Bất cứ nhà văn, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, diễn viên nào sinh sống ở đây đều góp phần tạo cho ngôi làng trở thành một nơi vô cùng đặc biệt.
Heyri Art Village là điểm du lịch nổi tiếng ở Hàn Quốc
với rất nhiều "không" như không vé vào cổng (khách chỉ phải chi trả nếu
muốn tham quan các phòng trưng bày, bảo tàng…), không giờ tham quan cố
định (khách có thể đến đây 24/24). Những ngôi nhà ở làng Heyri không
được xây quá ba tầng. Tất cả các kiến trúc tọa lạc ở đây đều có một
không hai. Đặc biệt, nếu không thuộc giới văn nghệ sĩ, bạn cũng khó lòng
xây nhà ở ngôi làng đặc biệt này.
Ảnh: Blog Đinh Hằng.
|
Chừng đó đủ khiến cho khách du lịch quyết định dành một
ngày để đến và dạo chơi ở Heyri. Trả 500 won cho một tấm bản đồ, hành
trình nho nhỏ tại ngôi làng bắt đầu ở cổng số 1.
Hình thành giữa cái nôi của ngành xuất bản Hàn Quốc -
thành phố Paju- làng nghệ thuật Heyri tự bản thân nó là nơi hội tụ của
cái đẹp.
|
Cuộc đi dạo giữa Heyri là hành trình bất tận của những
bất ngờ khi bạn tình cờ phát hiện ra một ngôi nhà màu tím, một dãy cửa
hiệu xây kiên cố điểm xuyết những cành xanh mọc len ra từ bên trong. Nếu
bạn nương theo mùi thơm nồng nàn, biết đâu dưới chân dốc sẽ là một quán
cà phê đỏ rực màu lá phong?
Có ai ngờ được rằng chỉ cách ngôi làng yên bình này 6km
là DMZ, nơi chia cắt hai miền Nam và Bắc Hàn. Trái với những lo ngại
không đáng có, Heyri nằm nép mình một cách yên ả giữa thành phố biên
giới Paju.
|
Bất cứ nhà văn, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, diễn viên nào
sinh sống ở đây đều góp phần tạo cho ngôi làng trở thành một nơi vô cùng
đặc biệt: nơi mà sự sáng tạo thăng hoa trong cái đẹp diễm tình đầy nghệ
thuật. Niềm kiêu hãnh của từng vị chủ nhân toát lên qua cách họ tạo nên
căn nhà độc đáo của riêng mình: nơi vừa là phòng trưng bày, vừa là nơi
làm việc và vừa là nơi cư ngụ. Có thể nói giữa thung lũng ngợp sắc rừng
này, mỗi một căn nhà, tiệm cà phê, phòng trưng bày hay studio chụp ảnh
đều là một kiệt tác nho nhỏ.
Heyri Art Village là giấc mơ của bất cứ một người Hàn
Quốc nào đang phải đặt cọc thuê nhà cao từ 10 đến 20 lần tiền thuê hàng
tháng. Jihye, cô bạn người Hàn, nói để có được một căn hộ chung cư thuê ở
Ilsan, Goyang, cô đã phải đặt cọc số tiền bằng tiền thuê suốt hai năm.
|
Trước đây, người Hàn sử dụng hình thức “jeonse”, trong
đó chủ nhà yêu cầu người thuê phải đặt cọc từ 30% đến 80% giá trị thị
trường của căn nhà. Thời hạn thuê thường khoảng hai năm. Tiền đặt cọc
được trả lại toàn bộ (không bao gồm tiền lãi) khi đáo hạn hợp đồng. Điều
này có nghĩa là suốt hai năm đó, người chủ có toàn quyền sử dụng tiền
thuê nhà để đầu tư vào các hình thức kinh doanh khác, và có được tiền
thuê nhà từ lãi suất của số tiền đặt cọc.
Ngày nay, hình thức này được chỉnh sửa đôi chút thành
“wolse”. Chủ nhà hạ thấp mức đặt cọc xuống (được hoàn lại khi hết hợp
đồng) và người thuê sẽ phải trả một khoản tiền thuê hàng tháng (không
được trả lại).
|
Sau bữa ăn trưa trong một quán ăn kiêm studio ở tầng hai, tôi có đủ thời gian để lạc mình giữa những ngôi nhà đầy mê hoặc.
Đừng đến Heyri nếu bạn không có đủ thời gian để rong
chơi, nếu bạn không tìm thấy niềm vui khi thả mình dưới một tán cây hay
bước đi giữa cánh đồng hoa vàng. Heyri với kẻ lạ đơn giản như một ngày
không làm gì, chỉ đi dạo giữa cái đẹp, hít lấy không khí của nghệ thuật
và lắng nghe thanh âm của cuộc đời yên ả.
|
Cuộc sống ở đây trôi đi hệt như một bản tình ca kiều
diễm. Trên cái nền xanh của bạt ngàn rừng, những con đường nho nhỏ dẫn
lối đi lên thơm mùi cỏ cây. Dưới mái hiên, trên tường nhà hay bất cứ ô
cửa nào đấy sẽ là những chấm rực rỡ của một loài hoa xinh xinh. Thế
nhưng ẩn sâu bên trong cái không gian êm đềm ấy là sức sáng tạo đang sản
sinh mãnh liệt từ chính những con người đang là chủ nhân của ngôi làng
nghệ thuật này.
|
Phải chăng vì thế mà Heyri vẫn đang tiếp tục mở rộng?
Người ta tính toán chỉ vài ba năm nữa, ngôi làng sẽ tràn ngập trong
không khí và lời ca của nghệ thuật với hàng trăm tòa nhà. Các studio
chuyên biểu diễn nhạc thính phòng. Các hãng phim nhỏ, các bảo tàng, hiệu
sách, hội trường nơi sẽ diễn ra các hội thảo hay một trường nghệ thuật…
Tất cả đều đã nằm trong kế hoạch xây dựng Heyri.
|
Cách đến Heyri: Đi tàu điện ngầm từ Seoul đến trạm
Hapjeong bằng line 2. Đến nơi, ra cửa số 2, đón xe bus số 2.200 (Giá vé
một lượt: 2.100 won). Khoảng 40-50 phút xe chạy bạn sẽ có mặt tại trạm
Heyri. Khi trở về, bạn qua bên kia đường, trạm xe bus nằm phía trước một
dãy tạp hóa bao gồm một cửa hàng hoa. Bạn có thể đến Heyri bất cứ lúc
nào, tuy nhiên viện bảo tàng và các triển lãm thường mở cửa từ 10:00 đến
19:00 giờ mỗi ngày, và nhiều nơi có thể đóng cửa vào thứ hai.
Nhận xét
Đăng nhận xét