Sự phát triển kiến trúc ngôi chùa Việt qua các thời kỳ



Xã hội biến động dẫn đến những thay đổi nhất định trong bộ mặt kiến trúc dân tộc. Ðối với kiến trúc chùa cũng không nằm ngoài quy luật đó, nghệ thuật trang trí, tạo hình nâng cao, phong cách kiến trúc từng thời kỳ có nhiều biến đổi, mỗi thời kỳ lại mang dáng dấp và thể hiện một cách rõ ràng dấu ấn của xã hội đương thời.
Có hai loại kiến trúc Phật giáo quan trọng, đầu tiên là công trình thờ cúng gồm tháp hoặc ngôi chùa, thứ đến là các công trình phụ trợ phục vụ cho con người. Chùa từ xưa được định nghĩa là nơi thờ Phật, nơi cầu kinh lễ Phật của tín đồ một làng hay một vùng nhưng nay thì chức năng của chùa ngày càng phát triển với các nhu cầu khác nhau của người tu hành và Phật tử cũng như của các địa phương.
-Từ đầu Công nguyên - thế kỷ IV : Giai đoạn đầu, Phật giáo chỉ là những am miếu thờ Phật, tương đối gần gũi với những điện thờ tổ tiên theo tín ngưỡng nguyên thuỷ mà người Việt rất mực coi trọng. Hệ thống các ngôi chùa Tứ Pháp hiện nay là những ngôi chùa khởi thuỷ cho việc Phật giáo từ ấn Ðộ, trực tiếp du nhập vào Việt Nam.
- Thế kỷ V - IX : Cho đến thế kỷ V - VI, thư tịch cho biết trên đất Giao Châu có đến 20 chùa tháp. Ðến cuối thế kỷ VI, cho đến hết thời kỳ Bắc thuộc, ngững ngôi chùa không để lại dấu vết gì ngoài ghi chép vắn tắt của thư tịch.
- Thế kỷ X : Dưới những thời kỳ tự chủ của nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Ðinh, Tiền Lê, tuy Phật giáo thịnh nhưng do thời gian tồn tại của các triều đại không dài nên không dựng chùa xây tháp nhiều.
-Thời Lý : Dựa vào thực địa và thư tịch có thể chia chùa thời Lý làm 4 loại khác nhau, loại thứ nhất là kiểu chùa dựng trên 1 cây cột (chùa Một Cột). Chùa loại 2 là chùa có quy mô lớn kiêm hành cung để vua nghỉ ngơi khi du ngoạn. Loại chùa thứ ba không có tháp, không có hành cung nhưng cũng rất lớn, phát triển theo chiều sâu theo trục thần đạo và nâng cao dần, khu điện thờ bố cục gần giống mặt bằng của tháp. Cuối cùng là các chùa nhỏ nằm trong thôn xóm cơ bản chỉ là cái am cho nhà sư tu dưỡng, và sau đó được mở mang trong khuôn khổ gọn nhỏ.
- Dưới thời Lý, chùa tháp dạng Ðại hoặc Trung Danh lam được kiến tạo rất nhiều và tương đối đồ sộ so với các thời kỳ sau. Rất nhiều tháp được xây dựng như tháp Tường Long, Chương Sơn, Long Ðọi, Linh Xứng... Dạng kiến trúc này có thể dựa theo việc bố trí Tháp mà phân thành hai loại:
+ Loại tháp là trung tâm, những cây tháp thời kỳ này là kiến trúc chính của toàn cảnh chùa và chính thức là điện thờ Phật, trong lòng tháp có đặt tượng Phật, tháp thường xây trên lưng chừng hoặc giưã đỉnh núi, lấy núi làm nền để tôn thêm vẻ bề thế của mình. Các kiến trúc phụ làm tăng phòng được bố trí xung quanh cây tháp.
+ Dạng kiến trúc nữa có thể kể đến nhờ vào tư liệu khảo cổ học là chùa hình chữ tam với các cấp nền khác nhau. Ví dụ chùa Tiên Du Phật tích tại Bắc Ninh, lớp nền thứ nhất bày tượng các con giống, lớp thứ hai đặt các tăng phòng, lớp thứ ba xây tháp thờ Phật.
Thời Lý, bài trí tượng thờ chỉ dựa theo thư tịch cổ. Theo tấm bia chùa Diên phúc mô tả khi ấy, điện thờ Phật có hình vuông. Cao nhất thờ Quan Thế Âm, hai bên có Văn Thù, Phổ Hiền đứng chầu. Bậc dưới thờ Tứ vị Thiên vương, hai bên điện thờ có hành lang đặt bát Bộ Kim Cương, phía ngoài có tam quan thờ Hộ pháp, thờ Thổ thần và sư tổ. Ngoài tháp thờ Phật thì thời này chỉ còn di vật khảo cổ được là những chân tảng và nền cho thấy sự ra đời của các điện thờ Phật bằng kết cấu gỗ. [65]
-Thời Trần ( XIII - XIV): ở thời kỳ đầu, chùa tháp được xây dựng dưới sự chỉ đạo của hoàng cung. Thờ Phật được thờ trong một điện thờ riêng, cây tháp không còn chức năng thờ Phật nữa mà trở lại tính chất là mộ chí của các nhà tu hành đạo Phật. Và khác với thời Lý ở một điểm nữa, tháp thời Trần được bố trí trước điện thờ Phật, với chức năng là biểu tượng của nhà Phật. Thời Trần cũng như thời Lý, chùa tháp thường được lựa chọn những địa thế trên đồi lớn, núi cao để xây dựng. Vị trí những ngôi chùa xây dựng thời kỳ đó chẳng những xa lánh cuộc sống trần tục mà còn gợi nên không khí trầm mặc, thanh tịnh và u nhã phù hợp với sự thiêng liêng của Thần Phật mà nhu cầu tôn giáo đòi hỏi. Nói chung, theo thư tịch cũ, phần lớn các ngôi chùa Bắc Bộ được khởi dựng từ thời Lý, Trần. Sau đó được xây dựng lại, mở rộng quy mô, trùng tu lớn thời Mạc, Hậu Lê. [65]
Từ thời Trần, kiến trúc gỗ đã có những bằng chứng khảo cổ tồn tại. Một số Phật điện và tháp thời Trần còn khá nguyên vẹn cho đến thời nay. Nền điện thờ Phật cao và hình vuông (phát triển từ tháp thờ Phật thời trước). Tháp không đóng vai trò trung tâm như thời Lý nữa mà trở thành yếu tố phụ thêm. Ví dụ chùa tháp Phổ Minh (Nam Ðịnh), tháp Bình Sơn chùa Then (Vĩnh Phúc), tháp Trần Nhân Tông chùa Hoa Yên... thường được xây trước ngôi chùa. Ðến cuối Trần, chùa làng phát triển mạnh. Chùa gồm điện thờ Phật, sư Tổ, các phòng tăng, các tháp mộ ở hai bên và phía sau điện thờ.
Ðiện thờ Phật thời Trần thường là kiến trúc gỗ có nền là hình vuông và thời Trần còn xuất hiện kiến trúc kiểu chuôi vồ. Kết cấu kiến trúc hình vuông có 4 cột to ở giữa, tạo thành bộ vì theo kiểu giá chiêng gồm 1 câu đầu tỳ lực lên hai đầu cột cái. Bên trên câu đầu là hai trụ trốn thấp đỡ một rường bụng, hai trụ giá chiêng phía trên cùng có thể ôm một ván bưng chạm trổ hình lá đề với những phù điêu rồng, tiên nữ. Giữa 4 cột cái và 12 cột quân xung quanh là những bức cốn. Hình ảnh kết cấu kiến trúc này có thể gặp ở vì nóc cùng các bức cốn thượng điện tại chùa Thái Lạc ( Hưng Yên) và thượng điện chùa Bối Khê (Hà Tây).
- Thời Lê Sơ: Phật giáo bị hạn chế trong nhà nước phong kiến Lê Sơ, nhà nước ngăn cấm việc dựng chùa, đúc chuông, tạc tượng mà đẩy mạnh xây dựng cung điện đền đài, lăng mộ, văn miếu... mang nặng tư tưởng Nho giáo.
-Thời Mạc: Kiến trúc chùa mới có điều kiện phục hồi sau khi bị suy tàn trong thời kỳ Lê Sơ. Kiến trúc Phật giáo thời Mạc có phong cách gần gũi với thời Trần. Ví dụ ở chùa Cói (quán Hưng Thánh - Vĩnh Phúc) đã bị chiến tranh phá huỷ thì xưa có kết cấu kiến trúc dựa trên 4 cột cái ở giữa, tạo thành 2 bộ vì giá chiêng đỡ mái. Bốn cột cái nối ra các cột quân và cột hiên bằng những cốn và xà nách tạo thành dạng kiến trúc một gian hai chái, 4 mái hình vuông. Cuối thế kỷ XVI, kiểu chùa " nội công ngoại quốc" bắt đầu xuất hiện (dựa theo văn bia chùa Phúc Lâm - Hà Tây). Bộ vì theo kiểu chồng rường, bẩy hiên nhưng tạo cho ngôi chùa có vẻ thoáng đãng hơn và nhẹ nhàng hơn so với thời Trần. Nhiều ngôi chùa làng được xây dựng và trùng tu như chùa Thượng Trưng, chùa Hạ (Vĩnh Phúc), chùa Ninh Hiệp, chùa Ða Tốn (Gia Lâm), chùa Bối Khê, chùa Hương Trai ( Hà Tây)...
- Bước vào thế kỷ XVII, ngôi chùa nội công ngoại quốc có thể coi là đỉnh cao của truyền thống dựng chùa bằng vật liệu gỗ của người Kinh. Nhiều thiền sư ở Trung Quốc sang nước ta truyền đạo tạo nên một bức tranh kiến trúc mang nhiều dáng vẻ Trung Quốc. Ví dụ chùa Bút Tháp ra đời, là công trình kiến trúc tổng hoà được các chất liệu gỗ đá tạo nên một kiến trúc Phật giáo quy mô mang đậm những nét kiến trúc Trung Quốc.
Phần lớn chùa ở Ðàng Ngoài được xây dựng thời gian này với quy mô lớn dưới sự bảo trợ cùa chúa Trịnh hay các vương phi trong phủ chúa. Kỹ thuật kiến trúc gỗ đã phát triển tạo nên các cụm nhà chữ công, chữ khẩu, ngôi chùa nội công ngoại quốc là dạng chùa phổ biến nhất. Kiến trúc chùa kiểu này có thể thấy ở những ngôi chùa thời đó gồm chùa Bút Tháp, chùa Keo, chùa Mía... Nói chung, thời kỳ nay kiến trúc chùa đã phát triển đến mức cao nhất với quy mô bề thế nhất mà hiện còn đến ngày nay.
Trong khi đó, chùa Miền Trung bắt đầu được xây dựng dưới sự ủng hộ của chúa Nguyễn như chùa Sùng Hoá ở Phú Vang, Bảo Châu ở Trà Kiệu, Kính Thiên ở Quảng Bình... Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho khởi dựng năm 1601 đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu mới hoàn thành (1691). Do ảnh hưởng quan niệm của Bà La Môn giáo với đất vuông ở giữa, xung quanh là biển, 4 góc có 4 vị thiên vương chống đỡ nên chùa thường bố trí theo dạng chữ khẩu gồm 4 toà nhà bao quanh một sân ở giữa. Ví dụ như chùa Thập Tháp Bình Ðịnh được lập bởi Thiền sư Nguyên Thiều ( người Trung Hoa) năm 1665 gồm 4 toà: chính điện, phương trượng, tây đường, đông đường.
- Thời Tây Sơn: Sang thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam tiến sâu vào khủng hoảng trầm trọng. Cuối thế kỷ XVIII, Quang Trung đã đập tan các tập đoàn phong kiến Nguyễn và Trịnh, Lê, tiêu diệt Xiêm, Thanh, giữ vững nền độc lập của tổ quốc. Hai ngôi chùa theo lối chữ tam tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo thời kỳ này được xây dựng lại trên nền cũ, đó là chùa Kim Liên năm 1792, chùa Tây Phương năm 1794 với đặc điểm nổi bật là sự dung hoà giữa hai tư tưởng Phật và Nho. Khu tam bảo ba nếp chữ tam thông thoáng, đến thời Nguyễn được xây bịt theo kiểu chữ Công. Hình thức kiến trúc hai mái chồng diêm tạo sự nhẹ nhàng và thông thoáng, điêu khắc phong phú và mang đậm tính triết lý.
- Trong thời Nguyễn: ở thời Nguyễn, ngoài một số ít ngôi chùa của nhà nước tập trung ở Huế thì hầu hết các ngôi chùa còn lại là của làng, xây dựng rải rác và được dựng lên bằng kinh phí do quyên góp và công đức của địa phương. Chủ yếu, thời Nguyễn tổ chức tu sửa những chùa đã có từ thời Lê với các dạng chùa nội công ngoại quốc, khu tam bảo hình chữ đinh, chữ công...
- Thời này, kiến trúc chủ yếu vẫn dựa vào mô hình sẵn có từ thời trước nhưng có những sự pha trộn của nghệ thuật các nước khác. Ðến thời kỳ cuối Nguyễn, các công trình dạng đầu hồi bít đốc là phổ biến. Nhiều công trình tuy khung gỗ vẫn theo lối cổ truyền nhưng đầu hồi được xây gạch cùng các cột vuông bằng gạch thay thế cho cột hiên bằng gỗ các thời kỳ trước, thể hiện xu hướng kết cấu dựa trên những vật liệu vững chắc hơn. Thời kỳ này ghi nhận sự pha trộn giữa kiến trúc hai dòng văn hoá á - âu. Nhiều công trình xuất hiện các trụ gạch và vòm cuốn như chùa Hưng Ký - Hai Bà, Hà Nội. ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa cũng được thể hiện qua hình thức trang trí nội và ngoại thất của chùa (ví dụ chùa Cầu Ðông, chùa Hưng Ký Hà Nội).
Chùa Bắc Bộ được xây dựng không nhiều, chỉ chủ yếu được trùng tu và xây thêm hạng mục mới. Các hình điêu khắc thờ này ít mang tính dân gian, nghệ thuật thì chuộng hình thức và mang tính lai tạp nhiều hơn. Xu hướng đơn giản hoá trong trang trí chùa làng thời kỳ này là nổi bật, nhiều ngôi chùa được xây dựng chỉ để mang trong mình giá trị tâm linh và văn hoá, mà giá trị kiến trúc và nghệ thuật ít được coi trọng. Thành phần kiến trúc trở nên thanh mảnh hơn, thân nhà được nâng cao so với tầng mái. Trang trí thường thấy ở dạng bào trơn, soi gờ chạy chỉ và chạm trổ ít với các đề tài chủ yếu là tứ linh, tứ quý....
Song song với các dạng cung điện, lăng mộ, chùa miền Trung nhất là Huế được xây dựng rầm rộ. Chùa Miền Nam bắt đầu được khởi dựng nhiều trong thời kỳ vua Nguyễn và đến những năm gần đây liên tiếp diễn ra những cuộc trùng tu lớn hoặc xây mới hoàn toàn.
- Thời kỳ 1945 - nay: Thời kỳ 1945-1975, chùa ngoài Bắc hầu như không được xây dựng mà nhiều chùa còn sử dụng vào mục đích khác như trường học, kho, uỷ ban... Trong khi đó, ở trong Nam hàng loạt chùa mọc lên với kiến trúc nhiều tầng, diện tích chiếm đất nhỏ, khác biệt với truyền thống từ trước đến nay.
Sau năm 1975, trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đời sống người dân vất vả, kiến trúc Phật giáo cũng bị lãng quên. Sau năm 1986, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, công tác nghiên cứu được thực hiện có hiệu quả. Kiến trúc Phật giáo trở thành các di sản văn hoá của dân tộc, nhiều chùa được sửa sang, trùng tu và xây mới trên khắp đất nước.

Nhận xét