Nhà ở là một thay thế kỳ
diệu cho hang đá, túp lều bằng cây cỏ thời tiền sử của con người. Từ khi xuất
hiện, nhà ở đã chứng tỏ vai trò rất quan trọng của nó trong đời sống. Cho đến
nay, dù đã thay đổi biết bao lần về hình dáng, kích thước, vật liệu xây dựng…
nhưng nhà ở vẫn luôn song hành với đời sống con người, luôn dành cho con người
ngày một nhiều hơn những tiện lợi mà nó có được…
Trước hết, nhà ở luôn là
nơi che chở cho con người khỏi nắng mưa, gió bụi… bởi nó có mái, có vách, có
cửa… Trở về những ngày xưa, ngày mà đất nước ta còn là những làng quê thuần
nông với cảnh con trâu đi trước, cái cày
theo sau, nhà ở lúc đó chủ yếu làm cột kèo bằng gỗ, bằng tre, mái lợp bằng
cây cỏ tranh hoặc lợp lá mà phổ biến
nhất là lá dừa nước; vách nhà cũng được làm bằng lá dừa, bằng tranh hoặc bằng
đất sình trộn rơm tô lên bộ khung cây. Nhà ở lúc này thường làm đơn sơ, vật
dụng trong nhà cũng không nhiều nhưng vị trí cất nhà lý tưởng phải là nơi gần
sông nước, ngay phía trước chỗ ruộng vườn mình đang làm và nếu có cây cao bóng
cả hoặc đồi núi phía sau nhà thì càng hay. Đây là lý do khiến bà con ta rất
chuộng những bức tranh sơn thủy với cảnh một vài ngôi nhà đơn sơ ven một con
sông uốn khúc, kế bên nhà là ruộng vườn tươi tốt, xa xa phía sau nữa là cảnh
núi non hùng vĩ.
Bên cạnh những nếp nhà
lá, nhà tranh đơn sơ của đại bộ phận nhân dân ta, còn thấy thấp thoáng đâu đó
là một số ngôi nhà lợp ngói lớn kiểu ba gian, hai chái hay nhà ngói năm gian
của các điền chủ, địa chủ.
Thời hiện đại, nhà ở của
bà con ta chuyển từ lợp lá sang lợp ngói, lợp tol là phổ biến. Vách nhà lúc này
cũng ít dùng lá mà chuyển sang dừng vách bằng gỗ, bằng tol hoặc đúc bằng gạch
rồi tô xi măng, quét vôi. Nền nhà cũng được cách
tân từ nền đất chuyển sang tráng xi măng hoặc lót gạch tàu, gạch bông. Ở
các vùng đô thị hay phố chợ đất chật người đông như Cao Lãnh, Sa Đéc… nhà ở
thường được xây cất thêm nhiều tầng bên trên tầng trệt (nhà lầu). Riêng ở các
vùng như Hồng Ngự, Tam Nông, Tân Hồng… do nước lũ hay ngập sâu nên số đông bà
con ta vẫn cất nhà sàn, vách ván, lợp tol...
Và dù là nhà ở được xây
dựng theo lối cổ điển hay cách tân, dù nhà nhỏ hay nhà lớn thì đều có nhiệm vụ
thỏa mãn nhu cầu ở của con người. Do
đó, trong nhà nhất thiết phải bố trí chỗ ngủ cho các thành viên. Chỗ ngủ là nơi
phục vụ một phần ba khoảng thời gian
sống của một đời người nên không thể không có. Nếu là nhà nhỏ, chỗ ngủ của các
thành viên trong nhà thường bố trí gần nhau, không ngăn thành từng phòng riêng
như ở các ngôi nhà lớn. Ở đó, người ta có thể bố trí giường tre (phổ biến ở
nông thôn trước đây) hay giường gỗ có trải chiếu hoặc đệm bàng. Thời hiện đại,
nhà khá giả có thể trang bị cả giường hộp cẩn xà cừ, giường bằng sắt có lò xo
hay lót nệm nằm cho êm lưng. Ở thành thị, có khi người ta không sử dụng giường
mà dùng nệm, khi cần ngủ mới lót nệm ra. Chỗ ngủ của phụ nữ và trẻ em thường bố
trí từ nửa nhà trở về sau hoặc trong buồng riêng, còn phần sát hai bên vách ở
nhà thường dành cho người lớn tuổi hoặc khách của gia đình. Giấc ngủ ngon sẽ
phục hồi tốt sức khỏe cho cả nhà, để sáng hôm sau mọi người cùng bước vào một
ngày làm việc mới với trí lực sung mãn, tinh thần thoải mái.
Bên cạnh chỗ ngủ, mỗi
nhà ở cũng được bố trí một bàn ăn cho gia đình. Với những gia đình khá giả, có
nhà ở rộng rãi, gia chủ sẽ dành riêng một phòng ăn cho cả nhà. Đến giờ ăn, con
cháu sẽ mời ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi vào ăn cơm. Người lớn cầm đũa
trước, trẻ nhỏ cầm đũa sau, trên thuận dưới hòa, gia đình vui vẻ. Ngồi quây
quần bên nhau quanh mâm cơm đã dọn sẵn, các thành viên trong nhà sẽ vừa ăn vừa
kể chuyện, vừa hỏi thăm lẫn nhau sau một ngày làm việc, làm tình cảm gia đình
thêm gắn bó. Bữa ăn gia đình quan trọng là vậy nhưng ngày nay, do những nguyên
nhân khác nhau, nhiều khi nó không qui tụ đủ mặt các thành viên trong nhà, thật
đáng tiếc!
Tất nhiên, đã có bàn ăn
chung thì phải có nơi nấu nướng. Nhà ở có thể bố trí một gian bếp chung với nhà
chính hoặc có thể che thêm ra (đâm chái) phía sau hay bên hông nhà chính để làm
nơi nấu nướng. Cũng có thể, gia chủ sẽ cất riêng ra một căn nhỏ để làm nhà bếp
riêng và hầu như nơi đây là chỗ mang đậm dấu ấn của người phụ nữ trong nhà.
Ngọn lửa ấm áp, yêu thương mang đến từng bữa ăn ngon cho gia đình từ nhà bếp
này hay sự sạch sẽ, ngăn nắp trong nhà bếp sẽ phản ánh chân thực bàn tay vén
khéo của người phụ nữ đảm đang trong nhà. Ngoài nhà bếp ra, nhà tắm và nhà vệ
sinh là những công trình tiếp tục mang đến những tiện ích cho ngôi nhà ở. Nó
cũng có thể cất chung hoặc xây tách riêng ra tùy theo điều kiện của gia chủ.
Song song với cách bố
trí chỗ ngủ, chỗ ăn trong nhà, bàn thờ tổ tiên, ông bà được đặt nơi trang trọng
nhất trong nhà (tức là phần giữa của nửa gian nhà trước), quay mặt hướng ra cửa
chính. Hầu hết nhà ở, dù là ở nông thôn hay thành thị đều lập bàn thờ tổ tiên
ngay trong nhà ở, dù vị trí có thể thay đổi đôi chút (như ở phố chợ thì bàn thờ
này có thể được đặt trên lầu nhưng vẫn ở giữa nhà hướng nhìn ra cửa chính).
Phía trước nhà ở (hoặc trước ban công đối với nhà lầu), bà con ta còn lập bàn
thờ ông Thiên (Trời) để rồi mỗi đêm hoặc trong dịp lễ Tết, cúng giỗ… gia chủ
thắp nhang cảm tạ Trời Phật, tổ tiên, ông bà, cầu ơn trên phù hộ cho con cháu được
bình an, gia đình hạnh phúc. Nếu là gia đình sống bằng nghề mua bán, bà con ta
còn lập thêm bàn thờ Thổ Địa, Thần Tài với ước mong được mua may bán đắt, làm
ăn phát đạt… Như vậy, nhà ở cũng là nơi bà con ta thể hiện đời sống tâm linh,
tín ngưỡng dân gian đầu tiên, hàng ngày, trước khi có thể đến với bất cứ hình
thức tôn giáo nào.
Ở một góc độ khác, nhắm
tới chuyện thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống, khi cất nhà, bà con ta đều
tính đến vị trí cất nhà làm sao gần với miếng vườn, mảnh ruộng, ao cá để tiện
bề chăm sóc. Hoặc giả, nhà ở tọa lạc đúng vào nơi đông người qua lại để dễ bề
mua bán, làm ăn. Ngày nay, những kiểu nhà ở kết hợp làm cơ sở mua bán, kinh
doanh, dịch vụ, thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi gia đình xuất hiện
ngày càng nhiều. Đó là lý do khiến cho ở quê hay nhiều nhất là ở chợ, ta vẫn có
thể thấy nhiều nhà ở được ngăn ra, phía trong làm nhà ở, còn phần ngoài mặt
tiền làm gian hàng bán tạp hóa, vật dụng hàng ngày, làm quán ăn, quán giải khát
hay cho thuê mướn làm dịch vụ sửa chữa điện tử, cho thuê đồ cưới, hiệu chụp
ảnh… Một số gia đình có điều kiện tốt hơn còn đứng ra cất nhà cho thuê để các
công chức, công nhân, học sinh, sinh viên có điều kiện ăn ở tốt hơn, thuận lợi
hơn nơi thành thị đất chật người đông.
Như vậy, việc kết hợp
giữa nhà ở với công cuộc làm ăn, sinh sống là chuyện rất phổ biến, là một
nguyên nhân quan trọng dẫn đến lý do quyết định cất nhà của bà con ta.
Ngoài ra, nhà ở còn là
nơi mọi thành viên trong nhà, nhất là trẻ em học tập, đọc sách báo, giải trí,
xem ti vi, nghe radio, nghe kể chuyện… Đó là chưa kể đến nhà ở cũng có thể làm
nơi chữa bệnh, dưỡng bệnh; là nơi tổ chức cưới hỏi, đám tiệc, ma chay… của gia
đình Việt Nam.
Nói một cách khác, nếu
như gia đình là một tế bào của xã hội thì nhà ở chính là nơi thể hiện hoạt động
của một xã hội thu nhỏ. Ở đó, đời sống vật chất, tinh thần diễn ra đa dạng,
phong phú: Mọi thành viên trong nhà phải biết thương yêu, gắn bó với nhau, cùng
nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Truyền thống
cần cù lao động hay phẩm cách đạo đức của từng con người cũng được lưu truyền
từ đời này sang đời khác dưới những mái nhà như thế.
Trước đây, ở một số vùng
quê trù phú hoặc rải rác những gia đình giàu có trong từng làng mạc, xóm ấp,
nhà ở còn được quan tâm như là một công trình kiến trúc - nghệ thuật tinh xảo.
Hiện nay, điều này đã trở nên phổ biến hơn. Người ta không chỉ chú ý đến độ
chắc, bền mà còn quan tâm đặc biệt đến tính mĩ quan của nhà ở. (Riêng lĩnh vực này, sẽ bàn kĩ ở một bài viết
khác).
Đã qua rồi những tháng ngày
chiến tranh loạn lạc trên đất nước ta, đã qua rồi cái thời nô lệ, đau khổ -
thời mà ông cha ta phải truyền tụng với nhau rằng khôn cất trại, dại cất nhà để tránh tai mắt dò xét, phá hoại của kẻ
thù. Giờ, bà con ta quan niệm rằng có an
cư mới lạc nghiệp. Vì vậy, những
mái nhà mới hơn, khang trang hơn cứ mọc lên ngày càng nhiều, từ thành thị đến
nông thôn để đáp ứng nhu cầu về nhà ở.
Trong thực tế hiện nay,
vẫn còn đó những thân phận khổ đau, những kiếp người long đong do thiếu một mái
nhà lành lặn. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cùng chung lưng chia sẻ, gánh vác, xây
dựng nhiều ngôi nhà mới dưới dạng khu chung cư, nhà tình nghĩa, nhà tình
thương, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội, mái ấm công đoàn… giúp nhiều người quên
đi nỗi buồn miên man trong câu hát ru tự ngàn xưa:
Ví dầu nhà dột cột xiêu
Muốn đi cưới vợ, sợ nhiều miệng ăn.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét