Trong xã hội, đời sống tâm linh - tín
ngưỡng là một nhu cầu cơ bản không thể thiếu đối với con người, nó cũng
bức thiết như nhu cầu về ăn,
mặc, ở, đi lại. Bởi vậy, nếu bị khủng hoảng hay mất niềm tin thì con
người sẽ dễ bi quan trước cuộc sống, trước số phận. Điều đó khiến cho
con người ta luôn canh cánh bên lòng ước vọng về một nơi
an lành, nơi tâm hồn mình được thanh thản, không phải đối chọi với
đời, nơi con người ta có thể tĩnh tâm để chiêm nghiệm về lẽ đời thiệt
hơn. Từ thực tế đó, hàng loạt các công trình kiến trúc thờ
cúng trong dân gian của vùng Hải Lăng – Quảng Trị đã được ra đời, hiện
thực hoá cho đời sống tâm linh của người dân Việt.
Các công trình kiến trúc thờ cúng dân gian được xây dựng và
phát triển nhằm mục đích phục vụ cho tập tục thờ cúng của người dân
Việt. Do vậy,
kiến trúc thờ cúng dân gian đã trở thành một phần quan trọng trong đời
sống tín ngưỡng của người Việt Nam. Vì thế trên khắp lãnh thổ Việt Nam,
đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp các công trình kiến trúc
loại này, từ những đền miếu, miễu am, đến cả chùa chiền, đình làng,
nhà thờ họ… dù mỗi nơi lại có đôi nét khác nhau trong cách thức trang
trí xây dựng. Đất Hải Lăng cũng không ngoại lệ, nơi đây
đang tồn tại rất nhiều loại hình kiến trúc dân gian, nhưng do nhiều lý
do khách quan, nên hiện nay ở Hải Lăng số lượng của một số loại hình
kiến trúc bị suy giảm đáng kể như Đàn hoặc lăng mộ cổ
không còn phổ biến trên toàn huyện nữa. Hiện nay, các công trình kiến
trúc dân gian ở Hải Lăng chỉ còn tập trung chủ yếu vào 4 nhóm kiến trúc
sau: Đền – Miếu – Miễu – Am, Đình, Chùa và Nhà thờ họ
tộc.
Bên cạnh đó, sự phân bố về số lượng các loại hình kiến trúc
dân gian này cũng có những điểm đáng chú ý; đó là, dù trải rộng trên
khắp lãnh thổ
Việt Nam nhưng những công trình này chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Bộ
và Trung Bộ, còn càng vào dần phía Nam thì những kiến trúc này thưa
dần.
Đối với việc phân loại các loại hình này chủ yếu là dựa vào
những đặc điểm của từng loại hình, thời gian ra đời và tiến trình phát
triển, quy
mô cũng như phong cách xây dựng để phân loại các loại hình này.
Bài viết này sẽ lần lượt trình bày những nét chính trong các
loại hình kiến trúc dân gian của Hải Lăng - Quảng Trị . Bắt đầu từ "Đền
- Miếu -
Miễu - Am" đến kiến trúc Đình, Chùa Làng, và cuối cùng là Nhà thờ họ -
Nhà thờ phái.
Trước hết sẽ là những nét chính trong loại kiến trúc có thể
xem là hình thành sớm nhất của khu vực này. Đó là loại hình "Đền -
Miếu - Miễu - Am"
Đền miếu ở Hải Lăng có quy mô khiêm tốn. Nó không thể hiện
được quy mô to lớn, lấn áp như Đình, hay Nhà thờ họ mà thể hiện sự khiêm
nhường
trong lối xây dựng. Những công trình này được xây dựng theo lối kiến
trúc nhà rường truyền thống của vùng Trung Bộ, chịu ảnh hưởng lớn của
kiến trúc nhà rường theo phong cách thời chúa Nguyễn,
triều Nguyễn.
Vùng Hải Lăng hầu như có đầy đủ các loại hình Đền Miếu này.
Nhưng trong số đó những loại kiến trúc xưa (chủ yếu được làm hoàn toàn
bằng gỗ
theo kiểu nhà sàn) vẫn còn lại khá nhiều, nhiều hơn rất nhiều so với
các khu vực khác, và với cả vùng Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên những loại
hình này rất khó bắt gặp, do quan niệm xưa thường chọn
những vùng đất yên tĩnh để lập miếu thờ. Cũng vì thế mà hiện nay những
ngôi miếu cổ này thường nằm khá sâu trong những khu vực ít dân cư qua
lại
Trong giai đoạn về sau, xuất hiện thêm loại hình kiến trúc
đền miếu được xây dựng bằng chất liệu gạch, đá và gắn kết với nhau bằng
mật mía,
vôi hàu. Với loại hình nầy bên cạnh việc thể hiện những mô thức trang
trí theo phong cách Bắc Bộ như vòm cuốn, mái cong, thì phần xây gạch lại
chịu ít nhiều ảnh hưởng của phong cách xây dựng của
người Chăm; điều đó khiến cho những công trình này không những tăng
tính bền vững vì sử dụng chất liệu gạch,đá, ximăng mà còn thể hiện được
trình độ cao trong xây dựng vì sử dụng mạch vữa để liên
kết vật liệu công trình.
Ngoài ra, đền miếu ở Hải Lăng cũng có nét giống như kiến
trúc của nhà thờ họ (về quy mô thì nhỏ hơn) vì có kết cấu theo kiểu nhà
rường 1gian
2chái (có thể có hoặc không có chái kép). Loại đền miếu này thường
dùng để thờ nhiều vị thần cùng một lúc. Tuy nhiên loại hình này lại ra
đời khá muộn (thế kỷ thứ XIX –XX) và rất ít gặp trong các
làng xã.
Số đền miếu được xây dựng dưới dạng kiến trúc khung gỗ chịu
lực theo mô thức nhà rường, phần sàn được đỡ trên 4 đến 6 trụ cột hiện
nay còn rất ít. Nhiều bộ phận được thay thế, đặc biệt là phần mái ngói
của công trình (được thay sang loại ngói Mác Xây), thậm chí còn được
thay thế các trụ cột gỗ bằng trụ cột bê tông khiến cho
công trình mất đi dáng vẻ mềm mại, nhẹ nhàng và thanh thoát ban đầu.
Đền Văn Thánh - làng Hồi Kỳ - Hải Chánh - Quảng Trị
Miêu bà hoả - xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị
Miêu bà hoả - xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị
Miếu bà thứ phi Linh Diệu, làng Thuận Nhơn, xã Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị
Miếu Âm hồn, làng Thuận Nhơn, xã Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị
Đàn Âm hồn, làng Hồi Kỳ, xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Miêu Ông, làng Hồi Kỳ, xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị Đối với đình làng ở Hải Lăng – Quảng
Trị, thì ngoài những điểm chung, đình của khu vực này còn có những nét
khác biệt so với lối kiến trúc chung (mà ảnh hưởng rõ
nhất là khu vực Bắc Bộ) đó là:
Vê cấu trúc đình làng: Ngoài tổng thể mặt bằng, hệ
thống tường gạch bao quanh ở bên ngoài, và phần Nghi môn của những ngôi
đình làng ở Hải Lăng đều
thể hiện những nét đặc trưng của đình làng miền Trung (so với đình
làng miền Bắc và miền Nam). Thì hệ thống bình phong là một nét đặc trưng
của kiến trúc vùng Hải Lăng – Quảng Trị nói riêng và của
toàn khu vực Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên nói chung, trong tổng
thể kiến trúc chung của cả nước. Đặc điểm này không chỉ thể hiện trong
các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng mà còn
xuất hiện cả trong những kiến trúc nhà ở dân gian của người dân nơi
này.
Về bố cục xây dựng: So với đình miền Bắc thường thiết kế theo lối chữ Nhất “一”, thì khi vào đây, người dân Hải Lăng ngoài lựa chọn
cách thiết kế trên còn sử dụng thêm lối thiết kế chữ Nhị “二”
(với 2 toà đại đình xây dựng song song với nhau). Toà đại đình ở trước
được dùng làm nơi hội họp, ăn uống còn phần đại
đình phía sau được dùng làm nơi thờ cúng. Cả 2 toà đại đình này được
nối thông với nhau bằng một hệ thống cửa bản khoa, hay còn được gọi là
cửa “thượng song hạ sổ”.
Đối với kiểu nhà chữ Nhị “二” này, để tránh
nước mưa đọng vào khoảng giữa hai mái nhà, người ta đã cho xây dựng ở
đây một hệ thống máng
xối (giai đoạn đầu thì thiết kế còn khá đơn giản, chỉ có một ống hình
tròn cho nước có thể chảy xuống) nhưng về sau, để làm cho công trình
thêm sinh động hơn (khoảng cuối thế kỷ thứ XIX) người ta
đã dùng loại “máng xối hình cá” (như máng xối ở chùa Thiên Mụ - Huế).
Hay môt loại nữa gồm 1 toà đại đình nằm theo chiều dọc, mặt
tiền mở ra từ phía gian chái. Đây là kiến trúc phổ biến nhất vào khoảng
thế kỷ thứ XVII - XVIII, nhưng
hiện nay rất ít thấy xuất hiện, một phần do chiến tranh tàn phá, một
phần do xu hướng xây dựng của làng. Và, đình làng Diên Sanh là một kiểu
kiến trúc có lối xây dựng như vậy.
Hiện nay, trong các loại hình trên thì ở Hải Lăng xuất hiện chủ yếu là kiến trúc chữ Nhất “一”, như đình làng Hồi Kỳ, đình Phú Long.
Có thể nhận thấy rằng các kiểu nhà này đều có một điểm chung, đó là: Vùng Bình Trị Thiên có kiểu kiến trúc của nhà rọi và nhà rường đều thích nghi với
việc phòng chống bão lụt lớn.
Kết cấu của Nhà Rọi: Với Nhà Rội, trong mỗi vì kèo có 3
cột chôn xuống đất, cột giữa cao hơn nà nhô cao lên tận đỉnh nóc, tạo
kiểu vì kèo chữ thập
chống đỡ trực tiếp cho nóc mái, đảm bảo một kết cấu vững chắc trước
bão tố.
Kết cấu của Nhà Rường: Với Nhà Rường, trong mỗi vì kèo
có 4 cột tỳ lên mỗi khối đá tảng, tạo nên kiểu vì kèo chồng; trong đó có
các trến nối
lưng chừng giữa hai cột ở độ cao quá đầu người vừa làm cho khung nhà
vững chắc, vừa làm các dầm gác ván chống lụt nhanh nhất, lại có con
xuyến nối giữa hai kèo trên làm cho vì nóc cós kết cấu vững
chắc hơn”.
Về quy mô xây dựng: Đình làng ở Hải Lăng có quy mô
không lớn như các ngôi đình ngoài Bắc. Vì người dân khi mới vào đây lập
nghiệp thì cuộc sống vẫn chưa
đi vào ổn định (đa số thành phần dân cư này chủ yếu là những người
nghèo, hay những người có tội với triều đình…) di cư vào đây, nên họ
chưa đủ khả năng xây dựng những ngôi đình lớn như ngoài Bắc.
Vì thế một số khu vực ở Hải Lăng như Hải Ba, Hải Lâm, Hải Quế, Hải Sơn
trong giai đoạn sớm này xuất hiện chủ yếu là kiểu “đình lộ thiên” (đình
không có nhà), kiến trúc này chỉ là một sân gạch lớn
làm nơi sinh hoạt chung mà thôi. Việc xuất hiện loại hình “đình lộ
thiên” đã chứng minh được sự ăn sâu của đời sống tâm linh của người dân
Việt. Nên dù có khó khăn gian khổ nhưng họ vẫn ưu tiên
trên hết là việc xây dựng một ngôi đình để xác lập một thể chế văn
hoá, tín ngưỡng sơ khai.
Phần lớn các ngôi đình ở Hải Lăng cho đến ngày nay đều ảnh
hưởng của lối kiến trúc dưới thời các vua Nguyễn. Nhìn chung đây là giai
đoạn mà những công trình này
chỉ được tu bổ, sửa chữa nhiều hơn là xây dựng mới. Cũng vì thế mà một
số đặc điểm về kiến trúc truyền thống đã bị thay đổi đi ít nhiều.
Về phần mái đình: Mái đình ở Hải Lăng cũng có những
điểm khác biệt so với đình làng Bắc Bộ. Phần mái thường không võng
xuống, các đầu đao thì
cũng ít được làm cong vút lên như cách thức xây dựng của miền Bắc.
Điều này giúp cho tổng thể các ngôi đình ở Hải Lăng khi nhìn vào có cảm
giác nhẹ nhàng, thanh thoát, ít có cảm giác nặng nề như
đình miền Bắc (đình miền Bắc thể hiện theo một thiết chế xã hội phong
kiến trong một khuông khổ hết sức khắt khe). Còn đình Hải Lăng – Quảng
Trị thì thoáng hơn do phần lớn được xây dựng bởi những
con người biết chấp nhận thử thách, ra đi để lập nghiệp. Nên trong suy
nghĩ của họ thông thoáng hơn, cởi mở hơn. Có vậy mới dễ dàng tồn tại
trên mảnh đất được mênh danh là “Ô châu ác địa” này.
Phần mái công trình nhẹ nhàng hơn so với Bắc Bộ còn xuất
phát từ sự phù hợp với điều kiện khí hâu nơi đây. Vì khu vực miền Trung
là nơi quanh năm thường
xuyên chịu khí hậu khắc nghiêt. Đặc biệt là vùng đất Hải Lăng – Quảng
Trị chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam khô nóng, mùa mưa thì dầm dề và
kéo dài, lại hay giông bão. Vì thế, một mái đình quá
nặng, cồng kềnh là không hợp lý và sẽ khó đương đầu với thời tiết khắc
nghiệt. Phần mái nhẹ kết hợp với kiến trúc nhà rường dễ lắp ghép sẽ là
cơ hội tốt để nếu chẳng may phải di dời thì cũng dễ làm
hơn, thuận tiện hơn.
Xuất phát từ thực tế đó, nên hầu như các mái đình ở đây đều
chiếm “nữa già” so với chiều cao của ngôi đình, phần mái thường xoè rộng
một góc khoảng 350
để hạn chế sức gió, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nước mưa chảy,
tránh việc đọng nước trên phần mái, hay là bị xóc nước vào bên trong mái
gây mục cho hệ thống rường cột của công trình (do phần
mái đình giai đoạn sớm thường được làm chủ yếu bằng vật liệu gỗ là
chính).
Một điểm đặc biệt ở phần mái của đình ở khu vực này là sử
dụng đến 2 lớp ngói. Đó là lớp ngói ở mặt ngoài có nhiệm vụ để tránh
nước mưa, cũng như những tác động
xấu vào bộ khung của mái. Lớp ngói được lót bên trong mà chúng ta có
thể dễ nhận ra khi vào bên trong nội tẩm của đình. Phần ngói này chủ yếu
được lót vừa để trang trí làm đẹp cho mái đình khi nhìn
từ bên trong, nhưng đồng thời nó cũng có nhiệm vụ chống nóng vào mùa
hè, và giữ ấm vào mùa đông.
Một điểm chú ý nữa trong kiến trúc phần mái, là phần giữa
của 2 lớp ngói này được gia cố thêm một lớp đất sét trộn với nước muối
sống nhằm vừa hạn chế
nước từ bên ngoài thấm vào, vừa cách nhiệt cho phần nội tẩm, nhưng
cũng vừa có nhiệm vụ giữ ổn đinh cho kết cấu mái của ngôi đình trước sức
gió, hay những chấn động mạnh từ mặt đất.
Về trang trí mỹ thuật trong kiến trúc:So với các
đình làng Bắc Bộ, trang trí của các đình làng vùng Hải Lăng đặc sắc hơn,
nhiều hoạ tiết trang trí
hơn. Sự đặc sắc trong cách trang trí này xuất phát từ sự kết hợp của
giữa lối trang trí theo phong cách Bắc Bộ, kết hợp với nghệ thuật “ghép
mảnh sành sứ” rất phát triển của khu vực miền trung
(đặc biệt được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI - XVII. Đó là giai
đọan các chúa Nguyễn đã thiết lập ở Đàng Trong những phủ chúa, những
trung tâm văn hóa có một sức tồn tại, lan tỏa mạnh
mẽ và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của vùng đất Thuận Hóa.Từ sự
thiết thực của nhu cầu trang trí mà các nghệ nhân đã sử dụng mảnh sứ
được khảm ghép trang trí cùng với nề ở các chùa
chiền, am miếu, bình phong, bể cạn rất phổ biến trong các làng xã ở
Huế. Sau năm 1802 khi Nguyễn Ánh đánh lên ngôi lập ra vương triều
Nguyễn, việc xây dựng kinh đô mới được đặt ra khẩn thiết,
tạo điều kiện cho nghệ thuật trang trí - hội họa - điêu khắc và thể
loại khảm sứ phát triển. Trước yêu cầu to lớn của việc xây dựng kinh
thành mới, nhà Nguyễn đã trưng tập nhiều thợ giỏi khắp nước
về kinh đô, trong đó có những người thợ nề khảm được gọi từ xứ Quảng
Nam, Quảng Ngải, Thanh Hóa, Hà Nam).
Ngoài ra, ở đây còn rất phát triển lối tô vẽ bằng bột màu,
một thế mạnh trong lối trang trí kiến trúc của miền trung. Nó thể hiện
khá đầy đủ và cụ thể trên các bờ
nóc, bờ dải, các đầu đao của bộ mái, trên các cột, hay phần nghi môn
của đình … với một hệ đề tài vô cùng phong phú như: Tứ linh, tứ thời,
bát bửu, hay các hoa văn cây lá, dây lá hoá rồng, hoá
phụng…, những hoạ tiết động thực vật như: mai điểu, quả phật thủ, quả
đào tiên…
Trang trí kiến trúc của đình ở Hải Lăng còn thể hiện được sự
kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và con người, tạo thành một tổ hợp gợi
nên sự ấm cúng, tôn
nghiêm đã đi vào tâm thức của con người, dung hoà được cả những phong
cách siêu phàm, thoát tục của đạo Lão và đạo Phật.
* Trang trí nội thất: Đây là “nghệ thuật kết
hợp đưa các hình khối, điểm, đường nét, màu sắc vào trong một bố cục
không gian nhất định mang tính
khoa học và kỹ thuật cao, đòi hỏi tính chính xác trong kích thước,
trong kết cấu bố trí đồ vật, trong xử lý ánh sáng và màu sắc”.
Những nhà “trang trí nội thất” thường tận dụng tất cả các
thủ pháp nghệ thuật như chạm trổ, đắp nổi vôi vữa, ghép mảnh sành sứ lên
những điểm trống của đình
nhằm làm cho không gian bên trong của đình thêm đặc sắc, sinh động.
Ví dụ như ở trên các vì kèo, bụng các cầu điếu thì được
trang trí bằng nhiều motip như “Tam sơn”, “Tam phúc”, các đầu trến thì
trang trí hình dây lá
hoá rồng, các đầu tay kèo thượng, kèo hạ, kèo cù …được trang trí bằng
hình ảnh đầu rồng rất sinh động…
Loại hình trang trí của Hải Lăng – Quảng Trị chịu ảnh hưởng
lớn bởi phong cách của các đời chúa Nguyễn, các vua Nguyễn, cho nên nó
khác so với kiểu trang
trí ở ngoài Bắc (thường sử dụng lối trang trí trên gỗ là chính), thì
tại Hải Lăng, loại hình chủ đạo trong trang trí trước hết phải nhắc đến
là kỹ thuật “nề vôi đắp vữa”, “ghép mảnh sành sứ”, hoặc
“tô vẽ bột màu lên phần ngoài của kiến trúc”.
Những đề tài thường thấy là “Hổ, rồng, dơi, rùa, hạc…”, hay
những hình ảnh về hoa lá thiên nhiên như: “Mai, lan, cúc, trúc, sen,
tùng…” với những nét trang trí và
màu sắc rất sinh động. Chính điều đó đã khiến người xem khi nhìn vào
có cảm giác rất chân thật, gần gũi. Đây chính là một nét đặc trưng của
nghệ thuật trang trí vùng Trung Trung Bộ mà Hải Lăng là
một điển hình cụ thể cho phong cách đó.
Qua các hình ảnh trang trí, những người thợ đã lồng ghép
những tâm tư tình cảm, những ước muốn thanh bình, hạnh phúc, trường thọ…
và thổi hồn vào trong những
đường nét chạm trỗ vô cùng linh diệu qua các đề tài như Tứ linh (Long,
Lân, Quy, Phụng), hình ảnh con dơi, con cá, mặt hổ phù, long mã tải lạc
thư, Tứ thời (Mai, Lan, Cúc Trúc)
*Trang trí ngoại thất: Nếu như trang trí nội thất
chú trọng vào việc thể hiện những đường nét chạm trổ tinh tế, tỉ mĩ thì
phần trang trí ngoại thất
lại vừa chú trọng đến việc thể hiện những đường nét trang trí chạm trổ
tỉ mĩ, nhưng phải vừa làm sao thể hiện được sự cân đối hài hoà giữa
trang trí với phối cảnh xung quanh. Vừa uy nghiêm nhưng
phải vừa gần gũi, ấm áp.
Đối với các công trình ở Hải Lăng, thì thông thường trên
phần mái của công trình thường được trang trí bằng hình như tứ linh,
giao lá. Hai đầu bờ nóc thì
trang trí bằng hình ảnh “lưỡng long chầu nguyệt”. Trên các bức tường,
trụ hành lang thường được trang trí thêm nhiều hình ảnh khá đặc sắc như:
Long ẩn vân, trang trí bằng hình ảnh bát bửu, các câu
đối bằng chữ Hán…
Một đặc điểm nữa trong trang trí đình làng ở khu vực miền
Trung này chính là sự xuất hiện của “các ô hộc”. Hình thức chia ô này đã
có từ rất sớm, song chỉ
đạt tới trình độ cao vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX – XX. “Người
ta nghĩ rằng khởi nguyên của nghệ thuật chia ô được gắn với cư dân du
mục, đó là hình ảnh của các mảnh da thú được khâu chắp lại
để may quần áo hay lều ở…; nghệ thuật này đi xuống phương Nam và đã
ảnh hưởng đến trang trí trên trống đồng Đông Sơn với các ô nhỏ ở tang
trống.
Từ thời tự chủ, cách chia ô trong tạo hình của người
Việt đã phổ biến, nhưng mỗi thời kỳ có một cách khác nhau. Trong thời
Lý, trang trí tỉ mỉ đường
nét kín đặt, đường viền các khung ô thường bị “mờ” đi trước những hành
vân xoắn hay “song” hình mây núi… Hơn nữa khung bên cạnh thường có
những motip tương tự, như vậy sự riêng biệt của từng khung
bị hạn chế rất nhiều. Nghệ thuật thời Trần cũng tương tự như thời Lý,
song xu hướng dần dần trở nên thoáng đãng hơn. Thông thường trong một
khung là trọn cả một đề tài cần thể hiện, và khoảng trống
của khung cùng ý nghĩa của đề tài đã làm cho không gian của mảng chạm
đã bị co hẹp”.
Đình làng Câu Nhi, Hải Tân, Quảng Trị
Đình làng Câu Nhi, Hải Tân, Quảng Trị
Bình phong đình làng Câu Nhi, Hải Tân, Quảng Trị
Đình làng Câu Nhi, Hải Tân, Quảng Trị
Đình làng Hồi Kỳ, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Bình phong đình làng Hồi Kỳ, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Bình phong đình làng Hồi Kỳ, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Đình làng Hồi Kỳ, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Đình làng Phú Long
Đình làng Phú Long
Đây là loại hình có lịch sử xây dựng khá muộn và quy mô kiến
trúc không lớn như chùa ở ngoài Bắc, hay những ngôi chùa ở Huế. Nhưng
công trình này chủ yếu là những
ngôi chùa làng, được xây dựng theo thế hoà mình vào kiến trúc nhà ở
của nhân dân.
Vì thế, cảnh chùa ở Hải Lăng mang một phong cách dân dã hơn
rất nhiều so với chùa ở những nơi khác. Và do trải qua một thời gian dài
trong binh lửa chiến
tranh cho nên hầu như những ngôi chùa còn lại cho đến ngày nay ở khu
vực này không còn nguyên vẹn như trước nữa, mà ít nhiều đã bị sửa chữa,
thậm chí là làm mới lại. Cũng vì thế, việc nghiên cứu
diện mạo kiến trúc chùa ở Hải Lăng cũng gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, dựa trên những cơ sở nghiên cứu của những người
đi trước, chúng ta có thể khái quát lên được những nét đặc điểm riêng
trong lối kiến trúc chùa của vùng
đất Hải Lăng so với các vùng miền khác trên cả nước. Cụ thể:
Kiến trúc chùa: Lối vào chùa theo kiểu “Nôi công
ngoại quốc” không thấy xuất hiện trong kiến trúc chùa miền trung nói
chung và Hải
Lăng nói riêng. Nguyên do là vì người Việt khi di cư vào đây theo Chúa
Nguyễn Hoàng (vào khoảng những năm 1558 – 1600), đã đoạn tuyệt với
chính quyền Đàng Ngoài. Vì thế kiểu kiến trúc “nôi công
ngoại quốc” hình thành ở ngoài Bắc giai đoạn này không thể xâm nhập
vào miền Trung được.
Chùa ở Hải Lăng chủ yếu có dạng chữ Nhị “二”, chữ Đinh “丁”, hay chữ Tam “三” gồm phần Tiền đường, chánh điện và
nhà tổ ở phía sau
Khu vực Bắc Bộ giai đoạn triều Lý đã xuất hiện nhiều kiến
trúc tháp Stupa. Đến giai đoạn Trần Lê thì không còn nữa. Vì thế khi vào
miền Trung
– Hải Lăng – Quảng Trị thì kiến trúc này không còn sử dụng nữa. Có
chăng chỉ là một cây tháp cao được dựng lên ở giữa sân chùa, có đặt một
số tượng phật thờ ở đó.
Chùa khu vực Hải Lăng cũng bắt đầu xuất hiện kiểu kiến trúc nhà chữ Khẩu “口”. Đây là một điểm đặc biệt trong kiến trúc của
khu vực này (loại hình này không thấy xuất hiện ở Bắc Bộ, Nam Bộ).
Kiến trúc này xuất hiện được lý giải bởi lý do: xuất phát từ
hiện tượng Tứ thiên vương gắn liền với tượng Thích Ca nhập niết bàn,
nên trong quan niệm của
người Ấn Độ thì họ cho số 4 là số thiêng. Người Chămpa khi tiếp nhận
văn hoá Ấn Độ giáo thì họ đã xây dựng những ngôi tháp Chăm của mình với 4
mặt. Và biểu hiện rõ nhất của các tháp Chăm là chân
vuông, các tháp phụ bao quanh tháp chính cũng vuông đúng 4 hướng, đỉnh
chóp của tháp Chăm thường có 4 tầng, và 4 bên mỗi tầng chỏm đều có 4
chỏm nhỏ (như 4 vị thiên vương đang gác). Chính từ những
quan niệm đó, người Việt tiếp thu và chuyển hoá nó để hình thành nên
ngôi chùa chữ Khẩu “口” (gồm 4 ngôi nhà bao quanh).
Một lý giải khác để có loại kiến trúc nhà chữ Khẩu “口”
này là: những người dân miền trung này chủ yếu là những lưu dân từ Bắc
vào, đang chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng Nho giáo hết sức sâu đậm.
Đến giai đoạn các Chúa Nguyễn, các Vua nhà Nguyễn thì Nho giáo vẫn còn
đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người
dân. Trong quan niệm của Nho giáo thì luôn luôn đề cao mệnh trời. Vì
thế kiểu kiến trúc nhà chữ Khẩu “口” sẽ là kiến trúc thích hợp nhất cho quan niệm đó (vì những ngôi chùa chữ
Khẩu“口” tạo nên một sân Thiên quang tỉnh (giếng ánh sáng) ở giữa, toả vào những không gian kiến trúc chung quanh).
Ở những ngôi chùa chữ Khẩu “口” này thường thấy xuất hiện 2 món bảo khí: một bên là “chuông”, một bên là
“trống” (đây là điều ít thấy xuất hiện ở Bắc Bộ) là loại hình phổ biến hầu khắp các ngôi chùa ở miền Trung.
Theo quan niệm Bắc Bộ thì chùa chỉ có tiếng chuông, tiếng
mõ. Còn đình thì mới có tiếng trống, và quan niệm đó dường như đã ăn sâu
vào cuộc sống của con
người nơi đây. Những đó là quan niệm của miền Bắc Bộ, còn ở miền Trung
lại không có sự phân định ranh giới đó, mà người miền Trung lại biểu
hiện cho xu hướng kết hợp tín ngưỡng “ Thần - Phật”.
Nghĩa là kết hợp cả quan niệm thờ thần ở Đình, Miếu và quan niệm thờ
Phật ở chùa (đối với miền Nam do thành phần dân cư ở đây chủ yếu cũng là
người miền Trung di cư vào, nên cũng có chung đặc điểm
như miền Trung trong việc thờ 2 món tự khí này).
Đa số các tháp cổ ở miền Bắc thường có kiến trúc hình trụ
vuông (tháp chùa Dâu, tháp Phổ Minh, tháp chùa Then ở Vĩnh Phúc…) Điều
này thể hiện
quan niệm nhất quán trong lối kiến trúc của miền Bắc với lối kiến trúc
Stupa của Ấn Độ. Với người miền Trung, kiến trúc tháp hình trụ vuông
cũng có thấy xuất hiện nhưng nó chỉ tồn tại trong giai
đoạn sớm mà thôi. Còn hiện nay chỉ thấy phổ biến kiểu kiến trúc tháp
hình lục lăng hay bát giác.
Theo quan niệm, người miền Trung cho rằng: “hình lục lăng
hay hình bát giác là biểu hiện của đường tròn, mà đường tròn là biểu
hiện cho trời.
Theo Kinh dịch Trung Hoa thì 1,3,5 là số dương, 3 biểu thị
cho một đường tròn (số Pi = 3,14); 2,4 là số âm, số 2 biểu thị cho cạnh
góc vuông để từ đó mà cho
ra hình lục lăng, bát giác).
Một điểm chú ý nữa là các tháp ở miền Trung đều chỉ có 7
tầng (theo quan niệm thì con người có 7 lỗ vía, mỗi con người phải có 7
lần chuyển
kiếp mới tái sinh hoàn thiện). Cũng vì thế mà trong giai đoạn từ chúa
Nguyễn trở về sau thì chỉ có những vị sư được nhà nước phong chức “Tăng Cang” thì khi chết mới được xây tháp 7 tầng.
Mái chùa ở Hải Lăng xưa thường được xây dựng có 1 tầng,
nhưng hiện nay chúng ta còn thấy thêm kiểu kiến trúc 2 mái chồng lên
nhau theo kiểu
“cổ diêm”. Đây là phong cách chịu ảnh hưởng của kiến trúc cung đình
Huế mà ra. Với kiến trúc này, đã làm độ cao từ trên nóc xuống được giảm
đi ít nhiều, lại vừa tạo ra cảm giác thông thoáng, kiến
trúc thanh thoát hơn.
Về bố cục ngôi chùa:
*Cổng chùa: Từ ngoài vào, khuông viên được phân định bằng hệ
thống la thành bao quanh và cổng chùa. Cổng chùa được xây dựng chủ yếu
gồm có 2 dạng cửa “Tam Quan”: [1]
+ Cửa theo lối kiến trúc cổng chùa Tam quan: đây là loại
kiến trúc cổng được hình thành vào giai đoạn sớm, khoảng cuối thế kỷ
thứ XVII. Loại kiến trúc này
thường được xây dựng bằng gạch theo kiểu vòm cuốn với gác vọng lâu ở
phía trên, hay xây dựng bằng khung gỗ theo kiểu nhà 1gian 2chái được lợp
ngói phía trên).
+ Cửa theo lối cổng trụ: chủ yếu được xây dựng bởi một
hàng trụ biểu bằng gạch, hoặc bằng tre vươn lên chế ngự chiều cao không
gian.
* Sân Chùa:Thông thường ngay sau cổng
tam quan thường là một khoảng sân rộng dùng làm nơi sinh hoạt định kỳ
của các tăng chúng. Ngày nay, kiến trúc này
đã ít nhiều có thay đổi, nhiều ngôi chùa đã bắt đầu xây thêm nhiều
công trình kiến trúc phụ ở đây như: xây “tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát”
để thể hiện tinh thần “cứu nạn cứu khổ” của Phật giáo đối
với nhân loại.
*Phật đường: Công trình chính của ngôi chùa. Kiến trúc này ở Hải Lăng – Quảng Trị thường được xây dựng theo 2 dạng sau:
+ Kiến trúc chùa chỉ có một điện thờ:Kiểu Chùa loại
này được xây dựng gồm có 3 gian 2 chái. Được bố trí theo chiều dọc, mặt
tiền của ngôi điện mở ra
từ gian chái. Kiểu này phổ biến ở những ngôi chùa làng mang ảnh hưởng
của Phật giáo Đại Việt, mà trong dân gian thường hay gọi, đó là dạng
thức “Đình ngang, chùa dọc”.
Với kiến trúc chùa này thì phần tiền đường bao gồm không
gian của gian chái và một gian phía trước. Còn 2 gian còn lại được sử
dụng làm nơi thờ Phật. Gian
chái còn lại phía sau được dùng làm nơi thờ thần. Ngoài ra, còn có một
nhà ngang ở phía sau được sử dụng làm nơi ở của các vị sư trù trì trong
chùa, hoặc là những người được dân làng cử ra để coi
sóc chùa.
Lối kiến trúc này giống như kiểu kiến trúc của nhiều ngôi
đình làng ra đời vào giai đoạn đầu (như đình làng Diên Sanh ở Hải Lăng
là một ví dụ). “Theo
nhiều nhà nghiên cứu thì lối kiến trúc này được hình thành vào khoảng cuối XVI – XVII”
+ Có từ một đến nhiều nếp nhà được bố trí theo chiều ngang:kiến trúc này thường thấy khá nhiều ở các niệm phật đường ở các làng xã khởi tạo muộn
trong các thế kỷ thứ XIX –XX. Kiến trúc này thông thường được chia làm 3 phần:
Tiền đường: (là nơi các tăng ni ngồi tụng kinh niệm Phật).
Chính điện: (dùng làm nơi tiến hành nghi lễ, nơi các nhà sư tiến hành kinh lễ và là nơi để thờ Phật).
Hậu liêu: (nơi thờ sư tổ, thờ các vị sư trù trì và thờ các chư vị hương linh Phật tử.
Ba không gian này có khi được phân bố trong 2 công trình kiến trúc nối liền nhau tạo thành dạng chữ Tam “三”, nhưng có khi được bố trí theo
dạng chữ Nhị “二”, có khi lại tập trung vào làm một theo lối chữ Nhất “一”, hoặc tách ra thành 3 công trình độc lập với nhau.
Về trang trí nội thất trong chùa:Thường
có phần khiêm nhường hơn so với những nơi khác. Chùa ở Hải Lăng chỉ tập
trung vào kỹ
thuật chạm khắc các bộ phận gỗ và cột bằng ximăng mà thôi. Còn những
bộ phận khác thì ít chú ý đến. Đề tài trang trí trong chùa ở nơi đây vì
thế cũng đơn giản hơn rất nhiều. Môtip mà chùa Hải Lăng
hướng đến không tập trung đi vào mô tả cuộc sống sinh hoạt hằng ngày
mà chú trọng đi sâu vào việc thể hiện những tư tưởng của Phật giáo, Đạo
giáo… như đề tài Bát bửu.
Hay đề tài động thực vật (đề tài này không chỉ giới hạn
trong bộ “Tứ linh” (Long, Kỳ Lân, Quy, Phụng) mà còn mở rộng ra với
nhiều loài vật khác như dơi
(Phúc), cá (Ngư thuỷ), thỏ (Ngọc thố), hươu, nai (Lộc)…), đề tài thực
vật thì có “Tứ quý” (mai, lan, cúc, trúc), “Tứ thời” (mai, sen, cúc,
tùng), hay cả những đề tài kết hợp như: “Mai điểu (cành
mai với chim), liên áp (sen với Chim Uyên ương hoặc chim Sâm cầm
),tùng hạc, tùng lộc, tùng thạch (cây Tùng và Đá)… Các đối tượng này
được sử dụng một cách dung hoà vào với nhau, chứ không có sự
phân biệt loại này chỉ sử dụng cho đình, loại này chỉ sử dụng cho
chùa...
Ngoài ra, các ngôi chùa còn sử dụng thêm kỹ thuật chạm khắc
trên các cấu kiện gỗ, vẽ sơn, vẽ bột màu lên tường, sử dụng phương pháp
đắp vữa và
ghép mảnh sành sứ.
Vê trang trí ngoại thất trong chùa: Được trang trí
một cách khá cầu kỳ và chi tiết, đặc biệt là ở phần nóc mái của công
trình. Tại
đây thường sử dụng những hình ảnh đắp nổi như “lưỡng long chầu
nguyệt”, “lưỡng long triều nhật”, “lưỡng long chầu luân xa”. Trên các bờ
dải, đầu đao thì được trang trí bằng hình ảnh “Tứ linh”, hình
ảnh “giao lá”.
Về bố cục tượng thờ trong chùa:
Trong kiến trúc chùa ở miền Trung – Hải Lăng thì thông thường gian chính
của điện thờ dùng làm nơi
thờ Phật, và ngay sau điện thờ Phật là gian hậu liêu dùng để thờ vị Sư
tổ Bồ Đề Đạt Ma (pho tượng này thường có kích thước không quá lớn, có
thể là tượng hoặc có thể là tranh vẽ) và bàn thờ
các vị sư khai sơn chùa, các vị trù trì ở chùa và bàn thờ các hương
linh Phật tử mà đạo hữu gửi vào chùa, nhờ nhà chùa chăm lo hương khói.
Kiến trúc này tạo nên loại hình tiền Phật hậu tổ phổ biến
cho hầu khắp chùa ở miền Trung. Còn ở những chùa miền Bắc thì hầu như
không thấy kiểu sắp xếp này. Mà chỉ có kiểu “tiền Phật hậu Thần (hay
Mẫu)”.
Một điểm nữa trong kiến trúc chùa miền Trung – Hải Lăng là dù tổng thể ngôi chùa xây dựng theo lối chữ Khẩu “口”
hay chữ
Tam “三” thì gian chính giữa bao giờ cũng được sử dụng làm nơi thờ
Phật. Và tuỳ mỗi chùa thì việc thờ tự hay sắp xếp các tượng thờ này có
những nét khác nhau riêng.
Về sắp xếp các tượng thờ trong chùa:
Đa số các chùa ở miền Trung đều có thờ Phật Di Lặc, Địa Tạng, hay
tượng Quán Thế Âm.
Nguyên do cũng vì lịch sử của mảnh đất này mà ra cả. Vì xưa kia, miền
Trung là khu vực luôn chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt từ biển
thổi vào, rồi gió Lào khô nóng, đất đai thì khô cằn, dọc
duyên hải ven biển vào mùa mưa thì mưa dầm dề. Cũng chính sự khắc
nghiệt đó đã khiến cho con người nơi đây muốn tồn tại thì buộc lòng phải
rất kiên cường. Cũng từ quan niệm muốn được cứu rỗi khỏi
những tai ương trong cuộc sống nên người miền Trung đã chọn Địa Tạng
Bồ Tát để tôn thờ. Rồi đến chiến tranh nổ ra giữa nhân dân với chúa
Nguyễn ở Bình Thuận, hay sau đó là phong trào Tây Sơn… đã
khiến cho người dân tin vào Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn.
Và sau khi chiến tranh đã đi qua, người dân bắt tay vào giai
đoạn xây dựng lại cuộc sống mới, vì thế mà họ lại thờ Phật Di Lặc với
mong muốn sẽ có được một
cuộc sống ấm no, vui vẻ, bình yên cho mọi nhà.
Tượng chùa Hải Lăng, ngoài tượng thờ Thích Ca, còn thờ cả
tượng chư Phật và chư vị Bồ Tát. Tuy nhiên so với Bắc Bộ và chùa ở Huế,
thì các chùa ở Hải Lăng
việc bố trí tượng thờ thường khá đơn giản. Cụ thể đó là nhiều ngôi
chùa thờ tượng “Tam thế Phật” được thay thế bằng tượng Di Đà Tam Tôn
(pho tượng lớn nhất là tượng A Di Đà, 2 pho tượng hai bên nhỏ
hơn, hoặc đứng hoặc ngồi, đây là tượng hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và
Đại Thế Chí Bồ Tát, là 2 vị giúp đỡ A Di Đà trong việc tiếp dẫn chúng
sanh về cõi cực lạc). Đôi lúc, 2 pho tượng này còn được
thay bằng hai pho tượng khác là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.
Xuống dưới còn có tượng Di Lặc, một vị đại Bồ Tát sắp thành
Phật và kế vị đức Thích Ca làm giáo chủ của xứ Ta Bà để giáo hoá chúng
sinh, sau khi hết đời mạt
phát. Tượng được tạc với hình thù một vị to béo, đẫy đà, bụng phệ ngồi
trên toà sen, miệng cười hớn hở (vì thế dân gian thường hay gọi phật Di
Lặc là ông Vô Lo (Vô Ưu), hay còn gọi là ông “ nhịn
mặc mà ăn”.
Xuống phía dưới có chùa còn đặt thêm cả tượng Tuyết Sơn
(tượng thể hiện lúc Thích Ca đang tu phép khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn ở
Tây Tạng. Dân gian còn
có tên gọi khác là “ông nhịn mặc mà ăn”.
Ngoài ra, ở phía dưới một số chùa còn thờ cả tượng “Thích ca
sơ sinh” với hình dáng Thích Ca lúc còn nhỏ, đứng trên một đài sen, một
tay chỉ lên trời, một
tay chỉ xuống đất với ý nói rằng: “Thiên Thượng, địa hạ duy ngã độc tôn”(nghĩa là trên trời, dưới đất chỉ có ta là đáng tôn thờ).
Về hướng chùa: Chùa ở khu vực Hải Lăng thường được xây dựng dựa trên quan niệm xưa, lối phong thuỷ, dịch học... mà thành, và thông
thường các chùa thường quay về hướng Nam trước hết để tránh được gió Phơn Tây Nam, và đón gió Nồm mát từ biển thổi vào.
Chùa xoay về hướng Nam còn mang ý nghĩa rằng: các đức Phật
và Bồ Tát ngồi quay về hướng Nam để nghe được những lời kêu cứu của
chúng sinh trong kiếp đời tục
luỵ, để rồi dùng pháp lực vô biên của mình (đó là Từ Bi Hỷ Xả) để cứu
vớt chúng sinh.
Hướng Nam trong quan điểm của đạo Phật còn là hướng của Bát
Nhã (nghĩa là của trí tuệ sáng suốt) để hướng đến sự giải thoát không
những cho chính bản thân
người tu hành mà còn cứu vớt cho thập loại chúng sinh.
Tuy nhiên bên cạnh đó, ở Hải Lăng vẫn có những ngôi chùa
được xây dựng với hướng chính công trình có thể là hướng Tây – hướng
nhìn về đất
Phật (xứ Tây trúc). Ngoài ý nghĩa đó, thì trong quan niệm Phật giáo
cũng cho rằng hướng Tây là hướng ổn định nhất trong tất cả các hướng.
Hướng Tây phù hợp với sự vận hành của âm – dương. Nó khiến
cho thần linh không rời bỏ nghĩa vụ cứu vớt chúng sinh đang đau khổ.
Hay cả hướng Đông cũng được dùng làm hướng để dựng chùa.Vì
đây là hướng của thần, là hướng mà các tăng ni, Phật tử hướng đến để đi
về phía đất
Phật. Có thể nhận thấy được rằng, hướng của các ngôi chùa thường dễ
chọn hơn hướng của các ngôi đình.
Theo quan niệm của Phật giáo, đa số các hướng đều tốt, cũng
vì thế mà cư dân ở Hải Lăng thường chọn hướng xây chùa theo hướng của
các nhà
trong làng. Và nếu làng nào có sông chảy ngang qua thì lấy đó làm
hướng chính để dựng chùa.
Chùa ở Hải Lăng ra đời và phát triển cùng với làng xóm của
cư dân Việt khi họ vào đây sinh sống. Cũng vì thế, đa số chùa ở Hải Lăng
đều được
xây dựng theo kiểu chùa làng.
[1] ***Tam quan là 3 lối nhìn:
- “Không quan”: (Không là bản thể, là cốt lõi, là cội nguồn, là gốc của muôn loà; Quan là lối nhìn, nhận thức) nghĩa là lối nhìn về lẽ không.
- “Giả quan”: (là nhận thức về quy luật vô thường của muôn loài, muôn vật. Và mọi pháp đều biến hoá giả tạm mang thành) là lối nhìn về lẽ sắc.
- Và, “Trung quan”: (là cách nhận thức chân chính, hoà hợp,
chẳng phân hai, không lệ thuộc vào bất kể một nhận thức, sự kiện nào
(hay vô chấp) là không phải không cũng không phải là giả mà
là con đường của đạo dẫn đến giải thoát)”.
***Hay là, theo một cách nhìn khác Tam quan” là 3 cửa: đó là:
- Cửa Giới (giữ trọn những giới luật).
- Cửa Định (kiên định theo đường tu Phật).
- Và, Cửa Tuệ ( nghĩa là tu thì phải sáng suốt, phải trí tuệ).
Một cách hiểu khác là:
***Tam quan” chính là “Khổ (chính là nỗi khổ của đời), Vô thường (là muôn vật biến đổi không ngừng, trong đó nỗi khổ cũng không ngừng biến đổi), Vô ngã (nghĩa là không có
cái tôi, mà mọi thứ chỉ là tạm bợ, chỉ tồn tại trong một chốc lát rồi biến đổi)”.
Chùa Doanh Kinh, Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Duân Kinh, Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Duân Kinh, Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Duân Kinh, Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Chơn Bảo, làng Hồi Kỳ, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Chơn Bảo, làng Hồi Kỳ, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Câu Nhi, xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Câu Nhi, xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Câu Nhi, xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị
Chùa Câu Nhi, xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị
Nhận xét
Đăng nhận xét