5 ngôi làng cổ nổi tiếng có niên đại hàng trăm năm

Không chỉ hấp dẫn lữ khách với những ngôi nhà cổ thuần Việt hàng trăm năm tuổi, làng cổ Việt Nam còn khiến người ta choáng ngợp từ những bước chân đầu tiên bởi vẻ đẹp mê hồn của những con ngõ, không gian cây đa, bến nước, mái đình và một bầu không khí đẫm chất dân dã.  

1. Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội)
Làng cổ Đường Lâm cách thành phố Sơn Tây 4km. Đây là quê hương của hai vị vua nước Việt: Bố Cái Đại vương Phùng Hưng (thế kỷ thứ VIII) và Ngô Quyền (thế kỷ thứ X). Ngôi làng có 21 đồi gò và con sông Tích có màu nước luôn trong xanh, êm đềm uốn lượn chảy quanh làng. Nơi đây có đền thờ Phùng Hưng, lăng mộ vua Ngô và nhiều hiện vật cổ quý giá như: chuông đồng, khánh đá, đồ gốm sứ và các bia đá. Những địa danh như: Giếng Ngọc, Rặng duối, đồi Hùm...tương truyền là nơi nhà Ngô nuôi giữ đàn voi chiến.
Nhà truyền thống xã Đường Lâm hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có niên đại cách đây cả ngàn năm như: rìu đá, những đồ dùng bằng đá... và di tích những rảnh (rộc) sâu là nơi những cọc gỗ Bạch Đằng đánh chìm thuyền bè quân Nam Hán.
 
2. Làng cổ Phước Tích (Huế)
Làng cổ Phước Tích nằm bên hạ lưu sông Ô Lâu, ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị, cách thành phố Huế hơn 40km. Làng được thành lập từ thế kỷ 15 (đợt di dân thứ 2 vào vùng Thuận Quảng). Cấu trúc nhà ở Phước Tích là nhà vườn và được xây dựng theo kiểu nhà trệt 5 gian, 2 chái hoặc 3 gian, 2 chái, cột gỗ, mái lợp ngói. Cảnh quan vườn bao quanh nhà đã tạo cho căn nhà tràn đầy sức sống. Theo thống kê, ở Phước tích có tất cả 117 nóc nhà, trong đó hiện còn 24 ngôi nhà rường cổ có tuổi thọ trên 100 năm. Nhà thờ họ tộc và đền miếu ở đây được gìn giữ gần như nguyên vẹn…

Muốn thăm làng cổ Phước Tích, du khách theo quốc lộ 1A, hướng ra bắc, đến cầu Mỹ Chánh (bắt ngang sông Ô Lâu), chưa qua cầu rẽ trái đi chừng hơn 1000m thì đến nơi.
 
3. Làng cổ Tuý Loan (Đà Nẵng)
Làng cổ Túy Loan thuộc xã Phong Hòa, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng chừng 15km theo đường 14B về hướng tây nam. Đây là ngôi làng cổ trên 500 tuổi do 5 vị tiên hiền thời vua Lê Thánh Tông lập nên.
Đình làng Túy Loan khang trang được xây dựng đời vua Thành Thái (1889). Trước sân đình có trụ biểu uy nghi và bức bình phong với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp. Bên trái đình là ngôi đền thờ các vị tiên hiền. Cả hai ngôi đình và đền tọa lạc trên một diện tích 8000m2. Hàng năm, đến ngày mùng 9 tháng giêng và ngày 11, 12 tháng 8 âm lịch là những ngày lễ hội lớn của làng. Túy Loan là ngôi làng cổ có nghề truyền thống làm bánh tráng lâu đời nhất Đà Nẵng.

4. Làng cổ Phong Nam (Đà Nẵng)
Cũng trong phạm vi huyện Hòa Vang, làng cổ Phong Nam nằm sát quốc lộ 1A, cách Đà Nẵng khoảng 10km. Đây là một làng quê còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam. Đến Phong Nam, du khách sẽ có dịp nhìn thấy các di tích cổ có niên đại cách đây hàng trăm năm như: nhà thờ Tổ, chùa, đình, đền, miếu, nhà cổ, giếng nước cổ...

Làng cổ Phong Nam hàng năm được đông đảo khách du lịch đến tham quan cũng như tìm hiểu về quá trình xây dựng làng quê cổ Việt Nam.
 
5. Làng cổ Long Tuyền (Bình Thủy - Cần Thơ)
Làng cổ Long Tuyền cách thành phố Cần Thơ khoảng 5km. Làng cổ Long Tuyền xưa kia thuộc "lục ấp”, đến đời vua Thiệu Trị đổi tên thành làng Bình Hưng. Năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt thoát hiểm trên sông Bình Thủy nên đổi tên làng là Bình Thủy. Đến đầu thế kỷ 20, làng lại một lần nữa đổi tên thành Long Tuyền.
Long Tuyền là nơi sinh ra nhân vật lịch sử Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa - người không chỉ có công lao chống giặc ngoại xâm mà ông còn có công cải biên nghệ thuật tuồng cung đình đương thời thành tuồng của dân gian. Làng cổ Long Tuyền có sông Bình Thủy chảy qua, uốn lượn như thân rồng nằm, miệng rồng là vàm Bình Thủy ngậm hạt ngọc là cồn Cồn Linh. Đây là vùng đất mà người dân luôn tự hào là "địa linh nhân kiệt”.

Nhận xét