Thân thương tà áo bà ba


“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ tới mong manh…”.
Chiếc áo bà ba đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao lời ca, bài hát trữ tình xưa nay. Cùng với chiếc nón lá Việt Nam, cái khăn rằn quấn cổ, chiếc áo bà ba đã đi vào văn học dân gian một cách gần gũi, thân thương, là niềm tự hào của dân tộc ta.
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội còn lưu giữ nhiều kiểu áo của dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong đó, có chiếc áo bà ba mang dáng vẻ đặc trưng của nền văn hiến:
“Bà ba cái ngắn cái dài
Sao anh không bận – bận hoài bành tô”.
Chiếc áo bà ba là một biểu tượng khá sinh động đã gắn liền với dân tộc Việt Nam. Từ thời nhà Lê, áo bà ba đã có ở Nam Bộ, áo bà ba cổ tròn năm khuy, chính giữa cài cúc ngay ngắn. Áo bà ba nữ thì đơm cúc bấm, có yếm tâm (tức lưỡi gà giáp hai thân trước) khỏi làm khuy. Áo gồm hai thân trước, một thân sau và hai ống tay dài ôm sát thân người thon thả, trông dáng vẻ thuỳ mị, dễ thương…
Cũng có giả thiết cho rằng: áo bà ba có vào nửa đầu thế kỷ 19 do kiểu áo Pénang của Malaixia được nhà bác học Trương Vĩnh Ký cách tân cho phù hợp với tính cách giản dị của dân ta. Cổ áo đa phần là cổ tròn, một ít thiết kế theo kiểu hình trái tim (cổ lá trầu) hoặc cổ vuông tuỳ sở thích mỗi người. Nách áo có cái ngắn, có cái dài tuỳ tuổi tác ăn bận cho phù hợp thời trang. Hai túi áo to hoặc nhỏ tuỳ ý, thông thường áo bà ba nam hai túi to, áo nữ hai túi nhỏ, song phải cân đối với thân áo cho vừa vặn kiểu dáng không chênh lệch và phải tương xứng với thân hình.
Đặc biệt, du khách có dịp về miền châu thổ đồng bằng sông Cửu Long sẽ được ngắm nhìn hình ảnh các cô gái Nam Bộ hiền hoà trong chiếc áo bà ba mộc mạc, đầu đội nón lá nghiêng che, cổ quấn khăn rằn, rõ là dáng đứng Hậu Giang:
… Hậu Giang ơi, em vẫn đẹp ngàn đời
Chiếc áo màu xanh len từng con sóng bạc
Lóng lánh mái chèo của đồng ánh dương soi…
Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu
Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba…
Càng về sau, chiếc áo bà ba càng được cải tiến dần, tăng vẻ thanh thoát, lả lướt, cao sang, áo bà ba phụ nữ được chế tác biến tấu thành tay “ráp lăng”, nửa thân trên bóp lại có eo, thân sau nhấn “pen”, nửa thân dưới bùng ra trông thân hình tròn trịa.
Áo bà ba có mặt khắp nơi trong sinh hoạt đời thường, từ buổi chợ quê đến những phố thị đông đúc, đâu đâu cũng thấp thoáng bóng hình chiếc áo bà ba, tăng vẻ quyến rũ mà chân thật, dịu dàng của dân tộc. Trong cuộc sống, từ lao động sản xuất đến làm vườn, chèo ghe… áo bà ba rất thích hợp và thuận tiện.
Một đặc điểm độc đáo nữa là áo bà ba không kén chọn hàng vải nội hay vải ngoại, thông thường người nam từ bao đời nay mặc bà ba trắng hoặc bà ba đen; còn người nữ mặc đủ màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng, hoa cà, vàng mơ, hồng nhạt… tuỳ nước da và lứa tuổi chọn lọc cho thích hợp.
Trải qua nhiều thời đại, chiếc áo bà ba vẫn còn thông dụng đối với mọi người, nhất là tầng lớp trung niên trở lên. Đây chính là nét đẹp văn hóa ngàn đời gây ấn tượng khó quên của dân tộc Việt Nam, một đất nước có truyền thống văn hóa, đầy tính sáng tạo, đổi mới để tồn tại vượt thời gian và không gian… Thật dịu dàng và độc đáo với chiếc áo bà ba.
Cho dù đã có được nhiều cơ duyên với bao lễ hội, bao cuộc biểu diễn thời trang trong một không gian đầy sắc màu huyền ảo và âm thanh hiện đại những chiếc áo dài biến tấu phát phơ, làm loá mắt dưới ánh đèn màu, nhưng tôi vẫn thấy một tà áo rất đỗi thân thương như là khép nép ở một góc làng quê nào đó trên mảnh đất quê hương – một dấu lặng khiêm nhường gigữa giàn đại hoà tấu ồn ã của cuộc sống hiện đại. Phải chăng chiếc áo bà bà khiêm nhường đến thế lại có thể nào trở nên thua chị kém em trong cơn lốc của luồng gió thời trang bốn phương thổi về.
Giữa quê hương miền Nam đi đi về về hai mùa mưa nắng, không biết tự bao giờ chiếc áo bà ba hiện hữu, đồng hành với người phụ nữ Nam Bộ như một thứ y phục đặc trưng cho một chất thuần hậu, dịu dàng của họ. Dường như khi nhìn những đườnc nét mộc mạc của chiếc áo bc ba, ta cảm nhận đó là một thứ ngôn ngữ im lặng ký thác một phẩm hạnh, một giá trị vĩnh cửu của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam bộ nói riêng.
Tôi – một người sinh ra và lớn lên trong một thời khắc mà thời trang mặc nhiên đồng nghĩa với văn hóa, đơn giản hơn nữa là năng lực thẩm mỹ của nhiều giai tầng trong xã hội. Tôi đã từng được thưởng lãm các phục trang của nhiều hãng thời trang lừng danh thế giới như Piere Cardin, CK, Versage…, nhưng điều làm tôi thấy lạ là giữa bao nhiêu sắc màu biến ảo của phục trang thời thượng thì chiếc áo bà ba vẫn dung dị trong màu đen chàm cố hữu mà hàng ngàn năm nay vẫn thế. Nó gợi nhớ màu đen sẫm của đất, giàu lượng để nuôi dưỡng, tiếp năng lượng cho bao mầm xanh trên mảnh đất yêu dất này.
Quên sao đựợc hình ảnh chiếc khăn rằn, áo bà ba như một biểu trưng của “miền Nam thành đồng” trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Chiếc áo bè ba theo chị em từ vùng căn cứ đến cả trong nhà tù của kẻ thù ; có ai biết được chiếc áo bà ba mỏng manh là vậy lại có mặt trong những giờ phút khắc nghiệt nhất làm nhụt chí kẻ thù, tăng thêm chí khí của đội quân tóc dài của những má, những chị, những em trong những ngày đồng.
Hòa bình về lại, giữa tứ bề của một sinh quyển hiền hòa vốn có, chiếc áo bà ba lại đi về giữa những tiết nhịp của thường nhật. Áo thấp thoáng trên những nhịp cầu tre lắt lẻo, mềm mại trên những chuyến đò ngang trên xuồng ba lá và bay bổng, lãng mạn quyện hòa trong những điệu lý con sáo, lý cây bông… ngọt ngào đến nao lòng những người đi xa, và cũng dệt nên những sợi tơ lòng để kết nối đôi lòng trai gái, nối quá khứ với hiện tại…
Khăn rằn – nón lá – áo bà ba đã trở nên một liên kết “tam vị nhất thể” tạo dựng một biểu trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Có những chiếc áo ta mặc chỉ có một lần rồi xếp vào ngăn tủ, ít khi lấy ra mặc lại. Chiếc áo bà ba thì khác hẳn; chiếc áo như một sự “phong vận” vào mỗi một phận người, chiếc áo đó ủ chín niềm tin, vỗ về bao đoái vọng và chắp cánh cho bao giấc mơ có thực giữa vòng tay bao dung của cuộc đời. Có biết bao tà áo dài dười bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã biến tấu để không lỡ nhịp với tiết điệu của cuộc sống hiện đại, có rất nhiều tà áo bay đi rất nhiều “hương đồng gió nội”. Xin hãy nâng niu giữ mãi sắc màu dung dị, kín đáo thuở ban đầu ấy của chiếc áo bà ba, bởi ta vẫn biết ở giữa cánh đồng thời gian rộng lớn, mẹ và em vẫn mặc chiếc áo ấy; ẩn hiện sau lũy tre làng, trĩu cong bờ vai giữa bao lo toan của dòng đời để làm nên hạt lúa củ khoai cho ta lớn khôn mang khí phách Phù Ðổng vươn mình tới bao chân trời mới của tương lai…
(Theo Tạp chí Nông thôn mới)

Nhận xét