Tháp Hòa Phong và 'động tiên' bên hồ Hoàn Kiếm



Lặng lẽ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, bấy lâu nay ngọn tháp Hòa Phong đã nhuốm màu rêu phong, không còn mấy ai biết rằng đó là dấu tích của ngôi chùa lớn nhất thế kỷ 19.

Ngọn tháp cổ cuối cùng
Với những người dân Hà Thành, hình ảnh một ngôi tháp rêu phong, cổ kính nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng dường như đã trở nên quá quen thuôc. Ngôi tháp như một điểm nhấn cổ kính giữa lòng Hà Nội hoa lệ. Hầu hết không chỉ người Hà Nội mà những người khách tới hồ Hoàn Kiếm du lịch đều nghĩ rằng ngôi tháp thuộc quần thể Tháp Rùa – Hồ Gươm. Nhưng ít ai biết đó là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật còn sót lại của quần thể chùa Báo Ân được xây dựng cách đây hàng trăm năm.
Ngọn tháp cổ rêu phong nằm lặng lẽ bên bờ hồ Hoàn Kiếm
Chùa có tên là Báo Ân được xây dựng vào khoảng năm 1842. Vì hồ trong chùa rất nhiều sen nên dân còn gọi là chùa Liên Trì và cũng còn có tên khác là Quan Thượng (tên của viên quan lập chùa). Chùa có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ. Chùa nằm ở bờ đông hồ Gươm, mặt trước quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ. Chùa Báo Ân nằm trên khu đất gần 100 mẫu, gồm 180 gian với 36 nóc.
Tháng 11/1885, viên Toàn quyền người Pháp là De Lanessan ra lệnh đốt các nhà lá quanh hồ Hoàn Kiếm. Đêm 22/1/1886, 300 nóc nhà ở Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Vôi đã cháy trụi. Và tới đêm ngày 28/1/1886, một vụ cháy lớn xảy ra đã tiêu hủy cả thôn Cự Lâu. Khu vực chùa Báo Ân chỉ còn là mảnh đất hoang tàn.
Tháp Hòa Phong của thế kỷ 19 (Ảnh tư liệu)
Tới năm 1888, Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa Phong phía sau chùa được giữ lại và là dấu tích duy nhất của chùa Báo Ân.
Tháp Hòa Phong có hình vuông gồm có 3 tầng. Ở tầng 1 có cửa mở về bốn hướng theo lối vòm cuốn. Phía trên các cửa có những chữ như: Báo Ân môn - Báo Nghĩa môn - Báo Đức môn - Báo Phúc môn. Tầng hai, bốn góc xây trụ vuông đặt tượng bốn con nghê đều hướng về phía đông. Tầng ba ghi “Hòa Phong Tháp”, trên đỉnh nhô cao có trang trí bầu hồ lô.
Đây là một kiểu tháp rất ít thấy trong kiến trúc Phật giáo. Tầng 1 to và cao hơn hẳn hai tầng trên cùng. Nếu như bảo tháp Lục độ Đài sen ở chùa Trấn Quốc bên hồ Tây vươn tới 11 tầng, cao 15 mét, thì tháp Hòa Phong chỉ có 3 tầng và xây bằng gạch trần. Có lẽ do nó nằm ở ngoài phía cổng chùa, chứ không như những ngôi tháp mộ sư trong vườn chùa.
Dấu tích của "động tiên"
Theo các tư liệu còn lại, người đứng ra chủ trì việc dựng chùa là tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Bắc Ninh) Nguyễn Đăng Giai. Nguyễn Đăng Giai vốn là người làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông xuất thân trong một danh gia vọng tộc, ông nội là tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành, cha ông là Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Đăng Tuân (là thày dạy học của Vua Thiệu Trị).
Chùa Báo Ân vốn là ngôi chùa lớn nhất thế kỳ 19
Thuở nhỏ, Nguyễn Đăng Giai theo học với cha, năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông đỗ hương tiến (cử nhân) rồi lần lượt được bổ nhiệm các chức quan quan trọng trong triều Nguyễn. Ông là vị danh thần có nhiều công lao to lớn trong việc dẹp nạn cướp, chấn chỉnh binh thuyền, tiễu trừ nhiều nạn nhũng nhiễu hại dân, dẹp nhiều cuộc nổi loạn, mở nhà dưỡng tế cho nhân dân mất mùa, đói kém... Năm Bính Ngọ 1846, dưới triều Thiệu Trị, Nguyễn Đăng Giai khi ấy giữ cương vị Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) đã đứng ra chủ trì, quyên tiền cho việc xây dựng chùa Báo Ân với quy mô to lớn.
Chùa Báo Ân nhìn lại từ bờ hồ Hoàn Kiếm
Chùa Báo Ân sau khi khánh thành có quy mô bề thế vào loại nhất thành Hà Nội thời đó. Từ con đường ven hồ phía đông dẫn vào có tháp Hòa Phong, sau đó đến cổng chùa, vượt qua chiếc cầu đúc lát gạch thì đến lầu hộ pháp, hai bên có bốn ngọn tháp đối xứng cao ba tầng.
Tiếp đến “Đại hùng bửu điện” tôn trí nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát tuyệt đẹp. Có hành lang tô đắp, chạm trổ cảnh “Thập điện Diêm Vương”, mô tả sự khổ báo trong mười địa ngục rất sinh động. Phía sau có điện thờ thánh mẫu, tăng xá, trai đường, tổng thể chùa có 36 mái, 150 gian. Chung quanh vườn chùa xây dựng tường bát giác bao bọc, bên ngoài đào hào trồng sen.
Đây là một trong những công trình mang dấu ấn của nhà Nguyễn trên đất Thăng Long. Đồng thời cũng tiêu biểu cho dòng tư tưởng “Cư Nho Mộ Thích” thịnh hành trong thời Nguyễn. Tư tưởng này có nghĩa là học hành theo đạo Nho nhưng vẫn chuộng mộ đạo Phật. Quan tổng đốc Nguyễn Đăng Giai là con nhà Nho giáo (cha là thiếu sư Nguyễn Đăng Tuân, thầy học của vua Thiệu Trị) nhưng lại đứng ra chủ trì việc dựng chùa.
Với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Gươm linh thiêng, chùa Báo Ân  xưa được ví như "động tiên" giữa chốn kinh kỳ với những câu ca truyền tụng như: "Gần xa nô nức tưng bừng/Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên". Quang cảnh thanh tịnh, đẹp đẽ của chùa Báo Ân khi ấy đã đi vào trong dân gian bằng những câu ngợi ca hết lời: "Phong quang cảnh trí trăm đường/Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng/Rõ mười cửa động tưng bừng/Đền vàng tỏa ngọc chất từng như nêm".
Là ngôi chùa lớn bậc nhất kinh kỳ thuở bấy giờ, nhưng Báo Ân có lẽ cũng là ngôi chùa "đoản thọ" nhất.‏ Các tài liệu còn tồn tại đến ngày nay có sự vênh nhau về năm xây dựng và năm ngôi chùa bị phá hủy, có tài liệu nói chùa Báo Ân xây năm 1842, bị phá năm 1883; có tài liệu lại viết xây dựng năm 1846, bị phá hủy năm 1888... nhưng dù theo mốc nào thì Báo Ân vẫn là ngôi chùa có thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử các ngôi chùa lớn ở Việt Nam.

Nhận xét