Thành phố Sài Gòn được thành lập trên một vùng đất có nhiều sông ngòi, kinh rạch và phát triển thành một đô thị lớn nhưng vẫn còn dấu vết của sông ngòi cũ, qua những địa danh đã trở thành quen thuộc.
Sông chính của thành phố là sông Sài Gòn, chảy qua tỉnh Bình Dương xuống Gia Định, rồi chảy sát phía Đông làm ranh giới với tỉnh. Những con sông và kinh rạch đáng kể là sông Thị Nghè (phụ lưu của sông Sài Gòn), kinh Đôi, kinh Hành Bàng, kinh Bến Nghé, rạch Cát, kinh Ruột Ngựa, (Mã Trường Giang) rạch Cầu Ông Lãnh, rạch Lò Gốm, rạch Cầu Kiệu, rạch Ông Buông, kinh Tàu Hủ…
Về nguồn gốc tên sông Thị Nghè, ta có hai tuyến khác nhau: Thứ nhất Bà Nguyễn Thị Khánh, con gái Khâm sai Nguyễn Cửu Vân (thời chúa Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) và là vợ của ông Nghè làm thư ký trong dinh Phiên Trấn, cho xây mộy cây cầu dài bắt qua sông để chồng tiện đi làm việc và cũng để dân chúng sử dụng. Cầu nầy được dân gọi Bà Nghè, sau đổi thành Thị Nghè. Thứ hai bà Thị Nghè(vợ một ông Nghè) tổ chức các toán dân Pháp đánh quân Pháp. Khi giặc chiếm Sài Gòn, cho một tàu nhỏ đổ quân lên bờ liền bị nghĩa quân của Thị Nghè đánh dữ dội. Sau bà hy sinh trong một trận đánh. Dân chúng đặt tên sông, cầu và vùng Thị Nghè từ đó.
Kinh Tàu Hủ (còn gọi là kinh Chợ Lớn) và đường thủy vẫn quan trọng về giao thông và kinh tế, vì nối liền Sài Gòn với các sông ngòi chảy xuống miền Tây. Xưa, vùng nầy còn có rạch Chợ Lớn nhưng quá nhỏ hẹp nên vua Gia Long cho 11.460 dân công đào kinh Tàu Hủ trong ba tháng và hoàn tất ngày 23 tháng Tư năm Kỷ Mảo (1819). Kinh dài độ năm cây số rưởi, rộng gần 37 thước, sâu khoảng 17 thước. Gia Long đặt tên kinh là An Thông Hạ. Kinh Ruột Ngựa do quan Nguyễn Hữu Đàm cho đào vào mùa Thu năm Nhâm Thìn (1772), phá một đường sình lầy để đào con kinh thẳng như ruột ngựa, nên gọi là “Mã Trường Giang”, giúp cho thuyền bè đi lại được thuận lợi hơn.
Lúc đất Sài Gòn mới phát triển, có rất nhiều kinh rạch đào ngang dọc thành phố nhưng đã bị lấp từ lâu để làm đường xá như kinh Sa Ngư (sau lấp lại thành đường Nguyễn Huệ, kinh Cây Cầm, (chạy trên đường Lê Thánh Tông), kinh Chợ Vải (chạy tới mặt tiền Toà Đô Chính). rạch Cầu Sấu (xưa có hầm nuôi cá sấu để bán thịt, rạch chạy đến hai đường Công Lý và Hàm Nghi), rạch Bà Tịnh (chạy đến đường Võ Tánh)… Vì thế, Sài Gòn có rất nhiều cầu xưa cũ như cầu Cao Miên (cầu Bông), cầu Muối , cầu Ông Lãnh, cầu Mống, cầu Quây, cầu Kho, cầu Quan, cầu Thị Nghè, cầu Xóm Chỉ, cầu Chợ Lớn, cầu Chà Và, cầu Xóm Củi, cầu Ông Lớn (xưa dân chúng không được gọi tên thật của Việt gian Đỗ Hữu Phương), cầu Bót Bình Tây, cầu Ba Cẳng…
Sài Gòn sớm xuất hiện ở vị trí mũi nhọn của cuộc Nam tiến tìm đất sống của người Việt, trở thành tụ điểm di dân tứ xứ, nơi gặp gỡ của nhiều luồng giao lưu. Quá khứ đó đã tạo nên diện mạo và bản sắc của Sài Gòn, một thành phố ngã ba đường, khác hẳn với những đô thị truyền thống Việt Nam. Tại những thành phố như Sài Gòn, sự phồn vinh làm cho cư dân gần gũi nhau, ký ức đan xen vào nhau. Nhịp sống ở đó mãnh liệt, hỗn độn hơn. Thông qua các đô thị như thế, đất nước được nối kết với các luồng giao lưu liên tục về con người, tư tưởng và cả luồng tư bản. Nó cũng chuyển về cho đất nước luồng sinh khí mới, nhiều sáng tạo, ngày càng lan rộng ra toàn bộ đất nước cùng với những cái mới rất cần thiết, chống lại sự xơ cứng, rập khuôn, đơn điệu. Sài Gòn khởi đầu là giao điểm các đường thủy bộ, tụ điểm lưu dân người Việt. Người Hoa tiếp tay biến nó thành một cảng thị sầm uất để giao lưu với khu vực. Người Pháp đến đã mở toang cảng thị, thu hút đầu tư và di dân tứ xứ về đây xây dựng nơi đây thành hẳn một đô thị công thương nghiệp hiện đại, trung tâm của một thị trường rộng lớn gồm cả vùng Đông Dương lẫn Hoa Nam.
Sài Gòn từ đó đặc biệt mang dấu ấn Pháp. “Nhưng Sài Gòn chưa bao giờ là nước Pháp. Nếu nó mang dấu ấn của các nhà kiến trúc Pháp thì ngược lại chính các nhà kiến trúc cũng mang nặng dấu ấn của Sài Gòn”, như nhận xét của Tùy viên Văn hóa-Khoa học Pháp Stéphane Dovert trong đề tựa cuốn sách viết nhân Sài Gòn 300 tuổi. Thời Pháp thuộc, Sài Gòn đã tồn tại song song nhiều dạng ở và sinh hoạt. Có mạng lưới ngõ xóm của người Việt, thành phố vườn cây của người Pháp, phố xá sầm uất của người Hoa, đường phố bazar của người Ấn. Chưa bao giờ thành phố Sài Gòn mang tính chất đa văn hóa, đa chủng tộc như thời đó. Cho nên ở Sài Gòn, khác với bất cứ nơi nào ở nước ta, ta có thể nhìn thấy bên cạnh đình chùa Việt là chùa miếu, hội quán của người Hoa, chùa Miên, thánh đường Thiên chúa giáo bên cạnh chùa Chà, mosque Hồi giáo, đền Chăm… các lối sống và sinh hoạt văn hóa cứ đan xen nhau rõ rệt ở Sài Gòn. Từ đất Gia định, Gò Vấp, Hóc Môn nửa phố thị, nửa miệt vườn, ta có thể bước vào khu phố Tàu Chợ Lớn nhộn nhịp. Từ quán ăn Pháp có thể xẹt vào tiệm bazar Chà. Tính chưa đầy đủ Sài Gòn những năm đó có tới hơn 40 quốc tịch khác nhau sinh sống lâu năm. Đông đảo nhất là người Việt với biểu hiện qua 272 ngôi đình cùng hàng nghìn chùa miếu, nhà thờ…
Không ít người cho rằng Sài Gòn là một thành phố mới, lai tạp, không có bản sắc văn hóa riêng do tính chất ngã ba đường của nó. Thực ra, lịch sử Sài Gòn tuy chỉ mới mấy trăm năm, nhưng bản sắc độc đáo từng làm nên cái hồn đô thị của nó cũng đã hình thành qua các công trình cha ông để lại. Khu tứ giác vùng đất cao trung tâm quận I vẫn là khu trung tâm lịch sử của thành phố. Cha ông chúng ta đã chọn chốn này làm trung tâm đô thị. Người Pháp đến cũng không có sự chọn lựa nào khác để đặt các cơ quan đầu não với các công trình kiến trúc chọn lọc như dinh Toàn quyền, Nhà thờ lớn (Đức Bà), Tòa án, Nhà hát, Bưu điện… Tất cả đã làm nên một quần thể kiến trúc với một không gian rộng mở, hòa nhập vào trong khoảng cây xanh, tạo thành một tuyệt tác quy hoạch đô thị vừa lãng mạn, vừa uy nghiêm. Nhờ đó mà Sài Gòn đã từng được du khách phương Tây dành cho cái tên khá mỹ miều “Hòn ngọc Viễn Đông“.
Khi nói về Sài Gòn, KTS Hoàng Đạo Kính đã nhận xét thật chính xác: “Thành phố Sài gòn khác hẳn những đô thị khác. Trong sự phát triển của nó không thể không dựa vào những yếu tố chủ đạo như những khoảng không lãnh thổ rộng lớn, hệ thống kênh rạch, sông và biển, những truyền thống và giá trị văn hóa Nam Bộ, quỹ kiến trúc đô thị và kỹ thuật khổng lồ và không thiếu sắc thái riêng, sự tham gia tương đối sớm vào quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, trình độ quản lý đô thị và nhất là trình độ nổi trội trong công nghệ xây dựng. Không thể không nhắc tới một yếu tố: sức sống, tính năng động, sức vươn lên của cả một cộng đồng xã hội”.
Tiếc rằng hiện nay trong cái nôn nóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều đô thị nước ta trong đó có cả Sài Gòn, chúng ta chưa tiếp thu được những bài học của quá khứ và đang vô tình xóa dần đi di sản khi áp dụng kiểu qui hoạch máy móc bàn giấy, phủ nhận nền kiến trúc của các thế hệ đi trước. Làm như vậy là chúng ta tự đóng cửa với quá khứ, làm mất đi bản sắc của chính mình, phá bỏ thành quả của các thế hệ đã qua và trầm trọng hơn là đang xóa đi chính cái hồn đô thị của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét