Đi tìm dấu vết Đức Cha Cả - Bá Đa Lộc.

Nguồn gốc tên gọi Tonkin, Annam và Cochinchine

Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về quan hệ Việt-Pháp trong quá khứ, khoảng thời gian trước khi cái mốc Điện Biên Phủ, chiến thắng quân sự vào ngày 07 tháng 5 năm 1954, một trong những yếu tố quan trọng đưa đến sự kết thúc vĩnh viễn sự cai trị và bảo hộ của nước Pháp tại Việt Nam, thật là một công việc vào rừng hốt lá, càng đọc càng thấy thiếu hiểu biết.

Vì một bài hát của Georges Villard viết lời - La petite tonkinoise - và Vincent Scotto soạn nhạc vào năm 1906 do Esther Lekain trình diễn, rồi Joséphine Baker hát lại năm 1930 làm cho bản nhạc trở thành nổi tiếng rộng rãi, với những câu õng ẹo vô duyên như "...c‘est moi qui suis sa petite, son Anana, son Anana, son Annamite... Il m‘appelle sa p‘tite bourgeoise, sa Tonkiki, sa Tonkiki, sa Tonkinoise..." nghe chói lỗ tai tức cả mình mà tôi bực bội phải tìm kiếm cho ra, tại sao thực dân pháp gọi miền Bắc là Tonkin, miền Trung là Annam, và miền Nam là Cochinchine.

Từ thế kỷ thứ mười ba, Marco Polo đã ghi chép chuyến đi đến nước :Giao chỉ" năm 1292 theo phiên âm là "Caugigu", người Mã Lai đọc trại là "Kutchi", người Nhật đọc trại là "Kôtchi", người Bồ Đào Nha lại đọc trại là "Cauchi-China", để rồi trở thành "Chochichine", cuối cùng thành "Cochinchine".

Còn cách gọi "Tonkin" là do phiên âm chữ "Đông Kinh" mà ra, vì người Trung Hoa phát âm chữ "Đ" thành chữ "T", để phân biệt với Bắc Kinh và Tây Kinh. Người Pháp viết theo phiên âm La tinh, bỏ chữ "h" vì trong mẫu tự Pháp, chữ h là chữ câm không được phát âm, cho nên miền Bắc bị gọi là Tonkin.

An Nam là danh xưng của Trung Quốc đặt cho lãnh thổ và dân tộc Việt Nam suốt thời kỳ Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ. Nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt tên cho khu vực lãnh thổ tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay là An Nam đô hộ phủ (673-757 và 768-866).

Sau khi giành được độc lập, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, nhận lãnh danh hiệu An Nam Quốc Vương. Từ đó người Trung Quốc thường gọi nước Việt Nam là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì. Cách gọi này đã ảnh hưởng đến cách gọi của người châu Âu trước năm 1945.

Tuy thế, thực dân Pháp vẫn dùng danh xưng "Annam" để chỉ nước Việt và gọi người Việt là dân "Annamite" dù là ở miền nào đi nữa. Người Việt lại còn dặm thêm chữ tiếng lóng "dân Mít" để tự nói về mình !

Hiện tại, thật là một điều tốt, khi không có một vùng địa lý nào ở Việt Nam giữ những cái tên này.

Cái tên Indochine là một sản phẩm do các nhà địa lý người Pháp đặt ra để chỉ chung ba nước Việt-Miên-Lào thành một khối thuộc địa, là phần đất địa lý nằm giữa Ấn Độ (Indo) và Trung Hoa (Chine) cho dân Pháp dễ hiểu-dù dân tộc Việt không có khi nào là dân "Indochinois" cả, bỏ qua sự thật cơ bản rằng Việt-Miên-Lào là ba nước khác nhau và ba dân tộc tự trị tự chủ khác nhau.

Bây giờ, hễ ai nói đến "Indochine" và "Indochinois" là tôi bực cả mình !

Tôi lần mò đi ngược lịch sử từ thời Bảo Đại lên đến thời Gia Long, chưa đủ, phải học thêm đến thời nhà Lê, không quên bỏ qua thời Tây Sơn, để tìm câu trả lời cho câu hỏi "Người Pháp can thiệp vào Việt Nam từ bao giờ ? và tại sao ?".

Ngày xưa, lúc còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, những bài học về sử địa đều là những bài học nằm lòng, ê a như con vẹt, trả bài véo von như con két, mà không hiểu tại sao mình phải học và cùng không hiểu các bối cảnh lịch sử chủ yếu và liên quan. Cũng như đi học trường mẫu giáo hát nghêu ngao "Frère Jacques..." một cách rất hồn nhiên ngây thơ. Giờ đây, tôi có cái thích thú ngồi học lại các bài học lịch sử, đi tìm lại những dấu vết về lịch sử Việt Nam trên đất Pháp.

Cũng vì thế mà một ngày mùa đông, sáng sớm và ban đêm đều có sương mù ảm đạm, mưa nhè nhẹ dai dẳng suốt ngày, cái lạnh ẩm làm cho người ta mau mau đi tìm chỗ ấm áp khô ráo cho khỏe, tôi lên đường đi tìm dấu vết của Giáo sĩ Bá Đa Lộc -tức là Giám mục Monseigneur Pigneau de Béhaine- người đã giúp Nguyễn Phúc Ánh lập nên cơ nghiệp nhà Nguyễn. Kể từ năm 1801 khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Gia Long – cho đến năm 1955 khi người Mỹ giúp Ngô Đình Diệm mở một cuộc trưng cầu dân ý để lật đổ vua Bảo Đại, tên tục là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy – mười ba vua Nguyễn đã trị vì được 154 năm.

Đường đi không xa lắm, nhưng lái xe chạy quanh co các đường quốc lộ và đường liên địa phương mãi cũng ê ẩm cả lưng. Tôi đến một vùng thôn dã, rải rác đó đây một vài cơ sở công nghiệp, thí dụ như một nhà máy làm đường nổi tiếng, một nhà máy làm xi măng, và một nhà máy chế biến thực phẩm. Các mảnh ruộng nho nhỏ không bị cải cách lại thành những cánh đồng mênh mông như ở các vùng khác, còn nguyên những bờ giậu xưa cũ, thường được dân chúng sử dụng làm đồng cỏ chăn nuôi bò, ươn ướt sương mù và mưa bụi, những con đường đất mòn nho nhỏ len lỏi dưới những hàng cây trơ cành trụi lá.

Trên ruộng không một bóng người. Hoang vắng. Trên vỉa hè, cũng không một ai, không một con chó chạy rông, một con mèo hoang đi ăn vụng. Chỉ có xe cộ chạy qua lại hấp tấp, vội vã.

Thành phố nhỏ lưa thưa vài cửa hàng đèn điện sáng hiu hắt, vắng khách. Làng mạc mấy chục nóc nhà giàu nghèo to nhỏ lẫn lộn ẩn mình trong màn sương mưa xám đục. Dân ở vùng này chuyên nghề chăn nuôi bò, lấy sữa, làm phô ma, trồng trọt, đốn gỗ rừng để bán. Họ không hiếu khách lắm, có vẻ lạnh nhạt, nghi ngờ. Vùng này không phải là một vùng du khách tới lui nhiều dù là cũng có nhà cho du khách thuê.

Có sách viết Origny-Ste-Benoite, gần thành phố Saint Quentin, là nơi sinh trưởng của Giáo sĩ Bá Đa Lộc, nhưng đúng ra là Origny-en-Thiérache trong vùng Picardie, gần thành phố Hirson. Cũng may là hai địa điểm này chỉ cách nhau mấy chục cây số đường làng hẻo lánh.

Dù đã quen mắt với các cảnh làng mạc nước Pháp, nhưng nhìn khung cảnh nơi đây, trong thời đại này, đường làng cũng đã được tráng nhựa, đèn đường sáng vàng vọt mọi nẻo, nhà bê tông xám hay gạch nung đỏ mọc lên thay cho nhà tường bằng trụ gỗ trám đất sét và rơm rạ khi xưa, các bảng quảng cáo của nhà hàng, quán nhậu, tạp hóa, nhà thuốc tây sáng nhấp nhánh xanh xanh đỏ đỏ, tôi không khỏi tưởng tượng khung cảnh làng quê này mấy trăm năm trước, thời đại của đường đất, xe ngựa, và thầm nghĩ: Ít còn ai nhắc đến nhân vật lịch sử này.

Người bạn Pháp đi cùng với tôi lắc đầu, khi tôi hỏi anh ta có biết đến tên Pigneau de Béhaine không. Anh ta cười bảo rằng: tôi không phải là người không thích học giờ Lịch sử, nhưng tôi chưa bao giờ nghe nói đến tên này, và cô là người đầu tiên nhắc đến. Ấy, tóc anh ta đã bạc trắng, và anh cũng là người cùng quê hương với Giám mục Bá Đa Lộc !

Giáo sĩ Bá Đa Lộc là ai ? Động lực nào đã đem con người này, xuất thân từ nơi làng quê hoang dã này, đến bỏ xác ở Việt Nam 208 năm trước đây ? Hoàn cảnh nào đã đưa đẩy Nguyễn Phúc Ánh gặp Bá Đa Lộc và cầu viện nước Pháp ?
Thân thế và thời thơ ấu của Đức Cha Cả.

Rẽ vào làng Origny-en-Thiérache, trong thung lũng La vallée du Thon, tôi hơi thất vọng vì thấy nhiều nhà mới xây bằng bê tông, không cổ kính như trung tâm của thành phố Senlis.

Làng Origny rộng khoảng 17 cây số vuông, có chừng 1.500 dân, mật độ dân số khoảng 94 dân trên một cây số vuông.

Tự động, tôi chạy vào trung tâm làng, ngang qua Tòa Thị sảnh, qua chiếc cầu bắc ngang con sông nhỏ. Lúc tôi vào tiệm thuốc tây nằm trên con đường chính trong làng hỏi tìm căn nhà của Bá Đa Lộc thì cô bán thuốc há họng, lắc đầu không biết. May có bà chủ đứng sau lưng, nghe câu hỏi, bèn mỉm cười chế riễu cô gái trẻ: "Tôi biết ngay là cô không trả lời được" và nhìn tôi bà bảo "cứ đi đến nhà thờ là bà tìm ra !".

Tìm nhà thờ thì dễ quá, cứ nhắm nóc chuông mà đi tới. Mỗi làng, dù chỉ có một hai chục nóc nhà, cũng có một nhà thờ to tướng. Nhưng vùng dân chúng sùng đạo nhất bên Pháp là các vùng Vendée, Alsace-Lorraine.

Nhà thờ làng Origny mang tên Saint-Cyr-Sainte-Julitte xây theo kiến trúc thành cổ kiên cố, một tầng của tháp chuông duy nhất được xây theo kiểu tháp chuông của nhà thờ Đức Bà.

Đến nhà thờ, tôi xuống xe, đi bộ vào con đường nhỏ bên tay phải, chừng một trăm thước, thì thấy hiện ra trong một góc bên tay trái một nóc nhà cổ kính, có ngọn thánh giá trên nóc, tôi biết ngay đây là ngôi nhà sinh trưởng của Giám mục Bá Đa Lộc.

Ngôi nhà lớn, xây từ thế kỷ 16 bằng gạch đỏ và đá trắng, nằm sát cạnh nhà thờ trên một mỏm đất cao, cửa sổ lớn bằng kính trắng, vừa có vẻ nửa cổ nửa tân. Trên mặt tiền nhà có khắc biểu hiệu của Bá Đa Lộc.

Tôi đi lên đi xuống cầu thang gần bên cạnh nhà, nhìn loanh quanh khung cảnh nhà quê im ắng. Cũng như mọi nơi, ngoài đường không một bóng người, chỉ có một con chó nhỏ, thấy người lạ, chồm lên khung cửa sắt đóng kín, sủa gâu gâu inh ỏi. Một người lạ vào làng là cả làng đều biết !

Ngôi nhà sinh trưởng của Giám mục Bá Đa Lộc, phía bên nội, được ghi nhận từ năm 1628 qua một văn tự bán nhà. Kiến trúc hiện tại đã được sửa sang thêm vào thế kỷ 18. Qua đến năm 1823 ngôi nhà được bán lại một lần nữa, một bản vẽ hiện trạng ngôi nhà được thiết lập và ngôi nhà trở thành trụ sở linh mục của nhà thờ ngay bên cạnh.
Mấy chục năm sau, năm 1862, ngôi nhà lại trở thành hoang phế, không thể sử dụng làm nhà ở được, linh mục Jules Jardinier bèn mua lại và sửa chữa, trong mục đích biến ngôi nhà thành một địa điểm hành hương cho tín đồ.

Theo sổ sách ghi chép thì linh mục Jules Jardinier mua ngày 12 tháng 3 năm 1865 với giá là 3.525 quan Pháp(1). Ông cho tu sửa nhiều chỗ, mái nhà lợp bằng ngói bản thạch (ardoise), và thiết kế lại mặt phía đông bằng gạch nung đỏ và đá vôi trắng, thiết kế huy hiệu của Giám mục d' Adran còn tồn tại tới ngày nay. Linh mục Jules Jardinier đã phải chịu trả một phí tổn khoảng 20.000 quan pháp thời ấy cho các công việc sửa chữa và thiết kế. Người thiết kế là một nhà điêu khắc đá tên là André Lecompte.

Nghĩa địa chung quanh ngôi nhà và nhà thờ cũng được dời đi chỗ khác, nhưng tấm bia mộ của cha mẹ Giáo sĩ Bá Đa Lộc còn được giữ lại làm hiện vật triển lãm hiện nay, dù đã bể và hư hỏng nhiều.
Năm 1875 ngôi nhà được thừa kế lại bởi Hội đồng quản lý xây dựng nhà thờ, và được cho thuê để lấy tiền trợ giúp các bà nữ tu dạy học. Ba mươi năm sau, 1905, ngôi nhà lại bị bỏ hoang một lần nữa và bị dự tính phá hủy hoàn toàn vào năm 1910. Nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời của André Salles, một người đã làm việc tại thuộc địa, ngôi nhà được Hiệp hội Địa lý Paris (Société de Géographie de Paris) mua lại năm 1911 và sau đó được bảo trì bởi chính quyền thuộc địa Đông Dương và trợ giúp tư nhân.

Nhưng vì nhiều trở ngại hành chánh, ngôi nhà không được xếp loại là di tích lịch sử, cho nên không một cơ quan nào chịu bỏ tiền ra bảo quản ngôi nhà. Kiến trúc sư Bertoue ra công sửa chữa lại. Ngày 01 tháng 6 năm 1914, một viện bảo tàng tại ngôi nhà được khai mạc với sự trưng bày các hiện vật sưu tầm được của Hiệp hội Địa lý Paris.
Năm 1953 ngôi nhà Bá Đa Lộc được Hiệp hội Địa lý trao tặng lại cho chính quyền địa phương làng Origny-en-Thiérache.

Có lẽ, nhân vật lịch sử Giám mục Bá Đa Lộc đã chìm sâu vào quên lãng của nước Pháp, ít người biết Bá Đa Lộc là ai, cho nên ngôi nhà này không phải là một địa điểm thu hút du khách để đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho làng, vì thế chính quyền địa phương không tha thiết lắm khi lai rai chỉ có một vài khách muốn đến thăm.

Gọi là viện bảo tàng chứ muốn vào thăm không phải dễ, vì ngôi nhà này cửa đóng then gài im ỉm và người được cử làm quản gia ngôi nhà Bá Đa Lộc, một phụ tá của ông Trưởng làng, vừa là người bán bảo hiểm, không thích tiếp khách, lấy cớ là "vợ tôi không đồng ý mở cửa vì không có thì giờ", chỉ muốn mở cửa mỗi năm một lần, nhân ngày Bảo tàng toàn quốc. Tôi buồn cười nhớ đến chính sách bế quan tỏa cảng thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức khi xưa.

Trong nhà có vài đồ đạc thế kỷ 16, hai bản sao bằng sơn dầu của hai bức tranh nguyên thủy do họa sĩ Mauperin vẽ Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh năm 1787, một bản sao bằng thạch cao bức tượng Giám mục Bá Đa Lộc, một tay nắm Hoàng tử Cảnh, một tay giơ bản hiệp ước Versailles 1787, bảo đảm viện trợ của nước Pháp cho vua Gia Long, do nhà điêu khắc Edouard Lormier (1847-1919) tạc năm 1901 và tặng cho viện bảo tàng làng Origny - tượng chính bằng đồng đặt trước nhà thờ Đức Bà năm 1902 không còn nữa, một bản sao tấm phướng phúng điếu của vua Gia Long tặng cho Bá Đa Lộc sau khi Bá Đa Lộc qua đời, vài hiện vật tượng trưng cho công nghệ làm rổ rá, công nghệ sản xuất chính của làng Origny-en-Thiérache thời ấy, và các hiện vật khác.

Các nguồn sử sách chép rằng, Bá Đa Lộc - tên phiên âm Việt Nam của Giáo sĩ Pierre-Joseph-Georges PIGNEAU DE BÉHAINE (trong các sử liệu Công giáo ông còn được gọi là "Đức Thầy Vêrô"), sinh ngày 2 tháng 9 năm 1741 tại làng Origny-en-Thiérache, thuộc địa phận Aisne vùng Picardie phía bắc nước Pháp.

Chính ra, ông ký tên là Pigneaux, nhưng sách vở chỉ viết là Pigneau, không có chữ x. Người ta kèm thêm vào họ của ông cái tên địa danh Béhaine, nơi gia đình ông có một sở hữu nho nhỏ, để xác định cho rõ xuất xứ địa phương.
Vì thế tên ông trở thành PIGNEAU DE BÉHAINE.



Giám mục Bá Đa Lộc là con của ông Georges Pigneau và bà Marie-Louise Nicaut, con trưởng của một gia đình có 19 người con.

Theo cách đặt tên của người Pháp, khi đặt tên đứa con mới sinh, cha mẹ thường đặt theo truyền thống, ít nhất là ba tên, theo tên của những người trong gia đình thuộc thế hệ đi trước: con trai thì đặt theo tên cha, ông ngoại, ông nội, ông cố nội, ông cố ngoại, hay chú ruột, con gái thì cũng đặt tên theo tổ tiên người nữ, theo tên mẹ, bà ngoại, bà nội, dì, cô, theo thứ tự yêu thích(2).

Trong ba tên của Giám mục Bá Đa Lộc thì tên của cha ông "Georges" đứng vào hàng thứ ba, như thế tên gọi của ông phải là "Pierre": Pierre Pigneau.

Ông nội của Giám mục Bá Đa Lộc là Charles Pigneau (1659-1732), sinh thời là một thương gia, cố vấn của vua và quản lý vựa muối, tức là một nhân vật có địa vị khá cao trong xã hội. Vào thế kỷ thứ 17 thì muối còn là một thứ "quốc cấm", việc tích trữ muối thành vựa, mỗi thành phố lớn có một vựa muối, chuyên chở muối, phân phối bán muối và thâu thuế muối là độc quyền của các lãnh chúa và vua chúa.

Qua hai tấm tranh vẽ ông nội Charles Pigneau và bà nội, người vợ thứ hai của Charles Pigneau, tên là Marie-Louise Montpellier (1665-1754), của Giám mục Bá Đa Lộc, người ta nhận thấy rằng, người đàn ông trong tranh đang tuổi trung niên, mặc bộ quần áo thương nhân, đầu đội tóc giả theo kiểu quý phái, ánh mắt nhìn năng nổ, soi mói, còn người đàn bà trung niên, bà nội, cũng còn đẹp, mặc quần áo sang trọng thuộc loại tầng lớp trưởng giả theo kiểu cuối đời vua Louis XIV.
Các tấm tranh này, có thể đã được vẽ vào năm 1732 khi Charles Pigneau qua đời, cùng với hai tấm tranh vẽ Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đã được triển lãm trong Hội chợ Thuộc địa tại Vincennes năm 1931.

Hai tấm tranh trưng bày tại làng Origny vẽ Giám mục Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh là do bà góa phụ Lesur, vợ của Charles-Louis Lesur, một người cháu của Giám mục Bá Đa Lộc trao tặng cho chính quyền ngày 16 tháng 8 năm 1855.

Pierre Pigneau (Bá Đa Lộc) bắt đầu đi học ở thành phố Laon, cách làng Origny-en-Thiérache về hướng nam khoảng 60 cây số, sau đó tiếp tục học tại một chủng viện ở Paris rồi nhập Viện Giáo sĩ Truyền đạo Nước ngoài năm 1765, khi ông được 24 tuổi, và rời khỏi Paris ngày 09 tháng 9 cùng năm để đi thi hành nghĩa vụ truyền đạo tại Cochinchine.

Chàng trai trẻ Pierre Pigneau đã từ một khung cảnh làng quê thôn dã, đến Laon, là một thành phố lớn thời Trung cổ đi học, rồi lại đến Paris vào chủng viện, tức là vừa có khả năng kinh tế để ăn học, vừa có tri thức, vừa có quan hệ xã hội cấp cao. Nhưng, thay vì tiếp tục con đường sự nghiệp trong nước Pháp, thì có lẽ dòng máu phiêu lưu, ham thích khai phá, chinh phục, năng động, tìm cái mới, cái lạ đã đưa Pierre Pigneau đi đến quyết định lên đường, đi đến một chân trời hoàn toàn xa lạ cách nước Pháp cả vạn dặm.

Cá tính độc đáo của Pierre Pigneau được chứng minh sau này bằng cuộc đời của ông. Có người xuống tàu đi nhưng chết giữa đường, trên đại dương mênh mông. Nhưng ông, suốt đời, chạy hết nơi này đến nơi kia, trốn lên trốn xuống, lên tàu xuống tàu, đi hai lần Pháp-Việt qua lại, mỗi lần đi về mất cả mấy năm, lúc cần phải tự vệ, cũng biết múa gươm bắn súng như ai, biết cố vấn về quân sự, chiến tranh, ngoại giao, biết mộ lính, mua bán vũ khí, dạy học, quản lý, và không quên lý tưởng truyền đạo. Ông không phải là một người chỉ biết chắp tay bó gối cầu nguyện, so với thời nay, nhiều thanh niên đồng tuổi với ông, còn bám gấu cha mẹ.
Bối cảnh của Việt Nam và các hoạt động truyền giáo

Nếu nói rằng các nhà truyền đạo là gián điệp thời xưa thì hơi gay gắt. Nhưng trong khi vua chúa Pháp còn mê mải bởi các trận chiến tranh giành đất giành người hay vì tam thê tứ thiếp, cản trở vì quyền thần, triều đình, hay hưởng thụ, thì Giáo hoàng đã gởi các giáo sĩ đi khắp nơi trên thế giới. Chính vì các giáo sĩ đi đó đi đây, biết cảnh biết người, tiếp xúc nhiều, có khả năng phán đoán và nhận xét một cách khoa học, được giáo dân tôn trọng kính nể, họ là những nguồn tin tức sống động và đáng tin cậy, và trên thực chất họ là những người đi khai phá.

Theo truyền thuyết thì vào thế kỷ thứ hai, thứ ba... đã có các nhà truyền giáo đạo Thiên chúa theo chân các thương nhân đến Việt Nam, nhưng không có dấu tích lịch sử nào để lại. Mãi cho đến thế kỷ thứ 16, theo lịch sử chánh thức của triều đình Việt Nam (Khâm định Việt sử) thì từ năm 1533 đời vua Lê Trang Tông có chiếu chỉ cấm đạo Công Giáo ở Việt Nam.

Giữa thế kỷ thứ 16 nhà Hậu Lê dần dần suy yếu, sau khi anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, năm 1558 Nguyễn Hoàng, con của Nguyền Kim, xin Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa ở phía Nam. Nguyễn Hoàng đem theo khoảng một ngàn quân sĩ, bầu đoàn thê tử, thu phục nhân tâm, kêu gọi anh hùng hào kiệt về giúp, và từ đó sáng lập ra cơ nghiệp nhà Nguyễn, tự xưng là Chúa Tiên. Đất nước, tuy dưới danh nghĩa triều Lê, nhưng trên thực tế đã chia ra làm Đường Ngoài (miền bắc) thuộc chúa Trịnh và Đường Trong (miền nam) thuộc chúa Nguyễn.

Sử liệu Pháp ghi lại rằng vào năm 1516 có một nhà hàng hải Bồ Đào Nha tên là Fernao Perez de Andrade đã đến tận bờ biển Việt Nam. Năm 1596 thầy dòng người Tây Ban Nha tên là Don Diego d’Averte đã đặt chân đến Huế, nhưng bị đuổi đi ngay. Hội Ái hữu Thiên chúa (La Compagnie de Jésus) thành lập một tổ chức truyền đạo tại miền Nam Việt Nam (la Mission de Cochinchine) năm 1615.

Năm 1613 nhà thám hiểm người Anh tên là Richard Carwarden bị giết trên vùng biển Đà Nẵng. Năm 1614 những nhà truyền đạo dòng Tên theo chân các thương nhân người Bồ Đào Nha từ Macao, qua phía nam Trung Hoa, để đến Việt Nam.

Năm 1625, khi một giáo sĩ, sinh tại thành phố Avignon thuộc miền nam nước Pháp, nhưng gia đình ông thuộc gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia) ), tổ tiên sang tị nạn dưới bóng Giáo hoàng vì thời ấy Avignon là đất của Giáo hoàng, tên là Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ) cập bến Hội An, thì việc truyền đạo Thiên chúa mới chuyển qua khúc quanh quan trọng. Người Việt gọi Alexandre de Rhodes là Giáo sĩ Đắc Lộ (3).

Sau này, thành phần thực dân Pháp "nhận quàng làm họ", cho Alexandre de Rhodes là người Pháp và cũng quên vai trò của các linh mục Bồ Đào Nha trong việc đặt ra chữ quốc ngữ luôn. Từ năm 1640 các thương nhân người Bồ Đào Nha, Anh và Hòa Lan đã tìm cách thiết lập một quan hệ thương mại tại các hải cảng về phía Bắc và Nam Việt Nam, và các giáo sĩ đi truyền đạo cũng theo thuyền thương nhân vào Việt Nam.

Nhận thấy vấn đề ngôn ngữ bất đồng giữa người Pháp và người Việt Nam là cản trở chính cho công việc sinh sống và truyền đạo, Giáo sĩ Đắc Lộ bèn học tiếng Việt. Nhưng công lao của những người Việt đã dạy Alexandre de Rhodes học tiếng Việt và góp phần phiên âm tiếng Việt qua mẫu tự Latinh thì không một sách vở nào nói đến.

Alexandre de Rhodes trở nên thành thạo ngôn ngữ, lịch sử và địa lý Việt Nam, và đi truyền đạo ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài tổng cộng 20 năm.
Năm 1645 ông bị chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan) trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Vì thế khi trở về Paris năm 1649, được sự ủng hộ của Giáo hội Thiên chúa Pháp, Giáo sĩ Đắc Lộ đã vận động hai Giáo hoàng Innocent XI và Alexandre VII đồng ý thành lập Viện Giáo sĩ Truyền đạo nước ngoài Paris (Société des Missions Etrangères de Paris, viết tắt là MEP, các sách còn gọi là Hội Thừa sai), với mục đích đào tạo và đưa các nhà truyền giáo người Pháp đến vùng Viễn Đông.

Bốn Giám mục được coi như là những người đã thành lập Hội Thừa sai là François de Laval Montmorency, François Pallu, Lambert de La Motte và Ignace Cotolendi.

Trong lệnh truyền năm 1659 Giáo hoàng Alexandre VII đã ấn định nhiệm vụ của Hội Thừa sai là đào tạo và thiết lập một tầng lớp giáo sĩ địa phương, không hoạt động chính trị, chú ý đến văn hóa cổ truyền địa phương, và mọi quyết định đều phải được thông qua La Mã.

Hội Thừa sai bắt đầu hoạt động năm 1660, Giám mục François Pallu được cử đặc trách miền Bắc, mà người pháp gọi là Tonkin, Giám mục Pierre Lambert de la Motte đặc trách miền Nam, gọi là Cochinchine.

Từ thế kỷ 17 cho đến nay, Hội Thừa sai đã gới khoảng 4.500 giáo sĩ đến châu Á, nhất là các nước Xiêm La, Việt Nam, Cam bốt, Trung Hoa, Ấn Độ, Đại Hàn, Nhật, Mã Lai....

Năm 1651 Giáo sĩ Đắc Lộ cho in cuốn tự điển Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum (tự điển Việt-Bồ-La) dựa theo cách phiên âm tiếng Việt qua hệ thống mẫu tự Latinh, trước đó đã được các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý bắt đầu biên soạn, người Việt góp phần, do ông thay đổi và tu chỉnh. Cách viết này đã thay thế chữ Nho, giúp cho các giáo sĩ truyền đạo Pháp học tiếng Việt nhanh chóng, truyền đạo dễ dàng, và sau này đã trở thành chữ quốc ngữ.

Gần đây cuốn tự điển "Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum" được dịch ra tiếng Pháp hiện đại và phát hành tại Pháp.

Những nỗi thăng trầm khi thi hành nhiệm vụ

Khi đặt chân đến Cochinchine năm 1767 thì Bá Đa Lộc, nhờ có khả năng giáo dục, được cử làm giáo sư trong chủng viện của Hội Thừa sai tạm đặt cơ sở tại Hòn Đất (gần Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay). Năm 1768 Bá Đa Lộc bị Mạc Thiên Tứ, Đô đốc Hà Tiên, giam cầm khoảng hai tháng vì bị buộc tội đã che chở cho một người thuộc hoàng tộc Xiêm La, kẻ thù của họ Mạc.

"...Khoảng gần cuối năm 1769 nước Xiêm lại bị nội biến lây sang Cao Miên. Một người Xiêm lai Trung Hoa là PhaJa-Tak, tên Tàu là Trịnh Quốc Anh, cướp ngôi vua. Một hoàng thân Xiêm là Chang-Si-Sang trốn sang Hà Tiên nhờ các thừa sai Pháp giúp ông ta mua vũ khí và chiếm lại ngai vàng. Bị từ chối, ông hoàng chạy sang Cao Miên trên một chiếc thuyền đang chở lương thực cho chủng viện. Đây là việc tình cờ gây tai hại cho chủng viện: PhaJa-Tak (Trịnh Quốc Anh) mua được sự ủng hộ của Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích, 1706-1780, con của Mạc Cửu) ngày 19/1/1768 họ Mạc bắt giam các thừa sai mấy tháng, dẫn đến sự bùng nổ dân Miên đốt phá nhà thờ, sát hại người Việt ở Cảng Khẩu và Hòn Đất. Sau nhờ sự can thiệp của một người con Đô đốc họ Mạc, cơn chém giết bắt bớ đốt phá lắng dịu..." (trích Nhân vật Công giáo - Lê Ngọc Bích)

Ngày 11 tháng 12 năm 1769, dù đã trở thành Linh mục Giám đốc chủng viện tại Hòn Đất, khi chủng viện Hòn Đất bị quân Cao Miên tấn công đốt cháy, ông phải rời khỏi Việt Nam cùng với Linh mục Morvan và 13 nhân viên chủng viện để đi đến Malacca (nằm ở phía tây của Mã Lai, cách Singapur khoảng 200 cây số) rồi từ đó xuôi về hướng nam đến Pondichéry (nằm ở vùng đông nam Ấn Độ trong vịnh Bengale, nơi đã có nhiều cơ sở thương mại và hành chánh của Pháp từ năm 1673 ), sau đó năm 1770 ông thành lập một chủng viện ở làng Virampatnam cách Pondichéry một dặm về hướng bắc.

"Năm 1771, chủng viện có 39 học viên gồm 12 người Trung Quốc, 16 người Đàng Trong, 5 người Đàng Ngoài, 4 người Thái Lan, 1 người Cao Miên (?) và 1 người Mã Lai. Các học viên được chia thành 4 ban: ban thứ nhất là ban thần học và 3 ban còn lại học tiếng La-tinh, học văn chương và tôn giáo". (Trương Bá Cần, Công giáo Đàng Trong thời Giám mục Pigneau, Tủ sách Đại Kết 1992, tr. 36-37).

Năm 1771 ông được Giáo hoàng Clément XIV tấn phong Giám mục Adran và được bổ nhiệm làm Giám mục Tông tòa phụ tá Giám mục Guillaume Piguel. Nhưng cũng trong năm ấy Giám mục Piguel qua đời ngày 21 tháng sáu, Bá Đa Lộc thay thế Piguel rồi được tấn phong tại Madras ngày 24 tháng 2 năm 1774 (Madras được đổi tên là Chennai năm 1996, là một hải cảng mằm trên bờ biển đông nam Ấn Độ tại vịnh Bengale), và ông lên đường trở lại Đông Dương ngày 12 tháng 3 1775 với chức vị Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong.

Thời ấy các linh mục giả trang làm đủ thứ nghề: thợ mộc, thợ nề, thợ đóng cối xay, thầy lang, bán thuốc thậm chí gánh nước thuê, người đi câu, lái buôn... để truyền đạo, và được sự trợ giúp tích cực của các thương nhân, thậm chí có lúc các giáo sĩ đào tạo chủng sinh trên các thương thuyền. Các chủng viện thời đó là nhà tranh vách đất thiếu thốn mọi thứ, thường bị di chuyển nơi này qua nơi khác, chủng sinh học đạo bằng tiếng Latinh, luân lý hay giáo sử, địa lý, toán pháp căn bản, và thiên văn học, nhưng việc học tập khó khăn vì thiếu sách vở và tự điển, và họ sống trong lo sợ bị cấm đạo.

Việc truyền đạo thường gặp khó khăn vì lý do ngôn ngữ bất đồng, nhưng cản trở chính là sự đòi hỏi người muốn tin theo đạo Chúa phải từ bỏ tục lệ thờ cúng ông bà tổ tiên, không lấy năm thê bảy thiếp mà chỉ một chồng một vợ, ngoài những khó khăn hình thức khác, thí như xây nhà thờ, đúc tượng, đúc chuông, tổ chức hệ thống họ đạo trên dưới quy củ, mang tên thánh bằng tiếng Pháp...

Về đến chủng viện Prambey Chhom trên một hòn đảo của sông Mékong ở tỉnh Kong-Pong-Soai, do Giám mục Piguel ra lệnh xây dựng từ đầu năm 1770, Bá Đa Lộc ra lệnh di chuyển chủng viện Prambey Chhom từ Cao Miên về Việt Nam.

Trong khi đó, sau cái chết của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1765, triều đình chúa Nguyễn ở Đàng Trong bị quyền thần Trương Phúc Loan lũng đoạn. Ba anh em Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chiêu mộ tướng tài và quân lính, nổi lên năm 1771, kiểm soát vùng đất từ Quy Nhơn đến Bình Thuận, làm suy yếu chính quyền chúa Nguyễn.

Cũng nhân cơ hội chúa Nguyễn suy yếu, năm 1774, chúa Trịnh Sâm sai đánh thành Phú Xuân. Triều thần chúa Nguyễn hoảng sợ, bèn mưu bắt Trương Phúc Loan đem nộp. Định Vương Nguyễn Phúc Thuần và các quan phải chạy vào Quảng Nam.

Năm 1775, Nguyễn Phúc Ánh mới 13 tuổi, sinh ngày 15 tháng giêng năm 1762, con của Hoàng tử Nguyễn Phúc Côn và Bà Nguyễn thị Hoàng, cháu của chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), cùng với tôi chúa họ Nguyễn phải xuống thuyền chạy vào Gia Định.

Nguyễn Nhạc nhân thời cơ đó mang quân hai đường thuỷ bộ ra đánh Quảng Nam. Nguyễn Phúc Thuần vội bỏ Quảng Nam theo đường biển trốn vào Gia Định, để lại Nguyễn Phúc Dương.

Tháng 2 năm 1775, quân Trịnh tiến vào Quảng Nam. Quân Tây Sơn cũng tiến ra, lùng bắt được Nguyễn Phúc Dương. Quân Trịnh vượt đèo Hải Vân và đụng độ với quân Tây Sơn. Hoàng Ngũ Phúc đang đà thắng lợi, đánh bại quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Nguyễn Nhạc phải rút quân về Quy Nhơn, rồi xin đầu hàng quân chúa Trịnh, mặt khác cử em là Nguyễn Huệ, mới 23 tuổi, làm chủ tướng mang quân vào Nam đánh nhà Nguyễn ở Phú Yên.

Sau khi thắng ở Phú Yên, Nguyễn Huệ đem quân đánh quân chúa Nguyễn lấy lại đất Quảng Nam.
Tháng 3/1776 Bá Đa Lộc trở về đến Hà Tiên, được Đô đốc Mạc Thiên Tứ cho một khu đất khá rộng gọi là Cây Quao, xéo phía nam Hà Tiên, ông lập một họ đạo mang tên Pi-Nha-Lêu.

Tại họ đạo nầy, Bá Đa Lộc thiết lập một chủng viện đặt dưới quyền điều khiển của Linh mục Morvan.

Tháng 10/1776, Nguyễn Phúc Dương bỏ trốn từ Quy Nhơn về Gia Định, gọi Lý Tài, người Hoa, vốn là tướng của Nguyễn Huệ được cắt giữ thành Phú Yên khi Nguyễn Huệ ra Bắc, phản bội Nguyễn Huệ, làm vây cánh. Lý Tài ép Nguyễn Phúc Thuần nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Dương làm Tân Chính Vương, còn Thuần làm Thái Thượng Vương.

Những trận đánh tấn công Gia Định của anh em Tây Sơn đều là những trận đánh lớn.

Tháng 3 năm 1777, Nguyễn Huệ đem thủy quân vào đánh Gia Định. Lý Tài thua trận cùng hai chúa Nguyễn chạy về Hóc Môn, rồi cầu viện Tổng binh Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ.

Tháng 9 năm 1777, Nguyễn Huệ mang quân bao vây tấn công Ba Việt, bắt sống Nguyễn Phúc Dương và toàn bộ quân tướng. Nguyễn Phúc Dương và 18 tướng tuỳ tùng bị đưa về Gia Định xử tử.

Nguyễn Phúc Thuần bại trận bỏ Cần Thơ sang Long Xuyên, định chờ Mạc Thiên Tứ lấy tàu để chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh nhưng bị quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh bại Mạc Thiên Tứ, đuổi đến nơi, bắt được Nguyễn Phúc Thuần mang về Gia Định xử tử tháng 10 năm 1777.

Nguyễn Phúc Ánh, Đỗ Thanh Nhân và Mạc Thiên Tứ trốn thoát mỗi người một nơi.
Năm 1778, nhiều toán cướp ở Cao Miên tràn vào đốt phá khu chủng viện, giết chủng sinh. Bá Đa Lộc cho dời chủng viện về Tân Triều (Đồng Nai). 
Bá Đa Lộc bôn ba cùng Nguyễn Phúc Ánh

Năm 1780 sau khi Nguyễn Huệ rút đại quân về, các tướng họ Nguyễn lập Nguyễn Phúc Ánh làm chúa, chiếm lại Gia Định, lập triều đình, xây đắp lại thành Gia Định theo kiểu bát quái có tám cửa xây bằng đá ong. Do đó vùng này gọi là Tân Triều.

Một quan hệ có tính cách thân hữu giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Ánh nảy sinh ra từ giai đoạn này và Bá Đa Lộc được phép hoạt động trên các vùng do Nguyễn Phúc Ánh kiểm soát. Được các lực lượng phương Tây như Pháp, Bồ Đào Nha giúp sức, Nguyễn Phúc Ánh lại mạnh lên. Nguyễn Nhạc sai tướng vào đánh nhưng lại bị thua và mất thêm Bình Thuận.

Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc mang quân thủy bộ nam tiến, phá tan quân Nguyễn, giết chết cai cơ người Pháp là Manuel (Mạn Hoè). Nguyễn Phúc Ánh bị đánh bật ra khỏi đất Gia Định bỏ chạy về Hậu Giang. Anh em Tây Sơn chiếm lại Nam Bộ, sai người giao hảo với Chân Lạp (Campuchia) và đề nghị hợp tác đánh Nguyễn Phúc Ánh. Chân Lạp chia quân đón bắt được đoàn cầu viện Xiêm La của Nguyễn Phúc Ánh và suýt bắt được Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Phúc Ánh trốn ra đảo Phú Quốc.

Bá Đa Lộc cũng phải chạy trốn sang Cao Miên cùng với chủng viện.

Cuối tháng 10-1782, sau khi anh em Tây Sơn rút quân về Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Ánh dần dần chiếm lại được Gia Định và Sài Gòn. Bá Đa Lộc đưa chủng viện về đặt tại họ đạo Mặc Bắc, Vĩnh Long. Ngày nay Mặc Bắc là một giáo xứ đông đảo trong địa bàn xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, giáo phận Vĩnh Long.

Năm 1783 Chu Văn Tiếp lại từ Bình Thuận mang quân vào đánh chiếm được Sài Côn Gia Định và đón Nguyễn Phúc Ánh trở về.

Tháng 2/1783, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân nam tiến, Nguyễn Phúc Ánh bỏ chạy về Đồng Tuyên, đến Hà Tiên rồi trốn ra đảo Phú Quốc.

Tháng 8 năm 1783, quân Tây Sơn truy kích, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra các đảo Cổ Long, Cổ Cốt rồi lại quay về Phú Quốc. Nhân có bão biển, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra đảo Thổ Chu, rồi đầu năm 1784 tự mình sang Xiêm cầu viện.

Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem hai vạn thủy binh cùng ba trăm chiếc thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có ba vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, thực chất với ý đồ tạo gọng kìm phía tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn.

Do tình hình ba vạn quân Trịnh đang rình rập ở phía bắc, ba vạn quân bộ Xiêm chực chờ ở phía tây, với hai vạn quân thủy Xiêm ở phía nam, Nguyễn Huệ ra quyết sách nhanh chóng, chủ yếu đánh tiêu diệt hai vạn quân chủ lực đường thủy của quân Xiêm. Sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho, rồi đánh một trận, tiêu diệt quân Xiêm vào tháng 1/1785.

Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút.

Quân Xiêm và Nguyễn Phúc Ánh thua to, chạy bộ về Xiêm La. Nguyễn Ánh một lần nữa chạy ra biển thoát thân.

Bá Đa Lộc cũng phải chạy trốn ra các hải đảo ở vịnh Xiêm La.

Chuyến đi Pháp của Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh

Mặc dù thất vọng vì không thuyết phục được Nguyễn Phúc Ánh theo đạo, nhưng trước tình hình nhà Tây Sơn cấm đạo nghiêm ngặt, và để cạnh tranh ảnh hưởng với các nhà truyền giáo đến từ Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, cho nên Bá Đa Lộc tiếp tục giúp đỡ quân Nguyễn Phúc Ánh qua cơn ngặt nghèo và đề nghị Nguyễn Phúc Ánh xin trợ giúp của triều đình Pháp. Nguyễn Phúc Ánh ưng thuận gởi Bá Đa Lộc làm sứ giả qua Pháp xin cầu viện và để làm tin, Nguyễn Phúc Ánh giao cho Bá Đa Lộc một dấu ấn của vương triều chúa Nguyễn và đem theo Hoàng tử Cảnh, tên tục là Nguyễn Phúc Cảnh, năm tuổi rưỡi, sinh ngày 6 tháng 4 năm 1780 tại Gia Định, con của Nguyễn Phúc Ánh và bà Tống thị Lan, con gái quan Chưởng doanh Tống Phúc Khuông (sau được truy phong là Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu).

Bá Đa Lộc, khi ấy 44 tuổi, khởi hành cùng với Hoàng tử Cảnh vào tháng 2 năm 1785 để đến Pondichéry. Nhưng tại đây ông gặp khó khăn phải chờ hơn một năm mới tiếp tục đi Pháp được. Ông và Hoàng tử Cảnh cập bến Lorient vào tháng 2 năm 1787.

Đoạn đường đi mất đúng hai năm.


Vua Louis XVI

Nhiều bộ trưởng của triều đình Louis XVI chống lại một sự can thiệp ở Đông Dương, nhưng các nhân vật quan trọng Công giáo ủng hộ đề nghị của Bá Đa Lộc. Vua Louis XVI tiếp Bá Đa Lộc tại triều đình vào ngày 5 hay 6 tháng 5 năm 1787, trước sự hiện diện của các bộ trưởng và các nhân vật quan trọng. Bá Đa Lộc trình bày tình hình Đông Dương và những quyền lợi về kinh tế thương mại, vật chất, cũng như về việc truyền đạo Thiên chúa qua sự thuận tình của nhà Nguyễn.

Chính ra, vua Louis XVI ngần ngại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu quân sự tốn kém và nghi ngờ lợi ích sẽ thu hoạch được sau này, nếu đạt được mục đích quân sự. Một chi tiết đáng chú ý là thời ấy dân chúng đang oán ghét và dèm pha nặng nề ảnh hưởng chính trị của hoàng hậu Marie-Antoinette đối với triều đình vua Louis XVI và cách tiêu xài quá phung phí của bà, thí dụ như đề tài hoàng hậu mua một chuỗi kim cương đáng giá một triệu sáu trăm ngàn quan tiền vàng Pháp, trong khi các bộ trưởng đều than phiền là công quỹ quốc gia hao hụt trầm trọng.

Triều đình Louis XVI chấp thuận can thiệp, một hiệp ước giữa vua nước Pháp và vua nước Việt Nam (người Pháp gọi Nam Kỳ là Cochinchine) được ký kết bởi công tước Montmorin, bộ trưởng của vua Louis XVI và Giáo sĩ Bá Đa Lộc tại Versailles ngày 28 tháng 11 năm 1787. Theo hiệp ước này, nước Pháp giúp Nguyễn Phúc Ánh giành lại ngai vàng, ngược lại, nhà Nguyễn nhượng tuyệt đối cho Pháp cửa bể Đà Nẵng, Côn Đảo và độc quyền thương mại tại Việt Nam.

Tại Bắc Hà, từ năm 1782, khi Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm chết, Thế tử Trịnh Cán được lập làm Điện Đô vương, họ Trịnh ngày càng suy yếu.
Năm 1786, lúc Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh còn lênh đênh trên biển, Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc cử làm tổng chỉ huy cùng Nguyễn Lữ đánh ra Bắc với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh", Quân Trịnh rệu rã bỏ trốn. Chúa Trịnh không được lòng dân, bỏ thành Thăng Long chạy, bị dân bắt đem nộp Tây Sơn. Trên đường áp giải, Trịnh Tông tự sát. Xem như nhà Trịnh từ đó bị tiêu diệt.

Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long yết kiến vua Lê Hiển tông. Do sự sắp xếp của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ.

Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Nguyễn Huệ lập Lê Duy Kỳ lên ngôi vua, lấy hiệu là Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút quân về Nam. Giữa năm 1787, Nguyễn Ánh từ Xiêm quay trở lại Gia Định. Nguyễn Lữ yếu thế phải rút về Quy Nhơn.

Trở về Việt Nam

Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh lên đường trở về Đông Dương ngày 27 tháng 12 năm 1787 trên chiến thuyền La Dryade.

Nhưng vì sự cản trở của các thế lực của chính quyền Pondichéry do công tước Conway lãnh đạo, và sự rối rắm của triều đình Louis XVI, nước Pháp đã không gởi quân cứu viện như đã hứa.

Bị bỏ rơi, nhưng Bá Đa Lộc không tự bỏ rơi.

Với số tiền 15.000 quan tiền vàng của gia đình và bạn bè cho ông, cộng thêm sự giúp đỡ của các thế lực thương mại, ông thực hiện điều mà triều đình Pháp không muốn thực hiện. Bá Đa Lộc mua vũ khí, súng ống, đạn dược, chiến thuyền và mộ binh để giúp Nguyễn Phúc Ánh.

Khi ấy, Nguyễn Huệ phải giải quyết vấn đề chuyên quyền của Nguyễn Hữu Chỉnh và sau đó của Vũ Văn Nhậm, giết Chỉnh và Nhậm, rồi lại rút quân về Phú Xuân.

Trong Nam, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được thành Gia Định.

Cuối năm 1788 đang chuẩn bị đánh Nguyễn Phúc Ánh thì Nguyễn Huệ được tin vua Càn Long nhà Thanh nghe lời Lê Chiêu Thống cầu viện, sai Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân tiến vào biên giới chiếm đóng Thăng Long. Các tướng giữ Bắc Hà của ông lui về giữ Biện Sơn cố thủ. Nghe tin báo, Nguyễn Huệ quyết định chọn cách đánh thần tốc để chống quân nhà Thanh, đội tiếng phù nhà Lê để xâm lăng.

Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế kỷ nguyên là Quang Trung ngày 25 tháng 11 năm 1788, rồi ngày 22 tháng 12 năm 1788 (25 tháng 11 năm Mậu Thân) xuất quân tiến ra Bắc Hà, truyền hịch hẹn ba quân là ngày mồng bẩy Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn tết ở Thăng Long.

Đêm mồng bốn Tết Kỷ Dậu 1789, cánh quân của đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, bị giết hàng vạn. Tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn. Xác quân Thanh chết sau xếp thành mười ba gò đống lớn, có đa mọc um tùm nên gọi là Gò Đống Đa.

Sáng mồng năm Tết Kỷ Dậu 1789, Quang Trung mới cùng đô đốc Bảo tổng tấn công vào đồn Ngọc Hồi.

Tôn Sĩ Nghị sợ hãi đã bỏ chạy trước. Lê Chiêu Thống cũng chạy theo Tôn Sĩ Nghị thoát sang bên kia biên giới. Trưa mồng năm Tết, Quang Trung tiến vào thành Thăng Long.

Chỉ trong vòng sáu ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan hai mươi chín vạn quân Thanh. Hai trận chiến, trận Rạch Gầm - Xoài Mút chống quân Xiêm phía Nam và trận đại phá quân Thanh Ngọc Hồi - Đống Đa, ghi nên những trang sử oai hùng của nhà Tây Sơn.

Trong khi đó tại Pháp, cuộc phá ngục Bastille xảy ra ngày 14 tháng bẩy 1789 đã mở đầu cho cuộc cách mạng đặt nền móng cho một chính thể dân chủ, mà hiện nay ngày 14.07 vẫn là ngày lễ trọng đại của nước Pháp.

Mười ngày sau đó, ngày 24 tháng 7 năm 1789 Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh trên chiến thuyền Méduse cùng với khoảng ba trăm thủy quân, tám mươi pháo binh và năm mươi phụ binh người da đen, cập bến Bãi Dừa, Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu) .

Như thế là Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đã mất bốn năm rưỡi để đi Pháp và về Việt Nam.

Trong khi đó, tại Pháp, sau sự kiện cuộc cách mạng năm 1789, vua Louis XVI và gia đình tìm cách trốn ra nước ngoài nhưng không thành.

Ngày 10 tháng 8 năm 1792 vua Louis XVI bị bắt tại cung điện Tuileries và bị Quốc Hội kết tội phản bội chính thể tự do, với 387 phiếu thuận và 334 phiếu chống án tử hình. Ngày 21 tháng 1 năm 1793 đao phủ Sanson chém rơi đầu vua Louis XVI tại quảng trường Cách Mạng, ngày nay là quảng trường Concorde tại Paris. Mười tháng sau đó, hoàng hậu Marie-Antoinette lên máy chém ngày 16 tháng 10 năm 1793 cũng tại quảng trường Cách Mạng.
Cùng Gia Long phục quốc

Thời vận Nguyễn Phúc Ánh đã đến


Bấy giờ Nguyễn Phúc Ánh đã tái chiếm Gia Định, từ năm 1788. Tình hình đã thay đổi thuận lợi, Bá Đa Lộc chuyển chủng viện từ Xiêm về Đàng Trong và chọn địa điểm là Lái Thiêu làm trung tâm của giáo phận Đàng Trong, lập Tòa Giám mục.

Tháng 6/1792, Bá Đa Lộc chuyển chủng viện ra Tân Triều, kinh đô mới của Nguyễn Ánh tại Đồng Nai.

Nguyễn Phúc Ánh ban cho Bá Đa Lộc một đội ngự lâm quân gồm 200 người và đặt Bá Đa Lộc là Đặc ủy viên của vua Pháp, làm cố vấn chiến tranh kiêm ngoại giao. Khoảng hai mươi sĩ quan Pháp, và hơn ba trăm năm mươi thủy binh, pháo binh tình nguyện ở lại huấn luyện quân lính và thủy quân Việt Nam, xây dựng thành lũy theo hệ thống của Vauban.

Nhiều người trở thành quan dưới trướng Gia Long và được đặt tên Việt, như Jean Marie Dayot (Ông Trí) lãnh đạo đội thủy quân, Philippe Vannier (Ông Chấn) chỉ huy chiến thuyền le Dong Nai, De Forsans (Ông Lăng) chỉ huy chiến thuyền L‘Aigle, Jean-Baptiste Chaigneau chỉ huy chiến thuyền le Dragon, Julien Girard de l‘Isle-Sallé chỉ huy chiến thuyền Le prince de la Cochinchine, Laurent Barisy (Ông Mân) coi về huấn luyện, Olivier de Puymanel (Ông Tín) chỉ huy bộ binh, pháo binh và phụ trách xây thành, Desperles và Despiau, hai nhà giải phẫu và bác sĩ quân đội phụ trách về sức khỏe và thương binh, Théodore Lebuen, Guilloux.

Vào năm 1792, Nguyễn Nhạc đóng nhiều tàu thuyền ở cửa Thị Nại để nam tiến. Nhưng lúc đó là mùa gió nồm, thuận gió cho quân nam ra, Nguyễn Phúc Ánh thừa dịp cùng quân Pháp, Bồ Đào Nha đánh úp cửa Thi Nại, đốt cháy nhiều thuyền chiến của Tây Sơn. Nguyễn Nhạc phải thu quân về Quy Nhơn.

Trước sự kiện này, Nguyễn Huệ chuẩn bị huy động hơn hai mươi vạn quân thuỷ bộ, chia làm ba đường đánh Nguyễn Phúc Ánh. Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Phúc Ánh lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Phúc Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn trận này.

Tuy nhiên, cái chết đột ngột của vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào tháng 9 năm 1792 khiến kế hoạch nam tiến này không bao giờ trở thành hiện thực.

Vua Quang Trung Nguyễn Huệ sinh năm 1753, (sinh trước Nguyễn Phúc Ánh chín năm) mất ngày 15 tháng 9 năm 1792, thọ 39 tuổi, miếu hiệu là Thái Tổ Võ Hoàng Đế.

Thời đại hiển hách vủa vua Quang Trung chỉ kéo dài từ năm khởi nghĩa 1771 cho đến năm 1792 là được hai mươi mốt năm, làm vua được gần bốn năm.

Năm 1799, Bá Đa Lộc lâm bịnh nặng trong khi hộ tống Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm Quy Nhơn, trung tâm của nhà Nguyễn Tây Sơn. Sau hai tháng lâm bệnh, ông mất ngày 9 tháng mười 1799 tại cửa Thị Nại - Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thọ 58 tuổi.

Lễ táng Bá Đa Lộc được cử hành trọng thể do Nguyễn Phúc Ánh chủ tọa và đọc điếu văn. Một lăng mộ của Bá Đa Lộc được Nguyễn Phúc Ánh cho xây dựng trong khu vườn thuộc giáo phận Chí Hòa, thuộc tỉnh Gia Định, cách trung tâm thành phố khoảng ba cây số, sau này dân chúng gọi là Lăng Cha Cả. Nhưng có sách viết rằng lăng mộ chính của Bá Đa Lộc nằm ở cửa Thị Nại, Lăng Cha Cả trong nam chỉ là mộ vọng.

Năm 1801, hai năm sau khi Bá Đa Lộc qua đời, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại được Phú Xuân, lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long ngày 2 tháng 5 năm 1802, rồi tận dụng thời cơ nhà Tây Sơn suy yếu sau cái chết của vua Quang Trung, tiến ra Bắc, đánh quân Tây Sơn tan rã, làm chủ đất nước từ nam chí bắc. (4)

Thời đại mười ba vua nhà Nguyễn bắt đầu

Và để trả thù, Nguyễn Phúc Ánh sai đào mộ Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, giã hài cốt thành bột và bỏ xương sọ vào vò, giam cầm trong ngục tối, và tru diệt các tướng lãnh Tây Sơn, gây ra cái chết thảm thiết của vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi thị Xuân.

Bà Bùi Thị Xuân là một nữ tướng xuất sắc của vua Quang Trung, có tài luyện voi đánh giặc, được vua Quang Trung phong làm Đô Đốc, cùng chồng là Trần Quang Diệu, đã hết lòng phò tá Nguyễn Huệ, bị Nguyễn Phúc Ánh bắt năm 1802 cùng với chồng. Trần Quang Diệu bị Nguyễn Phúc Ánh xử lột da đến chết, bà Bùi thị Xuân, và đứa con gái nhỏ bị xử voi dày cho đến chết.

Theo lịch sử Công giáo thì dưới thời vua Gia Long, Giáo Hội Công Giáo có 320.000 giáo dân, 119 Linh mục Việt Nam, 15 nhà truyền giáo ngoại quốc và 3 Giám mục. Ðiều đáng chú ý là tám mươi phần trăm các Linh mục và Giáo chức Việt Nam đều ở miền Bắc.

Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh mất ngày 19 tháng 12 năm 1820, thọ 58 tuổi, làm vua được 18 năm, có 31 người con.

Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, sanh năm 1791 tại Gia Định, con của Nguyễn Phúc Ánh và Bà Trần thị Đặng, lên làm vua lấy niên hiệu là Minh Mạng, chết năm 1840 thọ 49 tuổi, làm vua được 20 năm, để lại 142 người con.

Họ Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng cho đến Bảo Đại, chín chúa mười ba vua, đã in dấu ấn lịch sử gần bốn thể kỷ (từ 1558 cho đến 1955 là 397 năm).
Bảo Đại, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, vua cuối cùng của triều Nguyễn chết ngày 31 tháng bẩy năm 1997 tại Pháp, mộ chôn ở Paris.

Tro xương của Giám mục Bá Đa Lộc được đem về Pháp năm 1983 và cất giữ tại hầm mộ của Viện Giáo sĩ Truyền đạo nước ngoài Paris.

Sau này, khi Pháp xâm lược Việt Nam, họ viện dẫn hiệp ước Versailles 1787 để đòi triều đình Huế phải nhân nhượng điều này điều nọ. Nhưng hiệp ước Versailles không có giá trị pháp lý, vì triều đình Louis XVI đã không thực hiện các điều khoản cam kết để giúp Nguyễn Phúc Ánh (giả dụ là triều đình Pháp thực sự muốn giúp), và nhất là triều đình Louis XVI đã bị lật đổ hai năm sau đó (1789), trước khi Nguyễn Phúc Ánh đạt được mục đích của mình. Do đó, triều Nguyễn không có « nghĩa vụ » thi hành những điều khoản trong hiệp định Versailles 1787.

Còn Hoàng tử Cảnh ?



Năm 14 tuổi (1792) Hoàng tử Cảnh được lập làm Đông Cung, phong chức Nguyên Súy Quận Công. Năm 1797, Hoàng tử Cảnh theo cha đi đánh quân Tây Sơn ở Qui Nhơn.
Vua Gia Long đặt Bá-Đa-Lộc là Sư Phó, Ngô Tòng Chu làm Phụ đạo, và các thầy học khác, trong số này có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phó tướng Tả quân Phạm văn Nhân, Đốc học Nguyễn Thái Nguyên, Nguyễn Gia Cát, Tiến sĩ nhà Lê.

Ảnh hưởng của Bá Đa Lộc lên Hoàng Tử Cảnh không phải là nhỏ, vì Hoàng Tử Cảnh ăn ở chung sống với Bá Đa Lộc nhiều năm, được Bá Đa Lộc dậy dỗ theo đạo Thiên Chúa, cho nên có cảm tình với người Tây Dương, ra mặt che chở cho tất cả những người Âu, bảo vệ cho đạo Thiên Chúa.

Khi ở bên Pháp, Hoàng tử Cảnh được Hoàng Hậu Marie Antoinette cho sửa đổi lại trang phục, thay thế quần lĩnh áo the và khăn vấn, và sai họa sĩ vẽ tranh kỷ niệm.

Ngày 20 tháng 3 năm 1801, sau khi lấy được Thị-nại, Hoàng Tử Cảnh mắc bệnh đậu mùa, mất năm 22 tuổi, chỉ hai năm sau khi Bá Đa Lộc qua đời, an táng ở Bình Định, năm 1809 cải táng về Dương-xuân, và được truy tụng là Anh Duệ Hoàng Thái Tử.

Hoàng Tử Cảnh kết duyên với Tống thị Quyên, sinh được hai con trai là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Năm Gia-Long thứ 16 (1818), phong cho Mỹ Đường là Ứng Hòa Công, Mỹ Thùy là Thái Bình Công.

Sau khi Hoàng Tử Cảnh qua đời, có người tố cáo Mỹ Đường thông gian với mẹ đẻ là Tống thị Quyên. Lê văn Duyệt tâu kín. Vua Minh-Mệnh sai bắt người vợ của Hoàng Tử Cảnh giao cho Lê văn Duyệt dìm chết và cấm Mỹ Đường không được chầu hầu. Năm 1824 Nguyễn Phúc Mỹ Ðường dâng sớ nói có bệnh, xin nộp trả sách và ấn, về ở nhà riêng, làm thứ dân.

Năm 1826, Nguyễn Phúc Mỹ Thùy bị quân lính ở Dực Chấn kiện, sắp giao xuống cho đình thần nghị tội thì bị bệnh chết, không có con (có sách viết ông có một con gái).

Cuối cùng, con trai của Mỹ Ðường, Nguyễn Phúc Lệ Trung, bị bỏ tước hiệu Ứng Hòa Công, giáng xuống là Thái Bình Hầu.

Kỳ Ngoại Thái Bình Hầu Cường Để tên húy là Nguyễn Phúc Vân, đích tôn dòng Hoàng Tử Cảnh, đời thứ sáu kể từ vua Gia Long (Mỹ Duệ Anh Cường Tráng...), được Phan Bội Châu tôn làm Minh chủ Việt-Nam Quang Phục Hội, và giúp Cường Để xuất du, sang Nhật hoạt động (1906).

Tôi sẽ tiếp tục học hỏi về đoạn sau của lịch sử, tức là từ 1802, sau khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua trở thành vua Gia Long, cho đến chiến thắng Điện Biên năm 1954, buộc người Pháp phải rút hoàn toàn ra khỏi Việt Nam.


CHÚ THÍCH

(1) Quan tiền Pháp đầu tiên trong lịch sử nước Pháp là "quan cỡi ngựa" (Franc à cheval) từ thế kỷ thứ XIV vì có in hình vua Jean le bon (1350-1364) cỡi ngựa, bằng vàng nhuyễn nặng từ 3,8 đến 3,9g, tương đương với một chỉ vàng ròng hiện nay.

Sau đó, vua Charles V (1364-1380) ấn định chính xác một quan Pháp nặng 3,826g. Đồng quan này được gọi là "quan đi bộ" (Franc à pied) vì in hình vua đứng trên ngai vàng có phủ trướng.
Năm 1785 vua Louis XVI ấn định đơn vị tiền tệ một quan vàng (gọi là 1 livre tournois) nặng 0,29g vàng ròng, còn một quan bạc (gọi là 1 livre) thì nặng 4,45g bạc ròng.
Từ năm 1879 đến năm 1928 một quan vàng Pháp được ấn định nặng 0,3225g, nhưng tiền vàng dần dần được thay thế bằng tiền giấy kể từ năm 1914, khi Đệ nhất thế chiến bắt đầu.


(2) Người bạn Pháp đi cùng với tôi mang ba tên: tên của ông nội là tên chính của anh ta, tên một người chú chết trận khi còn trẻ tuổi và tên cha.


(3) Giáo sĩ Đắc Lộ Alexandre de Rhodes, con của Bernardin de Rhodes và bà Jeanne de Tolède, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1591, qua đời ngày 05 tháng 11 năm 1660 tại Isfahan, Ba Tư (Persian), cho nên không thể nhầm lẫn với Giáo sĩ Bá Đa Lộc sanh năm 1741, tức là 81 năm sau.


(4) Các quốc hiệu chính thức của Việt Nam theo dòng lịch sử là Văn Lang , Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt ( từ thời nhà Đinh năm 968 đến đời vua Lý Thánh Tông năm 1054), Đại Việt ( từ thời nhà Lý đến năm 1804 , nhưng không liên tục vì nhà Hồ đổi thành Đại Ngu năm 1400, cho đến khi nhà Hậu Lê giành lại độc lập cho Việt Nam, quốc hiệu của Việt Nam đổi lại thành Đại Việt. Nhà Nguyễn Tây Sơn cũng gọi tên nước là Đại Việt.

Việt Nam được Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh ban hành là quốc hiệu chính thức. Nhà Thanh chính thức tuyên phong tên Việt Nam năm 1804. Theo các tác giả nghiên cứu khác thì tên gọi "Việt Nam" đã xuất hiện từ thế kỷ 14. Qua thế kỷ 15 hai chữ "Việt Nam" được tìm thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi (1380-1442) và của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Vua Minh Mạng công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu Đại Nam tồn tại đến năm 1945.

Trích lại từ tác giả Tuyết Trần
Các di tích lịch sử gắn với đức Cha cả.


Lăng Cha Cả, do Émile Gsell chụp năm 1866 (hoặc 1879)


Lăng Cha Cả là ngôi mộ của Giám mục Bá Ða Lộc tục gọi là "Cha Cả", tức Pierre Joseph Georges Pigneaux de Béhaine (người Việt thường gọi tắt dưới tên thánh Pedro [theo âm Bồ Đào Nha, tức Pierre trong tiếng Pháp] của ông phiên âm Hán Việt là Bá Ða Lộc). Ngôi mộ xưa là một di tích lịch sử ở vùng Sài Gòn. Lăng Cha Cả còn được dùng gọi khu vực gần mộ, nay là phường 1, quận Tân Bình.


Giám mục mất năm 1799 ở Thị Nại trong trận vây thành Quy Nhon. Lễ táng Bá Đa Lộc được cử hành trọng thể do Nguyễn Phúc Ánh chủ toạ và đọc điếu văn. Vì được vua Gia Long trọng vọng, coi là "Giám mục Thượng sư", ông được đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ tỉnh Gia Ðịnh. Khu vực ðó là khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhứt phía tây bắc Sài Gòn. Nhưng có căn cứ cho rằng lăng mộ chính của Bá Đa Lộc nằm ở cửa Thị Nại, Lăng Cha Cả trong nam chỉ là mộ vọng.



Triều đình giao việc xây mộ cho linh mục Barthélémy Sang. Tuy giám mục Bá Ða Lộc là người Pháp, kiến trúc mộ ông theo kiểu Việt, có bình phong, bái đường và hậu cung.


Khu Tân Sơn Nhứt sang thế kỷ 20 xây cất lên, hoà nhập vào khu ngoại ô Sài Gòn. Xế về phía bắc lăng là phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hoà. Về phía tây là bến xe lớn. Với những thay đổi đó ngôi lãng bị thu hẹp lại làm điểm tròn nằm lọt giữa đường Võ Tánh. Tuy vậy khu mộ được giữ gìn đến hết thời Việt Nam Cộng hòa, sang 1980 thì Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đem giải toả. Nãm 1983 việc cải táng hoàn tất, di hài của Giám mục Bá Đa Lộc được đem về Pháp năm 1983 và cất giữ tại hầm mộ của Viện Giáo sĩ Truyền đạo nước ngoài Paris. Mấy nếp nhà cũ bị san bằng. Còn lại là điểm tròn làm vòng xoay lưu thông trên đường Hoàng Vãn Thụ ngày nay. (Nguồn: Wikipedia, bách khoa toàn thư mở)







-------------------
Lăng Cha Cả (Bá Đa Lộc): Thực và hư

Trước khi di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vào năm 1980, Lăng Cha Cả ở khu vực ngã tư Lê Văn Sỹ - Hoàng Văn Thụ được cải. Chính quyền giải thích: cải để chỉnh trang đường phố, giảm ùn tắc giao thông. Cha Cả được dùng để chỉ vị tu sĩ Công giáo đứng đầu địa phận. Lăng Cha Cả là khu đất rộng khoảng 2 ngàn thước, gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn. Người ta nói đó là mộ phần của Giám mục Bá Đa Lộc, một Giám mục người Pháp đã sang giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn Nguyễn Huệ và của một số thừa giám.
Tuy nhiên, chuyện Lăng Cha Cả còn nhiều điều đáng lưu ý. Những hài cốt tại khu mộ này đã được đại diện từ nước Pháp sang nhận và mang về chôn. Nhưng riêng mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, khi khai quật, chỉ thấy cây Thánh giá bằng vàng Tây lớn mà ông đeo khi xưa, chiếc gậy vàng của chức Giám mục, những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng.

Nhà nghiên cứu Lý Nhân Phan Thứ Lang, người Công giáo, lật ngược vấn đề: "Nhiều người nghĩ đó là mộ thật của Đức Giám mục, nhưng tờ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, quyển XVI, 92, phát hành tháng 2 năm 1925, có bài: "Bá Đa Lộc: mộ ông... hiện nay ở đâu?" của Vương Gia Bật, chỉ rõ: "Lăng Ngọc Hội cách thành phố Nha Trang 8 cây số. Phía trước mộ có một cái miếu nhỏ ở giữa đề chữ Hán: 'Bá Đa Lộc chi mộ'. Phía sau miếu có khắc cây Thánh giá. Ngày 13/3/1925, quan Công sứ và Linh mục nhà thờ Bình Can (Nha Trang) ra lệnh cải táng. Bên trong, xương cốt đã mục, hàm còn dính 3 cái răng, có 2-3 cái rơi ra ngoài...".

"Như vậy đích là mộ Đức Cha Bá Đa Lộc chôn ở Nha Trang" - Ông Lý Nhân Phan Thứ Lang thành kính - "Theo tôi, ngay sau khi cải táng, hài cốt của Đức Cha đã được đưa về Pháp, ngôi mộ ở khu Lăng Cha Cả tại Sài Gòn chỉ là tượng trưng. Tôi nghĩ, khi Gia Long mới lên ngôi, sợ Tây Sơn có ngày lật ngược thế cờ, nên phải cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc hướng. Còn việc di dời lăng phục vụ dân sinh là đúng".


-Phạm Cường
Nguồn: vietnamnet

***


Dinh Tân Xá (La Maison de l'Evêque d'Adran)


Ngay bên cạnh Viện Bảo Tàng trong Vườn Bách Thảo, đời vua Gia Long có cất một ngôi nhà riêng cho Giám mục Bá Ða Lộc (Pedro) ở ðể dạy Hoàng Tử Cảnh ngay sau khi cả hai từ Pháp về (1789), gọi là Dinh Tân Xá. Cho đến nãm 1864, toàn bộ ngôi nhà được dời về đường Alexandre de Rhodes. Nãm 1900 sau khi Toà Tổng Giám mục được xây, thì Dinh Tân Xá lại được dời đến địa điểm này (trước là đường Phan Ðình Phùng nay là 180 Nguyễn Ðình Chiểu) và được gìn giữ cho đến ngày nay. Theo Vương Hồng Sển [trong Sài Gòn nãm xưa], sau này hội Cổ học Ấn-Hoa (Société des Etudes Indochinoises) có xây một bia ðá kỉ niệm ngay tại nền cũ Dinh Tân Xá, bia ấy ngày nay vẫn còn, ở về phía tả Viện Bảo Tàng, day mặt ngó ra Rạch Thị Nghè. Tương truyền đám táng Ông Bá Ða Lộc khởi hành tại nơi đây.



Dinh Tân Xá là một ngôi nhà rộng khoảng 15m, ba gian hai chái điển hình của của ða số kiến trúc nhà cổ truyền. Từ mái nhà đến cột, kèo, cột, chầm rìa, ðồ mộc nội thất, thể hiện một kĩ thuật trang trí tinh xảo. Tình trạng bảo quả tốt, được trùng tu lần cuối nãm 1980. Hiện nay được dùng làm nhà nguyện của Toà Tổng Giám mục. Đây là công trình kiến trúc được công nhận là cổ nhất còn lại của đất Sàigòn-Gia Định.











(4 bức ảnh trên do Nguyễn Trương Quý chụp năm 2007)




***
Tượng đài Giám mục Bá Đa Lộc một tay với tờ hiệp ước Versailles, tay kia dẫn dắt Hoàng tử Cảnh nhỏ tuổi. Pho tượng bằng đồng này vốn đặt trước quảng trường Nhà thờ Đức Bà, nó được khánh thành trọng thể năm 1901 để kỉ niệm 100 năm ngày mất Bá Đa Lộc. Năm 1945, người Việt đã phá huỷ cùng với những tượng đài khác của Pháp. Và trên bệ tượng cũ này, năm 1959 khánh thành pho tượng bằng đá hoa cương Nữ Vương Hoà Bình (Regina Pacis) mang đến từ Roma, như ta thấy hiện nay.
Chân dung Hoàng tử Cảnh tại Versailles do hoạ sĩ Mauperin vẽ vào năm 1787. Khi ở bên Pháp, Hoàng tử Cảnh được Hoàng Hậu Marie Antoinette cho sửa đổi lại trang phục, thay thế quần lĩnh áo the và khăn vấn, và sai hoạ sĩ vẽ tranh kỉ niệm (cũng cùng thời với bức chân dung Bá Đa Lộc).

Nhận xét