Theo phong tục tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày giỗ (ngày mất) làm
trọng, cho nên vào ngày đó, ngoài việc đi thăm mộ phần, tuỳ vào gia cảnh
và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Ðây cũng là dịp họp mặt
người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã
khuất và nhắc nhở việc người còn sống phải giữ gìn gia phong.
Vào dịp đó người nhà thường tổ chức ăn uống, nên mới được gọi là ăn giỗ, thì cũng là cúng trước ăn sau, cũng là để cho cuộc gặp mặt thêm đậm đà ấm cúng, kéo dài thời gian sum họp để kể chuyện tâm tình, bàn chuyện làm ăn. Với ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" đám giỗ có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục.Ngày cúng giỗ
Ngày giỗ theo âm Hán tự là kỵ nhật hay huý nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cũng có nghĩa là ngày phải kiêng kỵ.
Nguyên là vào ngày trước, "Lễ giỗ" được gọi là "Lễ chính kỵ"; chiều hôm trước khi diễn ra lễ chính kỵ có "lễ tiên thường" (nghĩa là nếm trước), con cháu sẽ sắm sửa một ít lễ vật, dâng lên mời gia tiên nếm trước.
Ngày xưa, những nhà giàu có còn mời bà con làng xóm ăn giỗ cả hai lễ tiên thường và chính kỵ. Dần dần hoặc vì có việc bận hoặc vì kinh tế khó khăn hoặc vì thiếu người phục dịch, người ta giản lược đi bớt, chỉ mời khách một lần thôi nhưng hương hoa, trầu rượu vẫn cúng đủ cả hai lễ. Tóm lại, nếu ta vận dụng đúng phong tục cổ truyền phổ biến trong cả nước thì trước ngày chết (lễ tiên thường) phải cúng vào buổi chiều, cúng đúng ngày chết (lễ chính kỵ) phải cúng và buổi sáng.
Mấy đời tống giỗ
Theo như gia lễ: "Ngũ đại mai thần chủ" hễ đến đời thứ năm thì lại đem chôn thần chủ của cao tổ đi mà nhấc lần tằng tổ khảo lên bậc trên rồi đem ông mới mất thế vào thần chủ ông khảo.
Theo nghĩa cửu tộc (9 đời): Cao, tằng, tổ, phụ (4 đời trên), thân mình và tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn (4 đời dưới mình). Như vậy chỉ có 4 đời làm giỗ (cao, tằng, tổ, phụ) tức là kỵ (hay can), cụ (hay cố), ông bà và cha mẹ. Từ "Cao" trở lên gọi chung là tiên tổ thì không cần cúng giỗ nữa mà nhập chung vào kỳ xuân tế, hoặc phụ tế vào ngày giỗ của thuỷ tổ.
Cúng giỗ người chết yểu
Những người khi đã đến tuổi thành thân, thành nhân nhưng lúc chết chưa có vợ hoặc mới có con gái mà chưa có con trai hoặc đã có con trai nhưng con trai cũng chết sẽ trở thành phạp tự (không có con trai nối dõi). Những người đó cũng có cúng giỗ. Người lo việc giỗ chạp là người cháu (con trai của anh hoặc anh ruột) được lập làm thừa tự. Người cháu thừa tự được sẽ hưởng một phần hay toàn bộ gia tài của người đã khuất. Sau khi người thừa tự mất thì con cháu người thừa tự đó lại tiếp tự.
Những người còn chưa đến tuổi thành thân (dưới 16 hoặc dưới 18 tuổi, tuỳ theo tập tục mỗi địa phương) sau khi hết lễ tang sẽ yết cáo với tổ tiên xin phụ thờ với tiên tổ. Những người đó theo tục không có lễ giỗ riêng, ai cúng giỗ thì chỉ là ngoại lệ. Có những gia đình bữa nào cũng xới thêm một chén cơm, một đôi đũa đặt bên cạnh mâm cơm coi như người thân vẫn còn sống trong gia đình. Ðiều này không có trong gia lễ nhưng lại thuộc về tâm linh, thể hiện niềm nhớ thương đối với thân nhân đã khuất.
Nhận xét
Đăng nhận xét