Thập nhị hoa giáp quần tiên

Thập Nhị Giáp ( 12 Con Giáp )

Mười hai con giáp là cách tính tuổi của người Đông Á. Theo phong tục của Việt Nam và Trung Hoa thì có 12 con giáp, những người sinh vào năm nào của con giáp đó sẽ mang các; tính cách; cuộc sống; quá khứ và tương lai trong một cuộc đời của con người đó.

* Tí (chuột)
* Sửu (trâu bò)
* Dần (hổ)
* Mão (mèo, thỏ)
* Thìn (rồng)
* Tị (rắn)
* Ngọ (ngựa)
* Mùi (dê)
* Thân (khỉ)
* Dậu (gà)
* Tuất (chó)
* Hợi (lợn)

Ở Việt Nam, con thỏ được thay bằng con mèo, nhưng ở Nhật Bản và Trung Quốc mèo không thuộc 12 con giáp. Bởi theo truyền thuyết, khi các con vật chạy thi, con chuột đã lừa con mèo rằng ngày chạy thi là ngày hôm sau, nên mèo yên tâm năm ngủ. Con chuột trèo lên lưng trâu, và trâu cứ lầm lũi chạy, gần đến đích thì con chuột nhảy xuống và chiến thắng. Vì vậy từ đó mèo căm thù và hay đuổi bắt chuột.

Ở Châu Âu, người ta tính tuổi theo Mười hai cung hoàng đạo.

Cách gọi là chi trong lịch âm
1- Tý (Trung Quốc, Việt Nam, Cổ Ấn Độ: con chuột)

2- Sửu (Trung Quốc: con bò - Việt Nam, Cổ Ấn Độ: con trâu)

3- Dần (Trung Quốc, Việt Nam: con hổ - Cổ Ấn Độ: con sư tử)

4- Mão (Trung Quốc, Cổ Ấn Độ: con thỏ - Việt Nam: con mèo)

5- Thìn (Trung Quốc, Việt Nam, Cổ Ấn Độ: con rồng)

6- Tỵ (Trung Quốc, Việt Nam: con rắn - Cổ Ấn Độ: con rắn độc)

7- Ngọ (Trung Quốc, Việt Nam, Cổ Ấn Độ: con ngựa)

8- Mùi (Trung Quốc, Cổ Ấn Độ: con cừu - Việt Nam: con dê)

9- Thân (Trung Quốc, Việt Nam: con khỉ - Cổ Ấn Độ: con khỉ Ma-các)

10- Dậu (Trung Quốc, Việt Nam, Cổ Ấn Độ: con gà)

11- Tuất (Trung Quốc, Việt Nam, Cổ Ấn Độ: con chó)

12- Hợi (Trung Quốc: con lợn rừng - Việt Nam: con lợn - Cổ Ấn Độ: con voi)

Lịch Can Chi của người Phương Đông, dùng cho việc gieo trồng mùa màng. Cứ ba năm âm lịch lại có một năm nhuận[cần dẫn nguồn] để điều chỉnh lại cho đúng chuẩn.

Quan niệm của Người Việt và người Hán
Mỗi năm lịch của người dân Việt Nam và người Trung Hoa đều gắn liền với 1 con giáp và đi theo thứ tự từ năm Tý đến năm Hợi rồi lại vòng lại.
[sửa] Mốc thời gian tính hai tiếng một giờ

- Tý (23h-1h)

- Sửu (1h-3h)

- Dần (3h-5h)

- Mão (5h-7h)

- Thìn (7h-9h)

- Tỵ (9h-11h)

- Ngọ (11h-13h)

- Mùi (13h-15h)

- Thân (15h-17h)

- Dậu (17h-19h)

- Tuất (19h-21h)

- Hợi (21h-23h)
[sửa] Mốc thời gian trong tháng

- Tý (tháng mười một)

- Sửu (tháng mười hai)

- Dần (tháng một)

- Mão (tháng hai)

- Thìn (tháng ba)

- Tỵ (tháng tư)

- Ngọ (tháng năm)

- Mùi (tháng sáu)

- Thân (tháng bảy)

- Dậu (tháng tám)

- Tuất (tháng chín)

- Hợi (tháng mười)

Người nào sinh vào năm con giáp nào thì sẽ cầm tinh con giáp đó. Con giáp mà con người cầm tinh có ảnh hưởng đến tính cách của họ như:

- Người tuổi Tý thông minh, láu lỉnh, có trực giác sắc bén, luôn hướng tới một tư tưởng cao xa.

- Người tuổi Sửu cũng thông minh và rất chăm chỉ làm việc, hơi ít tình cảm.

- Người tuổi Dần thông minh, cương quyết, ý chí dũng mãnh, tính tình luôn vui vẻ, họ có thể đem niềm vui vào tận góc nhà.

- Người tuổi Mão thông minh, ôn hoà, giàu lòng nhân ái, họ rất cẩn trọng trong cuộc sống.

- Người tuổi Thìn hay quyến rũ người ta

- Người tuổi Tỵ giàu tình cảm, thông minh

- Người tuổi Ngọ thích giao lưu, đi xa

- Người tuổi Mùi hiền lành

- Người tuổi Thân giỏi ăn nói, thông minh, thường rất tự tin ở tài năng của mình.

- Người tuổi Dậu chăm chỉ làm việc

- Người tuổi Tuất Thông minh, thẳng thắn, giàu lòng chính nghĩa, trung thành và kín miệng.

- Người tuổi Hợi lãng mạn, thật thà.

Những người cầm tinh 1 con giáp sẽ bị xung khắc với 3 trong 11 con giáp còn lại:

Tứ hành xung:

1) Tý - Mão - Ngọ - Dậu (Riêng Mão vẫn hợp với Dậu)

2) Thìn - Tuất - Sửu - Mùi

3) Dần - Thân - Tỵ - Hợi

Những người cầm tinh 1 con giáp sẽ hợp với 2 trong 11 con giáp còn lại

1) Tý - Thìn - Thân

2) Sửu - Tỵ - Dậu

3) Dần - Ngọ- Tuất

4) Mão - Mùi - Hợi

12 con giáp xuất xứ từ Việt Nam? Những nghi vấn mới nhất.
Xưa nay nhiều người vẫn lầm tưởng rằng 12 con giáp có xuất xứ từ Trung Hoa. Tuy nhiên, mới đây, trong một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ - nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nguyễn Cung Thông phát hiện ra nguồn gốc 12 con giáp có xuất xứ từ Việt Nam.
[sửa] Ngôn ngữ là “lá bùa” tổ tiên để lại

Theo văn hóa Phương Đông, lịch được xác lập theo chu kỳ thay đổi đều đặn của Mặt trăng. Do đó 12 con giáp ứng với 12 giờ trong ngày, 12 tháng trong năm, 12 năm trong một giáp – đó là những nền tảng quan trọng để tính lịch và là dấu hiệu để nhận đoán về số mệnh của từng người theo cung Hoàng Đạo.

Trong lịch sử, Việt Nam và Trung Hoa có một thời kỳ giao lưu văn hoá ít nhất 2000 năm. Những đợt giao lưu văn hóa cứ tiếp biến và chồng chất lên nhau khiến cho dấu hiệu nhận biết nét riêng của từng dân tộc rất khó khăn. Thêm vào đó, các tài liệu xưa không còn nhiều, nếu còn cũng chỉ trong kho thư tịch Hán cổ khiến cho việc nghiên cứu hết sức rắc rối và phức tạp. Chính điều này đã đốc thúc nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Cung Thông cố công đi tìm cho bằng được những bí ẩn ngôn ngữ của tổ tiên mà theo ông đó là những “lá bùa” con cháu cần tìm lời giải.

Ông Thông cho biết, ông bắt đầu việc nghiên cứu tiếng Việt của mình vào những năm đầu thập niên 1970 tại nước Australia. Trong một lần nghiên cứu về nguồn gốc 12 con giáp để lần tìm cội nguồn tiếng Việt ông đã phát hiện ra một số từ Việt cổ mà người Việt đã dùng để chỉ về 12 con giáp có nguồn gốc lâu đời trước khi 12 con giáp xuất hiện ở Trung Hoa. Vào những ngày cuối năm con trâu, tại Viện Việt học ở thành phố Westminster (California, Mỹ) ông đã có một buổi thuyết trình những khám phá thú vị của mình với chủ đề “Vết tích của tiếng Việt cổ trong tiếng Hán”.

“Tìm hiểu về gốc của tên mười hai con giáp là một cơ hội để ta tìm về cội nguồn tiếng Việt. Tên 12 con giáp là Tý/Tử, Sửu, Dần, Mão/Mẹo, Thìn/Thần, Tỵ, Ngọ, Mùi/Vị, Thân/Khôi, Dậu, Tuất, Hợi. Thoạt nhìn thì thập nhị chi trên có vẻ bắt nguồn từ Trung Quốc vì là những từ Hán Việt, nhưng khi phân tách các tiếng Việt, và thấy có những khác lạ, tôi đem so sánh trong hệ thống ngôn ngữ vay mượn thì sự thật không phải vậy” – ông Thông nói.

Theo ông Thông thì tên 12 con giáp nếu đọc theo tiếng Bắc Kinh và bằng cách ghi theo phiên âm (pinyin): zi, chou, yín, măo, chén, sì, wè, wèi, shèn, yòu, xù, hài... hoàn toàn không liên hệ đến cách gọi tên 12 con giáp trong tiếng Trung Quốc hiện nay. Ngay cả khi phục hồi âm Trung Quốc thời Thượng Cổ thì vẫn không tương đồng với các cách gọi tên thú vật thời trước. Như vậy nếu có một dân tộc nào đó dùng tên 12 con thú tương tự như tên 12 con giáp ngày nay thì dân tộc đó phải có liên hệ rất khăng khít với nguồn gốc tên 12 con giáp này.

Từ điều này, khởi đầu cho việc nghiên cứu ông đi tìm nguyên do vì sao trong 12 con giáp của Trung Quốc, con Mèo bị thay bởi Thỏ. “Người Trung Quốc dùng thỏ thay cho mèo (biểu tượng của chi Mão/Mẹo) vì trong văn hóa người Trung Quốc thỏ là một loài vật rất quan trọng và thường được ghi bằng chữ tượng hình là Thố, giọng Bắc Kinh, là từ viết bằng bộ nhân không có từ để chỉ mèo. Hầu như chỉ có dân Việt mới dùng mèo cho chi Mão: nguyên âm e hay iê là các dạng cổ hơn của a như kẻ/giả, vẽ/hoạ, xe/xa, khoe/khoa, hè/hạ, chè/trà, keo/giao, beo/báo... Vì thế mà mèo cũng là loài vật hiện diện trong đời sống dân Việt thường xuyên hơn” – ông Thông lý giải.

Thời tiền Hán, tiếng Việt không có nhiều thanh điệu như bây giờ, nên sự khác biệt về thanh điệu không có gì lạ. Trong khẩu ngữ người Việt có cách dùng “chờ một tý” hay “chờ một chút”, “đưa chút tiền”, “đưa tý tiền”... vào thời tiền Hán, các câu trên đọc như giọng Huế (ít thanh điệu hơn so với giọng Hà Nội) thì thấy chút hay chụt/chuột chính là các cách đọc của Tý sau này.
[sửa] Vì sao Việt Nam không giữ được “thương hiệu”?

Thực tế, đã từng có nhiều công trình của nhiều tác giả cố gắng chứng minh văn hóa Trung Quốc có xuất phát từ văn hóa Việt Nam như tác giả Lê Mạnh Mát qua cuốn “Lịch sử âm nhạc Việt Nam - từ thời Hùng Vương đến thời kỳ Lý Nam Ðế” hay tác giả Nguyễn Thiếu Dũng với cuốn “Nguồn gốc Kinh Dịch”... Hầu hết các cuốn sách này đều cho thấy chiều vay mượn văn hóa là từ phương Nam vào thời thượng cổ, chứ không phải là từ Bắc xuống Nam (cũng như các nước chung quanh) vào các đời Hán, Ðường lúc văn hoá Trung Quốc cực thịnh. Tuy nhiên không tác giả nào đề cập đến nguồn gốc tên 12 con giáp, và rất ít dùng cấu trúc của chữ Hán, Hán cổ cùng các biến âm trong cách lý giải.

Theo ông Thông, ngoài hai chi Tý/Tử/chuột, Mão/ Mẹo/mèo là dễ nhận thấy nhất thì những chi còn lại khi so sánh trong tương quan ngữ âm, ngữ nghĩa cũng đều cho ra những kết quả khá bất ngờ.

Ví dụ với trường hợp của Thân là chi thứ 9 trong bản đồ Hoàng Đạo. Nếu xem cách viết chữ Thân bằng bộ điền với nét giữa dài hơn với cách viết chữ Khôn (một căn bản của Kinh Dịch có từ thời Thượng cổ) thì ta thấy bộ thổ hợp với chữ Thân hài thanh. Đây là liên hệ trực tiếp giữa Thân và Khôn, tuy nhiên tiếng Việt cổ có chữ khọn là con khỉ (người Huế hay người xứ Nghệ hiện nay một số chỗ vẫn còn những câu cửa miệng “tuồng mặt con khọn” để ám chỉ những người vô tích sự, chẳng làm chẳng nên trò trống gì). Thành ra, Thân chính là khỉ, tiếng Việt cổ dù biến âm th-kh rất hiếm gặp trong tiếng Việt ngày nay nhưng nó vẫn còn dấu tích của những từ cặp đôi như: thân- cận- gần, thận- cẩn (thận trọng, cẩn trọng).

Tương tự với trường hợp của con Rồng. Xưa nay nhiều người vẫn cho rằng rồng là một con vật tiêu biểu cho vương quyền của phương Bắc và sau đó nó được chọn làm một trong 12 con vật có mặt trong 12 con giáp của cung Hoàng Đạo. Nhưng ít ai biết được rằng rồng thực sự là con vật chủ của người Việt cổ và ngày xưa người Việt đã có những từ ngữ riêng để nói đến rồng hay thìn. Thìn/Thần dấu tích còn lại trong giọng Bắc Kinh hiện nay chỉ còn chén – âm này có thể tương ứng với các âm trần, trầm, thần của Hán Việt. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông thì nếu phục hồi âm cổ của Thìn/Thần là tlan (Tiếng Việt cổ - âm r chuyển thành l) và trăn, lươn (âm ts - mất đi), rắn, trình (loài cá giống con lươn), rồng/long (nguyên âm o thay cho a như nôm/nam, vốn/bản...) và khuynh hướng đơn âm hoá để cho ra các dạng từ ghép như tlăn - thằn lằn, tlian - thuồng luồng... cho thấy vết tích của rồng trong các ngôn ngữ phương Nam. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc bị “lẫn lộn” về nguồn gốc 12 con giáp, ông Thông cho rằng “Với ảnh hưởng quan trọng của nền văn hoá Trung Quốc, từ đời Hán và sau đó là Đường, Tống... với sức ép của giai cấp thống trị từ phương Bắc tên 12 con vật tổ đã từ từ được thay thế bằng hình ảnh con người, mang nặng màu sắc văn hoá Trung Hoa hơn. Từ tính chất cụ thể của các loài vật láng giềng, 12 con giáp đã trở nên trừu tượng và còn ảnh hưởng đến vận mạng con người nữa (bói toán). Tuy nhiên, cái vỏ hào nhoáng của chữ Hán, Hán Việt không thể thay đổi được nền văn hoá bình dân (khẩu ngữ) trong đời sống người Việt”

Sự phát hiện mới mẻ này đã chứng minh cho sự phát triển của người Việt xưa trong cách tính lịch và làm nên một nền văn minh lúa nước rực rỡ ở phía Nam Đông Nam Á.



Sự tích 12 con giáp

Ngày xưa, thủa Trời, Đất mới hình thành, mọi việc chưa được sắp xếp ổn định, chốn trần gian chưa ngăn nắp. Giữa cõi trời và hạ giới có nhiều sự khác nhau, nhất là về thời gian và con người.

Nghe nói cõi Trời một ngày dài bằng một trăm ngày nơi hạ giới và “người” ở cõi Trời là Tiên, khác với người thường ở trần gian…Do vậy Ngọc Hoàng thượng đế đã phải bận tâm sắp xếp để tổ chức loài người được hoàn chỉnh. Một trong những điều phải sắp xếp đó là ...

định “tuổi”, định “số mạng” con người. Ngọc Hoàng cho rằng: con người tuy đông, sinh ra vào ngày giờ, nơi chốn khác nhau nhưng tựu trung lại chủ yếu là chỉ “cầm tinh” có 12 con vật tiêu biểu, hiện có ở cõi trần. Trần gian có muôn loài vật, vậy lấy tiêu chuẩn nào để chọn trong số đó ra 12 con vật tiêu biểu, đặc trưng? Theo Ngọc Hoàng thì một khi con vật nào đó đã được chọn để loài người “ẩn” vào đó thì sẽ cố định suốt từ đời này sang đời khác ở thế gian…

Để thực hiện ý định, Ngọc Hoàng đã họp cùng các quần thần suốt trong nhiều ngày và cuối cùng đã đi tới một quyết định: sẽ triệu tập các loài vật ở thế gian về Thiên Đình để tuyển chọn những con tiêu biểu nhất. Thế nhưng nếu triệu tập hết thì đất đâu mà chứa? Do vậy cách tốt nhất là phải có những điều kiện riêng. Điều kiện đó là: kể từ lúc có thông báo, hễ con vật nào về Thiên đình trước sẽ được chọn là con “đầu đàn” rồi từ con vật này sẽ chọn con tiếp theo, theo một nguyên tắc: con thứ nhất được quyền giới thiệu con thứ hai, con thứ hai được quyền giới thiệu con thứ ba và cứ theo trình tự mà tuyển chọn cho đến khi đủ 12 con thì thôi. Lệnh vừa ban ra thì đã nghe từ trong mây vang lên tiếng kêu the thé của một loài vật nhỏ con nhưng lại rất tinh khôn, đó là con Chuột. Số là lúc ấy, Chuột đang vui chơi gần chốn Thiên đình nghe trộm được lệnh trước đã không bỏ lỡ dịp may liền lên tiếng và có mặt sớm nhất. Giữ đúng lời hứa, Ngọc Hoàng bảo với Chuột:

- Nhà ngươi về truyền rao lại cho một người bạn thân thiết nào đó của ngươi, coi như con vật đó là con thứ 2 trong danh sách và từ con thứ hai đó sẽ được quyền chọn con thứ 3 cho đến kết thúc đủ 12 con thì thôi…Con nào đã được mời rồi thì sẽ tự động về đây vào ngày đầu xuân của trần gian để ta chỉ dạy.

Chuột ta hí hửng ra về cố moi óc xem có người bạn nào thân, đủ tin cậy để giới thiệu với Ngọc Hoàng không? Nghĩ mãi nó mới chợt nhớ đến Mèo. Thời ấy, giữa Chuột và Mèo sống hòa thuận như bạn bè. Khi được biết hảo ý của người bạn nhỏ, chú Mèo láu lỉnh đã kêu toáng lên thích thú. Sau đó Mèo được Chuột dặn thêm rằng:

- Anh chọn ngay một người bạn nào đó mà anh cho là đủ tư cách nhất rồi mời anh ta, nhân đó cũng báo cho anh ta chuẩn bị mời người khác nữa….

Mèo cẩn thận dặn Chuột:

- Tôi có tật hay mê ngủ, vậy đúng ngày lên Thiên đình anh nhớ đánh thức tôi kẻo quên nhé!

Rồi Mèo đi tìm Trâu là người bạn vẫn thường ngày cày ruộng ở gần nhà Mèo. Sau khi nghe nói xong Trâu gật đầu ngay:

- Tốt quá, tôi sẽ tìm một người bạn nối khố của tôi là anh Hổ, anh ấy oai dũng lắm!

Vốn là bạn thân lâu năm, Hổ nghe nói rất cảm động trước tình bạn và nghĩa cử cao cả của Trâu. Hổ mau mắn nói:

- Tôi có người bạn nhỏ trong rừng rất hiền lành dể thương, đó là Thỏ, tôi sẽ mời anh ta.

Tất nhiên là Thỏ ta khoái chí vô cùng, nó liền đi mời ngay một người bạn khá ly kỳ, thường hay lui tới uống nước ở một con sông lớn, đó là bác Rồng. Rồng là con vật suốt ngày bay lượn trên không và hay qua lại cung của Ngọc Hoàng, nên cũng hay biết chuyện này, bác Rồng nói:

- Tôi hay tin này từ các tiên nữ nhưng vì Chuột được Ngọc hoàng tin giao nên tôi đang chờ, vừa lúc anh tới báo. Được, tôi rất vui lòng nhận lời và tôi sẽ giới thiệu tiếp một người bạn của tôi.

Bạn của Rồng chính là Rắn, một dòng họ xa. Khi đươc báo tin, Rắn mừng rơn và đi tin ngay cho anh Ngựa là chỗ láng giềng được biết. Ngựa còn khoác lác:

- Hèn chi tôi năm mơ thấy mình được thăng quan, quả đúng thật. Được, tôi sẽ chọn một người bạn nữa xứng đáng.

Và chú Dê, bạn của Ngựa đã được giới thiệu vào danh sách. Rồi Dê nhớ ra rằng có một anh bạn thông minh hay ăn trái cây, đó là chú Khỉ, con vật vẫn tự xưng là “Hầu vương”, rồi anh ta bốc đồng khi được tin:

- Biết ngay thế nào Ngọc hoàng cũng sẽ cần đến mình, “Số trời” đã định rồi…

Bốn chân bốn cẳng, Khỉ chạy đi báo cho Gà, rồi Gà bay đi tìm Chó vốn là bạn cùng sống trong nhà với nhau. Thế là đủ số 12 con. Mùa đông cũng vừa hết, ngày xuân đang về… cả 12 con vật không ai bảo ai tự động cùng tới Thiên đình. Chỉ tội nghiệp cho con Mèo có bệnh ngủ quên, lại gặp người bạn Chuột xảo quyệt, ích kỷ nên tới ngày mà Chuột chỉ đi một mình. Trên Thiên đình, Ngọc hoàng điểm danh thấy chỉ có 11 con, Ngài nổi giận, còn Chuột thì chống chế:

- Tôi có báo cho Mèo nhưng nó quá mê ngủ nên không đi…

Ngọc hoàng phán:

- Được rồi, bỏ Mèo ra! Ta sẽ phái người xuống trần, trên đường đi hễ gặp bất cứ con vật nào thì cho thế chỗ của mèo.

Tướng nhà Trời y lệnh đi ngay. Gặp anh Heo lúc đang bị những đồ tể khiêng đến lò sát sinh. Tướng trời quát:

- Cho nó theo ta về chầu Ngọc Hoàng!

Chú Heo được đưa tới Thiên đình thì lúc này lại đang xảy ra một vấn đề trong việc chia ngôi thứ: Con vật nào sẽ đứng đầu. Nếu căn cứ vào “thành tích”và vóc dáng thì các con như Rồng, Cọp, Trâu, Ngựa phải được chọn. Nhưng để tránh sự cãi cọ lôi thôi, Ngọc Hoàng phán:

- Ta sẽ mở một cuộc thi do Hằng Nga làm giám khảo. Tất cả các ngươi hãy chạy thi từ đây đến Cung Quảng (chỗ ở của Hằng Nga) nếu con nào đến đích trước sẽ được đứng đầu bảng. Các con đứng sau theo thứ tự mà phân ngôi.

Cuộc thi diễn ra vô cùng hào hứng. Các con Cọp, Ngựa, Trâu ỷ sức mình nên lúc đầu cho qua, không ngờ những con vật nhỏ đã cố gắng vượt lên… chỉ có Trâu là vẫn giữ được vị trí hàng đầu. Khi về gần tới mức không ngờ chú Chuột ranh mãnh đã nhảy lên ngồi trên lưng Trâu từ hồi nào, liền nhảy phóc xuống và phóng nhanh qua lằn mức đến, giành vé đầu tiên. Trâu hậm hực phản đối nhưng đành thua vì điều lệ không ghi rõ phương thức cụ thể. Vừa lúc đó Mèo xuất hiện và khiếu nại:

- Tôi có tên trong danh sách, tại sao không được dự thi?

Ngọc Hoàng từ chối, nhưng Hằng Nga tâu:

- Thưa Ngọc Hoàng, để được lòng cả hai thần nghĩ nên nhận Mèo. Bên Cung Quảng hiện thiếu một người canh giữ nên thần muốn xin…

Ngọc Hoàng hiểu ý gật đầu:

- Được, ta chấp nhận để khanh tự chọn lấy một con trong số này về giữ Cung Quảng.

Thấy Thỏ trắng dễ thương nên Hằng Nga liền chọn Thỏ. Thế là danh sách bị khuyết và Mèo dĩ nhiên được “đặc cách” tuyển vào cho đủ số 12 con vật theo thứ tự: Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó và cuối cùng là Heo.

Việc phân chia như vậy đã xong và 12 con vật ấy trở thành “12 con giáp” của người trần gian cho đến ngày nay.

Nhận xét