Cập nhật: Thứ sáu, 28/10/2011, 17:24 GMT+7
Khu đô thị mới phía Tây
thành phố Nha Trang được thiết kế với mục tiêu phát triển trở thành một
khu đô thị với hệ thống hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại,
đột phá về tổ chức không gian, đáp ứng đa dạng nhu cầu ở và sinh hoạt,
đảm bảo không gian kinh tế xã hội và môi trường phát triển bền vững; là
trung tâm thu hút các dịch vụ công cộng của Thành phố, có sức hút đầu tư
cao, xây dựng từng phần, đặc thù và khả thi.
Vị trí địa lý cách trung tâm thành phố 5km về phía Tây, trên trục phát
triển Nha Trang - Diên Khánh và trong vùng phát triển du lịch phía Tây
Bắc Thành phố (giáp sông Cái). Tổng diện tích 344,4 ha, thuộc địa phận
các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang. Việc xây
dựng Khu đô thị Tây Nha Trang sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện
quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2020.
Đồ án được thiết kế với quan điểm cân bằng hữu cơ giữa các giá trị hiện
hữu và các giá trị phát triển mới, phát triển vừa độc lập, vừa liên kết,
tôn vinh lẫn nhau trong môi trường bền vững. Ngoài ra, còn có quan điểm
về phát triển kinh tế gắn với đô thị trong đó chủ yếu là thương mại
dịch vụ; phát triển xã hội với việc ưu tiên hệ thống hạ tầng dịch vụ, đa
dạng hoá các loại hình ở, ưu tiên không gian sinh hoạt cộng đồng, diện
tích cây xanh, mặt nước…vv.
Giá trị cốt lõi của phương án quy hoạch là cấu trúc công năng gắn kết
hữu cơ với địa hình tự nhiên, thực trạng phân bố dân cư, yêu cầu thoát
nước và thuỷ lợi; hình thành các khu dân cư phát triển khá độc lập, mỗi
khu có đầy đủ dịch vụ và tiện ích thiết yếu cho đô thị, có thể phát
triển ổn định và đầu tư từng phần (có thể định hình là đơn vị ở). Cấu
trúc công năng này đã tạo điều kiện cho các giải pháp tổ chức không
gian, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật được đa dạng và hữu cơ,
hình thành chuỗi giá trị về kinh tế, xã hội, kiến trúc cảnh quan, môi
trường tăng sức hút và khả năng dụng nạp của đô thị.
Theo đó, Khu đô thị Tây Nha Trang có 8 khu dân cư với diện tích từ
40-50ha, trong đó gồm một phần dân cư sở tại (phát triển vừa độc lập vừa
liên kết với hệ thống hạ tầng sẵn có). Mô hình hành chính có thể trở
thành 2 phường. Các thành phần đất khác biệt với các khu đô thị khác
gồm: đất công trình công cộng của thành phố, đất phục vụ cho an sinh xã
hội như: nhà ở xã hội, đất tái định cư, đất đền bù tư liệu sản xuất (đất
dịch vụ), đất cải tạo mở rộng công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Quy
hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật với sự tuân thủ việc bảo vệ đê sông Cái,
bảo vệ dòng chảy của sông Quán Trường, sông Cầu Bè. Hệ thống giao thông
có các tuyến phân ranh giữa các khu dân cư cũ và mới được kèm theo hệ
thống hạ tầng kỹ thuật nhằm giải quyết việc chênh Cos xây dựng. Ngoài ra
còn một số vấn đề khác như tiết kiệm chi phí xây dựng hạ tầng, khối
lượng GPMB…vv đã được cụ thể hóa trong quy hoạch.
Quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới phía Tây thành phố Nha Trang do các đơn vị thực hiện gồm:
- Trung tâm quy hoạch, trung tâm kinh tế - hạ tầng và các trung tâm chuyên ngành khác của Công ty.
- Chỉ đạo thực hiện: Tổng giám đốc Công ty: TS. KTS Lê Tuấn;
- Giám đốc dự án: Ths. KS Nguyễn Tuấn;
- Chủ nhiệm đồ án: KTS. Đỗ Trí Phương - Giám đốc Trung tâm quy hoạch;
- Chủ trì quy hoạch kiến trúc: KTS. Đỗ Đức Hiếu;
- Chù trì cấp thoát nước: KS Nguyễn Việt Hưng;
- Chủ trì cấp điện: KS Trần Gia Tiến;
- Chủ trì giao thông: KS Nguyễn Hồng Dũng.
|
Tiểu ban biên tập
Trung tâm Quy hoạch
Nhận xét
Đăng nhận xét