Những thành phố lâu đời nhất trên thế giới

Thành phố Byblos của Lebanon, Athens (Hy Lạp), hay Faiyum ở Ai Cập chính là những thành phố có lịch sử hình thành lâu đời nhất.

Kể từ thời xa xưa, khi loài người học được cách chăn nuôi gia súc và tạo ra nguồn thực phẩm riêng mình, chúng ta bắt đầu một cuộc sống ổn định, cư ngụ lâu dài với những kế hoạch. Đó cũng là thời điểm các thành phố - nơi tập trung nhiều người sinh sống dần xuất hiện. Cùng điểm lại những thành phố đã tồn tại từ khởi thủy văn minh cho tới nay.
1. Thành phố Jericho, Israel
Jericho là một thành phố nằm gần sông Jordan ở bờ Tây thuộc lãnh thổ Palestine, thủ phủ Jericho Governorate với dân số khiêm tốn chỉ có 20.000 người. Đây là một trong những thành phố ở thấp hơn mực nước biển, đồng thời là đô thị lâu đời nhất thế giới.
Trong kinh Cựu ước, Jericho được ví là thành phố của những cây cọ. Những dòng suối nhỏ chảy trong thành phố khiến nó trở thành một nơi cư trú tuyệt vời cho người cổ đại. Các nhà khảo cổ đã khám phá được nhiều hài cốt trong hơn 20 khu định cư ở đây, cổ nhất có niên đại khoảng 11.000 năm trước, tức năm 9.000 TCN.
 
Khoảng năm 9.600 TCN, Trái đất bước qua thời kỳ lạnh giá và hạn hán, các nhóm người cổ bắt đầu định cư lâu dài tại Jericho. Theo ước tính, năm 9.400 TCN, ở Jericho có khoảng 70 ngôi nhà với khoảng 1.000 cư dân sinh sống.
2. Thành phố Byblos, Lebanon
Byblos là một thành phố bên bờ Địa Trung Hải, cách Beirut khoảng 42km về phía Bắc, thuộc Lebannon ngày nay. Thành phố này ra đời từ năm 5.000 TCN, có nhiều huyền thoại cho rằng, nó được xây bởi Cronus như là thành phố đầu tiên của vương quốc Phê-ni-xi.
Theo nghiên cứu của giới khảo cổ, những công dân có mặt đầu tiên ở đây là vào khoảng năm 6.230 TCN. Cho tới thiên niên kỷ thứ 3 TCN, những dấu hiệu đầu tiên của một thành phố thật sự xuất hiện, tồn tại tới hôm nay là nhiều ngôi nhà bằng đá cổ xưa.
3. Thành phố Athens, Hy Lạp
Là thủ đô và thành phố lớn nhất của Hy Lạp, Athens là cái nôi của văn minh phương Tây cổ đại, một trung tâm văn hóa, kinh tế lớn tồn tại hơn 3.400 năm lịch sử. Chính xác thì những người đầu tiên sống ở Athens đến nay đã được hơn 7.000 tuổi. Nơi mà họ sinh sống chính là hang Schist, có niên đại khoảng thiên niên kỷ 11 TCN.
Athens là một thành phố trải qua rất nhiều thăng trầm, biến đổi lịch sử: một thời hoàng kim cổ đại, suy tàn, phục hưng rồi lại yếu đi trong thời Trung cổ, cuối cùng hưng thịnh trở lại khi trở thành thủ đô của Hy Lạp thế kỷ 19. 
4. Thành phố Aleppo, Syria
Aleppo là thành phố lớn nhất và đông dân nhất tại Syria. Trong nhiều năm liền, nơi đây chưa từng được coi là một cái nôi của văn minh nhân loại cho tới khi các cuộc khảo cổ tại Tellas-Sawda và Tellal-Ansari, phía Nam thành phố được tiến hành. Theo đó, Aleppo đến nay đã hơn 5.000 tuổi.
Sở dĩ Aleppo trở thành một khu vực tập trung dân cư đông đúc bởi trong lịch sử, nó từng là nơi giao cắt của Trung Quốc và Lưỡng Hà về phía Đông, châu Âu về phía Tây và Trung đông, Ai Cập về phía Nam.
5. Thành phố Faiyum, Ai Cập
Điểm dừng chân cuối cùng là tại đất nước của các Pharaoh, Ai Cập. Nằm cách Tây Nam Cairo 130km, Faiyum được coi là một trong những thành phố cổ xưa nhất của Ai Cập nói riêng và toàn châu Phi nói chung với niên đại từ năm 4.000 TCN.
 
Thành phố từng là một phần trong khu vực cổ Crocodilopolis, trung tâm quan trọng nhất của Sobek, nơi thờ thần cá sấu. Con cá sấu thiêng Petsuchos, được trang trí bằng vàng và đá quý, chính là vật thiêng liêng của người dân thành phố này.
 
Faiyum từng trải qua nhiều tên gọi trong lịch sử tồn tại của mình. Sau khi thành phố rơi vào tay của vua Ptolemies, thành phố đã được đổi tên thành Ptolemais Euergetis. Rồi dưới thời vua Ptolemy Philadelphus, ông đã đổi tên nơi này thành Arsinoe để tôn vinh Arsinoe II của Ai Cập, em gái và vợ của ông trong suốt thế kỷ thứ 3 TCN.

Nhận xét