theo mùa, bão lụt... => công trình kiến trúc VN không thể vươn về chiều cao, mái lợp tránh mưa, gió phải dùng ngói liệt, ngói bò, ngói vẩy cá, ngói mũ hài... để tránh mưa, làm dịu mát di tích kiến trúc vào mùa hè oi ả.

- Khí hậu, địa hình tác động làm cho vùng miền núi bố trí theo chiều dọc, đồng bằng Bắc Bộ trải theo chiều ngang, hiên rộng, cấu trúc thấp... Huế đầy gió, nóng và bão, nên phải có hiên, xung quanh có vườn cây xanh để ngăn cát biển và nắng nóng từ phía Tây Nam thổi lại. Nam Trung Bộ phải dùng gạch mộc, đá để chống với bão, lũ, lụt, úng...

- Khí hậu 4 mùa, gắn với mùa màng và kinh tế, nên người Việt thường du xuân (theo mùa):
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
=> sự quá tải về người thăm công trình kiến trúc là có lý! Nên cũng dễ bị hư hại...

2. Đặc điểm lịch sử:

- Nước Việt Nam đa dân tộc, quá nhiều lớp niên đại (sơ kỳ đồ đá cũ, trung kỳ, hậu kỳ đồ đá mới, thời đại kim khí...).
- Thuộc "nền văn minh lúa nước", sản xuất nhỏ
- Trải qua quá nhiều cuộc đấu tranh giữ nước.
- Đa dân tộc với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng

=> Công trình kiến trúc có nhiều lớp niên đại, phong phú thể loại:
+ Kiến trúc quân sự: Thành đất (Cổ Loa), thành gạch (Thành nhà Mạc), thành đá (Thành nhà Hồ), phòng tuyến (Như Nguyệt, Tam Điệp - Biện Sơn), ải Chi Lăng...
+ Kiến trúc dân dụng: Khu phố Hội An, phố cổ, nhà ở, lăng mộ, làng cổ, giếng, cầu...
+ Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng: Chùa, đình, đền, miếu, nhà thờ, tháp...

- Những biến cố xã hội (hưng thịnh, suy vong của các triều đại trong lịch sử) => khiến các công trình kiến trúc di tích thường xuyên chịu sự trùng tu, tôn tạo qua nhiều lớp văn hóa của mỗi thời đại.

- Dân ta chưa ý thức được công tác bảo vệ, giữ gìn. Thiên về khai thác, có khi xâm lấn, khiến di tích dần bị thu hẹp diện tích.
- Ảnh hưởng của quá nhiều dòng chảy văn hóa nên sự hòa trộn là có.

==> Những yếu tố, nhân tố trên đã tác động khiến cho các công trình kiến trúc ta thiên về giá trị nhân văn, nhiều hơn là giá trị về quy mô, kích thước. Biết vận dụng và gắn với điều kiện thiên nhiên, xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển, âu cũng là những giá trị bất biến, nội hàm tư tưởng đáng được trân trọng và tôn vinh! 

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ được xây cùng thời với thành Hà Nội dưới triều Nguyễn (đầu thế kỉ XIX - 1812). Cột cờ là kiến trúc gồm:

- Tầng 1: Mỗi chiều 42,5m; cao 3,1m

- Tầng 2: Mỗi chiều 27m; cao 3,7m; có 4 cửa
(trừ cửa Bắc, 3 cửa còn lại đều có đắp 2 chữ tuỳ theo từng hướng:
+ Cửa Đông - Nghênh Húc (đón nắng ban mai)
+ Cửa Nam - Hướng Minh (hướng về ánh sáng)
+ Cửa Tây - Hà Quang (ánh sáng chiếu về)

- Tầng 3: Mỗi chiều 12,8m; cao 5,1m

Từ tầng 1 đến tầng 3 đều có cầu thang dẫn lên.

Phần cột: Hình trụ có 8 cạnh; mỗi cạnh 2,13m; thân dài cao 18,2m. Trụ hình thang xoáy trôn ốc gồm 54 bậc; được rọi sáng bằng 45 ô cửa giả hình hoa thị (39 ô), hình cánh quạt (6 ô) theo cách cạnh.

Phần trên của trụ 8 cạnh cao 3,3m có 8 cửa. Một trụ tròn, đường kính 0,4m; cao 3,3m nhô lên giữa để cắm cán cờ.

Toàn phần xây từ đế đến trụ này cao 33,4m.




Tháp Bút


Trước khi qua cầu Thê Húc để vào đền Ngọc Sơn, ta sẽ vào qua một cái cổng, bên trái sừng sững một tháp bằng đá, được xây trên ngọn núi cũng do đá xếp thành. Núi này có đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có 5 tầng, cạnh đáy tầng 1 là 2m, lên đến tầng 5 là 1,2m. Cả 5 tầng cao 28m. Trên tầng 5 có ngọn bút lông, cả cán và ngòi cao 0,9m. Như vậy, tổng cộng ngọn tháp cao 28,9m. Đó chính là cụm kiến trúc Tháp Bút.

Tháp Bút được xây dựng năm 1866, trên ngọn núi chồng bắng đá có tên là núi Độc Tôn. Theo ý tưởng của người thiết kế, tháp "tượng trưng cho nền văn vật" (văn vật là văn hóa và chính trị).

Trên thân của 3 tầng giữa, mặt phía Bắc có khắc theo chiều dọc ba chữ Tả Thanh Thiên có nghĩa là Viết (lên) trời xanh. Không ít người giải nghĩa là "giãi bày tấm lòng với trời xanh", rồi "cảm hứng đầy tráng khí", và "tâm hồn rộng mở bao la", "đặt câu hỏi với trời xanh"... thậm trí có khi còn hiểu là Đả Thanh Thiên tử tức là đánh vua nhà Thanh (!?).

Thực ra, cụm kiến trúc này vừa biểu dương văn chương, đồng thời là biểu dương võ công, nhưng không kêu gọi đả Thanh thiên tử (!) mà là võ công của chúa Trịnh trong việc dẹp cuộc khởi nghĩa của quận Hẻo Nguyễn Danh Phương. Đây mới là ngụ ý của những người thiết kế, vì Tháp Bút dựng trên một cái gò chất đầy đá hộc. Gò tượng trưng cho ngọn núi, núi có tên là Độc Tôn. Núi là biểu tượng của chiến công, tháp là biểu tượng của văn vật. Nên, cả hai làm nên nền văn vật!


Hay, về Cầu Thê Húc:


Ta thử đặt ra câu hỏi: "Tại sao cầu Thê Húc lại được sơn màu đỏ?"

Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, nhưng là cả một vấn đề lớn - vấn đề tín ngưỡng tâm linh, vấn đề về thế giới quan...

Nhà văn Băng Sơn viết: Cầu Thê Húc như chiếc lược đỏ chải vào sóng nước xanh lục của Hồ Gươm. Cầu Thê Húc như một điểm nhấn không thể thiếu được của bức tranh thủy mặc giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn vật!

Để lý giải câu hỏi trên, KN xin được đưa ra một vài kiến giải như sau:

- Thê Húc có nghĩa là đậu (hoặc hứng, đón) ánh nắng ban mai về miền đất thánh thiện từ Đông sang Tây.

Cầu Thê Húc hướng về phía Đông, hướng về phía mặt trời mọc để đón được toàn vẹn nguồn dưỡng khí ấy. Với ý nghĩa ấy, nên xưa nay cây cầu mang màu đỏ - màu của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc, của ước vọng truyền đời từ thời cổ đại đến nay - cây cầu Thê Húc - biểu tượng của thần mặt trời!

Cả một quần thể di tích nằm trong không gian đầy huyền thoại của Hồ Gươm đều mang dấu ấn về tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Từ Đài nghiên, Tháp bút cho đến cây cầu Thê Húc... từ việc chọn hướng đến cấu trúc, màu sắc, biểu tượng cho đến sự liên hoàn giữa các di tích đều ẩn chứa yếu tố linh thiêng này.

- Một góc nhìn khác - góc nhìn của thẩm mỹ dân gian thì cây cầu Thê Húc chỉ có thể có một cách chọn lựa duy nhất là sơn màu đỏ, không thể khác!

Với điều này, nhà phê bình mỹ học Vũ Ngọc Anh: "... Đúng là cái cầu này đứng giữa thanh thiên bạch nhật thì lúc nào nó chẳng có ánh nắng rọi vào. Tứ thời bát tiết, trong những khung cảnh riêng nào đấy, hình bóng nó cũng mỗi lúc một khác..."

Quả là sự tài tình, khéo léo của cha ông ta khi đặt chọn vị trí, màu sắc và bố cục cho một di tích hoàn mỹ; đẹp như một lẵng hoa trong lòng Hà Nội - nơi lắng đọng những thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội, nơi vừa biểu hiện sinh động, vừa linh hóa những giá trị lịch sử - văn hóa Việt Nam!

Nhân đây, xin bổ sung những điều cần biết để bạn đọc hiểu thêm về tín ngưỡng thờ thần mặt trời của người Việt:

Đối với con người Đông Á - cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, gắn với cỏ cây, sông nước, núi rừng và biển cả thuộc khu vực nhiệt đới, gió mùa. Những nhịp đập của tự nhiên, từ mặt trăng tới con nước thủy triều, từ mặt trời có quầng, có tán tới hạn hán, bão lụt, cơn gió mùa đông lạnh thấu xương... đều có mối quan hệ nhân quả đối với cuộc sống con người.

Mọi biến đổi từ trời đất mà trực tiếp là từ mặt trời, mặt trăng đều tác động đến mọi sinh vật, mọi trạng thái sự sống (bệnh tật, tính cách, dáng vẻ...). Nhịp điệu sinh học của con người là một tiểu vũ trụ hay đó chính là một hình ảnh thu nhỏ của trời đất!

Quá trình khai khẩn, quai đê lấn biển về hướng Đông - hướng mặt trời mọc của cư dân Việt cổ khiến cho tín ngưỡng thờ mặt trời bám rễ sâu vào đời sống tâm linh người Việt cổ.
Nhờ đó mà tín ngưỡng này thể hiện trong cách tính lịch theo mùa, coi sức khỏe con người theo nhịp điệu của vũ trụ với những chu kỳ khác nhau theo thời gian, thời tiết, đến cả những tập quán trồng trọt, chăn nuôi...

Dấu ấn ấy không chỉ ẩn chứa ở hướng, màu sắc của cây cầu Thê Húc, của những nghi thức dân gian mà ngay cả những họa tiết, hoa văn trên mặt chiếc trống đồng Ngọc Lũ - biểu tượng của văn hóa Việt Nam./.

KHÔNG GIAN DI TÍCH



Nói tới không gian di tích là phải chú ý đến địa thế, thuyết phong thuỷ, cây cỏ và nhiều vấn đề khác...

Người Việt, về cơ bản là nông dân, sống tại nông thôn, mang tư duy nông nghiệp, "chìm" trong chu trình thời gian, "khép kín" theo mùa màng trong năm. Mặt khác, sự phân hóa xã hội chưa mạnh, thần linh chưa được đẩy lên cao mà còn luẩn quẩn với con người trong cuộc sống thường nhật, cho nên kiến trúc của người Việt vừa có ý thức dàn trải theo mặt bằng (phát sinh từ ý thức muốn mở mang đất đai). Đồng thời không có xu hướng chiều cao, nhưng vẫn ấm cúng, uyển chuyển, mềm mại, lặp đi lặp lại, đầy chất trữ tình.

Trong tư duy "mênh mông tràn vũ trụ" bắt nguồn từ thời cổ đại, người Việt đã lấy "hoà" làm trọng, vì thế kiến trúc của người Việt không thể thiếu cây cỏ, như một ý thức muốn hòa mình vào thiên nhiên để tồn tại.

Người Việt ít dựng kiến trúc theo chính hướng, thường hay bị lệch đi chút ít, vì thế gọi là hướng Nam chứ không mấy khi gọi là hướng chính Nam, có nghĩa là phương hướng chỉ có tính chất tương đói. Trong đó người xưa quan niệm:

=> Hướng Đông: nơi mặt trời mọc, mà mặt trời là nguồn sinh lực vô biên, mang sức sống khởi nguyên và vĩnh cửu. Nên hướng chính Đông là hướng của thánh thần. Nhiều di tích ở miền Nam thường quay hướng Đông để đón sinh khíe, nhưng các kiến trúc ở miền này lại đảm bảo không để cho ánh nắng ban mai rọi vào bàn thờ. Còn kiến trúc ngoài Bắc thường được làm theo kiểu ngang, khởi đầu không có tường bao, vì thế để ánh nắng ban mai rọi vào bàn thờ là điều rất kiêng kỵ. Khiến hồn thần tán mà không tụ. Bởi vậy, di tích ngoài Bắc ít chú ý dựng di tích nhìn về hướng Đông. VD: Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc mang ý nghĩa đón ánh nắng ban mai từ hướng Đông, nhưng ngôi đền lại quay về hướng Nam.

=> Hướng Bắc: Là hướng giá rét, đồng thời mang tính hắc ám nên hầu như không có di tích cổ truyền nào quay về hướng này, ngoại trừ chùa vong hồn ở các nghĩa trang, bởi quan niệm xưa cho rằng "âm ngược dương".

=> Hướng Tây: Là hướng Âm. Thần ngồi về hướng Tây là hợp với quy luật Âm Dương đối đãi, lưng (âm) hướng về (Đông), tay trái (âm) đi về hướng Nam (dương), tay phải (dương) đặt hướng Bắc (âm). Đó là điều kiện để thần yên vị, lúc nào cũng có mặt để bảo vệ con người.

=> Hướng Nam: Quan niệm của người xưa "lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng Nam", đó là hướng mát mẻ, khô ráo. Một quan niệm khác: "Thánh nhân nam diện nhi thích thiên hạ", đó là hướng của thần thánh và của đế vương, mang ý nghĩa nghe lời của chúng sinh mà ban phát ân huệ. Đây là hướng đề cao thần thánh.

Mặt khác, hướng Nam cũng là hướng Bát nhã (tức trí tuệ). Có trí tuệ mới diệt được ngu tối, mà ngu tối là mầm mống của tội ác. Như vậy đây là hướng của thiện tâm, của sinh khí linh thiêng.

Ở nước ta, các di tích cổ truyền thường theo hướng Tây và Nam, nhiều khi lại quay hướng Tây Nam để đạt được 2 điều tốt đẹp của cả hai hướng. Sau TK 18, nền kinh tế nông nghiệp truyền thống bị phá vỡ dần, nền kinh tế thương mại phát triển nên nhiều di tích đã thay đổi chủ nhân. Người ta chú ý đến con đường, dòng sông... nên hướng di tích nhiều khi mang tính thực dụng mới: Quay mặt ra đường, ra sông. Hướng ban thờ của tổ tiên cũng thường theo hướng chung của di tích như trên.

Nhận xét