Kiến Trúc Nhà Vườn Truyền Thống Huế - Ngỗn Ngang Những Biến Dạng


Mệnh danh thành phố vườn, Huế được biết đến là thủ phủ của triều đình nhà Nguyễn ở Việt Nam. Mang trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn với nhiều di sản văn hóa kiến trúc như lăng tẩm, cung điện, chùa đền và nhà vườn, Huế đã và đang là điểm đến du lịch hàng năm ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối nổi cộm cần giải quyết đối với các nhà chức trách, nghiên cứu và các tổ chức liên quan, đó là việc bảo tồn các di sản văn hóa và các di tích kiến trúc ở thành phố Huế hiện nay. Dưới tác động của đô thị hóa, quá trình gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, và sự phát triển kinh tế đã và đang làm giảm đi các giá trị, phá hủy hoặc làm biến dạng các công trình di tích thành nhiều hình thái khác nhau.
Nhà vườn truyền thống Huế, đặc biệt những ngôi nhà nằm trong khu vực Kinh Thành cũng không nằm ngoài tác động đó. Từ hơn 1000 ngôi nhà vườn truyền thống dưới thời Nguyễn, giảm xuống còn 331 nhà vào năm 1998[1], rồi đến 318 nhà vào năm 2004, và còn số đó còn tiếp tục giảm[2]. Đó thực sự là sự mất mát không thể bù đắp nổi của di sản kiến trúc Huế.

Hình 1: Ngôi nhà vườn truyền thống 30/1 Lê Thánh Tôn
Hình 2: Hình ảnh bên trong nhà vườn truyền thống
Nhà vườn truyền thống trước đây…
Theo một số tài liệu nghiên cứu, Nhà vườn truyền thống Huế ban đầu là nơi thư giãn và học tập của hoàng tử, sau đó là nhà ở của các hoàng tử, công chúa, hoàng tộc và các quan lại cấp cao của triểu Nguyễn. Cuối cùng, thì nó cũng có thể là ngôi nhà của bất cứ dân thường nào nếu họ đủ khả năng xây dựng.
Tổng thể một ngôi nhà truyền thống Huế như bố trí theo nguyên tắc Phong Thủy giống như Kinh Thành thu nhỏ như thể hiện sự tôn trọng và lòng trung thành của các chủ nhân nhà vườn truyền thống đối với vị vua của họ. Ngôi nhà chính, có mặt đứng đối xứng, thường xoay mặt về hướng Đông Nam, cùng hướng với Kinh Thành, là hướng tốt nhất mang lại sự thịnh vượng, giàu sang, sức khỏe và gió tốt cho gia đình. Phía trước nhà chính là Bể cạn, rồi đến Bình phong tựa như sông Hương và núi Ngự Bình trước mặt Kinh Thành. Bên cạnh đó, hai bên Bể cạn hoặc phía trước hai chái thường có hai chậu bonsai nhỏ tựa như cồn Dã Viên và cồn Hến hai bên Kinh Thành (tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ).
Cấu trúc nhà chính thường làm bằng hệ Rường, một cấu trúc truyền thống phổ biến ở khu vực miền trung Việt Nam. Nhà chính với nhà phụ được sắp xếp theo ký tự Trung Quốc như Đinh, Công, Nhất, và Khẩu. Trong nhà chính, không gian trang trọng nhất nằm chính giữa phía sau thường là nơi thờ tự. Chái phải (còn được gọi là Chái Đông) và/hoặc gian phải thường là không gian dành cho đàn ông. Đó có thể là phòng ngủ, góc làm việc hay học tập của chủ nhân và con trai trong gia đình. Chái trái (còn được gọi là chái Tây) và/hoặc gian trái gần phía nhà phụ là giường ngủ, nơi đồ quý giá trong nhà, và là không gian dành cho phụ nữ. Phía trước nơi thờ tự là không gian khá linh động. Đó có thể là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung, phòng ăn, nơi bố trí đồ cúng trong những dịp tế lễ, hoặc thỉnh thoảng là nơi chợp giấc của chủ nhân vào những buổi trưa hè nóng nực. Không gian bếp, ăn, và kho thường nằm trong nhà phụ, trong khi nơi vệ sinh và tắm rửa thường nằm bên ngoài phía sau công trình. Bên cạnh đó, một phần không gian nhà phụ trước đây cũng có thể được dùng làm phòng ngủ cho phụ nữ trong gia đình (hình 2, 3, 4).

Hình 3: Tổng thể và bố cục không gian của một ngôi nhà vườn truyền thống Huế
Bố cục sắp xếp, từ tổng thể cho đến không gian trong ngôi nhà như thể hiện đặc trưng tôn giáo tín ngưỡng của người Huế trong trước đây. Bình phong và Bể cạn ngoài việc mang ý nghĩa Phong Thủy còn thể hiện lối sống của chủ nhân khi không muốn người khách đi thẳng trực tiếp vào nhà, mà phải rẽ trái khi gặp Bình phong để cho chủ nhân có đủ thời gian chuẩn bị đón khách. Còn người phụ nữ trong gia đình thì rẽ phải để dễ dàng đi thẳng vào nhà bếp.
Trong khi các nhà truyền thống ở phố cổ Hà Nội, phố cổ Bao Vinh (Huế) và Hội An (Quảng Nam) có dạng hình ống, dài và bề rộng hẹp vì liên quan đến vấn đề kinh tế thì nhà vườn truyền thống Huế lại to rộng với vườn lá luôn sum suê đủ loại bonsai, hoa thơm trái lạ cùng với những bức hoành phi, câu đối chạm trổ tinh xảo bên trong ngôi nhà. Nguyên nhân bởi chủ nhân xưa của các ngôi nhà này xuất thân từ tầng lớp quan lại và hoàng tộc, nên họ không đặt nặng vấn đề kinh tế nhiều như những nơi khác.
Dựa theo số gian và chái của nhà chính mà nhà vườn truyền thống có thể chia là ba dạng chính: 1 gian – 2 chái, 3 gian – 2 chái, và 3 gian[1]. Qua khảo sát 59 ngôi nhà vườn truyền thống trong khu vực Kinh Thành thì hầu hết chủ nhân trước đây của nhà loại 3 gian – 2 chái thuộc dòng dõi hoàng tộc hoặc quan lại thời Nguyễn (17/22 nhà). Ít nhất bảy ngôi nhà 1 gian – 2 chái có nguồn gốc từ quan lại hoặc công chúa triều Nguyễn, trong khi không có trường hợp nào như trên đối với loại nhà 3 gian. Điều đó chứng tỏ số gian của nhà chính phần nào thể hiện địa vị của chủ nhân trước đây.
Hình 4: Bình Phong, Bể cạn, và biểu tượng Tả Thanh long – Hữu Bạch hổ
Hình 5: Hàng chè Tàu dẫn khách vào nhà
Và bây giờ…
Dưới tác động của tốc độ đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu cùng nhiều nhân tố khác mà những ngôi nhà vườn truyền thống Huế đã và đang biến dạng theo những hình thái khác nhau. Qua khảo sát đo vẽ 59 ngôi nhà vườn truyền thống trong khu vực Kinh Thành Huế thì nhân tố kinh tế đóng vai trò hàng đầu làm biến đổi nhà (33%). Chủ nhân những ngôi nhà vườn có thể dùng một phần không gian nhà hoặc xây mới để mở shop, mở nhà hàng, mở công ty riêng, hoặc cho sinh viên thuê. Qua khảo sát cho thấy có đến 35% ngôi nhà mở shop nhỏ để mưu sinh (Hình 6 và bảng 1).
Hình 6: Các nhân tố ảnh hưởng đến biến dạng nhà vườn trong Kinh Thành
Hình 7: Các nhân tố và hướng biến dạng của nhà vườn truyền thống trong Kinh Thành (W-thờ từ; F:lũ lụt; P-nhà công cộng; L-lối sống)
Bảng 1: Một số dạng kinh doanh trong nhà vườn truyền thống
Dạng kinh doanh
Phần trăm (%)
Cho sinh viên thuê
22.5
Mở lớp học tư ở trong nhà
15
Mở cửa hàng nhỏ (shop, tạp hóa,…)
35
Công ty tư nhân, nhà hàng
12.5
Dạng khác (giữ xe, chăn nuôi,..)
15
Tổng cộng
100
Thực tế cho thấy những biến dạng của các nhà vườn truyền thống Huế chịu tác động không phải bởi một nhân tố duy nhất mà là sự kết hợp của các nhân tố trên. Ví dụ chủ nhân một ngôi nhà có thể xây một ngôi nhà mới hiện đại bên cạnh khi con trai lập gia đình. Sau đó, ngôi nhà có thể lên hai tầng nhằm tránh nguy cơ lũ lụt và tầng một được sử dụng vì mục đích kinh doanh. Qua khảo sát thì các ngôi nhà vườn truyền thống có thể biến dạng theo ba hướng (ngang, thẳng đứng, và kết hợp) dưới tác động của bốn nhân tố chính (mục đích kinh doanh, gia tăng nhân khẩu trong nhà, W/F/P/L, và nhân tố kết hợp) (hình 7).
Hầu như những biến dạng trên làm cho các ngôi nhà vườn trở nên manh mún, làm mất đi dần các giá trị và vẻ đẹp của ngôi nhà. Ngôi nhà vườn truyền thống nổi tiếng ở Huế tọa lạc tại 120 Mai Thúc Loan là một ví dụ. Trừ ngôi nhà chính là nơi thờ tổ tiên và liệt sỹ Đặng Thùy Trâm được trùng tu trở thành nơi tham quan du lịch, thì xung quanh khuôn viên nhà và quán sửa xe, bán bánh canh của bà con chủ nhân vì cuộc sống mưu sinh (hình 8). Thậm chí, ở một số nhà, chủ nhân cho xây mới hai tầng và đặt hệ rường nhà chính lên tầng 2 (hình 9). Còn ngày nay, dường như nhà hàng và quán café đang dần là trào lưu biến dạng mới của những ngôi nhà vườn truyền thống (hình 10).
Hình 8: Tác động kinh tế đến ngôi nhà vườn truyền thống nằm ở 120 Mai Thúc Loan
Hình 9: Hệ Rường ngôi nhà tọa lạc 634/3 Đinh Tiên Hoàng được chủ nhân xây trên tầng 2
Hình 10: Ngôi nhà vườn truyền thống tọa lạc ở 83 Ông Ích Khiêm năm 2005 (ảnh trái), năm 2007 (ảnh giữa) và bây giờ (ảnh phải)
Thay cho lời kết
Điều đáng mừng là vẫn có ngôi nhà, đặc biệt những nhà mà chủ nhân của nó là người tri thức hoặc có nguồn gốc hoàng tộc và quan lại thời Nguyễn hàng ngày vẫn đang nâng niu, bảo vệ vẻ đẹp và những giá trị của nó. Trong thâm tâm họ vẫn luôn có niềm tự hào về gia thế mình hay một khái niệm gì đấy như chất “mệ” mà người Huế thường gọi. Cho dù đứng dưới cơn bão “đô thi hóa”, “hiện đại hóa”, hay “phát triển kinh tê” thì ngôi nhà của họ vẫn biến đổi một cách ít nguy hại nhất, vẫn toát lên lối sống đặc trưng bên trong ngôi nhà vườn truyền thống. Ngôi nhà 30/3 Lê Thánh Tôn là một ví dụ (hình 11). Sau khi hai người con trai của chủ nhân lập gia đình, hai nhà phụ hai bên nhà chính được cải tạo và thành nơi ở của gia đình mới, trong khi nhà chính thành nơi thờ tự, nơi tiếp khách của đại gia đình vào dịp lễ Tết, đồng thời là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của họ hàng. Hai ngôi nhà phụ mặc dù được cải tạo mới nhưng không phá vỡ kiến trúc tổng thể ngôi nhà, không lấn át ngôi nhà chính mà còn góp phần làm nổi bậc vẽ đẹp của nhà chính.
Hình 11: Quá trình chuyển đổi ngôi nhà vườn truyền thống 30/3 Lê Thánh Tôn
Nhưng điều đáng nói ở đây là hầu hết các chủ nhân đều đã lớn tuổi và khá nhiều trường hợp, con cái của họ đi sinh sống ở nơi khác. Khi hỏi ngôi nhà sẽ như thế nào trong tương lai, rất nhiều người đều lắc đầu trả lời “tui cũng không biết nữa, đến mô hay đến nấy!”. Nhưng có một điều chắc chắn đối với họ rằng, khi ngôi nhà được thừa kế cho con cái đời sau thì dù có như thế nào đi nữa thì người con đó phải cố giữ ngôi nhà chính như là nơi thờ phụng tổ tiên trong gia đình.
ThS. Kts. Nguyễn Ngọc Tùng
Tạp chí Kiến trúc 5/2010
Tài liệu tham khảo
- Cadiere, L. (1996). La Citadelelle De Hue-Onomastique (Kinh Thanh Hue-Dia Danh). Huế, Nhà Xuất Bản Đà Nẵng
- Construction Publishing House (1999). Preserving Hanoi's Architectural and Landscape Heritage. Hanoi.
- Hoàng Hữu Ấn (2003). Hướng Dẫn Tu Bổ Nhà Truyền Thống. Huế, Nhà Di Sản.
- Hoàng Thanh Thuỷ (1999), Tâm Thức Người Việt Và Nhà Vườn Xứ Huế. Đại Học Kiến Trúc Hồ Chí Minh. Luận Văn Thạc Sỹ.
- Nguyễn Hữu Thông (2001), Nghiên Cứu Và Bảo Tồn Hợp Lý Nhà Vườn Truyền Thống Huế. Trường Đại Học Khoa Học Huế. Đề Tài Nghiên Cứu Khoa Họ.
- Nguyen Ngoc Tung (2007). Transformation of Hue Traditional Garden Houses in Hue Citadel Area. Journal of ISACS international symposium, Vol. 1, 20-29.
- Rapoport, A. (1969). House Form and Culture. London, Prentice Hall, Inc.,
- Trần Bá Tịnh (2005), Nghiên Cứu Và Xây Dựng Bản Đồ Nhà Truyền Thống Huế. Trường Đại Học Khoa Học Huế. Đề Tài Nghiên Cứu Khoa Học.
- Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (2003), Kiến trúc phố cổ Hội An, Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thế Giới.

Nhận xét