Động Cổ Sâm - Núi Phân Mao và những sự liên quan Trần Việt Bắc

A. Lời tựa

Biên giới Việt -Trung đã và đang là một vấn đề được người Việt quan tâm rất nhiều. Người viết là một, nên đã tìm đọc những bài viết về vấn đề biên giới của các tác giả khác nhau, cũng như tham khảo thêm sử sách. Đâu là biên giới Việt - Trung từ khi nước Việt dành lại được độc lập? Biên giới này bị thay đổi ra sao qua những biến thiên của lịch sử? Tuy nhiên càng đọc càng thấy khó hiểu. Vì thế, chính mình cố tìm hiểu thêm và hy vọng nêu lên những điều đã tìm kiếm được để chia xẻ hay góp ý với độc giả, mong rằng chúng ta có thể tìm ra sự thật của lịch sử.

Để có khái niệm về biên giới Việt Trung thời cổ - vùng tiếp giáp với vùng lưỡng Quảng của Trung Quốc, thì vị trí động Cổ Sâm và núi Phân Mao (Phân Mao Lĩnh) tọa lạc tại đâu là một điều cần tìm hiểu. Cột đồng Mã Viện có thật hay chỉ là truyền thuyết? Câu hỏi này nên được tra cứu thêm, dù với nghi vấn! Việc phân định biên giới theo công ước Pháp - Thanh năm 1887 cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, vì chúng ta đã không biết vị trí của động Cổ Sâm và núi Phân Mao. Việc này đã làm Việt Nam mất đi khá nhiều đất đai; vùng phía đông của tỉnh Quảng Ninh ngày nay!

Bài viết này đặt trọng tâm về việc truy tìm vị trí của hai địa danh động Cổ Sâm và núi Phân Mao, cũng như cố tìm hiểu thêm về sự "hư thực" của cột đồng cùng những địa danh liên quan khác. Người viết với ước muốn là những địa danh này được ghi lại trên bản đồ; để hy vọng các bạn trẻ có thể biết qua về vùng lãnh thổ nước Việt trong quá khứ đã bị lãng quên.

Nhiều tác giả đã có những bài viết, nêu ra những tài liệu về việc lấn đất của Trung Quốc bằng những âm mưu khác nhau, đặc biệt bằng cách là lấy các địa danh của họ, gán vào nội địa của nước Việt, rồi nói là của Trung Quốc, đưa người sang cư trú, lấy lý do bảo vệ người rồi đưa quân sang. Nước Việt đã không có những nhà địa lý chuyên môn để vạch ra những gian trá này. Hơn nữa; thời xưa ý niệm về đường biên giới chưa có, mà chỉ có ý niệm về vùng biên giới, lấy yếu tố thiên nhiên như sông núi để phân định, vì thế những vấn đề tranh cãi đã xảy ra nhiều lần.

Để tìm hiểu hai địa danh động Cổ Sâm và núi Phân Mao, thì vùng ranh giới tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam với châu Khâm, cũng như những vùng kế cận thuộc lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) sẽ được tra cứu và trình bày để được xin thêm ý kiến.

Vì cần tra cứu những vùng đất cúa Trung Quốc; cũng như những sử liệu liên quan, Hán tự đã là một trở ngại lớn cho người viết - một kẻ có sở thích về sử địa nước Việt. Để vượt qua sự khó khăn này, với khả năng Hán văn gần như là “mù chữ” (ngoại trừ hiểu được một số phiên âm Hán Nôm qua truyện võ hiệp của Kim Dung hồi còn trẻ), nên các nhu liệu như “Hansoft”, “Hano Converter ” cũng như tự điển Thiều Chửu đã được tận dụng trong việc tra cứu. Thành thật tri ân những người đã có công cung cấp miễn phí những phương tiện hữu ích này.

Qua những tra cứu, người viết tự đưa ra những tiến trình cho bài viết để có thể đi đến kết luận tạm thời:

Phỏng đoán: đặt căn bản trên những tài liệu thu thập, kể cả những truyền thuyết.
Suy đoán: từ sự phỏng đoán cộng thêm với những suy luận và tài liệu bổ túc.
Nhận định: kết luận tạm thời qua những tài liệu với suy đoán. Bài viết chỉ cố gắng đi đến "tiến trình" này; hầu có thể có được sự"hợp lý" tương đối.
Xác định: Với những chứng minh rõ ràng
Khẳng định: Có tính cách như định lý trong toán học với chứng minh và thí nghiệm để kiểm chứng.

Xin đón nhận những ý kiến của các bậc thức giả để học hỏi, sửa sai và hiểu biết thêm.
B. Động Cổ Sâm và núi Phân Mao qua các tài liệu cổ

Phải chấp nhận một vấn đề là sử ký và địa lý thời cổ của Việt Nam đã tham khảo từ sử sách của Trung Quốc khá nhiều, đặc biệt là vấn đề địa dư. Trung Quốc với cách diễn tả về địa hình, khoảng cách đã không rõ ràng, người Việt tham khảo lại những tại liệu này, rồi viết lại về địa dư nước Việt. Vấn đề này càng gây thêm nhiều khó hiểu cho hậu thế chúng ta, hậu quả của ngàn năm bắc thuộc!. Hơn nữa Trung Quốc với mộng “Bành trướng Đại Hán” đã chắc gì đưa ra những tài liệu thật của họ để cho ta tham khảo, hoặc là với âm mưu chiếm đất bằng cách thay đổi tài liệu hay ngụy tạo tài liệu? Sự việc này hiện đang xảy ra cho Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam! Chúng ta phải cực kỳ cảnh giác về vấn đề này!

1- Sự khác biệt trong việc tham khảo sách Đại Thanh Nhất Thống Chí

Tài liệu tham khảo là sách Đại Thanh Nhất Thống Chí (1) (ĐTNTC) trong các bài viết hiện hành đã thấy có sự khác biệt về khoảng cách từ Khâm Châu đến núi Phân Mao:

a-Trong bài viết “Sử Liệu biên giới giữa ta và Tàu: Từ cửa Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và núi Phân Mao” (2)
Của các tác gỉa: Hà Mai Phương & Lưu Chu Thanh Tao

“Theo Đại-Thanh Nhất Thống Chí [tức bộ địa-dư của Trung-quốc dưới đời nhà Thanh], núi Phân-Mao ở động Cổ-Sâm, cách Khâm-Châu [hay Châu Khâm] khoảng 3 dặm về phía tây. Tương-truyền trên đỉnh núi Phân-Mao có thứ cỏ tranh, do ảnh-hưởng của khí-hậu và địa-thế, ngon cỏ tranh ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân-Mao nghĩa là núi có thứ cỏ chia ra làm hai hướng”.

b-Sách “Biên Giới Việt Trung 1885 – 2000” (BGVT), nhà xuất bản Dũng – Châu 2005. Của tác giả Trương Nhân Tuấn (TNT). Trang 67: “Theo Đại Thanh Nhất Thống Chí (3)大清一統志 thì núi Phân Mao Lĩnh分 茅 嶺 tọa lạc tại phía tây huyện - đường Khâm Châu, cách đây 300 lý và ở trên đường biên giới với Việt Nam” .

Khoảng cách này cũng đã được tác giả ghi lại trong bài viết “Lịch sử tranh chấp chủ quyền “L’ENCLAVE PAK-LUNG…” (4): “Theo Đại Thanh Nhất Thống chí : Phân Mao Lĩnh 分 茅 嶺 ở về phía Tây huyện đường Khâm Châu, cách 300 lý và ở trên đường biên giới với Việt Nam ”.

Như đã viết trong ghi chú, tác giả Trương Nhân Tuấn (TNT) đã tham khảo sách ĐTNTC từ bản dịch của ông Devéria, trong quyển “La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique” (5) , in năm 1886 tại Paris. Trang 2 viết về Phân Mao Lĩnh (La montage Fen-mao ling 分 茅 嶺) với ghi chú số 1: “D'après d'autres sources la montagne Fen-maoling serait située à 360 Li à l'ouest de Kin-tcheou. …”, với câu phiên dịch như tác giả TNT đã viết trong trang 67 (sách BGVT) đã nêu trên (6).

c- Tham khảo trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) (7) về ĐTNTC

Để tra cứu vấn đề khác biệt về việc tham khảo trong Đại Thanh Nhất Thống Chí (ĐTNTC), người viết xin trích dẫn sách ĐNNTC, nhà xuất bản Thuận Hóa, tập 4, trang 8, viết về tỉnh Quảng Yên, như sau: "Vân Cừ, Kim Tiêu, Phân Mao duy Yên Bang”. Lời chú thích của Nguyễn Thiên Túng nói: " "Vân Cừ là tên riêng của sông Bạch Đằng; Kim Tiêu là cột đồng; Phân Mao là tên núi". Đại Thanh Nhất Thống Chí chép " Đèo Phân Mao ở động Cổ Sâm, cách châu Khâm 3 dặm về phía tây". Mã Viện lập cột đồng ở dưới, chia địa giới với nước ta, đỉnh núi sản cỏ tranh, ngọn cỏ chia hướng về nam và bắc, đến nay vẫn thế".

Núi Phân Mao là nơi Mã Viện dựng cột đồng để phân định ranh giới giữa Giao Chỉ và Hán vào năm 43AD (Truyền thuyết hay sử liệu? Chúng ta sẽ tìm hiểu sau!), sau khi thắng Hai Bà Trưng, cũng như ông ta đã dựng cột đồng tại phía cực nam của Giao Chỉ để phân định ranh giới với Lâm Ấp.

Cùng là những tham khảo từ Đại Thanh Nhất Thống Chí (ĐTNTC), tại sao lại có sự quá khác biệt? Một việc cần nhận xét là sách ĐNNTC của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (thời vua Tự Đức, 1847-1883) đã tham khảo từ ĐTNTC trước khi ông Devéria dịch sách này (ấn bản tại Paris 1886). Trước khi tìm hiểu về vấn đề khác biệt này (3 hay 300 dặm), người viết xin tra cứu về chuẩn điểm cho các địa danh tham chiếu trong ĐTNTC: huyện đường Khâm châu.

Ghi chú: những địa danh tiếng Việt với ngoặc có thứ tự như sau: (Phiên âm Wade/Giles - Hán văn - phiên âm Pinyin). Phiên âm Wade/Giles được dùng trong sách của ông Devéria.

2- Vị trí của huyện Khâm Châu (Kin-tcheou - 钦州- Qinzhou).

Huyện Khâm Châu thuộc phủ Liêm Châu (Lien-Tcheou - 廉州 - Lianzhou) thời nhà Thanh. Qua lịch sử, huyện Khâm châu đã được dùng làm điểm chuẩn để định vị trí các địa danh khác, thí dụ như trong Địa Dư Chí của Nguyễn Trãi hoặc trong ĐTNTC. Vì thế; việc tìm hiểu về vị trí của huyện này qua thời gian là một sự cần thiết. Mã Viện thời Đông Hán cũng đã mang quân qua vùng này để xâm chiếm cổ Việt.



Hình 01
Bản đồ trong sách “La Frontière Sino-Annamite”, của Devéria.

Khâm Châu như trong bản dịch ĐTNTC của ông Devéria “Kin-tcheou 嶔州, lat. 21° 54', long. 106" 07' 45", (hauteurs observées sur place par les missionnaires), est situé à 180 li à l'ouest, un peu au nord, de Lien-tcheou; la frontière annamite en est éloignée de 300 li à l’ouest et de 240 li au sud'ouest”. Tác giả TNT đã lược dịch và giải thích như sau: “Huyện Khâm Châu 嶔州, thuộc phủ Liêm Châu 廉州俯 (xưa thuộc tỉnh Quảng Ðông, nay thuộc Quảng Tây). Biên giới Việt Nam cách huyện đường 300 dặm theo hướng Tây và cách 240 dặm theo hướng Tây Nam. Theo bản đồ các nhà truyền giáo Jésuites, tọa độ Khâm Châu: vĩ độ 21° 54’ và kinh độ 106° 07’ 45’’, cách phủ Liêm Châu 180 dặm về phía Tây thiên Bắc” (8).

Ghi chú :
Sự khác biệt giữa kinh tuyến Paris (dùng trong cách tính của các nhà truyền giáo Jésuites - dòng Tên) và kinh tuyến Greenwich ( tiêu chuẩn ngày nay) là 2°20'14" (2 độ - 20 phút - 14 giây).

Vị trí của Khâm Châu chuyển qua tọa độ ngày nay:
Kinh độ (longtitude): 108°27'59" (viết cho gọn là 108°28') (9)
Vĩ độ (latitude): 21°54'

Tọa độ của trung tâm thị trấn Khâm châu ngày nay (theo Google Earth):
Kinh độ (longtitude): 108°37'
Vĩ độ (latitude): 21°59'

Nếu các nhà truyền giáo (dòng Tên) đã ghi lại tọa độ của huyện Khâm Châu một cách tương đối chính xác, thì huyện đường Khâm Châu (trong ĐNNTC) thời xưa (thế kỷ 18), cách trung tâm thị trấn Khâm Châu 18 Km về hướng tây nam và huyện đường nằm tại bờ sông phía tả ngạn sông Mao Lĩnh ngày nay (tên cũ là sông Ngư Hồng - Yu-hong Fl. -漁洪江). (Xin coi bản đồ phía trên).




Hình 02
Tọa độ huyện Khâm Châu theo các nhà truyền giáo dòng Tên (bản đồ từ Google Earth)

Rất có thể các nhà truyền gíao đã đúng khi xác định tọa độ của huyện Khâm Châu hồi thế kỷ 18 - 19. Chúng ta sẽ so sánh với các tài liệu khác để kiểm chứng lại vấn đề này. Nhận xét sơ khởi là thị trấn Khâm Châu ngày nay nằm cách bờ biển khá xa (khoảng 7Km), không tiện cho thuyền bè khi phương tiện chuyên chở còn thô sơ. Thời nhà Minh, giữa thế kỷ 16, Nụy khấu (hải tặc người Nhật) hoành hành tại các vùng biển phía nam Trung Hoa, Triều đình nhà Minh đã có lệnh di dân tại những vùng thường bị hải tặc uy hiếp vào sâu trong đất liền. Vùng biển này nổi tiếng là nơi có hải tặc tập trung, huyện đường Khâm châu có lẽ cũng đã phải di chuyển vào sâu trong đất liền.



Hình 03
Bản đồ vùng đất giữa tỉnh Quảng Ninh (VN) đến Khâm Châu (TQ)

3- Sông, núi và các cửa ải thuộc huyện Khâm Châu

Những địa danh trong Đại Thanh Nhất Thống Chí thuộc huyện Khâm Châu, trích từ các đoạn phiên dịch cũng như giải thích trong sách “La Frontière Sino-Annamite. ...” của Devéria. Người viết xin tóm tắt như sau:

a- Các rặng núi vùng biên giới vùng Khâm Châu

Gồm các rặng núi:
La Phù sơn (Lô-feou chan - 羅 桴山 - Luofu shan)
Thập Vạn sơn (Che-ouan chan - 十 萬山 - Shiwan dashan) hay Thập Vạn Đại sơn
Bà Dương lĩnh (Pa-yang ling - 筢羊嶺- Payang ling)
Vương Quang Sơn (Ouang-kouang chan -王光山 - Wangguang shan)
Mặc Mạt sơn (Mo-moh chan - 墨抹山 - Meima shan)
Phân Mao lĩnh (Fen-mao ling -分 茅 嶺 - Fenmao ling)

Vị trí của Phân Mao lĩnh là một trong những vấn đề chính sẽ được tra cứu trong bài viết này.

b- Các cửa ải tại biên giới (từ Khâm Châu sang Việt Nam)

Gồm các ải sau:
Ải Ná Tô (Na-sou ai - 那蘇隘 - Nasu ai)
Ải Nhẫm Quân (Jen-kium ai - 稔圴縊 - Renshao ai)
Ải Ná Long (Na-long ai - 那隆縊 - Nalong ai)

c- Sông ngòi vùng Khâm Châu

Gồm có các sông:
Thiếp Lãng giang (Tieh-lang kiang - 貼朗江 - Tielang jiang).

Phòng Thành giang (Fang-tch'eng kiang - 防城江- Fangcheng jiang)
Ngư Hồng giang (Yu-hong kiang -洪漁 -Yuhong)
Sông Phụng Hoàng (Fong-hoang - 鳳凰洲 - Fenghuang
Sông Ná Lãng (Na-lang - 那埌遐- Nalang)
Đoàn Lãng giang (Touan-lang kiang - 團浪江 - Tuanlang jiang)
Sông Ngư Châu (Yu-tcheou -漁洲- Yuzhou)
Minh Giang (Ming-kiang - 明江 - Ming jiang)
Long Thủy (Long-chouei - 龍水 - Long shui)

Những sông này sẽ được tra cứu thêm trong phần sau.

(Còn tiếp)

Ghi chú:

(1) Đại Thanh Nhất Thống Chí (ĐTNTC) hoàn tất năm Càn Long thứ 15 (1789) sau hai lần tu chính. Lần tu chính thứ 3 bắt đầu từ năm 1811. Năm 1842 là năm chính thức hoàn thành bộ sách này.
(2) Nguồn: [www.dcvblogs.com]
(3) Ghi chú số 13, trang 79: “Bản dịch của ông Devéria, Ðại Thanh Nhất Thống Chí (DTNTC) 大清一統志 (500 quyển, in năm 1764 theo lệnh của vua Càn Long, trọn bộ) , trong quyển La Frontière Sino-Annamite – Description géopraphique et ethnographique (d’après les documents officiels traduits pour la première fois). l’Ecole des Langues Orientales Vivantes xuất bản, Paris năm 1886”. )
(4) [www.talawas.org]
(5) Độc giả có thể dùng Google search với tên sách để mua từ Amazon hay đọc trực tiếp trong website dưới đây: [books.google.com]
(6)Trong bài viết "Tìm hiểu về Ải Nam-Quan qua một vài tài-liệu nước ngoài",)

(Nguồn: [www.danchu.net] ).
Tác giả Trương Nhân Tuấn viết: Ghi chú : - "Lý": đơn-vị đo chiều dài, có nhiều trị-số khác nhau. Ðơn-vị lý được Pháp dùng với Tàu để phân-định biên-giới Việt-Trung có chiều dài 560 mét. Lý “bình-thường”, dùng trong các sử sách như Ðại-Thanh Nhứt Thống Chí có chiều dài là 400 mét. Nhưng trong các bản-đồ do các nhà truyền-giáo Jésuites thiết-lập thì họ sử-dụng đường kinh-tuyến Bắc-Kinh (114° 49’ 30’’), đơn-vị lý được tính theo hải-lý (mille marin, dặm biển), mỗi hải-lý dài 10 lý. Tức 1 lý vào khoảng 185 mét.)

(7) ĐNNTC nhà xuất bản Thuận Hóa, tập 4, trang 8 viết về tỉnh Quảng Yên
(8) – “Lịch Sử tranh chấp chủ quyền “L’ENCLAVE PAK-LUNG”cùng các đảo Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu trong vịnh Vạn Xuân”. ) Tác giả TRƯƠNG NHÂN TUẤN Nguồn: [www.talawas.org]
(9) Đơn vị đo lường: 1 độ = 1 hải lý (nautical mile) tại xích đạo.
1 phút (cung -arc) = 1 hải lý = 1.85200 Km tại đường xích đạo. Một độ = 1.852 x 60 = 111.12 Km
1 giây (cung - arc) = 308.67 m
明史
Minh sử

地理
Địa lí


广东
Quảng Đông

钦州元钦州路属海北海南道洪武二年为府七年十一月降为州以州治安远县省入九年四月降为县来属十四年五月复为州西南滨海中有乌雷山入安南之要道也又有分茅岭亦与安南分界龙门江在城东又东有钦江俱入於海南有淞海西南有长墩西北有管界三巡检司又西有如昔又有佛淘二巡检司与交址接界宣德二年入於安南嘉靖二十一年复又西南有千金镇东距府百四十里领县一灵山
Khâm Châu nguyên Khâm Châu lộ, thuộc Hải Bắc Hải Nam đạo. Hồng Vũ nhị niên vi phủ. Thất niên thập nhất nguyệt giáng vi châu. Dĩ châu trị An Viễn huyện tỉnh nhập. Cửu niên tứ nguyệt giáng vi huyện, lai thuộc. Thập tứ niên ngũ nguyệt phục vi châu. Tây nam tân hải, trung hữu Ô Lôi sơn, nhập An Nam yếu đạo dã. Hựu hữu Phân Mao lĩnh, diệc dữ An Nam phân giới. Long Môn giang tại thành đông, hựu đông hữu Khâm giang, cụ nhập ư hải. Nam hữu tùng hải, tây nam hữu trường đôn, tây bắc hữu quản giới tam Tuần kiểm ti. Hựu tây hữu Như Tích, hựu hữu Phật Đào nhị Tuần kiểm ti, dữ Giao Chỉ tiếp giới, Tuyên Đức nhị niên nhập ư An Nam, Gia Tĩnh nhị thập niên phục. Hựu tây nam hữu Thiên Kim trấn. Đông cự phủ trăm bách tứ thập lí. Lĩnh huyện nhất: Linh Sơn.

Khâm Khâu vốn thuộc lộ Khâm Châu, thuộc đạo Hải Bắc Hải Nam. Năm Hồng Vũ thứ hai lập thành phủ. Tháng mười một năm thứ bảy hạ làm châu. Lấy sở trị của châu là huyện An Biễn cắt vào. Tháng tư năm thứ chín hạ làm huyện, thuộc vào. Tháng năm năm thứ mười bốn lại lập thành châu. Phía tây nam liền với biển, giữa có núi Ô Lôi là con đường chủ yếu vào nước An Nam vậy. Lại có núi Phân Mao cũng phân giới với Giao Chỉ. Sông Long Môn tại phía đông thành, lại phía đông có sông Khâm, cùng chảy vào biển. Phía nam có vịnh biển, phía tây nam có bãi cát dài, phía tây bắc có ba ti Tuần kiểm trông coi biên giới. Lại phía tây có động Như Tích, lại có hai ti Tuần kiểm Phật Đào, tiếp giới với Giao Chỉ, năm thứ hai thời Tuyên Đức nhập vào Giao Chỉ, năm thứ mười thời Gia Tĩnh lại thu lại. Lại phía tây nam có trấn Thiên Kim. Phía đông cách phủ một trăm bốn mươi dặm. Lĩnh một huyện: Linh Sơn.

灵山州北元属钦州洪武九年四月属廉州十四年五月仍属钦州北有洪崖山洪崖江出焉经县东与罗阳山水合为南岸江南流为钦江又南有林墟西有西乡二巡检司
Linh Sơn châu bắc. Nguyên thuộc Khâm Châu. Hồng Vũ cửu niên tứ nguyệt thuộc Liêm Châu. Thập tứ niên ngũ nguyệt nhưng thuộc Khâm Châu. Bắc hữu Hồng Ngạn sơn, Hồng Ngạn giang xuất yên, kinh huyện đông, dữ La Dương sơn thủy hợp, vi Nam Ngạn giang, nam lưu vi Khâm giang. Hựu nam hữu Lâm khư. Tây hữu Tây Hương nhị Tuần kiểm ti.

Huyện Linh Sơn tại phía bắc châu. Vốn thuộc Khâm Châu. Tháng tư năm Hồng Vũ thứ chín thuộc Liêm Châu. Tháng năm năm thứ mười bốn lại thuộc Khâm Châu. Phía bắc có núi Hồng Ngạn, là chỗ sông Hồng Ngạn chảy ra, qua phía đông huyện hợp với sông chảy ra từ núi La Dương, tạo thành sông Nam Ngạn, chảy về phía nam tạo thành sông Khâm. Lại phía nam có gò Lâm. Phía tây có hai ti Tuần kiểm Tây Hương.

清史稿
Thanh sử cảo

地理
Địa lí


广东
Quảng Đông

钦州直隶州廉钦道治所初沿明制属廉州府光绪十四年升为直隶州析灵山县林墟司隶之又析州属防城如昔二司置防城县来属东北距省治千九百里广二百二十四里袤一百九十五里北极高二十一度五十五分京师偏西七度五十分领县一铜鱼山东南乌雷岭其下曰乌雷港南滨海海中有牙山龙门诸岛钦江自灵山入迤西南至州治南歧为二又西南汇为猫尾海屈东南过龙门入海那蒙江源出灵山高塘岭西南流右合长潭水至三门滩大寺江自西来注之又南为渔洪江又东南合于钦江又篆岭江亦出灵山西南至平银渡曰平银江屈东南与丹竹江合南流为大观港入海又那陈江出西北心岭东北至那陈墟为那陈江又东北复入宣化为八尺江也有沿海林墟长墩三巡司那陈司废防城冲州西南百里十万大山在西北白龙山在西南山麓斗入海向隶越南光绪十三年来属又西南分茅岭与越南界南滨海防城江出西北稔宾山东南流右纳滑石江迳县治南过石龟头汛入海大直江出虎豹隘南与卖竹江合又东南过狮子岭那良江东北流合焉又东为凤凰江又东南合于渔洪江至钦州入海又西潭洪江出大勉山东南过铜皮山为潭洪港入海北仑河其上源曰文义河出拷邦岭东北至北仑汛屈而南嘉隆江自西南来注之其南岸则越南界也又东与那良江合迳越南海宁府北境入海东兴县丞驻有如昔永坪二巡司

Khâm Châu là châu trực thuộc: đất trọng yếu, việc nhiều, dân khó trị. Là sở trị của đạo Liêm Khâm. Lúc đầu theo chế độ của nhà Minh, thuộc phủ Liêm Châu. Năm thứ mười bốn thời Quang Tự, nâng làm châu trực thuộc. Cắt huyện Linh Sơn, Lâm Khư nhập vào. Lại cắt hai tư Như Tích, Phòng Thành thuộc châu đặt ra huyện Phòng Thành. Phía đông bắc cách sở trị của tỉnh một nghìn chín trăm dặm. Rộng hai trăm hai mươi tư dặm, chiều ngang một trăm chín mươi lăm dặm. Cực bắc cao hai mươi mốt độ năm mươi lăm phân. Lệch với kinh sư bảy độ năm mươi phân. Lĩnh một huyện. Phía bắc: núi Đồng Ngư. Phía đông nam: núi Ô Lôi, dưới núi là cảng Ô Lôi. Phía nam liền biển. Giữa biển có các đảo Nha Sơn, Long Môn. Phía đông: sông Khâm, từ huyện Linh Sơn chảy đến, về phía tây nam đến phía nam sở trị của châu, rẽ thành hai nhánh, lại phía tây nam dồn thành biển Miêu Vĩ, uốn khúc phía đông nam, qua Long Môn vào biển. Phía bắc: sông Na Mông, nguồn xuất từ núi Cao Dường thuộc Linh Sơn, chảy về phía tây nam, phía phải hợp với sông Trường Đàm, đến bến Tam Môn. Sông Đại Tự từ phía tây đến đổ vào. Lại về phía nam tạo thành sông Ngư Hồng, lại phía đông nam hợp vào sông Khâm. Lại có sông Triện Lĩnh cũng xuất từ Linh Sơn, phía tây nam đến bến Bình Ngân gọi là sông Bình Ngân, uốn khúc phía đông nam hợp với sông Đan Trúc, chảy về phía nam tạo thành cảng Đại Quan, vào biển. Lại có sông Na Trần xuất từ núi giữa phía tây bắc, phía đông bắc đến thôn Na Trần tạo thành sông Na Trần, lại phía đông bắc chảy vào Tuyên Hóa tạo thành sông Bát Xích. Có ba ti Tuần kiểm là Duyên Hải, Lâm Khư, Trường Đôn. Ti Na Trần đã bỏ. Phòng Thành là đất trọng yếu, việc nhiều, dân khó trị, tại phía nam của châu trăm dặm. Thập Vạn Đại Sơn tại phía tây bắc. Núi Bạch Long tại phía tây nam. Đầu chân núi hướng ra biển, hướng đến đất Việt Nam. Năm thứ mười ba thời Quang Tự thuộc vào. Lại phía tây nam có núi Phân Mao, phân giới với Việt Nam. Phía nam liền biển. Sông Phòng Thành xuất từ núi Nẫm Tân ở phía tây bắc, chảy về phía đông nam, bên trái nạp sông Hoạt Thạch, chảy qua phía nam sở trị của huyện, qua lạch Thạch Quy Đầu chảy vào biển. Phía bắc: sông Đại Trực xuất từ ải Hổ Báo, phía nam hợp với sông Độc Trúc. Lại phía đông nam qua núi Sư Tử, sông Na Lương chảy về phía đông bắc hợp vào. Lại phía đông là sông Phượng Hoàng, lại phía đông nam hợp với sông Ngư Hồng, đến Khâm Châu vào biển. Lại phía tây có sông Phiêu Hồng, xuất từ núi Đại Miễn, phía đông nam qua núi Đồng Bi tạo thành cảng Phiêu Hồng, chảy vào biển. Sông Bắc Lôn, đầu nguồn của sông này là sông Văn Nghĩa, xuất từ núi Khảo Bang, phía đông bắc đến lạch Bắc Lôn, uốn khúc chảy về phía nam, sông Gia Long từ phía tây nam đến đổ vào đó. Bờ nam của sông là đất Việt Nam. Lại phía đông hợp với sông Na Lương, rẽ qua phía bắc phủ Hải Ninh của Việt Nam chảy vào biển. Đông Hưng là chỗ huyện thừa trú. Có hai ti Tuần kiểm là Như Tích, Vĩnh Bình.

Nhận xét