Khi nói đến Sài Gòn với những di tích kiến trúc có tính đặc trưng, độc đáo không ai không liên tưởng đến Dinh Thống Nhất với vai trò lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, vị trí được xác lập trong giao lưu kinh tế, chính trị, xã hội đối với toàn vùng Ðông Nam á cũng như trên thế giới.
Mặt tiền của Dinh Thống Nhất nằm trên ngã ba đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Lê Duẩn. Khuôn viên rộng 15ha. Trên mặt bằng này, ngày 23.2. 1868, đô đốc thực dân Pháp De lagrandière làm lễ đặt viên đá đầu tiên, đặt tên là Dinh Norodom. Dinh Norodom được xây dựng và hoàn thành sau đó 3 năm, đây là cơ quan biểu thị cho bộ máy cai trị Pháp trên toàn cõi Ðông Dương.
Thời Pháp thuộc đây là trụ sở của các vị thủ hiến người Pháp được dân Nam gọi là dinh Thống Soái, và người Pháp gọi là Palais Norodom. Năm 1865 tờ Courier de Saigon viết: “Những nghiên cứu đầu tiên liên quan đến việc xây cất một dinh thự dành làm trụ sở vĩnh viễn cho quan Thống đốc bắt đầu thực hiện để thay thế cho những nhà bằng ống tạm thời”. Và dinh Thống Soái là một trong những dinh thự đồ sộ được xây dựng với mục đích đó, theo bản vẽ của kiến trúc sư Hermite (Hermite cũng là người phác thảo đố án tòa thị sảnh Hương Cảng). Theo sử liệu, viên đá đầu tiên của dinh Thống Soái do đô đốc De Lagrandière tự tay đặt vào ngày 23-2-1863. Viên đá lịch sử này là khối đá lấy ở Biên Hòa, hình vuông rộng mỗi cạnh 50cm, có lỗ, bên trong chứa những đồng tiền hiện hành thuở ấy bằng vàng, bạc, đồng, có chạm hình Napoléon đệ tam. Vật tư xây cất phần lớn được chuyển từ Pháp sang. Do chiến tranh Pháp-Ðức (xảy ra năm 1870) nên công trình này kéo dài mãi đến năm 1873 mới xong, riêng việc trang trí dinh phải kéo dài hai năm sau (1875). Lúc bấy giờ đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) còn gọi là đại lộ Norodom vẫn còn bùn lầy, ẩm thấp. Dinh này được coi là một công thự đẹp nhất ở Á Ðông. Mặt tiền rộng 80m, bên trong có phòng khách có thể chức đến 800 người. Chung quanh là khu vườn rộng lớn trồng đủ loại cây cỏ rất ngoạn mục. Ngay trước mặt dinh, dưới chân cột cờ có đặt một khẩu thần công kiểu cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp oai nghiêm cho công thự.
Nhiều biến cố chính trị đã xảy ra tại đây suốt gần một thế kỷ dưới sự thống trị của thực dân Pháp. Sau thất bại Ðiện Biên Phủ và Hiệp định Genève 1954, Dinh Norodom được trao lại cho Việt Nam. Năm 1954, Ngô Ðình Diệm được người Mỹ đặt ngồi vào Dinh Norodom. Ngày 26/10/1956 Dinh Norodom đổi tên là “Dinh Ðộc Lập”, tức Phủ Tổng Thống. Sau ngày hai viên phi công của không quân Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc ném bom xuống Dinh Ðộc Lập (ngày 27/02/1962) làm thiệt hại nặng nề. Vì lối kiến trúc quá cổ và vị hư hại nhiều nên Diệm quyết định phá hủy toàn bộ dinh Norodom để xây dựng lại một dinh hoàn toàn mới gọi là dinh Ðộc Lập.
Thời gian xây cất kéo dài gần 3 năm: ngày 31-10-1966 việc xây dựng dinh hoàn tất. Trong thời gian xây dựng, có 6 tháng công việc bị đình trệ do nội bộ chính quyền Sài Gòn lục đục đánh nhau rồi đảo chính, nhất là sự kiện Ngô Ðình Diệm bị lật đổ và bị giết chết vào tháng 11-1963.
Diện tích khu này khoảng 12ha, diện tích mặt bằng dinh khoảng 2.000m2. Tòa nhà có diện tích 4.500m2, gồm1 tầng nền, 3 tầng chính, 2 gác lửng, 1 sân thượng đúc có thể làm bãi đáp cho máy bay trực thăng, trên 100 phòng ốc, 4000 ngọn đèn, 400 đường dây điện thoại nội Dinh, 1 tầng hầm kiên cố, 1 đài phát thanh dự phòng, 1 phòng chỉ huy tác chiến…. Tác giả công trình này là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người từng đoạt giải Khôi Nguyên Kiến Trúc ở La Mã. Về kiến trúc, theo kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thì từ sự xếp đặt bên trong cho đến phần tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho một truyền thuyết cổ truyền phương đông, một nghi lễ thần thánh theo phong tục tập quán của dân tộc. Chúng ta có thể nhận thấy rằng, bình diện của toàn thể Dinh độc Lập được hình thành từ chữ Cát khi tâm của tòa nhà là phòng trình ủy nhiệm thư có thể so sánh như vị trí của điện Thái Hòa ở đại nội cố đô Huế.
Ngày 8-4-1975 phi công Nguyễn Thành Trung dùng máy bay Mỹ ném hai quả bom làm sập cánh trái dinh, sau đó bay luôn ra vùng giải phóng. Sức tiến công thần tốc của quân giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm cho quân đội Sài Gòn không còn sức chống đỡ: Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống, giao quyền lại cho Trần Văn Hương, sau đó Hương lại giao vào tay Dương Văn Minh. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lữ đoàn 203 xe tăng thuộc quân đoàn 2 dưới sự hướng dẫn của cô gái giao liên đất thép Củ Chi Nguyễn Trung Kiên (còn gọi là Cô Nhíp) tiến thẳng vào Dinh Ðộc Lập. Lúc lá cờ cách mạng tung bay trên dinh cũng là lúc toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn dưới sự điều khiển của Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Dinh Ðộc Lập trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, dinh Ðộc lập là nơi làm việc của Ủy ban Quân Quản thành phố Sài Gòn. Tháng 12-1975 tại đây diễn ra hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước. Cũng tại nơi đây đã diễn ra những cuộc họp quan trọng của Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, một số các đoàn thể để bàn việc thống nhất các tổ chức. Với ý nghĩa lịch sử đó Dinh Ðộc lập đổi tên thành Hội trường Thống Nhất.
Một đêm nào đó, nhất là vào những dịp lễ hội, ngắm Dinh Thống Nhất rực rỡ ánh đèn và những chùm pháo bông tỏa sáng, đối với du khách, Dinh Thống Nhất được khoác lên một biểu tượng mới: Không khí hòa bình đang trùm phủ khắp quê hương Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét