Cung An Định

An Định Cung là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm bên bờ sông An Cựu, phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Nguyên xưa, tòa nhà này được vua Đồng Khánh cho xây dựng và đặt tên là phủ Phụng Hóa với ý nguyện làm quà cho con trai trưởng là hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1916, hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi lấy niên hiệu Khải Định và đã dùng tiền riêng để xây dựng lại phủ Phụng Hóa, đặt tên là cung An Định.


 
Năm 1922, hoàng tử Vĩnh Thụy được sách phong làm Đông cung Hoàng Thái tử, đến lượt vua Khải Định lại ban tặng cung An Định cho hoàng tử Vĩnh Thuỵ làm của riêng. Đến năm 1925, khi vua Khải Định thăng hà, Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy lên ngôi kế vị vào đầu năm 1926 với niên hiệu Bảo Đại. Năm 1936 Nam Phương hoàng hậu sinh ra hoàng tử Bảo Long. Đến lượt hoàng tử được vua Bảo Đại sách phong làm Đông cung Hoàng Thái tử và ban tặng cung An Định để làm tài sản riêng. Từ đó đến khi vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, cung An Định thường được sử dụng như một biệt cung, một tòa lâu đài hoa lệ để tổ chức những cuộc tiếp tân trọng thể trong một số dịp lễ khánh hỷ của triều đình với sự tham dự của hoàng gia, đình thần và các gia đình quan chức thuộc Chính phủ Bảo hộ Pháp. Nói như vậy thì cung An Định gần như là một cung điện dành cho các Hoàng Thái tử.


Cổng và mặt trước cung An Định
Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. phía trước có sông An Cựu làm yếu tố minh đường, Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch, dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình. Từ trước ra sau là: Bến thuyền, Cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước... trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.

Cổng cung An Định xưa
Cửa cung nằm giữa mặt tiền của khuôn viên, là một công trình kiến trúc hai tầng được xây bằng vôi gạch và trang trí rất phong phú bằng nghệ thuật đắp nổi sành sứ và thủy tinh nhiều màu. Cả hai mặt trong và ngoài đều thể hiện các hình ảnh rồng, phượng, lân, hổ, thiên hồ (bầu rượu), hoa lá, cùng một số văn tự và câu đối bằng chữ Hán nằm đối xứng nhau.


Đình Trung Lập hình bát giác
Đình Trung lập nằm ở sau cửa cung và chính giữa sân, là một công trình kiến trúc nhỏ nhắn và xinh xắn có mặt bằng hình bát giác được xây trên hai tầng nền và được che bởi hai lớp mái giả làm theo dạng cổ lầu. Lớp mái dưới có 8 cạnh, lớp trên chỉ còn 4. Mười hai mảng mái đều xây giả ngói ống thanh lưu ly. Mười hai bờ quyết đắp nổi 12 con rồng nhìn ra 4 phương 8 hướng. Trên nóc chắp thiên hồ. Quanh 8 phía tầng dưới đều để trống, cho nên trông rất thoáng.
Lầu Khải Tường được xây dựng trong 2 năm 1917-1918 là công trình kiến trúc to lớn và quan trọng nhất trong cung An Định. Chữ Khải Tường do vua Khải Định đặt (nghĩa là nơi khởi phát điềm lành). Với mặt bằng hình chữ nhật (745 mét vuông), toà nhà có 3 tầng, gồm 22 phòng lớn nhỏ khác nhau. Tầng 1 có 7 phòng, chủ yếu là dùng để tiếp khách và chiêu đãi. Tầng 2 gồm 8 phòng dùng để ở và tầng 3 có 7 phòng dùng để thờ phụng.
Tòa nhà khá đồ sộ, trông giống như một toà lâu đài ở Âu châu thời Trung cổ. Mặt tiền của tòa nhà lầu, đặc biệt là ở gian giữa, là nơi được trang trí phong phú nhất. Phần lớn các mô-típ trang trí ở đây đều lấy từ Tây phương, như chùm nho, bình hoa, thiên thần có cánh, trụ tròn, trụ vuông, v.v.... Tuy nhiên, các nghệ nhân đương thời đã phân bố các hình ảnh trang trí này thành ra có mảng chìm, mảng nổi, mảng tối, mảng sáng, làm cho chúng trở nên mềm mại và sinh động. Sinh động nhất là 8 tượng bát tiên đứng trên 8 đầu trụ ở hai bên 4 hệ thống bậc cấp dẫn xuống sân trước.


căn phòng chính giữa tầng 1, nơi vẽ 6 bức tranh tường
Nói về trang trí nội thất của cung An Định thì không thể không nhắc đến các bức tranh tường độc đáo ở phòng giữa. Tại đây, có 6 bức tranh sơn dầu vẽ trực tiếp lên tường, có khung gỗ ốp viền, chạm khắc hoa mai, lá sen cách điệu rất đẹp. Sáu bức tranh này tuy không đề tên nhưng khi nhìn hình vẽ, người xem có thể dễ dàng nhận biết đó là phối cảnh thật của 5 lăng:Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh; riêng bức tranh thứ 6 (tính từ trong ra ngoài) chưa rõ vẽ công trình gì. (đã có rất nhiều nhà nghiên cứu với nhiều giả thuyết khác nhau nhưng đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn chưa xác định được bức tranh đó vẽ ccoong trình gì) . Cả 6 bức tranh không có chữ ký của hoạ sĩ nên đến nay việc xác định tác giả của 6 bức tranh vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.  Bộ tranh bích họa này đã được vẽ theo luật viễn cận của Tây phương, nhưng có kết hợp phần nào với lối nhìn phối cảnh sinh động của Đông phương. Hai màu chủ yếu của bộ tranh là màu xanh và màu nâu. Màu xanh thích hợp với phong cảnh thiên nhiên non xanh nước biếc của miền núi Ngự sông Hương. Màu nâu dùng để vẽ các công trình kiến trúc lăng tẩm.


Lăng Minh Mạng và Lăng Gia Long



Lăng Thiệu Trị và Lăng Tự Đức



Lăng Đồng Khánh và bức tranh thứ 6 chưa xác định vị trí
Từ 1975 - 2001, cung An Định được sử dụng làm nhà văn hóa lao động tỉnh. Quãng thời gian sinh viên của tôi có thể nói là gắn bó và hay lui tới nơi đây nhiều nhất. Hồi ấy tầng 2 của tòa cung điện này được dùng làm thư viện của Nhà văn hóa lao động. Ngày ấy, sách báo vẫn đang còn rất ít ỏi, và internet chỉ là chuyện viễn tưởng. Những người ham mê đọc sách như tôi chỉ có một đích đến là thư viện, hầu như một tuần 3 buổi thư viện mở cửa tôi đều có mặt đầy đủ. Chị Hương, chị thủ thư mang đôi kính cận và hay cằn nhằn (vì chuyện mượn sách lâu trả!) dần trở thành người chị thân thiết của cả bọn sinh viên lớp tôi. Rồi từ đó cùng với nhà văn hóa, chúng tôi thành lập câu lạc bộ văn học, hàng tuần mời các nhà văn, nhà thơ đến nói chuyện, phân tích, bình luận, trao đổi về những tác phẩm văn học mới xuất bản. Tôi còn nhớ nhiều nhà văn đã đến nói chuyện như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vỹ, Lê Lựu,… Thư viện còn tổ chức đưa sách về đến tận công nhân của nhà máy theo từng đợt, lúc ấy đọc sách dường như là một món ăn tinh thần không thể thiếu, còn bây giờ …
Một kỷ niệm nữa cũng rất vui về một bài thơ mà tôi từng viết tại nơi đây mà sau này cứ phải giải thích với bà xã. Một lần, anh Lạc cùng trong câu lạc bộ đề nghị tôi giúp làm một bài thơ để đang báo tường của nhà văn hóa. Tôi tìm cách từ chối :“Làm thơ … tình thì còn có thể chứ làm thơ báo tường em làm răng mà làm được?” Không ngờ anh ấy lại bảo: “Thì em cứ làm thơ tình đi, hãy tưởng tượng là em đến đây đọc sách rồi quen một cô gái, tình yêu nảy nở, rồi cả hai vẫn thường lấy nơi đây làm điểm hẹn hò gặp gỡ chẳng hạn”. Thấy cũng hay hay, vậy là tối đó cặm cụi hý hoáy và hôm sau đem đến một bài thơ, nguyên văn thế này:
Một buổi chiều mây nhẹ trôi trôi
Tia nắng nhạt còn vương cành lá
Nhành me đung đưa lá vàng lả tả
Chim chuyền cành hối hả gọi tìm đôi

Một buổi chiều anh lặng ngắm hoàng hôn
Cung An Định khi nắng chiều chợt tắt
Phòng đọc sách trong một chiều tĩnh lặng
Mỗi trang thơ thoáng hiện một bóng hình

Em nhớ không điểm hẹn của chúng mình
Lầu Bát giác một lần ta gặp gỡ
Từ buổi ấy mỗi chiều anh tha thẩn
Nghe hoa lá rì rào kể chuyện đôi ta

Biết bao chiều như thế đã qua
Khi gió hiu hiu chạy dài đường đất đỏ
Chợt thoáng hiện một bóng hình nho nhỏ
Anh chợt mỉm cười : Điểm hẹn của Tình yêu.
 
Đọc xong bài thơ, ông anh nheo nheo mát nhìn tôi một hồi rồi cười :”Anh hỏi thật, có phải có người yêu ở đây rồi hả?” Tôi phì cười!
Hết thời sinh viên, tôi đi làm việc xa và không có nhiều cơ hội để đến thăm nơi đó nữa, không biết những người tôi quen bây giờ đã ở đâu, nhưng kỷ niệm về họ vẫn còn mãi.
 


Con đường ở sân sau cung An Định dẫn ra cổng phụ phía đường Nguyễn Huệ (ngày xưa chỉ là con đường đất đỏ)


Đến năm 2001, cung An Định được giao lại cho Trung tâm di tích  Huế và được trùng tu để tổ chức lễ hội Festival Huế 2002. Sau khi Bảo tàng cổ vật cung đình Huế đóng cửa để trùng tu thì bắt đầu vào năm 2008 toàn bộ cổ vật  được đưa đến trưng bày tại biệt cung An Định cho khách tham quan. Trong các dịp lễ hội Festival Huế, cung An Định luôn là một trong những địa điểm quan trọng diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm trưng bày cổ vật... và là một địa điểm tham quan hết sức lý thú.

Nhận xét

  1. quá nhiều thông tin bổ ích từ blog của bác
    xin cám ơn tất cả thông tin mà bác đã chia sẻ với mọi người :)

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét