Nhận thấy một số cha sở trong giáo phận đang và sẽ xây dựng nhà thờ, Bản Thông Tin Giáo Phận Qui Nhơn
xin giới thiệu bài viết về "Vấn đề xây cất nhà thờ" được đăng trong
Linh mục nguyệt san "Sacerdos", số 107, tháng 11 năm 1970. Tài liệu có
tính tham khảo trong khi chờ đợi một hướng dẫn chính thức cho Giáo Hội
Việt Nam.
Lm. Antôn Tiến Dũng
(...). Tài liệu này bàn về việc xây cất nhà thờ: do ủy ban phụng vụ
Montréal soạn thảo, và đã được hội đồng các Đức Giám Mục Montréal thảo
luận, biểu quyết chấp nhận và công bố như bản chỉ đạo cho việc xây cất
nhà thờ.
Chúng tôi tóm lược tài liệu này thành từng số và tu chỉnh lại cho hợp
với qui luật chung về sách lễ Roma, mới được ban hành và thích ứng cho
phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Hy vọng tài liệu này giúp chúng ta phần nào trong việc xây cất nhà thờ
phù hợp với qui luật phụng vụ. Trong tài liệu sau đây chúng tôi thường
dùng chữ tắt:
- Const: hiến chế về phụng vụ ban hành ngày 25-1-1964
- Instr: Huấn thị Inter Oecumenicos ban hành ngày 26-9-1964
- Insti: Qui luật về sách lễ Roma ban hành ngày 6-4-1969
1.
Phụng vụ là động tác tập thể, nhờ phép rửa tội, người tín hữu được mời
gọi tham gia cách sống động và ý thức (Const. 14). Người tín hữu phải
tham gia vì đòi hỏi của phụng vụ là một động tác xã hội. Nhờ phép rửa
tội việc tham gia này đã trở thành một quyền lợi và một nhiệm vụ (II
Petr. 2,9).
2.
Nhà thờ là một ngôi nhà thánh (c. 1161) để cử hành phụng vụ. Nên phải
liệu cho nhà thờ thích ứng với các tác động phụng vụ và giúp việc tham
gia của cộng đồng được nên dễ dàng (Instr.90).
3.
Nhà thờ tự nó còn phải gợi nên, hay giáo dục ý niệm về Kitô giáo. Bản
tính và bầu không khí nhà thờ tạo nên phải dẫn đưa chúng ta tới những ý
niệm sâu xa của những mầu nhiệm chúng ta cử hành dưới mái nhà thờ và
nhận được sự siêu việt của Chúa. (Insti. 253). Chỉ khi nào nhà thờ được
xây cất theo tinh thần phúc âm mới nói lên được tin điệp trên.
4. Một trong những đức tính phúc âm là tinh thần nghèo. Nghèo trong việc xây cất và nhất là trong việc trang trí. (Const. 124)
5.
Xây nhà thờ để lấy le, làm phản bội biểu chứng người nghèo nàn, mà Chúa
đã đề cao cho thế giới. Phải gạt bỏ hẳn những kiểu mẫu xa hoa và có vẻ
khoe khoang. Sự sang trọng vẫn thích hợp với cao cả của Chúa (Insti.
254) nhưng phải tránh sự xa hoa để một người nghèo vào nhà thờ không
nhận thấy là quá đáng. Cũng không nên vì tinh thần nghèo mà để nhà thờ
trơ trụi, lâm vào cảnh lạnh lùng. Chúng ta cũng nên nhớ người nghèo vào
nhà thờ mang bầu không khí cao trọng, sẽ không tủi thẹn, nhưng hãnh
diện. Vấn đề thế nào là nghèo khó và cũng một trật cao trọng sẽ được
trình bày qua suốt tài liệu này.
6.
Giáo quyền nghĩa là UBPV hay UB thánh nghệ có thể hướng dẫn (Insti.
256) nhưng phải để cho người nghệ sĩ tự do. Không được ép buộc họ theo
một kiểu nào nhất định. Thí dụ bắt họ phải vẽ nhà thờ theo kiểu
gothique, baroque, hay kiểu tầu, kiểu chàm, kiểu nhật…
7.
Không phải Cha sở xây nhà thờ của Ngài, hay kiến trức sư xây nhà thờ
của ông ta, nghĩa là theo sở thích riêng. Nhưng chính Cha sở, kiến trúc
sư, nghệ sĩ… cộng tác để xây dựng nhà thờ đáp ứng với nhu cầu của tập
đoàn họ đạo. Tập đoàn họ đạo thường có trước khi Cha sở về, và khi Cha
sở qua đi, tập đoàn này vẫn còn mãi.
8.
Khi xây nhà thờ không được quan niệm từ hình thức bên ngoài vào, nhưng
phải quan niệm từ mục đích và công dụng của bên trong ra.
9. Mục đích của nhà thờ đã nói ở số 2, ở đây xin nói cụ thể hơn.
- Là để cho tập đoàn giáo dân nghe Lời Chúa.
-
Tham gia Thánh lễ – cử hành phép rửa tội và nhiệm tích tha tội, nhiệm
tích hôn phối – là nơi suy niệm – là nơi cầu nguyện nhất là cầu nguyện
tôn thờ phép Mình Thánh. Khi xây cất nhà thờ phải phân phối khoảng cách
trong lòng nhà thờ theo mục đích trên và theo phẩm trật các mục đích đó
(Insti. 257).
10.
Nhà thờ là nơi tập họp của dân Chúa. Dân Chúa gồm giáo sĩ và giáo dân,
có liên hệ với nhau trong hợp nhất và phẩm trật. Do đó nhà thờ chia ra
hai khu biệt lập và liên đới với nhau: Giáo dân tập hơp tại lòng nhà
thờ. Chánh tế và các thầy trợ tế họp tại cung thánh. Biệt lập là phân
biệt rõ ràng vì là hai yếu tố khác nhau, nhưng phải liên đới với nhau,
nghĩa là phải có cả giáo dân và giáo sĩ cử hành phụng vụ thì phụng vụ
mới giữ được trọn vẹn ý nghĩa của nó.
11.
Trong khi lựa chọn hình thức nhà thờ như hình dài, hình tròn, hình
vuông, thánh giá, hình bát giác… Không được hy sinh quan điểm nghệ
thuật, phải tôn trọng sự sắp đặt hai khu chính là cung thánh và lòng nhà
thờ. Cũng phải nghĩ ngay đến vị trí ca đoàn, phong cầm, giếng rửa tội,
tòa giải tội (Insti. 257).
12.
Như đã nói ở số 3, để tạo bầu không khí, ngay từ lúc ban đầu phải thảo
một chương trình tỉ mỉ và suy nghĩ chín chắn về việc bài trí và đặt ảnh
tượng. Chương trình này phải ăn khớp với lối kiến trúc, với đòi hỏi của
kinh bổn và đòi hỏi nghệ thuật.
13.
Như số 3, nhưng nói cách cụ thể: việc trang trí phải giúp lòng tâm
niệm, và chú ý vào tác động phụng vụ và nâng cao lòng đạo của tín hữu
(Insti. 254)
14.
Về ảnh tượng: tìm những đề tài lớn của đức tin hơn là những đề tài của
sự tôn sùng tùy thuộc. Lấy nguồn trong thánh kinh, nhưng nên tránh những
chuyện giai thoại như truyện ông Giuse bị anh em bán…chẳng hạn. Chúng
ta rất có thể dùng những hình ảnh tượng trưng: như chim câu chỉ ĐCT,
Thần… Nhưng tránh ngôn ngữ, hình ảnh quá nhân tạo không tự nhiên phải
giải thích gò bó mãi mới ra. Tránh chữ viết tắt, và tránh lắp đi lắp lại
cũng một hình ảnh tượng trưng. Tránh đặt nhiều ảnh tượng của cùng một
đấng thánh: thí dụ trong một nhà thờ có 4, 5 ảnh tượng Đức Mẹ khác nhau:
như Đức Mẹ Hằng Cứu giúp, Đức Mẹ Pha-ti-ma, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ
Lavang (Insti. 278). Tránh việc dùng quá nhiều thánh giá ở bất cứ chỗ
nào: ở ghế ngồi, ghế quỳ…(Const. 125).
15.
Tại cung thánh, hay lòng nhà thờ không nên trưng bày ảnh tượng. Chỗ
thích hợp là tại các nhà nguyện nhỏ hay tại giếng rửa tội.
16.
Sự trang trí phải có giá trị tinh thần, nghĩa là nói lên được ý tưởng
cao thượng, và cũng một lúc phải có giá trị nghệ thuật thực sự. Số 124
của Hiến chế viết: các Đấng Giám mục phải thận trọng kiểm soát để loại
trừ hẳn ra ngoài nhà thờ và các nơi thánh những tác phẩm nghệ thuật
không thể dung hợp với đức tin và phong hóa, cũng như với lòng đạo đức
của tín hữu, những tác phẩm là tổn thương đến tinh thần tôn giáo thực
sự, hoặc do hình thức đồi bại, hoặc do nghệ thuật còn non kém, nghệ
thuật tầm thường và nghệ thuật giả tạo, ta thường gọi là nghệ thuật rẻ
tiền. Do đó trong việc trang trí nhà thờ, chúng ta cần phải cậy nhờ đến
những nghệ sĩ có tài năng thực sự, để dâng lên Chúa những lễ vật xứng
đáng, nếu không chúng ta sẽ mắc tội phạm thượng, kính không bỏ phiền là
như vậy.
17.
Nghệ sĩ không được phỉnh nịnh, hoặc chiều theo sở thích dễ dãi của quần
chúng. Nhưng nghệ sĩ có nhiệm vụ giáo dục và nâng cao sở thích đó. Nghệ
sĩ sẽ dùng ngôn ngữ, và phát biểu cùng vật dụng của thời đại (Insti. M
234). Phải dùng những nguyên liệu thực, và tránh dùng những nguyên liệu
giả, bắt chước: như bàn thờ gỗ giả đá, hoa giả nến giả, cây giả…
18.
Khi chọn và sắm những tác phẩm nghệ thuật, nhất thiết không được tin ở
mình, phải nói ý kiến người chuyên môn, rất nhiều lần những người cho
hoa, bình hoa, cây đèn, chân nến thêm dần dần vào nhà thờ đã đảo lộn
trật tự kiến trúc chung của nhà thờ.
CUNG THÁNH
17-18.
Cung thánh chứa gồm: bàn thờ, bàn lễ vật, tòa đọc sách, ghế chánh tế,
ghế các thầy trợ tế: thầy giúp lễ, thầy cầm nến, cầm bình hương, tầu
hương, cầm thánh giá, thầy đọc sách và ghế cho giáo sĩ.
19.
Hình thức và kích thước của cung thánh phải rộng để các vị vừa kể trên
có thể di chuyển và cử hành phụng vụ cách dễ dàng (Insti. 258). Cung
thánh nhà thờ chính tòa phải đủ rộng để truyền chức và đồng tế đại lễ ngày thứ 5 tuần thánh.
20.
Trong trường hợp dự án kiến trúc cho phép trang trí ảnh tượng nơi cung
thánh, lúc đó những đề tài Chúa Phục Sinh, đề tài Chúa chịu tử hình và
sống lại, đề tài tán tụng Chúa, đề tài Chúa vinh hiển và hình ảnh Chúa
chiến thắng là những hình ảnh hợp hơn cả. Xin nhớ không bao giờ tách rời
đề tài Chúa chịu chết ra khỏi đề tài Chúa sống lại. Bởi vì Chúa chết đi
trên thánh giá mà không sống lại thì đạo ta không còn lý do tồn tại (1 Corinth,
15, si Christus non resurrexit vana est fides nostra). Hơn nữa trong
thánh lễ, chúng ta vẫn nguyện: chúng con xin kính nhớ cuộc tử hình và
sống lại của Chúa. Tại các Đại Thánh đường Roma, ngày xưa cũng như ngày
nay, ở cung thánh thường có hình chiếc triều thiên bằng đá cẩm thạch hay
đá quí, đội trên hình thánh giá bằng vàng. Đó là hình ảnh phối hợp của
sự Chúa chịu tử hình và sống lại. Đàng khác một ảnh thánh giá vĩ đại
treo giữa nhà thờ có thể gợi cảm giác, đạo công giáo là đạo bi quan yếm
thế.
21. Chung quanh bàn thờ chính phải để trống, giúp cho việc di chuyển dễ dàng, và như vậy bàn thờ sẽ nổi bật lên.
22.
Chúng ta cố gắng làm sàn cung thánh bằng vật liệu có giá trị, để không
cần phải trải thảm hay trải chiếu, thường gây nên sự vấp ngã.
23.
Phải đặt ghế chánh tế ở vị trí mọi người có thể trong thấy rõ và để
chánh tế chủ tọa dễ dàng (Intr. 98 và Insti. 217). Để thực hiện mục tiêu
này ghế chánh tế phải xếp quay về giáo dân, theo đúng lời giải đáp của
Hội đồng thực thi hiến chế đề ngày 14-10-1965 và số 271 của Instr. Ghế
chánh tế không được làm như một chiếc tòa, phải cao hơn ghế các thầy trợ
tế.
BÀN THỜ
24. Bàn thờ là trung tâm của nhà thờ. Chỉ nên dựng một bàn thờ duy nhất tại cung thánh. Đây là trung tâm về phương diện tâm lý.
25.
Bàn thờ chỉ là một chiếc bàn (mensa), nên không có bậc mõ. Và gọi là
bàn thánh đúng nghĩa phụng vụ hơn bàn thờ. Bàn thánh, ghế chánh tế và
tòa đọc sách phải tương ứng với nhau, nghĩa là chúng ta phải xếp đặt cho
cái nọ có liên hệ mật thiết với cái kia.
26. Bàn thánh là nơi toàn thể cộng đồng hiện diện có thể chú ý tới được (Instr.
91-1). Phải xây bàn thánh tách rời khỏi tường hậu cung (Instr. 262).
Phải xây khá cao. Phải hướng ánh sáng vào đó, chứ không nên chất đầy đèn
nến trên bàn thánh. Một bóng điện sáng bằng hai ba trăm ngọn nến đặt
trên nóc nhà tạm, sẽ làm chói mắt. Giáo dân không muốn hay không thể
trông lên bàn thánh được.
27.
Theo Corem. Episc. Lib. I, c.12, n.16. bàn thánh nào cũng phải xây trên
ít nhất một bậc (bục). Như vậy, chẳng những để giáo dân nhìn thấy, và
để bàn thánh được nổi bật giữa cung thánh. Xây trên một bậc hay nhiều
bậc thì bậc trên cùng bao giờ cũng rộng tứ phía, để có thể xông hương
chung quanh bàn thờ theo lời nguyện: circumdabo altare tuum (Instr.
262).
28.
Phải xây dựng bàn thánh bất di bất dịch nghĩa là do một tấm đá duy nhất
gắn liền với chân bàn thánh và nền nhà thờ (Insti. 746). Từ trước tới
nay hầu hết các bàn thánh tại Việt Nam
là bàn thánh lưu động. Nghĩa là chỉ có một tấm đá nhỡ lắp vào bàn thờ
gỗ hay bàn thờ xây. Đó cũng là một bàn thánh giả tạo, nên số 263 của quy
luật chung về sách lễ mới đã trù liệu, nơi nào khó kiếm được đá, các
Đức Giám Mục có thể cho phép dùng vật liệu khác để chế tạo bàn thánh,
miễn là vật liệu quý giá. Và như vậy bao giờ bàn thánh cũng là một khối
vật liệu duy nhất.
29. Gần bàn thánh không được làm ngăn kéo, hay dùng làm tủ hòm, chứa đồ vặt vãnh.
30.
Bàn thánh hình chữ nhật, đừng quá hẹp ngang cũng không cần quá rộng.
Huấn thị về phụng vụ, không nói về hình thức và kích thước bàn thánh,
điểm này phải ứng biến theo hoàn cảnh. Thí dụ bàn thánh nhà chính tòa
phải rộng để đồng tế ngày thứ năm tuần Thánh.
31.
Vẻ đẹp của bàn thánh là ở hình thức tao nhã. Trạm trổ trang trí bàn
thánh phải do bàn tay nghệ sĩ có tài, và dùng đề tài về phép Mình Thánh.
32. Xương thánh nên để trong bình dưới gầm bàn thánh (Instr. 266)
33.
Nếu lối kiến trúc cho phép, có thể xây một tán hoa (baldaquin,
ciborium) che trên bàn thánh, như tại các nhà thờ cổ để tỏ sự cao trọng
và tính cách thánh của bàn thánh.
34.
Xây nhà thờ tròn, hoặc hình thánh giá, dựng bàn thánh ở giữa đặt giáo
dân ở tứ phía: tại lòng nhà thờ, tại hai cánh thánh giá, và ở cả hậu
cung. Đó là điều không nên làm, vì thế nào chánh tế và các vị trợ tế
cũng phải quay lưng về một phía, và gặp phải khó khăn khi cử hành phụng
vụ lời Chúa.
35.
Mỗi khi cử hành phụng vụ, bắt buộc phải trang bị bàn thánh (ornatus)
bằng thánh giá và cây đèn sáp. Những vật dụng thánh này có thể xếp gần
bàn thánh (Instr. 94) (Insti. 268,269,270). Như đã nói trên thánh giá,
chân nến, chẳng những phải có giá trị nghệ thuật thực sự, nhưng còn phải
ăn khớp với lối kiến trúc của bàn thánh. Chúng ta vẫn có thể duy trì
tục lệ treo thánh giá trên trốc bàn thánh. Thánh giá phải có tầm thước
khả quan. Tại các nhà thờ Rôma, thánh giá buộc phải có một kích thước là
40/20. Thánh giá phải cao hơn chân nến (caer. episc, lib. I,c 12, a.
II) cũng tài liệu caer. episc, lib. I,c 12, a. II nói: khi dâng lễ quay
ra phải xếp thánh giá quay vào đối diện với chánh tế.
35.
bis. Không buộc và cũng không nên dựng thánh giá và chân nến thường
xuyên tại bàn thánh. Cầm nến rước thánh giá ra cử hành lễ nghi phụng vụ,
rồi rước về là điều tốt đẹp nhất (Instr. 82)
36.
Dựng một tòa đọc sách duy nhất, ở một địa điểm, mà giáo dân chẳng những
nghe được tiếng, nhưng còn trông thấy thầy đọc sách, (Instr.272). Tòa
đọc sách không phải là một yên sách đơn sơ, nhưng phải có tính cách kiên
cố, bất di bất dịch có thể để sách thường trực trên đó - Không nên làm
như chiếc bàn, viện lý do: bàn Mình Thánh, bàn Lời Chúa. Bên cạnh phải
trù liệu chỗ để nến Phục sinh – đèn điện để đọc sách nên lắp ở nơi khác
chiếu vào – hay lắp làm sao để tín hữu không thấy bóng đèn, để khỏi chói
mắt.
37. Ghế dành cho các thầy trợ tế, cho các chú, các thầy nhà trường cũng phải xếp đặt có trật tự.
38.
Một nhà tạm chắc chắn kiên cố, kích thước phải chăng, đặt ở bàn thánh
chính – không được làm nhà tạm nhô lên thụt xuống – không được làm ngập
vào bàn thánh, chỉ nhô lên đôi chút – không được để ở một bàn thánh
khác, thấp hơn ở trước bàn thánh chính – không được để ở một cột, một
đài như đài kỷ niệm, trước bàn thánh. (Instr. 95, Instr. 277, ami du
clergé. 15.04.1965)
39.
Có thể đặt nhà tạm ở một bàn thánh bên cạnh. Nhưng bàn thánh này phải
trổi hơn bàn thánh phụ khác, và trổi hơn thực sự về mọi phương diện, về
vị trí, về kích thước, về trang trí… Đèn nhà chầu phải để ơ nơi nào, để
bất cứ ai, vừa bước chân vào nhà thờ cũng có thể trông thấy ngay.
40.
Khi có phép Đức Giám mục cũng có thể đặt nhà tạm ở nơi khác, nhưng vẫn
còn trong phạm vi nhà thờ (Instr. 276) Do đó không được đặt tại phòng
thánh, hay ở gác chuông, vì hai nơi đó được coi như ngoài nhà thờ.
41.
Giải pháp thích hợp nhất là đặt nhà tạm ở một nhà nguyệnnhỏ, làm nơi
cho giáo dân cầu nguyện riêng (Instr. 276). Nhà nguyện này có một vị trí
nổi bật để khi vừa vào nhà thờ có thể nhìn thấy Mình Thánh ngay. Hầu
hết các nhà thờ tại Việt Nam
đều có hai bàn thánh bên cạnh. Chúng ta biến một trong hai bàn thánh
phụ này thành nhà nguyện kính Mình Thánh. Như vậy bàn thánh chính không
có nhà tạm sẽ thích hợp với việc cử hành phụng vụ. Từ trước tới giờ, mỗi
khi Đức Giám mục cử hành thánh lễ, sách lễ nghi dạy phải di chuyển Mình
thánh đi chỗ khác (caer, episc. Lib I. c 22, n. 18). Nay số 55 của huấn thị về việc tôn sùng phép Mình Thánh, dạy không nên giữ Mình Thánh tại bàn thánh lúc dâng lễ.
42.
Khi nhà tạm được chế tạo bằng vật liệu quí giá, lúc đó chúng ta không
phải dùng màn nhà chầu. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục dùng màn nhà
chầu, bằng vải quí, thêu dệt mỹ thuật, mầu sắc thay đổi theo ngày lễ, đó
cũng là phương pháp thu hút sự chú ý của giáo dân vào ngày lễ hôm đó.
43. Khoảng cách từ hàng ghế đầu tới cung thánh, nên để rộng vừa đủ cho việc di chuyển khi rước lễ.
44.
Bàn chịu lễ, có thể nói là thành phần của bàn thánh. Không nên làm như
một bao lơn chắn cung thánh mà thôi, cũng không nên làm quá rộng. Ở giữa
để trống, không cần cửa mở ra đóng vào, nhiều khi rất phiền phức.
LÒNG NHÀ THỜ
45.
Trù liệu để bất cứ tín hữu nào, ở bất cứ nơi nào trong nhà thờ, cũng
chính mắt nhìn thấy chánh tế, và không cần tới ống nhòm.
46. Các lối đi, nhất là lối đi giữa phải đủ rộng cho những cuộc rước kiệu.
47. Ghế ngồi, ghế quỳ cần chắc và bền, không cần chạm trổ nhiều, không nên trang trí bằng nhiều hình thánh giá.
48.
Nên xếp ca đoàn ở gần cung thánh, để các nhân viên chu toàn nhiệm vụ
cách dễ dàng. Cộng đồng giáo dân cũng phải nhìn thấy ca đoàn để việc
thưa kinh được dễ dàng hơn, vì chính người chỉ huy ca đoàn cũng phải chỉ
huy cả cộng đồng (Instr. 274)
49.
Đàn phải là đàn ống, hay đàn lưỡi gà. Phải có phép đặc biệt mới được
dùng đàn điện tử (Orgue électronique). Phép này chỉ là tạm thời, và ban
cho từng nố một (huấn thị về thánh nhạc, ban hành ngày 3/9/58, số 64)
50.
Bàn phím đàn phải ở gần ca đoàn để người chơi đàn có thể nhìn thấy ca
đoàn và người chỉ huy (Instr. 275). Trước đây ca đoàn thường ở gác đàn
cao tít, sau lưng giáo dân, nhân viên ca đoàn có cảm giác như người
ngoài cuộc, hát thuê hát mướn, nhất là khi hát lễ mồ lễ cưới. Do đó khi
hát xong, lúc giáo dân đọc kinh, ca đoàn quay ra nói chuyện chơi nghịch
hay hút thuốc. Theo tinh thần phụng vụ canh tân, nguyên với tư cách một
tín hữu các nhân viên ca đoàn, người chỉ huy hay người chơi đàn đã phải
tham gia tích cực vào phụng vụ huống chi theo số 39 của hiến chế về
phụng vụ nhân viên ca đoàn người chơi đàn và người chỉ huy đều là những
nhân vật phụng vụ đặc biệt nên còn phải tham gia vào phụng vụ một cách
tích cực và gương mẫu hơn người khác. Điểm này đòi hỏi chúng ta phải
quyết tâm thay đổi vị trí của ca đoàn và đưa ca đoàn lên gần cung thánh
như đã trình bày trên đây.
51.
Vấn đề âm hưởng rất quan hệ cho việc giáo dân tham gia sống động vào
phụng vụ. Khi xây cất nhà thờ lớn rộng phải nhờ kỹ sư chuyên môn khảo
cứu vấn đề, để khi xây xong, một người ở bất cứ địa điểm nào trong nhà
thờ cũng nghe được tiếng sống động của chánh tế cách rõ ràng – và khi cả
cộng đồng đọc kinh, ca hát cũng không âm vang lộn xộn.
52.
Trong trường hợp bất đắc dĩ phải gắn máy phóng thanh – phải luôn nghĩ
đến việc điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe. Khi vặn âm thanh quá lớn, nghe
oang oang, sẽ mệt tai người nghe và mất vẻ nghiêm trang. Cố gắng gắn
máy vi âm, một cách kín đáo, và bất di bất dịch tại bàn thánh, tại tòa
đọc sách và tại ghế chánh tế - như vậy mới tránh được cảnh kéo lê một
máy vi âm duy nhất, từ bên nọ sang bên kia trong suốt ván lễ, gây chia
trí và mất vẻ nghiêm trang.
53.
Ánh sáng không được quá chói, cũng không nên quá đều, nghĩa là phải
liệu cho vùng cung thánh được sáng hơn đôi chút. Bàn luận kỹ lưỡng với
kiến trúc sư trong việc phân phối cửa sổ để ánh sáng khỏi ồ ạt, có thể
phá hoại không khí trầm lặng của nhà thờ.
54. Trên bàn thánh, ngoài những chân nến phụng vụ, không nên để ngọn đèn, ngọn nến, ngọn điện nào khác.
55) Như đã nói trên chúng ta, chấm dứt vấn đề chế tạo điện giả nến, nến hoặc đèn giả điện.
56.
Trong khắp nhà thờ, nhất là chung quanh các tượng ảnh, chúng ta tuyệt
đối tránh kiểu chơi ánh sáng: như các kiểu chữ bằng điện, hình ảnh,
triều thiên, vòng hoa bằng điện lập lòe, nhấp nháy xanh đỏ.
57.
Giếng rửa tội: Phải đặt ở một vị trí, để có thể cử hành nhiệm tích rửa
tội một cách tập thể. Mở vào lòng nhà thờ để giáo dân có thể nhìn thấy
như đài kỷ niệm của ngày họ được rửa (Instr. 99)
58.
Không nên đặt ở cuối nhà thơ như trước. Không được đặt trong cung
thánh, chỉ còn có thể đặt ở một bên phía trước giáo dân có hàng rào sắt
chắn ngang chung quanh. Đặt thế nào để cử hành ba giai đoạn: ngoài cửa,
trong nhà thờ và tại giếng - một cách dễ dàng.
59.
Tại giếng rửa tội cũng phải có một tủ nhỏ chứa dầu thánh, một cái bàn
để chứa các vật dụng, như muối, nến…Dành sẵn một vị trí hợp pháp cho
chân nến phục sinh, phải sử dụng vào đêm thứ bảy thánh.
60.
Giếng rửa tội, hoặc chỉ để chứa nước rửa. Như vậy khi rửa, sẽ đổ nước
vào chậu – hay trái lại, chứa nước rửa vào bình riêng, khi rửa đổ nước
vào giếng. Giải pháp thuận tiện hơn hết, là chia đôi giếng rửa tội: một
bên chứa nước rửa, một bên đổ nước rửa. Nước rửa sẽ chảy xuống và ngấm
vào nền nhà thờ. Dù trong trường hợp nào, thì các vật liệu trang trí
cũng phải phù hợp với phép rửa tội – vật liệu xây giếng rửa tội thường
bằng đá, tại Việt Nam tương đối dễ kiếm.
61.
Nên xây giếng rửa tội thấp hơn sàn nhà thờ, ba, bốn bậc, Người chịu rửa
sẽ bước xuống dần dần, như vậy gợi ý tưởng xuống sông Giordanô.
62. Trang trí giếng rửa tội theo đề tài thánh tẩy như hình ảnh Thánh Gioan, hình ảnh Đức Chúa Thánh Thần (Instr. 99)
63. Tại Việt Nam hầu hết các nhà thờ đều không có giếng rửa tội, chúng ta nên cấp tốc bồi bổ vào chỗ thiếu sót này.
64.
Ảnh tượng, không nên quá nhiều (Const. 125, Instr. 278). Tuy nhiều ảnh
tượng Đức Mẹ, và thánh quan thầy, vẫn có quyền ưu tiên. Tượng bằng khung
gỗ khẳng kheo, chỉ có đầu và chân tay, mặc áo vải bên ngoài, đã bị
nhiều nơi cấm, chúng ta không nên bắt chước làm ảnh tượng kiểu này.
65.
Kiểu chân nến chùm, thường được đặt trước các bàn thờ, như trước bàn
thờ Đức Mẹ hằng cứu giúp, không nên đặt tại cung thánh. Cạnh bàn rước
lễ, giữa lối đi…Kiểu thắp nến chồng chất ngày đêm đặt cho ta một câu hỏi
có nên gợi cho giáo dân một kiểu dâng cúng nào khác không?
66.
Đàng Thánh giá: Không được làm giáo dân chia trí, cũng không được làm
nguy hại đến sự duy nhất của lối kiến trúc cũng có thể đặt nguyên ở một
bên, và phải là những hình ảnh có giá trị nghệ thuật với lối kiến trúc.
67.
Tòa giải tội: đặt ở địa điểm kín đáo, ở địa điểm giáo dân có thể lui
tới dễ dàng. Nên để về phía cuối nhà thờ, và cũng cần phù hợp với lối
kiến trúc.
68.
Phải cố gắng giảm số bàn thờ cạnh xuống mức tối thiểu. Tránh kiểu làm
hai bàn thờ cạnh hai bên bàn thánh chính. Bàn thờ cạnh hết sức kín đáo,
để khi cha khách dâng lễ giáo dân khỏi chia trí. Hoặc nếu ngày thứ 5
thánh, có cất Mình Thánh nơi đó, giáo dân cũng khỏi chia trí và yên tâm
tham gia các lễ nghi cử hành tại cung thánh.
69.
Bình nước thánh: Không phải bất cứ bình lọ, chén bát nào phát xuất từ
nhà bếp. Nhưng phải là một bình riêng, chế tạo cho công việc chứa nước
phép – phải là bình khá lớn, đẹp và có giá trị. Tại Việt Nam có thể đẽo bằng đá thoại sơn một cách dễ dàng. Vị trí thích hợp là ở cả hai bên cửa ra vào. Cố gắng năng lau chùi sạch bụi.
70.
Nên có một tiền đường để dán thông cáo, lời rao hôn phối, lịch Công
giáo, để phát truyền đơn, hay cử hành giai đoạn đầu của phép rửa tội.
71. Phòng khóc: Tại Anh hay Canada,
có nhiều nơi phân nhà thờ thành một phòng nhỏ, để các bà mẹ bận con vào
đó dự lễ. Phòng này thường ở cuối nhà thờ, có lắp kính tứ phía, trẻ con
tha hồ khóc, và giáo dân không ai nghe thấy chi. Các bà mẹ có thể tham
gia phụng vụ qua máy phóng thanh bắt vào phòng khóc. Tại Việt Nam phải bắt máy điều hòa không khí, hay máy quạt nếu không mẹ con sẽ chết ngạt trong đó.
72.
Phòng thánh: là nơi chứa các vật dụng phụng vụ, và là nơi để các vị dự
tế, mặc áo lễ, dọn mình cử hành phụng vụ, do đó phòng thánh phải đủ rộng
– phải trật tự - sạch sẽ - có bầu không khí nghiêm trang – yên ắng.
73.
Vì hai mục đích trên, chúng ta nên xây hai phòng thánh: một phòng chứa
vật dụng phụng vụ, phía đầu nhà thờ - một phòng mặc áo, ở cuối nhà thờ,
tiện việc rước vào cử hành phụng vụ (Instr. 82, Instr de musica sacra,
27, a). Nhà mặc áo ở cuối nhà thờ còn có cái tiện lợi, là khi cha vào
mặc áo, người không phải đi qua cộng đồng giáo dân.
74. Phía ngoài nhà thờ, cũng phải có vẻ một tòa nhà thánh, một biểu hiệu thánh giữa thành thị hay xóm làng.
75. Kiểu cách kiến trúc phải ăn khớp với khung cảnh nhà cửa, và cảnh vật thiên nhiên chung quanh.
76.
Phải có một vùng yên lặng chung quanh nhà thờ, do đó nhà thờ nên xây
cất xa chợ, xa nhà trường, sân vận động, đường xá lưu thông nhiều xe cộ,
máy móc, xa thủy lộ, xa nhà hát nhà chiếu phim. Bất đắc dĩ nhà thờ
chính tòa Sài Gòn và Long Xuyên mới phải có đường xá, xe cộ đi sát chung
quanh. Tiếng xe máy làm giáo dân chia trí, không nghe được lời Chúa và
tham gia được vào phụng vụ. Giáo dân cũng khó cầm trí bởi những người đi
qua lại, và nhà thờ mất hẳn vẻ tôn nghiêm.
77.
Ngay hai bên nhà thờ hay trước cửa, phải có bảng sơn chương trình các
giờ phụng vụ, và giờ giải tội. Điểm này cần thiết cho khách du lịch.
78.
Có thể xây một, hai hay ba tháp chuông, liền với nhà thờ hay biệt lập.
Theo Instr. MS. 90, những kiểu chuông gọi là carillon hay glockenspiel
không được sử dụng trong phụng vụ. Đó là nhiều chiếc chuông nhỏ, đúc
theo dấu nhạc, treo trên tháp chuông, có bàn phím ở dưới, có thể bấm
thành một bản nhạc. Loại chuông này cũng không được làm phép đàng hoàng
theo lễ nghi (consecrare) nhưng chỉ làm phép đơn sơ (benedicere).
79.
Theo Instr, MS, số 91, mỗi nhà thờ hay nhà nguyện cố gắng sắm lấy một
hay hai chuông cho dù là chuông nhỏ, và triệt để cấm dùng thay chuông
thánh, những máy móc hay dụng cụ mô phỏng hay khuyếch đại âm thanh của
các chuông theo lối cơ khí hay tự động – chỉ được dùng những dụng cụ
trên ngoài công dụng phụng vụ như carillon.
80.
Theo Instr. MS, 91 trên đây và theo Instr MS 64, về đàn điện tử thì
chuông điện tử cũng không được dùng trong phụng vụ chuông điện tử là một
chuông nhỏ xíu, có một bộ phận điện tử khuyếch đại thành tiếng chuông
lớn. Tại các nước Âu Mỹ, vẫn có tục lệ sắm đàn trước chuông sau. Tại
Việt Nam, vì kinh tế eo hẹp, và vì trình độ thánh nhạc chưa cao, chúng ta nên sắm chuông trước, khi nào có tiền sẽ sắm đàn sau.
KẾT LUẬN
81.
Nhà thờ biểu dương nhân đức nghèo khó là nhà thờ không có dáng điệu phô
trương. Trái lại những dụng cụ phụng vụ như bàn thánh, chân nến, đàng
Thánh giá, giếng rửa tội, ảnh tượng cho tới bàn ghế, bình nước phép phải
chế tạo bằng vật liệu thực: chắc, tốt bền, có tính cách mỹ thuật thực
sự, nghĩa là đắt tiền mới xứng đáng với sự cao cả của Chúa, và đóng góp
vào kho tàng mỹ thuật nhân loại. Vì phần lớn kho tàng nghệ thuật còn lưu
lại là do các tôn giáo. Chúng ta chỉ đắc tội khi xây cất nhà thờ với
hình thức đồ sộ le lói, còn các vật dụng bên trong là đồ hàng mã.
82. Nếu chúng ta không đủ tiền mua sắm các vật dụng phụng vụ ngay một lúc, đây là hoàn cảnh chung của các xứ đạo Việt Nam,
chúng ta sẽ mua sắm mỗi năm hay vài ba năm một thứ. Trước hết bàn
thánh, chân nến, thánh giá, vài năm sau tới quả chuông, ghế giáo dân –
đoạn mua sắm đàn, giếng rửa tội, ảnh tượng, như vậy trong vòng 10 năm,
20 năm. Hầu hết trong các nhà thờ Âu Châu đều theo phương pháp đó. Có
nhà thờ từ khi khởi công hoàn thành theo đúng chương trình kiến trúc sư,
đã phải mất 100 hay 300 năm. Điều này không lạ vì Giáo hội vĩnh cửu.
83.
Khi xây cất nhà thờ chính tòa phải nghĩ ngay tới vị trí đặt tòa Đức
Giám mục, nhưng cũng phải nghĩ ngay là theo tinh thần phụng vụ canh tân,
từ nay Đức Giám mục thường phải chủ tọa lễ nghi phụng vụ, và không còn
ngự tòa, xem lễ như trước.
84.
Tại những nhà thờ cũ, đã xây bàn thánh liền vào hậu để bàn thánh đã trở
thành bàn thờ. Hội đồng thực thi hiến chế trong sổ giải đáp thắc mắc 91
viết: Theo bản tính sự vật, được phép dọn một bàn thánh phụ, trong cung
thánh trước bàn thờ chính để dâng lễ quay ra với điều kiện: bàn thánh
đó phải có tính cách tạm thời, không được để vĩnh viễn và phải có khoảng
cách khả quan giữa hai bàn thánh. Tuy nhiên khuyên không nên làm như
vậy, vì một khi đã cử hành thánh lễ theo nghi thức mới, phần phụng vụ
lời Chúa dĩ nhiên cử hành quay về giáo dân tại ghế, và tại tòa đọc sách.
Phần thứ hai có quay mặt lên, giáo dân vẫn tham gia thực sự và sống
động. (Ami du clergé, 18.11.65). Kinh nghiệm cho thấy, tại nhà thờ cũ họ
Long Xuyên, cung thánh rất hẹp, khi kê thêm chiếc bàn để dâng lễ quay
ra, chánh tế phải loanh quanh, và giáo dân khó chịu khi thấy chánh xứ
quay lưng, quay gáy, chồng xát vào bàn thờ chính.
85. Nếu nỗi lo âu của các cha sở Âu Châu, là liệu cho nhà thờ được ấm áp, thì nỗi lo âu của các cha sở tại Việt Nam
là phải liệu cho nhà thờ mát mẻ. Khi ngồi tại nhà thờ, thấy nóng như
thiêu đốt, toát mồ hôi nhễ nhãi, còn ai muốn ở lại tôn thờ Chúa. Nhà thờ
mát trước hết phải được xây cất đúng hướng. Nhà thờ cao, thoáng, có
trần, có hiên chung quanh cũng đỡ nóng. Trồng cây chung quanh nhà thờ,
hoặc trồng những cây cao như cây sao, chùm bóng mát trên trốc nhà thờ.
Đó cũng là những biện pháp giảm bớt sức nóng của mặt trời. Nếu có ao hồ
chung quanh nhà thờ, lại càng tăng thêm vẻ đẹp, vẻ yên tĩnh và có khi
cũng tăng thêm cảm giác mát dịu.
86. Một tai họa nữa cho các nhà thờ tại Việt Nam
là vấn đề chim sẻ làm tổ trong nhà thờ. Khi cả một đại đội chim sẻ tìm
nơi làm tổ trong nhà thờ, lúc đó rơm rác, phân bụi sẽ vương vãi trong
nhà thờ, trên bàn thánh, những bình nước phép sẽ trở thành hồ tắm, tiếng
chim kêu ríu rít suốt ngày cả trong giờ phụng vụ. Éo le hơn nữa trong
lúc cả nhà thờ đang đọc kinh cầu nguyện, từng đôi chim một, nhảy nhót
trên đầu ông thánh bà thánh. Chúng ta phải nghĩ đến việc bài trừ tai họa
này, bằng tất cả các phương pháp thí dụ chắn những lưới mắt cáo ở các
cửa sổ…
87.
Xây nhà thờ xong chưa đủ, chúng ta phải luôn nghĩ đến việc bảo tồn.
Chúa tạo dựng vũ trụ là việc cao cả, nhưng việc Chúa giữ gìn vũ trụ, còn
cao cả và vất vả hơn. Thời Pháp thuộc có một êkip công nhân, ngày này
qua ngày khác, tháng nọ qua tháng kia chỉ lo tu sửa, lau chùi sơn quét,
từng chiếc đinh cầu Long Biên. Đầu năm khởi công từ đầu cầu phía Hà nội,
cuối năm tới đầu phía Gia Lâm. Sang năm bắt đầu lại, năm nọ qua năm
kia. Người Việt không đặt nặng vấn đề bảo tồn. Không có chương trình tu
sửa, không có ngân quĩ bảo tồn. Chúng ta nên chấm dứt tình trạng này.
Mỗi năm chúng ta phải để ra một số tiền nhất định dành cho việc bảo tồn
nhà thờ. Chúng ta thảo một thời khắc biểu tỉ mỉ: cứ vài năm quét vôi lại
tường vách, mỗi năm sơn lại các cửa, trước mùa mưa kiểm soát lại ống
máng và toàn bộ nóc nhà thờ - kiểm soát kỹ lưỡng cột thu lôi, một chút
sơ ý trong phạm vi này có thể làm cho nhà thờ đi đoong. Mỗi dịp lễ trọng
quét mạng nhện. Sắm sẵn một số phụ tùng sửa chữa, như gạch ngói, kính,
bóng đèn, để hỏng đâu sửa đó. Chung quanh nhà thờ cũng vậy, đây không
phải là bãi tha ma để chó má làm bậy. Chúng ta nên có một chương trình
trồng bông, mùa nào hoa đó.
88.
Giữ cho nhà thờ thật sạch sẽ, cũng là một điểm của việc bảo tồn nhà
thờ: hằng ngày phải quét, lau bụi lau rác. Bất cứ lúc nào một tín hữu,
nhất là tín hữu xứ khác tới nhà thờ và thấy ghế ngồi có bụi, là điều
không thể tha thứ được. Một cha dòng tên ngoại quốc tới thăm một ngôi
chùa tại NS. Lúc đó ngài ghé vào tai chúng tôi nói nhỏ: sạch sẽ quá.
Thật vậy ngôi chùa này là nơi thiện nam tín nữ suốt ngày ra vào tấp nập,
mà sàn chùa bóng nhoáng. Các câu đối như vừa sơn son thiếp vàng xong,
trên nóc nhà không một chút màng nhện. Cha khách nói tiếp: Giá tất cả
nhà thờ chúng ta đều sạch như vậy.
89.
Sau khi đọc tài liệu này chúng ta nên nghĩ ngay đến một phong trào giải
tỏa bàn thờ. Hiện nay bàn thánh tại các nhà thờ chưa được đúng với tinh
thần phụng vụ cho lắm. Nhà tạm ọp ẹp, khóa dỉ, nhiều khi mở được nhà
tạm thì lay chuyển cả bàn thờ, chân nến lắc lư. Ngoài 6 cây nến phụng vụ
còn những cây nến 3 ngọn, 5 ngọn, sáp nến chảy tứ phía. Chân nến giả,
hoa giả, bụi bám, máng nhện chăng. Chúng ta cố gắng giải tỏa tất cả
những chuyện đó. Chữa lại nhà tạm, lắp ổ khóa mới thật nhạy – tiện 6
chân nến bằng gỗ tốt, và đẹp, đơn sơ, công tiện ở Việt Nam
tương đối rẻ. Cố gắng dâng một vài bông hoa thật, hằng ngày lau bàn
thánh, chân nến. Được như vậy cả là một lễ vật qúy giá dâng lên Chúa.
90.
Còn một điểm, có lẽ chúng ta cho là ngoài đề vì có tính cách quá phàm
tục. Tuy nhiên lại là điểm cần thiết. Đó là việc xây một vài phòng “vệ
sinh” gần khu nhà thờ. Có những người phải đi một đoạn đường xa mới tới
nhà thờ. Có những người gặp phải ngày khó chịu, có những khi lễ nghi
phụng vụ lâu hơn một tiếng đồng hồ. Đó là những trường hợp đòi phải có
phòng vệ sinh.
Chúng
ta sẽ xây phòng vệ sinh ở nơi kín đáo và dễ kiểm soát, để tránh những
sự đáng tiếc có thể xảy ra, hoặc không để cho trẻ em viết vẽ lăng nhăng.
Một khi đã cố gắng xây được phòng vệ sinh, chúng ta còn phải cố gắng
giữ gìn cho sạch. Hằng ngày lau quét. Có nơi cha sở còn cho xây bể (bồn)
nước mưa gần nhà thờ, để tín hữu giải khát trong những khi nóng nực. Đó
là điểm nên duy trì và phổ biến sâu rộng hơn. Đây là tiện nghi nhỏ
nhặt, nhưng giúp tâm hồn thể xác tín hữu được thoải mái, dễ dàng cầu
nguyện, và tôn thờ Chúa hơn.
91.
Trên đầu bài, chúng tôi đã định nghĩa nhà thờ theo quan điểm giáo luật
và phụng vụ. Tới đây chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa chủ quan: Nhà
thờ là chặng đầu tiên và cuối cùng của cuộc hành trình về quê của mỗi
người chúng ta. Khi chúng ta vừa sinh được mấy ngày, có người đưa chúng
ta tới nhà thờ, để lãnh nhận phép rửa tội. Khi chúng ta chết đi, trước
khi đưa chúng ta tới nơi an nghỉ ngàn thu, anh em trong xứ đạo đã đưa ta
tới nhà thờ, để lãnh phép lành cuối cùng của Giáo hội. Ước gì nhà thờ
chẳng những là chặng đường đầu tiên và cuối cùng, mà còn là tất cả chặng
đường đi về đất hứa của mỗi người chúng ta. Khi chúng ta đọc kinh cầu
nguyện tại gia, chúng ta là con người lẻ loi, lạc lõng. Nếu chúng ta
muốn cùng tập thể Dân Chúa, cầm tay nhau hát ca phấn khởi vượt qua con
đường khó khăn của dương gian đắm lệ, để cùng nhau can đảm đi về đất
hứa, thì nhà thờ là nơi để chúng ta thực hiện cuộc hành trình tập thể
này.
Nhận xét
Đăng nhận xét