(Dân Việt) - Tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân. Dự thảo lần này đã có nhiều điểm sửa đổi nhưng vẫn còn những điểm gây khúc mắc.
Điểm nghẽn từ thu hồi đất
Những
vướng mắc lớn nhất vẫn thuộc về vấn đề thu hồi đất. Trước, trong và sau
kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nên sử dụng khái niệm
“trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất”. vì quyền sử dụng đất là một
loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của
Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng.
Việc thu
hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm Luật Đất đai. Ngoài
ra, một số ý kiến khác kiến nghị đối với tài sản hợp pháp của các tổ
chức, cá nhân gắn liền với đất thì phải trưng mua.
Nhiều
ý kiến cho rằng, nên sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho
“thu hồi đất”, vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật
bảo hộ.
|
Về các ý
kiến trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Quyền sử dụng đất là
một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu;
người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế,
thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật.
Còn
Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (Điều 13) quy định Nhà nước trưng
mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân
khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp
về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về
tình trạng khẩn cấp. Trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không
thể “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất.
Nhà
nước phải có chính sách bảo đảm quỹ đất nông nghiệp trong chiến lược
phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do nước ta có dân số đông, cần
phải bảo đảm về an ninh lương thực và diện tích đất nông nghiệp đang
ngày càng bị thu hẹp nên việc lập và thực hiện các dự án tái định cư ở
Điều 82 phải đặc biệt quan tâm và có chính sách đặc thù đối với các hộ
phải di dời là người dân tộc thiểu số.
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc)
Mặc
dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế, nhất là các đại biểu (ĐB) Quốc hội
vẫn tỏ ra không đồng tình với giải trình này. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải
Phòng) nhận định, đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua
đất và trưng mua quyền sử dụng đất.
“Đất đai
thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không
thể dùng cơ chế trưng mua được, nhưng quyền sử dụng đất lại khác. Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 58 quy định: “Quyền sử dụng đất là
quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”; còn theo Bộ luật Dân sự 2005 thì
quyền tài sản là tài sản, do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng,
cho, thế chấp.
Vì vậy, khi Nhà nước đã giao
quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất đó cần được
bảo hộ và trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế, Nhà nước sẽ
trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân trước đó. Ở
đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất”- ĐB
Vinh khẳng định.
Nên áp dụng cơ chế giá công bằng
Vấn
đề bồi thường khi thu hồi đất cũng còn rất nhiều điều phải bàn, cụ thể
nhiều ý kiến đề nghị đưa vào dự thảo luật các quy định về trách nhiệm
của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ
trợ, tái định cư. Đồng thời, bổ sung thêm quyền của người có đất khi Nhà
nước thu hồi thuê tổ chức tư vấn độc lập để xác định mức bồi thường, hỗ
trợ và khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật trong trường hợp
không thỏa mãn với phương án bồi thường, hỗ trợ được duyệt.
ĐB
Trần Ngọc Vinh khẳng định vấn đề này chính là điểm mấu chốt dẫn đến
tình trạng khiếu kiện đất đai ngày một gia tăng phức tạp trong thời gian
vừa qua. Ông đề nghị lần sửa đổi Luật Đất đai này cần phải sửa đổi toàn
diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu
hồi đất. “Ban soạn thảo nên nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng, đất
đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà
nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định
cuộc sống tại nơi ở mới.
Thứ hai là nâng mức
bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà
nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông
dân sau khi bị thu hồi đất. Cuối cùng là phải xây dựng cơ chế trưng mua
quyền sử dụng đất và cơ chế tự thỏa thuận về giá đất bồi thường giữa
doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi” - ông Vinh đề nghị.
Về
nguyên tắc định giá đất được quy định trong dự thảo luật, ĐB Huỳnh
Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá: Gây bức xúc và bất cập lớn nhất thời gian qua
là việc quyết định giá thường không khách quan, dễ bị lợi dụng sinh ra
tiêu cực. Tôi đề nghị cần tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc
phục ngay trong luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường
không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện
tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để mua lại đất sản xuất,
kinh doanh phi nông nghiệp để chuyển sang làm ngành nghề khác, giá đất
bồi thường thấp hơn giá đất cùng loại trên thị trường, nhất là đối với
đất nông nghiệp trong khu vực đô thị, khu dân cư và nông thôn.
Có
thể nói, vướng mắc, tranh cãi trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn
nhiều vấn đề, nhưng ít nhất nếu giải quyết hài hoà 2 vấn đề nêu trên,
tin chắc rằng cũng sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng của dự luật, cũng
là góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho sản xuất, cuộc sống phát triển.
Nhận xét
Đăng nhận xét