nhà ở vùng đồng bằng bắc bộ


ngoaithanh
Kiến trúc nhà ở nông thôn (NONT) vùng đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) phản ánh một phần kho tàng văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của dân tộc ta.
1. Đặt vấn đề
Kiến trúc nhà ở nông thôn (NONT) vùng đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) phản ánh một phần kho tàng văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo của dân tộc ta. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, cha ông ta đã biết tổ chức không gian nhà ở của mình ngày càng hoàn thiện về công năng và đạt giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao hơn. Những giá trị cần tìm hiểu, nghiên cứu đối với NONT như: Giá trị về tổ chức quy hoạch làng xã; quy hoạch khuôn viên khu đất; tổ chức không gian nhà ở thân thiện với môi trường tự nhiên.
Ngày nay, dưới tác động của đô thị hóa cấu trúc làng xã truyền thống đã thay đổi cả về nội dung và hình thức, từ cấu trúc làng xã “đóng” kín đã chuyển sang cấu trúc “mở” linh hoạt. Đối với không gian nhà ở cũng biến đổi cho phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp nông thôn. Ngoài không gian nhà ở thuần nông đã nảy sinh thêm một số không gian khác như nhà ở kết hợp với sản xuất thủ công, kết hợp làm kinh tế trang trại, dịch vụ thương mại… Các không gian NONT mới hiện phát triển tự phát, thiếu định hướng đang phá vỡ những giá trị khuôn mẫu của cấu trúc không gian cũng như NONT truyền thống vùng ĐBBB, ảnh hưởng đến môi trường sống người dân nông thôn.

Hình ảnh nông thôn ngoại thành Hà Nội
Do đó, việc nghiên cứu kế thừa những giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống phục vụ cho thiết kế, xây dựng NONT mới vùng ĐBBB đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ăn, ở, học tập, phát triển kinh tế gia đình, phù hợp với phương thức sản xuất mới, đáp ứng điều kiện thân thiện với môi trường thiên nhiên, nâng cao tiện nghi cho người dân là cần thiết.
2. Kế thừa những giá trị kiến trúc NONT truyền thống
2.1. Giá trị quy hoạch làng, xã: Giá trị quy hoạch của làng, xã vùng ĐBBB được thể hiện ở cấu trúc truyền thống bền vững cũng như những thành phần chứa đựng trong làng xã như lũy tre làng, cổng, đường làng, ao và giếng làng, đình, chùa, miếu, đền, nhà thờ họ, chợ… Ngoài ra, giá trị nghệ thuật của làng vùng ĐBBB còn biểu hiện ở việc lựa chọn vị trí khu đất dựng làng theo thuật phong thủy dựa vào Ngũ hành, vào vận khí của trời đất. Người dân vùng ĐBBB quan niệm về phong thủy ngoài các yếu tố phong thủy của Trung Hoa, họ còn hình dung ngôi làng là thân thể của một vị thần, mà tứ chi được phân bố trên toàn bộ đất đai của làng.
Làng vùng ĐBBB được bao bọc bởi lũy tre dày đặc tạo nên thành trì vững chắc bảo vệ cho dân làng chống lại các tai họa đến từ bên ngoài, đồng thời nó còn là ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã thể hiện đặc điểm đóng kín và độc lập của làng. Cổng làng thường có từ hai đến ba cổng, cổng chính vào làng có điếm tuần đêm canh gác, cổng này nối liền với đường cái quan, cổng phụ ở cuối làng dẫn ra bến đò hoặc ra cánh đồng, cổng thứ ba ra nghĩa địa. Đường làng vùng ĐBBB có giá trị nghệ thuật cũng như cấu trúc rất riêng. Đường làng có đường lớn và ngõ nhỏ, đường làng chạy song song từ đó đi vào các ngõ nhỏ cụt (kiểu cài răng lược). Cấu trúc của đường làng vùng ĐBBB tuy rất tự nhiên theo địa hình, thế đất nhưng vẫn có những quy tắc nhất định. Hai bên đường làng được trồng hai hàng cây như tre, hóp, chè mạn, xương rồng, cây dâm bụt xén tỉa điểm xuyết theo tuyến là cây lấy gỗ như xoan, nhãn nối liền giữa khuôn viên các nhà tạo nên tuyến đường làng vừa có bóng mát, vừa có cảnh quan đẹp.
Ngày nay, nhằm đáp ứng điều kiện phát triển mô hình kinh tế – xã hội nông thôn cũng như đòi hỏi của xã hội về nhu cầu dãn dân, tách hộ gia đình, nhu cầu mở rộng đất ở… bên cạnh các làng xã truyền thống đã xuất hiện điểm dân cư nông thôn mới. Thực tế cho thấy việc quy hoạch các điểm dân cư nông thôn mới rất giống với quy hoạch các khu ở trong đô thị, đường xá quy hoạch vuông góc theo kiểu ô cờ, nhà ở bố trí thẳng hàng như nhà mặt phố tạo nên bộ mặt kiến trúc NONT khô khan, những nhà bê tông kề liền nhau như những hộp diêm dựng đứng. Ngoài ra, điểm dân cư nông thôn mới thiếu cây xanh, mặt nước, thiếu các công trình văn hóa, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. NONT mới chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, ăn ở và phát triển kinh tế hộ gia đình người nông dân.
Như vậy, khi quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn mới cần quan tâm nghiên cứu kế thừa các giá trị lịch sử, văn hóa của làng xã truyền thống, tạo nên mối quan hệ hữu cơ với nhau để đảm bảo điều kiện phát triển quan hệ bền vững; đảm bảo mối quan hệ chức năng giữa điểm dân cư mới và làng truyền thống, những công trình tâm linh, văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời cần lưu giữ tại làng cũ, các công trình dịch vụ công cộng mới như trạm bưu cục, trạm xá, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, dịch vụ, trường học nên bố trí tại các điểm dân cư nông thôn mới, các công trình phục vụ công cộng, khu vực cây xanh, mặt nước, khu vui chơi giải trí cần bố trí tại địa điểm thuận lợi để có thể phục vụ chung cho các điểm dân cư mới cũng như làng truyền thống cũ; đảm bảo kết nối thuận lợi hệ thống giao thông liên xã, làng xóm, liên thôn với hệ thống giao thông điểm dân cư nông thôn mới với nhau; đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp nước, rãnh thoát nước chung, hệ thống điện lưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các điểm dân cư, hệ thống cây xanh, cảnh quan chung; cần lưu ý kế thừa phát huy giá trị văn hóa, tập quán phong tục truyền thống trong các điểm dân cư mới, giữ gìn các yếu tố văn hóa có giá trị và loại bỏ bớt các hủ tục lạc hậu và tránh để văn hóa ngoại lai không có giá trị xâm nhập làm bào mòn lối sống văn hóa truyền thống nông thôn vùng ĐBBB.

Nhà ở nông thôn truyền thống
2.2. Giá trị tổ chức khuôn viên khu đất: Tổ chức các thành phần chức năng cũng như tổ chức cảnh quan khuôn viên khu đất NONT truyền thống vùng ĐBBB có giá trị rất lớn về nghệ thuật kiến trúc. Việc lựa chọn hướng nhà, vị trí cổng ngõ ra vào, vị trí hòn non bộ, bố trí cây xanh, mặt nước… ngoài những yếu tố tâm linh còn mang giá trị nghệ thuật tạo hình và yếu tố khí hậu đặc trưng của vùng nông thôn ĐBBB.
Một trong những giá trị cần nghiên cứu là nghệ thuật tổ chức vườn trong NONT truyền thống. Có bốn loại vườn trong khuôn viên ngôi NONT: Vườn trung tâm trồng hoa và cây cảnh tạo cảnh quan bám xung quanh sân; Vườn thứ hai nằm hướng Đông phía bên trái trồng rau xanh và trồng cau kết hợp với giàn trầu, vườn này vừa có giá trị cảnh quan, giá trị kinh tế, vừa có giá trị giải quyết vi khí hậu (tán cây cau che nắng phía trên nhưng đón gió mát hướng Nam lùa vào không gian ngôi nhà); Vườn thứ ba phía Tây trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ, vườn này chắn bớt bức xạ mặt trời hướng Tây; Vườn thứ tư hướng Bắc trồng chuối nhằm che chắn gió lạnh mùa đông bắc cho ngôi nhà. Dân gian thường có câu “trước cau sau chuối” là cách thức tổ chức vườn giúp cho NONT có khả năng mát về mùa hè và ấm về mùa đông.
Việc xây dựng, phát triển NONT mới hiện nay do không quan tâm kế thừa các yếu tố kiến trúc truyền thống, đặc biệt không chú trọng đến bố trí sân, vườn cảnh quan nên đang làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở, tiêu hao nhiều năng lượng, góp phần làm biến đổi khí hậu.
Do đó, khi xây dựng phát triển các loại hình NONT mới cần quan tâm kế thừa giá trị nghệ thuật sân vườn trong NONT truyền thống. Việc kế thừa cần chọn lọc và tổ chức cho phù hợp với không gian kiến trúc của mỗi loại hình NONT mới. Sân, vườn ngoài chức năng tạo cảnh quan, cải thiện kinh tế gia đình còn giúp điều hòa khí hậu nóng ẩm, thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Sân, vườn được bố trí tại các vị trí trong không gian NONT mới như sau: 1/ Đối với sân, có thể bố trí trước nhà; tạo sân trong giữa nhà trước và nhà sau. 2/ Đối với vườn, bố trí phía sau, bên cạnh và trên mái nhà. Sân trước kết hợp với trồng cây cảnh, sân trong trồng cây cảnh, bể nước mưa, bể cảnh và hòn non bộ. Vườn sau, vườn xung quanh trồng rau xanh, cây ăn quả, vườn mái trồng rau xanh kết hợp dàn hoa thiên lý, mướp, bí, bầu.
2.3. Giá trị tổ chức không gian: Giá trị về tổ chức không gian NONT truyền thống vùng ĐBBB được thể hiện ở việc bố trí các chức năng hợp lý, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và làm kinh tế gia đình. Các chức năng gồm sân phơi, ao cá, vườn, nhà ở chính, nhà phụ, nhà kho, vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi. Việc tổ chức các chức năng liên hoàn, phóng khoáng, đan xen với cây xanh, mặt nước, cảnh quan thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, tận dụng khả năng thông gió và chiếu sáng tự nhiên đã tạo nên sự khác biệt về giá trị không gian NONT truyền thống.
Không gian NONT mới tại các điểm dân cư nông thôn hiện nay thường đóng kín, thiếu ánh sáng, thông gió tự nhiên kém nên tốn điện năng cho quạt điện và điều hòa. Mặt khác, do bố trí công năng theo chiều cao, thiếu không gian sân, vườn, chuồng trại chăn nuôi gia súc nên không phù hợp với loại hình nhà ở thuần nông.
Không gian NONT mới nên kế thừa trên cơ sở biến đổi không gian NONT truyền thống theo phương ngang trước đây trở thành phương dọc (theo chiều sâu) đồng thời chuyển đổi sân phơi thành sân trong hoặc bố trí sân phơi trên mái. Ngoài ra, không nên xây dựng NONT mới kiểu chia lô như hiện tại mà nên chuyển sang xây dựng nhà ở kiểu nông trang (kiểu nhà ghép hộ). Không gian NONT kiểu nông trang được kế thừa từ tính chất gia đình đa thế hệ của nông thôn vùng ĐBBB. Đó là một tổ hợp các ngôi nhà cùng huyết thống, có thể tận dụng diện tích đất xây dựng nhà ở để tăng diện tích sân phơi chung và vườn trồng cây. Nhà ở kiểu nông trang chính là nhà ở được chuyển đổi, kế thừa các giá trị tổ chức không gian từ NONT truyền thống tạo nên cần quan tâm nghiên cứu để có thể áp dụng thiết kế, xây dựng NONT mới vùng ĐBBB.

Ghi chú :
1. Tiếp khách
2. Thờ cúng
3. Nơi ngủ đàn bà
4. Nơi ngủ đàn ông
5. Nơi ngủ Bà
6. Nơi ngủ con gái
7. Nơi để thóc gạo
8. Nơi để đồ quý
9. Bếp nấu
10. Sân phơi
11. Bể nước
12. Vườn trồng rau
13. Chuồng trại
14. Cây rơm
3. Kết luận
Kiến trúc NONT vùng ĐBBB có nhiều giá trị nghệ thuật tạo hình cũng như giá trị thân thiện với môi trường nông thôn. Nhờ đó, NONT đã tồn tại hàng nghìn năm lịch sử và có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, nương tựa vào thiên nhiên, tận dụng những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của thiên nhiên để phát triển. NONT truyền thống vùng ĐBBB chính là loại hình kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc thân thiện với môi trường.
Quá trình đô thị hóa, nhu cầu của xã hội và sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn đã làm biến đổi không gian NONT truyền thống là một quy luật phù hợp với thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, do không quan tâm đến các yếu tố cảnh quan, cây xanh, mặt nước, xử lý vi khí hậu nên NONT không đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đang làm ảnh hưởng đến môi trường sống nông thôn vùng ĐBBB.
Do vậy, cần thiết phải kế thừa những giá trị kiến trúc NONT truyền thống giúp cho xây dựng NONT mới phù hợp với môi trường tự nhiên, thân thiện với thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng, ứng phó với sự biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
TS.KTS. Nguyễn Đình Thi - Trường Đại học Xây dựng

Đặc điểm ngôi nhà Việt truyền thống

(Nguồn: tổng hợp)
Qua hàng nghìn năm lịch sử, với sự phát triển từ thấp đến cao, người Việt Nam đã sống qua những hình thức như bầy đàn, công xã, rồi đến thị tộc… nhưng cao hơn cả mà vẫn còn tồn tại, duy trì cho đến ngày nay là những đơn vị nhỏ được gọi là ‘làng’…
Làng là đơn vị thấp nhất trong cấp chính quyền của những cộng đồng người định cư làm nông nghiệp. Làng Việt Nam lại được lập lên từ tập hợp các gia đình, nhiều có tới vài nghìn hộ, ít cũng phải trên mấy chục hộ gia đình và mỗi gia đình lại sống độc lập trong mỗi khuôn viên riêng.
Dù ở giai đoạn nào trong lịch sử, những người nông dân trong làng đã tìm cho mình thế ứng xử trong cách sống để phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và đặc biệt trong mô hình sản xuất của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Do vậy, những người nông dân hay chính những người chủ của mỗi gia đình đã xây dựng một phong cách sống riêng, song lại được đồng nhất trên cơ bản với xóm giềng, với làng xã nhưng nổi trội hơn hẳn và dễ nhận biết đó là ngôi nhà Việt truyền thống.
Không gian cộng đồng
Ngôi nhà Việt truyền thống được sắp xếp trong một bối cảnh sinh hoạt chung của làng, nó vừa riêng lại vừa chung, rất độc lập mà lại có thế hoà đồng. Những bước tường ngăn cách giữa đường đi, giữa nhà này nhà kia tạo nên thế khép kín cho mỗi gia đình, nhưng lại được mở ra trong kiểu ứng xử chung của cả cộng đồng làng.
Môi trường sống cân bằng sinh thái
Người Việt sau hàng nghìn năm tồn tại và phát triển đã tạo cho mình một môi trường sống cân bằng với sinh thái. Trong khuôn viên nhà ở truyền thống của mỗi gia đình gồm có các thành phần sau: nhà chính, nhà phụ, vườn cây, ao cá, chỗ chăn nuôi gia cầm, gia súc, sân phơi, hàng rào, cổng… Người nông dân đã biết bố cục trong khuôn viên của gia đình mình thành một chuỗi khép kín về dòng năng lượng, về cách thức làm ăn hay về dòng trao đổi vật chất. Nghĩa là họ đã biết khai thác về mặt sinh thái để ổn định cuộc sống gia đình, hài hoà với môi trường, tạo điều kiện cân bằng để giữ thế ổn định chung. Trong đó 3 yếu tố ‘Người, đất và nước’ là các yếu tố tạo nên cân bằng sinh thái trong nhà ở người Việt truyền thống vùng nhiệt đới nóng ẩm. Trong khuôn viên như vậy, người nông dân đã tự tạo cho mình một cuộc sống ‘tự cung, tự cấp’.
Bố cục tổng thể – bố cục các gian nhà
Bố cục của ngôi nhà Việt truyền thống có nhiều kiểu, nhưng có hai kiểu được thiết kế nhiều nhất là: Bố cục nhà hình thước thợ, tức là nhà chính và nhà phụ (ở đây nhà phụ thường là bếp), kiểu bố cục này bắt gặp rất nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ. Bố cục thứ hai của ngôi nhà người Việt thường thấy là: Bố cục hình chữ Môn, tức là nhà chính nằm ở chính giữa hai bên có hai căn nhà phụ (một là nhà kho để chứa lương thực, một là nhà bếp), kiểu này thường phải là một gia đình khá giả. Ngoài ra còn có nhiều kiểu nhà khác (dùng theo chiết tự Hán) nhưng không được phổ biến như: nhà kiểu chữ đinh, chữ nhất, chữ nhị, chữ công …
Bố cục các gian nhà thường là 3 gian, 2 chái, hình chữ đinh, nhà chính (nhà trên) và nhà phụ (nhà dưới) có sân nước (sân thiên tỉnh)… và thường không ngăn chia ra các phòng nhỏ như ở tây phương, 1 cửa chính và 1 cửa đi phụ và rất ít cửa sổ. Nhà ở miền Nam nhiều sông rạch nên phương tiện đi lại chính là xuồng nên công trình phụ như nhà để ghe xuồng thường ở mé sông (xẽo) hay ụ tàu, và phía ngoài nhà có chuồng trâu bò, còn kho lúa thì thường đặt trong nhà.
Đối với người Việt, ngôi nhà chính là bộ phận cốt yếu trong khuôn viên của một gia đình, nhà có bố cục gian lẻ 1, 3, 5 hay 7 gian cùng với 2 chái, không mấy nhà có số gian chẵn.
Thường là:
  • phương đình 1 gian chính giữa, bốn xung quanh hệ cột quân đẳng hướng;
  • nhà 3 gian;
  • nhà 5 gian hay nhà 3 gian 2 chái;
  • nhà 7 gian hay nhà 5 gian 2 chái;
  • nhà 9 gian hay nhà 7 gian 2 chái;
Số lượng gian và chất liệu để làm nhà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, hay điều kiện môi trường thiên nhiên xung quanh nơi gia đình sinh sống. Ngôi nhà người Việt được kết cấu đăng đối, vì là số lẻ nên gian chính giữa bao giờ cũng dành làm nơi thờ cúng và tiếp khách. Sự sắp xếp trong một ngôi nhà người Việt cũng cho thấy sự thiên lệch vị trí giữa nam và nữ, chỗ ngủ của đàn ông trong gia đình ở các gian chính, còn chỗ sinh hoạt và nghỉ ngơi của phụ nữ là ở các chái bên cạnh, hoặc ở nhà ngang, nhà phụ.
Nơi thờ cúng của tổ tiên
Người Việt có quan niệm ‘đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại’, nên gian chính là bộ mặt của chủ nhà, lại là nơi thờ cúng của tổ tiên nên được bài trí hết sức công phu so với các gian bên cạnh. Có nhiều nhà gian chính được trang trí với các mô típ hoa văn trên các cột, vì kèo bằng gỗ hết sức khéo léo và tinh vi, đó là những mảng trạm khắc được thu nhận từ thiên nhiên vào trong ngôi nhà người Việt truyền thống. Trong ngôi nhà phần được chú ý và quan tâm nhiều hơn cả chính là bàn thờ vì chịu ảnh hưởng của Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng nên bàn thờ được đặt vào chính giữa của gian chính, xung quanh được trang hoàng bằng các hoành phi câu đối, nếu gia cảnh của chủ nhà có khiêm nhường hơn thì bàn thờ cũng luôn được đặt vào nơi trang trọng nhất.
Ngôi nhà người Việt truyền thống là nơi sinh sống không phải chỉ của một hay hai thế hệ mà nó được truyền qua nhiều thế hệ từ lớp ông bà đến lớp con cháu… cứ thế tiếp nối. Ngôi nhà có thể tồn tại vững chắc vài trăm năm, nên việc dựng một ngôi nhà được người Việt hết sức quan tâm, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu xem ngày, xem tháng, so tuổi vì họ quan niệm đây thứ nhất là cơ nghiệp của nhiều đời, thứ hai đó là sự thịnh vượng hay suy của cả gia đình hay lớn hơn là cả một dòng họ nếu không chọn được ngày tốt và hướng tốt . Do vậy ngôi nhà người Việt là sự kết tinh của tâm sức, ý chí, tập trung công sức, tiền của cả gia đình. Ngôi nhà người Việt còn thể hiện được cái khéo léo, tài hoa của người thợ Việt Nam.
Kết cấu
Khung sườn gỗ, mộng và lỗ mộng (không dùng đinh), vĩ kèo gỗ đòn tay, rui mè, đòn vong, cột kê tán (không móng, cừ…) tùy theo điều kiện địa lý mà có thể nhà kết cấu nâng sàn, nửa nhà sàn nửa nền đất, hay trên nền đất, nhưng không có lầu hay nhiều tầng như các nước khác. Mái nhà thường có độ dốc cao do hay dùng lá, tranh, ngói (dốc lớn hơn 45 độ).
Hệ thống xương chính của ngôi nhà thường làm bằng gỗ được ăn mộng với nhau một cách chắc chắn với loại mộng én, hay mộng đuôi cá.
Vật lý kiến trúc
Thông gió tự nhiên, tường và mái nhà thường trùm kín nhà do mưa rất nhiều, hơn nữa cửa đi và cửa sổ mở rất ít do an ninh ngừa trộm cắp nên chiếu sáng tự nhiên rất tối và kém sáng sủa, nhà ở thường hướng nam (đón gió nồm thổi mát vào mùa hè) và 2 chái phụ ở 2 đầu nhà sẽ là hướng đông tây chống hơi nóng mặt trời sáng và chiều. Trồng cây: trước nhà trồng cau (cau để đón gió nam mát) sau nhà trồng chuối (lá chuối ngăn bớt gió bấc lạnh mùa đông).
Vật liệu xây dựng địa phương
Ngôi nhà người Việt thường được xây dựng bằng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương như: lá, tranh, tre, gổ đẽo, đá kê nền cột, đất sét nung hoặc không nung, bùn trộn rơm,… phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.  
Tường nhà có thể bằng gỗ, trát đứng đắp đất, có hệ thống cửa ‘bức bàn’ hay ‘cửa phố’. Hình thức bên ngoài của ngôi nhà rất mộc mạc giản dị, những nhà có tường xây bằng gạch lợp ngói âm dương thì chỉ là mái dốc thuần tuý, không được trang trí cầu kỳ, cùng lắm là những đường chỉ dài khắc vạch. Dưới mái là hàng cột hiên với các bức tường quét vôi trắng, trông giản dị khiêm nhường. Nhưng bên trong cái vẻ giản dị, mộc mạc khiêm nhường của ngôi nhà Việt truyền thống là tiềm ẩn bên trong cả cội nguồn của một dân tộc, một sức sống lâu bền mãnh liệt của người Việt. Đây chính là tâm hồn, là một góc đi về của một con người, nó mang nhiều hồi ức, kỷ niệm riêng tư mà chỉ có ngôi nhà Việt mới có được.
Trải qua nhiều thời gian, nhiều thế kỷ, với bao thăng trầm lịch sử cho đến ngày nay, những ngôi nhà người Việt vẫn còn hiện hữu trên khắp các làng quê Việt Nam, tuy không còn nhiều, song đó là những tài sản quý báu của nền văn hóa của dân tộc, là những giọt mật tinh tuý được chắt lọc ra từ khối óc thông minh, đôi mắt tinh đời, những bàn tay tài giỏi, khéo léo của cha ông chúng ta.

Chất Á Đông từ truyền thống đến đương đại

Xin được mượn câu mở đầu một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Tôi sinh ra ở nông thôn, cha mẹ tôi là nông dân”.

Vấn đề muốn đề cập ở đây là chất Á đông trong nội thất kiến trúc ngôi nhà của ngườiViệt Nam. Thực ra cho đến lúc này, rất khó để có thể đưa ra một không gian nội thất thuần Việt. Qua nhiều thế kỷ, sự giao lưu, gặp gỡ, hoà trộn, nội thất kiến trúc ở ta hiện nay đang ở thời kỳ đa phong cách.
Từ nội thất của những người làm ruộng...
Hình ảnh nội thất trong nhà ở gia đình Bắc Bộ đầu thế kỳ 20. Phụ nữ ngồi trang điểm trên sập và thầy khoá trẻ ngồi bên bàn nước
 Ngôi nhà sinh ra từ con người, cũng như con người, nó bị chi phối, định dạng, có khả năng sinh tồn, thích ứng và biến chuyển trước mọi tác động của điều kiện tự nhiên và đời sống xã hội. Và cũng như con người, ngôi nhà Việt đầu tiên sinh ra từ nông thôn, chủ nhân của nó là người nông dân, những người mà cuộc sống của họ là bám vào đồng ruộng. Do vậy, không gian nội thất của những mái nhà tranh ấy đầu tiên là một không gian chứa đựng một đời sống nông nghiệp, mang tính thiết dụng, đơn sơ.
Trước hết, những thứ quan trọng mà người nông dân phải để trong ngôi nhà của họ là công cụ lao động và nông sản. Cày, bừa, liềm hái, bồ thóc, thúng mủng, quang gánh, cối xay, chày giã gạo. Kế đến là các thứ đồ đạc phục vụ cho đời sống sinh hoạt và tâm linh. Dưới bếp có chạn bát đĩa, giá để nồi niêu, đòn treo quang gánh, rổ rá, giần sàng. Trên nhà có bàn thờ, phản, chõng đóng đơn giản bằng tre, gỗ. Người nông dân xưa chưa có khái niệm bàn ăn, họ đặt mâm xuống đất, ngoài sân, hoặc ở đầu hè, ngồi xếp bằng, hoặc trên một cái ghế nhỏ và thấp. Hoặc ngồi ăn trên phản, chõng tre khi nhà có việc.
 
Rất nhiều công việc đều làm ở tư thế ngồi gần như ngồi xổm, ngồi sàng gạo, ngồi đun bếp, mổ cá, làm gà. Có lẽ do vậy, mà người dân quê Bắc bộ có đặc tính là thích ngồi xổm, thói quen ấy vẫn sống đến tận bây giờ (hiện thấy nhiều thanh niên ra Hà Nội, ngồi lên ghế đá, ở giữa công viên hoặc ngay ở bờ hồ. Có người vào WC vẫn thích ngồi xổm cả lên xí bệt!).
 
Phản, chõng có nhiều chức năng, vừa để nằm, vừa để ngồi, ngồi chơi, ngồi ăn uống, tiếp khách, trẻ con học bài. Hình ảnh thường thấy có mấy đứa trẻ bò xung quanh một ông thầy đồ học chữ. Có lẽ phải rất lâu sau này cái bàn mới xuất hiện. Bàn gỗ đơn giản, với mấy cái ghế đẩu mộc mạc, đơn sơ. Từ một nếp sống như vậy, sự nghèo khổ, lại thường xuyên phải đối phó với thiên tai, mất mùa, phải chăng đã tạo ra một thói quen, một tâm lý “tích cốc phòng cơ”. Tâm lý đó tạo nên một đặc tính trong ngôi nhà người Việt, là nhiều đồ đạc (cũng giống trong ngôi nhà của người Hoa). Đặc tính đó có tính lưu truyền cho đến bây giờ.
Hình ảnh nội thất nhà ở nông thôn Bắc Bộ và góc nội thất của một gia đình tiểu tư sản Hà Nội vào thập niên 60 qua nét vẽ của KTS Nguyễn Cao Luyện và KTS Tạ Mỹ Duật.
Nhu cầu trang trí nội thất của người nông dân cũng đơn sơ như cuộc sống của họ. Nội thất nặng về tính sử dụng nhiều hơn là trang trí. Có chăng chỉ là mấy bức tranh dân gian, gà, lợn trên tường, nhưng chủ yếu là vào ngày tết. “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo nổ, tưng bừng trên vách bức tranh gà” như Tú Xương miêu tả. Nhưng chính hình dáng mộc mạc, chất liệu tự nhiên như tre, gỗ, đất, đá, sành của những vật dụng như cối xay thóc, chày giã gạo, cối đá, chum vại lại là vật có tính thẩm mỹ.
 
Hoặc như cái chái trước hiên nhà, sinh ra do điều kiện khí hậu, là để che cái nắng mưa, làm bằng nan tre, mộc mạc nhưng thật gợi cảm. Chính những vật dụng đó lại có tính trang trí tự thân, tạo nên không khí nội thất trong căn nhà. Đến mấy trăm năm sau này, là thời chúng ta đang sống, điều ấy đang được khẳng định, nhiều nội thất sang trọng bây giờ lại lấy chính những vật dụng “nhà quê” ấy để làm duyên.
Nhà cổ Bình Thuỷ, Cần Thơ. Phong cách nội thất của những gia đình phú ông, bá hộ đầu thế kỷ 20.
Những bộ ghế bàn kiểu Trung Hoa, bên cạnh những sản phẩm du nhập, bàn tròn đường nét đơn giản kiểu châu Âu, tủ kính, đèn chùm và đặc biệt là cái bàn lavabô gương kính.
Cột kèo truyền thống trên bệ đá, nhưng vòm cửa và mô típ trang trí mang dấu ấn Pháp. Những cánh cửa “nhà Tây” lá sách gỗ là một loại sản phẩm đầy chất nhiệt đới
Ở một tầng lớp khác, là những người có học, các ông thầy đồ làng - tuy vẫn còn những dấu ấn nông nghiệp, vì vợ vẫn là nhà nông - do có điều kiện hơn, chất văn hoá và những nhu cầu thẩm mỹ đã hiện diện trong ngôi nhà của họ. Ngoài những bức tranh dân gian, là hoành phi, câu đối. Khá hơn thì có bàn nước, ghế đôn, bộ tràng kỷ kê trước bàn thờ. Tính trang trí đã được thêm vào với một thẩm mỹ tinh tế nhưng giản dị.
Khi một số người nông dân trở nên giàu có, họ là những phú ông, địa chủ. Ngôi nhà của họ trở thành dinh thự. Nội thất dinh thự của tầng lớp này mang đậm chất hưởng thụ và tính phô trương. Và đã có những yếu tố ngoại lai, du nhập. Tường đã được tô vẽ, trang trí bằng hoa văn gốm. Những tủ chè, sập gụ được chạm trổ cầu kỳ, những bình gốm sứ Trung Hoa, hoành phi câu đối sơn son thếp vàng. Ruộng đã phát canh thu tô, hoặc thuê tá điền làm nên trong nhà không để nhiều nông cụ. Kho thóc có chỗ riêng. Không gian ở đã được tách biệt, tính trang trí đã ở mức nhiều hơn là thiết dụng.
... Đến những tiểu thị dân
Chút âm hưởng “dân gian đương đại”.
Thị tứ hình thành, nông dân đi ra từ đồng ruộng, trở thành thị dân. Những phố thị với các lô nhà là cửa hàng buôn bán hay phường nghề. Lúc này, chức năng của một ngôi nhà phố vẫn như ở quê, nghĩa là vừa ở, vừa sản xuất, hoặc buôn bán. Do vậy, cấu trúc ngôi nhà vẫn phải đáp ứng hai nhu cầu, là ở và làm việc. Tính thích dụng vẫn là số một.
Sự chật chội và bề bộn trong ngôi nhà - cửa hàng (hoặc ngôi nhà - xưởng sản xuất) vẫn là một đặc tính. Tuy nhiên nhu cầu trang trí đã đuợc chú ý hơn. Và mang dấu ấn thành thị. Nhưng là một phong cách thành thị kiểu hàng phố, chưa hẳn sang, nhưng cũng không quá hèn. Thương nhân giàu vẫn là tràng kỷ, sập gụ tủ chè, hoành phi câu đối, vừa thì vẫn cái phản gỗ mộc mạc. Người khá giả hay có tâm lý “phải bằng hoặc hơn người”, nên tính phô trương khá phổ biến trong tầng lớp tiểu thị dân. Tranh tường vẫn là tranh dân gian như tranh thờ các vị thần, thú vật, là lối tranh Hàng Trống. Hay tranh tứ bình, tranh giấy dó Đông Hồ.
Về mặt thẩm mỹ, dù với người giàu ở thôn quê hay các tiểu chủ mới nơi phố thị, sự cầu kỳ, diêm dúa của phong cách thẩm mỹ Trung Hoa luôn ám ảnh và quyến rũ họ. Cũng là một điều dễ hiểu, cái tác động, ảnh hưởng của một nền văn hoá mạnh và lâu dài như thế. Chất mộc mạc, đơn sơ của nhà nông, thẩm mỹ giản dị tinh tế của những ông thầy đồ làng tuy vẫn còn nhưng luôn bị dao động và lấn át bởi sự diêm dúa và tinh xảo của nhiều sản phẩm ngoại lai.
Thời thuộc địa và sự xuất hiện phong cách Đông Dương
Phòng ngủ có không khí của phong cách Nhật với nghệ thuật bonsai, chất liệu gỗ và sỏi đá.
Đó là khi người Pháp đến. Việc đầu tiên họ phải làm là xây dựng những ngôi nhà cho chính họ. Những ngôi nhà đó phải theo quan niệm thẩm mỹ của họ, những tiện nghi đẳng cấp của họ. Nhưng ngay cả người Pháp cũng bị tác động bởi chính những sắc thái bản địa, từ điều kiện khí hậu, nghệ thuật trang trí tinh xảo ở các kiến trúc cổ, ở sản phẩm mỹ nghệ và bắt đầu hình thành một sự gặp gỡ, pha trộn. Có một phong cách châu Âu đã được “nhiệt đới hoá” về khí hậu, Á Đông hoá về thẩm mỹ trong không khí nội thất, đấy chính là “Đông Dương”. Giống như một bộ complet may bằng vải đũi, rất Tây nhưng mát và mềm mại. Giường ngủ với các thanh treo mùng, quạt trần, những tấm rèm cửa lụa là, những tấm chăn, vải gối có hoa văn hoạ tiết đẹp và tinh xảo từ bàn tay của người thợ thủ công. Những bộ bàn ghế khắc chạm, hoặc sofa được tạo ra từ sự kết hợp giữa cái sang và sành sỏi của người Pháp, với sự tinh xảo khéo léo của thợ thủ công bản địa, đã tạo ra một phong cách mà sau đã thành một trào lưu có tính dẫn dắt.
Đông Dương là của người Pháp, nhưng có thể nói đó là một phong cách mang đậm chất Á Đông. Ngoài các ông Tây thực dân, phong cách này được cảm nhận và đưa vào ngôi nhà của một số ít gia đình bản xứ, là các nhà tư sản, quan lại cao cấp hay số ít trí thức có thu nhập cao như bác sĩ, dược sĩ.
Tiện nghi và lối sống châu Âu trong một không gian có kết cấu và sắc màu châu Á.
Phong cách Pháp được “nhiệt đới hoá”, kết hợp với nghệ thuật thủ công Việt cũng gây một cảm giác tích cực, gợi chất Á Đông. Khi những tiện nghi vật chất đã thành chuẩn mực và dễ giống nhau, thì không khí nội thất mới là phong cách, là cái thể hiện bản sắc, diện mạo. Bên cạnh một kiểu châu Âu của tiện nghi và công nghệ, một Á Đông nguyên thuỷ rườm rà dễ bị cho là “quê mùa”, những người có thị hiếu thẩm mỹ theo hướng thích cách tân nhưng vẫn có chút hoài cảm, đã đưa ra một quan niệm Á Đông mới, mà ta hay gọi là “dân gian đương đại”.
 
Đây là một phong cách dựa trên những hình ảnh truyền thống, cổ điển nhưng được lược bớt và cách điệu, chỉ mang tính gợi chứ không sao chép và quá nệ cổ, nhìn ra ngay vẻ hiện đại nhưng vẫn lẩn khuất một sự gợi nhớ về quá khứ. Cũng không cần nhiều lắm, có khi chỉ phảng phất, điểm bằng một hoạ tiết, vật dụng như rèm cửa, vải bọc, bức tranh dân gian, hoặc một vài thứ đồ mỹ nghệ thủ công như sành sứ, gốm, thậm chí chỉ với một mùi hương, cũng tạo ra cái hồn châu Á dù trong một không gian nội thất theo phong cách mới. Khi nó đạt được sự phù hợp về cảnh sắc, lối sống, gây một xúc cảm thẩm mỹ nhẹ nhàng, ấm áp thì đấy là một sự thành công.
Nội và ngoại thất của một resort theo phong cách Á Đông mới. Có ảnh hưởng chất của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nội thất kết hợp dân gian và hiện đại. Nét đẹp hài hoà từ kết cấu, chất liệu, chi tiết trang trí, và rất nhiệt đới.
Nội thất phòng ngủ tại biệt thự của vua Bảo Đại ở Đồ Sơn. Tái hiện lại tinh thần “Á - Âu hoà trộn” của cái thời và tính cách vị cựu hoàng.
Gian đọc sách thư giãn tại Victoria Resort Hội An. Một đặc trưng của sự thành công trong việc tạo ra không gian nội thất gợi phong cách Đông Dương, đầy tính hoài cảm, nhiệt đới, nhưng vẫn rất mới.
Ảnh và minh họa : Tư liệu của KTS Tạ Mỹ Dương- Thu Thủy
Các thuộc tính Á Đông trong ngôi nhà của người Việt
Bản sắc Việt: Bắt nguồn từ điều kiện khí hậu: không khí nóng ẩm nên giường ngủ, bàn ghế thường đóng cao. Để cách biệt giữa trong và ngoài, ngôi nhà luôn có không gian đệm, và cái không gian đó có tính “mập mờ”, như kín mà như hở, uyển chuyển và linh hoạt, như hàng hiên, sảnh nhà. Chỉ với tấm bình phong, có thể ngăn chia không gian theo nhiều cách. Những tấm bình phong trong ngôi nhà Việt là một bản sắc, và cũng là giải pháp về phong thuỷ.
Về sắp đặt: Luôn thích sự cân bằng đối xứng. Lấy trục chính làm trung tâm, bàn thờ ở giữa, hai hàng tràng kỷ hai bên và hai gian bên là phản nằm. Thích trưng bày theo cặp. Cặp chậu cảnh trước hiên, cặp đôn sứ ngoài cửa, cặp lục bình hai bên tủ, bàn thờ. Sau này trong nhiều năm vẫn theo cách đó để bài trí, phòng khách, tâm điểm là kệ để ti vi, dàn máy, hai bên là cặp loa, cặp tượng. Có lẽ từ ảnh hưởng của tính tôn nghiêm Phật giáo. Sau này đã phá cách hơn và mặt bằng trở nên linh động.
Về chất liệu: Vật liệu tự nhiên được sử dụng tối đa như tre, gỗ, gốm, sứ luôn tạo ra cảm xúc gần gũi, thân thiện.
Tâm linh và tôn ti trật tự cũng là một thuộc tính trong ngôi nhà Việt truyền thống. Sự sắp đặt nơi thờ cúng, không gian dành cho các bậc vai vế trong gia đình như ông bà cha mẹ, vị trí treo tranh ảnh các cụ phải ở nơi trang trọng, vào những vị trí đẹp nhất.
Thích nhiều chi tiết, đồ đạc, vật trang trí phô trương cũng là một đặc tính trong nhiều ngôi nhà. Có lẽ do tâm lý từ ngàn đời.
Yếu tố ngoại lai: Á Đông theo địa lý là một phạm vi rộng, nhưng gây ảnh hưởng nhất về văn hoá thẩm mỹ vẫn là từ hai nền văn hoá lớn là Trung Hoa và Nhật Bản. Trong nội thất cũng vậy, một Trung Hoa nhiều chi tiết, tinh xảo, sặc sỡ, cầu kỳ và mang tính động. Một Nhật Bản với đường nét tinh giản, dễ phù hợp với phong cách hiện đại và mang vẻ tĩnh của thiền cũng đang được nhiều người ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Theo KTS Tạ Mỹ Dương/SGTT

Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa

Trong ký ức của mọi người, cái cổng làng thường gợi nhớ nhiều điều nhất bởi mỗi khi chúng ta phải ra ngoài làng đều đi qua cái cổng làng, do đó khi đã xa quê hương, lúc nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có ngôi nhà và những người thân thì cái cổng làng là điều khiến ta nhớ nhất.
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 1
 Cây đa trở thành cổng làng.
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 2
 Cổng một ngôi nhà cổ.
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 3
 Cổng nhà.
Cái cổng làng có thể chỉ là một hai cây cổ thụ nơi đầu làng, có thể là chiếc cổng xây bằng gạch, ở đó có những chữ Hán tên làng và đôi câu đối ở hai bên cột. Về kiến trúc, nhiều cổng làng ta cứ tưởng giống nhau, nhưng quan sát kỹ, mỗi cổng làng đều có những nét rất riêng. Khoảng hơn chục năm gần đây, do phương tiện giao thông phát triển, có nhiều ôtô, xe máy đi lại, đường làm lớn hơn nên cái cổng làng nhỏ bé xưa phải phá đi để xây dựng cái mới to hơn và bằng nhiều chất liệu như xi măng, gạch, cột sắt thép... Đã có những người do xa xứ lâu năm, khi về tới quê ngỡ ngàng tưởng mình lạc lối, bởi trong sâu thẳm của trí nhớ vẫn là cái cổng làng ta đã đi qua, ta đã từng trèo lên lúc tuổi thơ, ta đã từng chơi trò ú tim cùng bạn... Đặc biệt, những vùng quê ven đô, khi đô thị được mở rộng tới thì đương nhiên cái cổng làng dễ bị phá bỏ hoặc bị các ngôi nhà hai ba tầng chen lấn. Tôi tin rằng những vị cao tuổi sẽ rất buồn khi cái cổng làng bị đập phá. Tôi đã chứng kiến cảnh một số ông cụ, bà cụ tần ngần đứng nhìn khi cái cổng làng bị đập đi. Có lẽ cái cổng làng cũng như một cửa khẩu trên đường biên giới để sang các quốc gia khác, chỉ khác là nơi đây mọi người đi lại tự nhiên, không phải trình giấy tờ trừ phi đường làng cấm xe ôtô trọng tải lớn đi vào, hoặc làng muốn thu lệ phí các loại phương tiện lớn để duy tu sửa chữa hằng năm.
Cái cổng nhà ở Việt Nam cũng vậy, rất đa dạng, có khi chỉ là hai khóm trúc hai bên, hai cây cổ thụ thêm những hàng cây bờ rào... Cái cổng nhà ấy tồn tại hàng nghìn năm xưa ở vùng quê mọi miền. Nhưng nay cũng đã biến đổi, nhiều cổng nhà được xây kiên cố bằng gạch, bê tông, trên có mái lợp ngói xanh, ngói đỏ, có cánh cửa bằng sắt, gỗ kiên cố. Sự thay đổi ấy cũng bởi nhiều gia đình có kinh tế khá giả hơn và cái nạn trộm cắp xảy ra khiến mọi người chú trọng hơn tới việc bảo vệ ngôi nhà của mình.
Ngôi nhà ở vùng nông thôn đã có cổng thì đồng thời cũng có hàng rào phân cách giữa nhà, vườn gia đình này với gia đình khác. Vần thơ ngày xưa ấy:
“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”
Vâng cái hàng rào ấy đơn giản chỉ là mấy cây trúc, cây nứa cắm lên để mồng tơi, cây đậu, cây mướp leo, hoặc giả có ken kín cũng là để đàn gà, chú chó đỡ phá vườn rau chứ ít nhằm mục đích chống kẻ gian. Cái hàng rào xưa ấy thấp dưới đầu người để hàng xóm gọi nhau sang uống bát nước vối, chè xanh, ăn củ khoai, múi mít mỗi buổi sáng, buổi chiều. Cái hàng rào ấy tưởng rằng ngăn cách lứa đôi, nhưng nó lại là sợi dây cho tình cảm đôi lứa: Khi cô gái nhà bên ngắt rau để chàng trai hàng xóm ngước sang buông lời thăm hỏi rau nhà tốt quá, hoặc khi chàng trai ngồi gốc cây đọc cuốn sách để cô gái nhà bên đánh tiếng trêu đùa: “Anh đọc to đoạn thơ em nghe cùng với, đọc thư em nào mà tần ngần thế”, kèm theo tiếng cười khúc khích. Cái hàng rào thấp nhỏ ấy để hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, chỉ một tiếng gọi to nhà bên đã biết, nhà này đi vắng hết nhà bên cũng để mắt trông chừng giúp khi có người lạ vào nhà; trông con chó, con gà phá vườn rau để đuổi giúp.
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 4
Cổng làng Vạn Phúc.
 
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 5
Tường bao xếp bằng đá ở các tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc.
 
Nhớ cổng làng, cổng nhà và hàng rào xưa 6
 Cổng nhà và hàng rào ở vùng đồng bằng Bắc bộ.
 
Những kiểu hàng rào bằng cây, que ấy thường tồn tại ở vùng đồng bằng. Ở nhiều vùng khác như làng cổ Đường Lâm, được xây bằng gạch đá ong, ở vùng núi Tây Bắc được xếp bằng đá nhưng cũng không cao quá đầu người.
Ngày nay, nhiều ngôi nhà đã có hàng rào được xây kiên cố, có khi phía trên còn giăng thêm kẽm gai, cắm thêm vỏ chai thủy tinh lởm chởm nhọn hoắt để chống kẻ gian. Cuộc sống cũng bắt đầu theo kiểu: “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”, nếu muốn sang nhà nhau chơi phải bấm chuông điện hoặc đập cửa thình thình như nơi thành phố. Vậy là khoảng cách hàng xóm, láng giềng cứ xa dần, xa dần; ông già bà cả ngồi nhà chỉ còn biết nhìn đàn gà, chú chó ngoài sân nếu các cháu đi học hết hoặc mở đài, tivi để có thêm tiếng nói từ loa cho đỡ buồn. Chàng trai, cô gái nhà bên lớn lên dù không thoát ly, hàng xóm cũng bất ngờ khi nhận được thiếp mời cưới mới biết con ông ấy, bà ấy đã lớn thế rồi.
Tôi không rõ, nhiều người đã ở thành phố lâu năm khi về đến quê nhà vào dịp lễ tết có thấy nao lòng, tiếc cái cảnh ngôi nhà mất đi hàng rậu bằng cây xanh rì thấp dưới đầu người ấy không? Và có cảm thấy nhức nhối bởi những bức tường gạch màu xám mà bên trên có dây kẽm gai, có những mảnh thủy tinh nhọn hoắt cứ như cái nhà tù Hỏa Lò trước kia ấy. Tôi đã từng chứng kiến cảnh, ông sang chơi nhà bên cạnh gọi cháu đưa giúp ông cái điếu cày hút thuốc lào, thằng bé cầm chiếc điếu leo lên cành cây bên nhà và gọi ông bắc ghế lên để lấy chiếc điếu cày, vì bức tường gạch bưng kín mà cháu thì đang vội học bài. Lúc ấy, tôi lại thấy tiếc cái hàng rào đơn sơ, cái tình hàng xóm, láng giềng chân chất ngày xưa đến thế.




















Nhận xét