Đi Gò Công xem nhà cổ nghe chuyện Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà


Đi Gò Công xem nhà cổ nghe chuyện Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà Trong 20 di tích cấp quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì Gò Công (gồm huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông) có đến 7, đó là: Chiến lũy Pháo đài, đình Đồng Thạnh, đền thờ Trương Định (Gò Công Đông), lăng Hoàng Gia, nhà Đốc phủ Hải, đình Long Trung, lăng mộ và đền thờ Trương Định (thị xã). Gò Công còn là địa phương có nhiều đặc sản vật nổi tiếng, chính vì vậy, về thăm Gò Công là một chuyến đi nhiều thú vị.
Đền thờ anh hùngTrương Định. Ảnh: chixjur
Từ Cần Thơ, theo quốc lộ 1 đến ngã ba Trung Lương, quẹo phải theo tỉnh lộ 24 đi thêm 35 km nữa ta sẽ đến thị xã Gò Công. Khách có thể bắt đầu chuyến du khảo của mình từ ba ngôi nhà cổ ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Nhà Đốc phủ Hải. Ảnh:chixjur
Vùng Đồng Thạnh, Đồng Sơn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang xưa kia là trung tâm của huyện lỵ Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công – nơi tập trung sinh sống của những gia đình giàu có. Ngày nay, đến Đồng Thạnh, khách sẽ gặp ba ngôi nhà lầu trên dưới 90 tuổi phong cách kiến trúc Pháp như những chứng tích một thời vàng son đã qua. Trước hết là Lầu Bà Năm hiện nằm trong khuôn viên của Trường THCS Đồng Thạnh kế đó Lầu Bà Chín Đào hiện là Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Thạnh rồi Lầu Bà Tám Huê.
Lầu Bà Tám Huê là ngôi nhà có diện tích sử dụng khoảng 2.000m2. Những vật liệu tân tiến được nhập từ Pháp về kết hợp với vật liệu truyền thống như hồ ô dước và sỏi trứng khiến ngôi nhà mang vẻ đẹp hài hòa của kiến trúc Đông-Tây. Dưới nền nhà là một hồ nước lớn chứa nước ngọt, gặp những năm mưa muộn, hầm nước nhà Bà Tám Huê cung cấp đủ nước uống cho dân cả vùng thời đó.
Đến thị xã Gò Công, nhiều du khách không khỏi ngạc nghiên thích thú bởi ngay trên con đường chính dẫn vào nội ô thị xã sừng sững một ngôi nhà cổ được xây từ những năm 1860, hiện được trưng dụng làm nhà truyền thống thị xã Gò Công. Xưa kia, đó là nhà của Đốc phủ Hải.
Dù hiện nay mặt tiền của nhà Đốc phủ Hải đã đựơc sửa chữa, sơn phết lại nhưng sự bề thế của ngôi nhà vẫn gợi nên sự tò mò khiến du khách muốn bước chân vào khám phá. Nhà được xây theo dạng chữ Đinh, lợp ngói âm dương. Nhà gồm ba phần: nhà chính có diện tích là 533,26m2, hai nhà vuông 196,4m2 và lẫm lúa.
Mộ Phạm Đăng Hưng – ông ngọai vua Tự Đức. Ảnh:chixjur
Trong nhà có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật chạm khảm tuyệt mỹ và các cổ vật quý giá. Trên các đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn dây nho, các xiên trính đều chạm ba mặt và ở hai đầu. Nhiều bức tranh chạm trổ thể hiện sự giàu có và sung túc của vùng đất phương Nam. Tiền đường nhà Đốc phủ Hải còn có các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quý, bát bửu, các liễn đại tự để thờ, liễn treo trên cột được khảm xà cừ óng ánh, độc đáo với các tích truyện Tàu ngày xưa như: Nhị thập tứ hiếu, Văn Vương cầu hiền… hoặc các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam: đàn bầu, tỳ bà, sáo trúc.
Đến thăm nhà Đốc Phủ Hải, du khách không chỉ chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý giá mà còn có dịp hiểu biết thêm về triết lý của đạo Nho-Lão-Phật, nhiều đề tài dân gian và những loại sản vật mang đậm nét của vùng Gò Công và đồng bằng Nam bộ qua hơn 350 khuôn biển trang trí, đại tự, liễn khảm xà cừ và 70 cổ vật. Có thể nói nhà Đốc phủ Hải là một trong những ngôi nhà địa chủ tiêu biểu nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long còn lại. Năm 1994, nhà Đốc phủ Hải được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đi du lịch Gò Công du khách còn có dịp thăm các làng nghề truyền thống. “Nhất tủ Gò Công- nhì salon Sông Bé”- đó là câu truyền tụng từ xưa ca tụng các sản phẩm của làng gỗ Ông Non. Xóm Ông Non nằm ven quốc lộ 50, thuộc địa phận xã Tân Trung, huyện Gò Công Đông là nơi khai sinh ra nghề làm tủ thờ Gò Công danh tiếng hơn 100 năm qua…
Tủ thờ Gò Công. Ảnh:chixjur
Sản phẩm tủ thờ của xóm Ông Non thường được đóng bằng các loại danh mộc như gõ đen, gõ đỏ, cẩm lai… Người dân địa phương ở đây cho biết, chiếc tủ thờ Gò Công bao gồm 16 chi tiết và được 5 kíp thợ gồm cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn ráp thành. Nét độc đáo của chiếc tủ thờ Gò Công là các mối nối đều sử dụng mộng, chốt gỗ chứ không dùng đinh.
Tham quan làng yến là một trong những tour du lịch mới ở Gò Công. Xóm nhà yến ở ấp Khương Ninh, Gò Công Tây có nhiều nhà chiêu dụ yến với nhiều lỗ thông hơi to bằng miệng chén hoặc những ô cửa vuông vắn để yến ra vào. “Khách sạn” cho yến có đầy đủ tiện nghi như hệ thống phun sương làm mát, lỗ thông hơi, máy phát âm thanh gọi bầy, khung cảnh yên tĩnh. Đến làng yến, du khách có thể mua yến sào mang về làm quà.
Đến Gò Công thăm đền thờ Võ Tánh, du khách rất thú vị được nghe bài vọng cổ “Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” của soạn giả Viễn Châu (xã Long Thuận, thị xã Gò Công). Câu chuyện tình đẹp như cổ tích: Võ Đông Sơ là con của Hoài quốc Công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du; Bạch Thu Hà là con quan Tổng trấn Thăng Long. Cha mẹ mất, Võ Đông Sơ ở với chú tại Bình Định, khi vua mở khoa thi để chọn tướng dẹp giặc ngoài biển đông thì Võ Đông Sơ lên đường ứng thí và gặp Bạch Thu Hà, hai người hẹn ước vào một ngày rằm. Võ Đông Sơ thi đỗ và lãnh quân đi dẹp giặc Tàu Ô. Ở nhà Bạch Thu Hà sợ anh trai gả cho người khác nên bỏ trốn. Trên đường bôn tẩu, dù gặp nhiều gian truân nhưng Bạch Thu Hà vẫn một lòng son sắt. Khi hay tin Võ Đông Sơ tử trận, Bạch Thu Hà quyên sinh để giữ trọn niềm trung trinh với người tình.
Gò Công còn có biển Tân Thành, có những khu vườn sơ-ri ngọt ngào và các loại đặc sản biển hấp dẫn.
Đặc biệt: tuyến du khảo vuợt biển Cần Giờ sang Gò Công được CLB Du khảo tổ chức định kỳ hàng tháng đưa các bạn đam mê khám phá đến những địa điểm độc đáo của xứ  Gò Công. (Tham khảo lịch trình du khảo)

Nhận xét