Hoài cổ – Thương nhớ trường xưa


Đây là nơi ‘hoang phế’ của một thời làm biểu trưng cho một dân tộc, đang tản mạn khắp thế giới, ước mong có một ngày nào đoàn tụ… là điều có người muốn cường điệu, ‘nếu ngày ấy nước Do Thái phục hưng hoàn toàn, thế giới sẽ là ngày tàn’. Đấy là Bức Tường Khóc.
Bức Tường Khóc

 Mượn hình ảnh và một bài gợi ý về lịch sử bức tường làm nên văn hóa giáo dục cho người Do Thái hôm nay, để tôi… cũng hoài cổ, khi nghe mấy anh lớp lớn lần về Tĩnh Tâm bước chân lên nhà ngủ 3 của chúng ta ngày trước, bây giờ không còn nhìn ra cảnh quan cũ. Các anh vói tay lên đầu tường vừa xây sửa lại, dáng u hoài và bắt chước bài ca nhập lễ: Gia-liêm ảm đạm hoang vu – giờ đây thành thánh không còn như xưa…

Cũng làm tôi lòng buồn lây, thiếu điều như dân Sion đứng nhìn mà khóc.
“Người Do Thái có một lối giáo dục con cái rất đặc biệt, là khi đứa con ban đêm có một giấc mơ hãi hùng, họ không cho con cái tìm cách quên đi, mà bắt phải kể lại.
Khoa uyên tâm ngày nay đang chứng minh rằng chỉ khi nào con người dám đối diện với cái bóng đen của mình, thì mới có cơ phát triển được. Như thế, bóng đen không còn là con ma dữ dằn mai phục trong tiềm thức để sai khiến và hành hạ con người, nhưng nó trở thành yếu tố hình thành, giống như khoa học đã khám phá ra nét âm hòa hợp với nét dương mà biến thành điện lực vậy.
Jean Lartéguy đã viết cả một cuốn sách dầy về Bức Tường Thành Do Thái, những bí mật của quân đội bí mật nhất thế giới. Người ta nói nhiều về những bí mật khác nhau đã tạo nên sức mạnh kỳ lạ cho dân tộc Do Thái. Nhưng cái bí mật bí mật nhất, lạ thay và mâu thuẫn thay, lại nằm ở ngay một bức tường đổ vỡ mà người Do Thái vẫn gọi là bức tường than khóc. Đó là tàn tích của đền thờ Giêrusalem huy hoàng xưa kia bị tướng Titô của đoàn quân viễn chinh Roma phá tan tành “không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào” vào năm 70. Và từ đó người Do Thái bị phát lưu đi khắp thế giới, sống lang thang tủi nhục…
Bức tường khóc như vậy quả là một cơn ác mộng đáng phải được quên đi mới đúng, vì nó là dấu tích của sự tủi nhục. Ấy thế mà qua bao nhiêu thế hệ, người Do Thái từ khắp thế giới vẫn tìm về bức tường này, để nhìn rõ mặt mình chứ không trốn chạy, chứ không tiếp tục khoe mẽ huyênh hoang về văn hiến dân tộc kiêu hùng! Và để cùng khóc với nhau.
Bức Tường này được chiếm lại trong trận chiến 6 ngày vào năm 1967. Lữ đoàn Dù đã không dám dùng bom đạn sợ bức tường thiêng liêng này bị tàn phá, nên họ đã cận chiến tổn thất nặng nề mới đạt được. Đoàn quân đã nhào tới hôn bức tường, và lớn tiếng hò vang: “Năm nay chúng ta về lại Giêruslem” sau gần hai ngàn năm lang bạt.
Kể từ đó, những người lính Dù, đoàn quân tinh nhuệ nhất của Do Thái, sau mỗi khóa huấn luyện, đều phải đến làm lễ tuyên thệ trước Bức Tường Khóc. Trước hết, họ phải đi bộ 40 cây số, khởi hành từ rạng đông mãi tới tối mới đến được bức tường này. Họ chưa có quyền mang vũ khí và chỉ mang một túi đeo lưng với trang bị cá nhân, vì họ chưa phải là hiệp sĩ thần thánh dính liền với lễ nghi tuyên thệ. Trong nghi lễ, vị chỉ huy nói bằng một giọng sắt thép: ”Các bạn lại sắp biết thế nào là sợ hãi, là khổ đau, là máu, là nước mắt. Chúng ta đừng có ảo vọng. Chiến tranh lại đến với chúng ta, và một lần nữa chúng ta phải thắng để khỏi bị tiêu diệt. Vì thế đây là những điều tôi cầu chúc anh em: một công cuộc huấn luyện cực kỳ khó nhọc, gay go. Tôi chúc các bạn đổ mồ hôi, chịu đói khát và nhọc mệt” (Jean Lartéguy, Bức Tường Thành Do Thái, trang 273).
Một sự kiện tương tợ, tôi đang là người trong cuộc và nhiều huynh đệ của tôi hiện ở xa về, mỗi lần về hay hằng năm có một ngày truyền thống đã trở về nơi mà nay vừa tôn tạo hay đã trở nên hoang phế và sẽ thay hình đổi khác ra như một ‘Giê-ru-sa-lem hoang tàn – bức tường khóc’.
Đương nhiên trong tâm tưởng mỗi người có hình bóng Chủng Viện với ngôi nhà sắp 150 năm và đã may mắn được mừng Đệ Nhất Bách Chu Niên trong tình thế ‘bình thường’ vì năm ấy là 1963. Còn từ 1975 về sau tình thế đã khác nhiều, không vì thời gian đã phải trôi bay đi như mây khói nhưng là tại cách hành xử của con người mang cách thức ‘không phải người nhà’ của Ông Thánh Giuse.
Hình bóng trong tim mỗi người con cái ở mỗi thế hệ có khác nhau. Phải. Nhưng tại sao ? sự thay đổi bên ngoài mà triết học gọi là ‘ngoại thể hay tùy thể’, chẳng đáng nói và vẫn không gọi là hoang tàn, hoang phế đến độ chỉ còn lại một bức tường để mỗi lần ai trở về nhìn thấy cũng gây ra buồn phát khóc vì ‘hoài cổ’.
Những kẻ nào là người ngoài mới chẳng thấy gì và vô cảm, chẳng tiếc thương hình dáng cũ…
Tôi nhớ năm 1957, khi Saigon mừng hàng giáo phẩm VN mới khai sinh, các vị ‘mục tử’ dẫn đàn chiên dân tộc thiểu số về góp mặt, họ vẫn quấn quít ‘không giống ai’, dân tộc kinh lấy làm lạ, kẻ ‘thiếu hiểu biết’ nếu không muốn bảo là ‘ít chữ nghĩa, như trẻ con nhà quê’ mới tỏ vẻ khinh thường, chê bai họ là bẩn thỉu và rừng rú…
Nghe biết thế, các mục tử của họ lòng xót xa nhưng cũng không bỏ mặc, xa rời đàn chiên tội nghiệp, bởi Chúa Trời an bài cho mỗi sắc dân một nét đẹp riêng và cao quý. Có vị chủ chăn, vì là người kinh, muốn cho chiên mình được ‘khai hóa’, dẫn họ về đây cho xem thấy sự văn minh hoa lệ của sắc tộc kinh, đã hỏi “các con thấy thế nào, có đẹp không? Và có muốn nên giống họ không?” – Họ trả lời bằng câu nói của người ‘có văn hóa’ mà phải ‘nhiều chữ nghĩa’ mới đạt tới trình độ ấy: Đẹp lắm đẹp lắm. Nhưng là của họ. Không phải của chúng con. Rồi về cao nguyên, họ vẫn đóng khố để xếp bộ vó dân kinh vào nơi làm kỷ niệm một lần ‘kính mừng ngày khai sinh hàng giáo phẩm VN’.
Điều ấy, dạy dỗ tôi một điều ‘không nhăng nhít chút nào’, nếu có ai cho rằng tư tưởng tụt lùi về miền sơn cước, nếu không muốn nói là ‘thụt xuống’… Đó mới là nói ngược. Vì Sơn Cước là cao nguyên, kẻ ấy quên đi hay chưa học cách nói tiếng VN.
Để ví von với tình hình thời kinh tế thị trường, đâu đâu các người ‘văn minh’ cũng đi tìm vật chất, làm ra của cải vật chất là cùng đích của họ. Thần thánh bán kiếm tiền. Nhà Chủng viện là nơi gọi là Nhà Chúa, của ông thánh, để đào tạo ra các Đức Kitô Khác, không cần biết, cũng mại luôn, biến luôn thành… để kiếm tiền!. Rồi mai sau nơi đây là thương xá như các nơi khác của tập đoàn này nọ. Giấc mơ hãi hùng của tôi và cũng nhăng nhít thế !..
Nhắc lại một nét đẹp về chiếc áo dài đen… ‘cổ hủ và hôi như cú !’. Vào thời Saigon mới vừa được xem Tivi, bên DCCT Saigon được mấy nghệ sĩ tài danh ngoài đời dẫn dắt và đào tạo để đảm nhận một tiết mục, vì lúc ấy nhà đài truyền hình còn chưa lắm nhân tài. Các nhà tu bắt đầu biết giao lưu và giao hảo sau bao năm khép kín… Dòng Chúa Cứu Thế đồng phục âu đến giao lưu với Chủng Viện ta. Vào những lúc sinh hoạt đâu có phải trưng ra chỉ có độc quốc phục ‘lý tề’ như truyền thống từ thời tây để lại, bây giờ ta cũng trắng toát rồi, cho đến chân đi bata, cũng phải trắng. Thế mà sao trong lòng các chú cứ mặc cảm với cái áo dài đen thấy rõ và coi DCCT âu phục là tân tiến và tiên tiến.
Chẳng lâu sau mới nhìn ra ‘đổ vỡ’ khi vào sâu, đi quá xa trong dòng đời làm nghệ sĩ, chẳng còn nhớ được đường về y như bên tây, cái thời thử nghiệm phong trào linh mục thợ !..
Bây giờ tác phẩm “Số Đỏ” không còn ‘chớp’ lại, sao thế nhỉ?. Trong ấy có cái nhân vật chủ trương ‘gì cũng phải tây’ ‘phải tây hóa với bất cứ giá nào’ và lấy ‘đất thó’ làm thuốc tây để chữa bệnh cho ông chủ. Thế là chết ! và cuốn phim cũng chết luôn không trình chiếu nữa!.
Tôi đang tham dự vào ‘cuộc chiến với cái đầu gối’ về những kỷ niệm ngôi trường ta sắp kỷ niệm 150 năm và bị cho là nhăng nhít bởi những ‘điều lo sợ’ nếu nói ra chẳng khác gì ‘cầm đèn chạy trước ô-tô. Đó mới thực là nhăng nhít. Nhưng mới chỉ là ‘một giấc mơ hãi hùng’ của một đêm không ngủ được, vì là người bệnh hoạn, bởi ngoài 60 rồi lại gặp lắm rắc rối cuộc đời, tại ‘cái đầu gối’ có thể không là trung khu thần kinh, sẽ sẵn sàng máy móc tặng cho thêm một ‘đòn thù’, cho rằng ‘là nhăng nhít của con người bệnh hoạn’. Đôi dép ta đi còn có số, biết cãi làm sao !.
Tôi lại kể ra đây, là theo đường lối giáo dục của người Do Thái.
Lại nhớ đến chuyện chỉ lưu hành nội bộ lớp VT62 chúng tôi: vào khoảng cha Giuse Nguyễn Năng làm giám đốc Chủng Viện Xuân Lộc, một anh bạn phương xa về thăm nhau, hỏi ngài: “nghe thiên hạ đồn cậu sắp được làm giám mục, có phải vậy không? – Ngài bảo: họ đồn đãi tầm bậy tầm bạ !”
Rồi ít năm sau đó, các bạn biết đấy ! Lễ Tấn Phong Gm. ở ngoài Phát Diệm vào ngày 8. 9. 2009. Chính xác là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng. Thế thì anh bạn ấy lại vui mừng gởi lời chúc mừng Ngài với câu: ngày ấy con nói tầm bậy tầm bạ, mà nay lại trúng tùm lum tùm la.
Chuyện đồn đại và giấc mơ hãi hùng không phải là vô căn cứ, như ông bà mình vẫn dạy: sống làm sao, chiêm bao làm vậy. Có thể vì bản thân của chủ giấc mơ hãi hùng vì ban ngày đã gặp phải nhiều điều, với tôi, thế là hãi hùng. Còn với người khác… là chuyện nhăng nhít. Lúc này chẳng cầm đèn chạy trước ô-tô làm gì cho mệt xác.
Ngôi nhà 150 năm Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn
Trường chúng ta bây giờ ‘thay da đổi thịt khác lắm rồi’ cho đến một ngày nào, cũng không ra ngoài luật tang thương, nghĩa là tang điền biến vi thương hải. Nhưng hình bóng trong tim sâu chúng ta, anh khác tôi khác, nếu ở các thế hệ khác nhau…
Nhưng có nhiều nền văn hóa còn giữ lại được những ngoại thể và phục chế những công trình xưa từ bao đời trước làm di tích văn hóa, ta cho là dân tộc có văn hóa, thì trường ta, chúng ta lại là con cái trong nhà, có Văn Hóa không? Hỏi? chứ đâu có ai trả lời rằng ‘không’, nhưng tay thì đang cầm ‘búa’ với tư thế sẵn sàng ‘giải phóng mặt bằng’. Xin dừng lại đi cho, nếu là người có văn hóa.

Nhận xét