CÂU CHUYỆN SÁNG TẠO NHÌN TỪ VIỆT NAM

Nguyễn Tiến Văn

Sáng tạo là làm ra cái mới. Đó chính là quyền năng cao quý nhất, vì nó là sức mạnh của toàn vũ trụ từ vô thuỷ đến vô chung. Không ai biết vì sao có vũ trụ, thế gian, sự sống, con người, trí tuệ… Bởi thế người ta đành gọi là tự nhiên thế đó, là trời, là thượng đế… và gán vai trò sáng tạo cho một đấng tạo hoá, cho một đứa trẻ ngang ngược (hoá nhi = trẻ tạo).
Sáng tạo, như những câu thơ của Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc: “Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán Chết đuối người trên cạn mà chơi Cái quay búng sẵn trên trời Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.
Năm 2009 này là kỉ niệm 200 tuổi của Charles Darwin và 150 tuổi tác phẩm chấn động thế giới On the Origin of Species (Về nguồn gốc của các chủng loại) (1859). Darwin lần đầu tiên cắt nghĩa sự xuất phát của các loài sinh vật, cả thực vật và động vật, chỉ bằng những nguyên nhân tự nhiên, không có sự can thiệp của thần linh hoặc thế lực siêu việt nào.
Có thể lấy năm 1859 đó là khởi điểm của loài người đứng thẳng và đảm nhiệm trách nhiệm với trái đất cũng như muôn loài, thoát khỏi sự nô lệ vào thần quyền. Sự tiến hoá là tự nhiên, và sự sáng tạo là có thể hiểu được.
Đến 1898 nhà phát minh chất nổ người Thuỵ điển là Alfred Nobel để lại gia tài đồ sộ và sám hối về việc muốn giúp thợ mỏ trong việc khai thác quặng lại trở thành trợ thủ cho chiến tranh khi chất nổ dynamite bị dùng làm cốt mìn để huỷ diệt con người. Chỉ kể những giải Nobel khoa học, người ta thấy rằng trong 100 giải có đến 77 giải là phát cho những người khám phá (cái mới, cái sáng tạo) chỉ có 23 giải cho người phát minh (tức ứng dụng những khám phá kia vào thực tế).
Từ quyền năng sáng tạo gán cho thượng đế hay chư thần đó, thần thoại Hi lạp cho rằng 9 nữ thần nghệ thuật (Muses) là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo, từ (1) Calliope tạo sử thi; (2) Clio tạo lịch sử; (3) Euterpe tạo sáo địch; (4) Terpsichore tạo vũ khúc trữ tình; (5) Erato tạo thơ và tụng ca trữ tình; (6) Melpomene tạo bi kịch; (7) Thalia tạo hài kịch; (8) Polyhymnia tạo nghệ thuật bắt chước; và (9) Urania tạo khoa thiên văn. Tất cả 9 nữ thần này chủ trì cả nghệ thuật, nhân văn, và khoa học và đều là con đẻ của tổng quản chư thần trên đỉnh núi Olympia là Zeus, tức thần sấm chớp, qua sự phối hợp với nữ thần Mnemosyne chủ trì kí ức (mà nhà thơ Bùi Giáng [1926-1998] thường gọi là Môzin).
Sự sáng tạo của con người quả là kì diệu nên được cho là bắt nguồn từ tuồng thần linh, gọi là thần nhập (enthousiasme) hay thần hứng (inspiration). Thần nhập là cảm ứng với thần linh như người lên đồng, khi thần mượn xác người phàm để làm phát ngôn và dạy bảo. Còn thần hứng là hít thở sinh khí của thần để sáng tạo. Thời tiền chiến ở Việt Nam, Thế Lữ đã Việt hoá các nữ thần của nghệ thuật (thực ra là cả của khoa học và nhân văn) là nàng Litao [Li tao là tên tác phẩm của Khuất Nguyên [khoảng 343 – khoảng 289 trước CN] nhà thơ đầu tiên để lại tên tuổi sau hàng ngàn năm và hàng ngàn bài ca dao vô danh mà Khổng tử đã chọn lọc còn lại 305 bài trong Kinh Thi.]. Còn thần hứng tức inspiration thì được vừa phiên âm vừa được dịch là “yên sĩ phi lí thuần”. Yên ở đây tức là hơi khói thuốc phiện; yên sĩ là nghệ sĩ làm bạn với ma tuý được thi vị hoá thành Ả Phù dung hoặc nàng Tiên Nâu như màu sắc của chất mủ của trái cây hoa anh túc. Phi lí thuần là thuần chất vượt thoát lí trí để là cõi tinh tế và cao siêu của nghệ thuật.
Các thập niên 1920, 1930 là thời gian sáng tạo đặc thù của Việtnam. Chúng ta có tiểu thuyết hiện đại và phổ thông cả nước như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925); bài thơ mới đầu tiên của Phan Khôi là Tình già xuất hiện năm 1932; tranh lụa đầu tiên của Nguyễn Phan Chánh  năm 1928; tân nhạc tức bài hát ta điệu Tây của những Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Thiện Tơ, Đặng Thế Phong… trong thập niên 1930. Kịch mới như Uyên ương (1927) và Hoàng mộng điệp (1928) của Vi Huyền Đắc; những tác phẩm lịch sử và triết học như Việt Nam sử lược(1928) Nho giáo (1930) của Trần Trọng Kim….
Tuy rằng Lục tỉnh Nam kì đã thuộc Pháp từ 1864 và 1867 nên nền báo chí và văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết, cũng như từ điển, kịch nghệ chịu ảnh hưởng của phương Tây qua văn hoá Pháp phát triển ở miền Nam trước miền Bắc và miền Trung, nhưng vì chính sách “chia để trị” của thực dân nên ba kì bị cách biệt và phải đến sau 1884, khi chế độ bảo hộ mở rộng toàn quốc, ảnh hưởng này mới lan đến miền Bắc.
Tiểu thuyết Thầy Lazarô phiền của Nguyễn Trọng Quản ra đời từ 1887, nhưng hầu như cả nước không được biết cho mãi đến hơn 100 năm sau. Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huình Tịnh Của xuất bản ở Sài Gòn từ 1895 – 1896 nhưng không mấy người ở Hà Nội hoặc Huế có được và mãi 1972 nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn cho chụp ảnh in lại mới phổ cập trong giới học giới.
Đó là chưa nói rất nhiều tiểu thuyết thực thụ của Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Trương Duy Toản, Biến Ngũ Nhy, Phạm Minh Kiên… đều ra đời trước 1925, phát hành rộng rãi, nhưng cũng do cách ngăn và những người viết sử văn học như Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan đã thiếu thông tin.
Xét lại thời kì sáng tạo bồng bột của Việt Nam 1925 – 1945 chúng ta rút được mấy bài học:
(1)                        Muốn sáng tạo phải có tích luỹ, và muốn tích luỹ phải có thu thập và kí ức. Nói theo ngôn ngữ của khoa tin học là phải có kho dữ kiện (data) được lưu trữ (storage) trong bộ nhớ (memory).
(2)                        Khi đã có lưu trữ thông tin (information storage ) lại cần phải có những phương pháp để tiếp cận (access) và xử lí thông tin (information processing) theo những diễn trình và thông lộ hữu hiệu.
(3)                        Cần phải có kĩ năng để chuyển (transfer) và dịch (translation) để giải mã (decoding) và thông diễn (interpretation / hermeneutics ) thông tin đó cho thích hợp với trình độ và khả năng của người sử dụng.
Tất cả những kĩ năng này đòi hỏi khả năng phân tích và tổng hợp để xử lí văn bản (text analysis & processing ).
Vậy, người Việt Nam có sáng tạo hay không?
Câu hỏi nhức nhối và bức xúc này thế hệ nhà Nho tiếp xúc với phương Tây đầu tiên như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Cao Bá Quát, Phạm Phú Thứ, Trương Vĩnh Kí… và thế hệ thứ hai, thứ ba như Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Phạm Quỳnh… đều đã đặt ra.
Tuy nhiên, không thể có sáng tạo nếu không có kí ức, tức là hiểu biết và kính trọng quá khứ ngang bằng với việc thâu thái cái mới của thiên hạ. Không có sáng tạo nào từ hư không cả. Con rồng là linh vật huyền thoại để tượng trưng cho linh khí của vũ trụ, làm mưa nuôi mùa màng, có thể bò trên đất, chui trong hang vực, bay trên trời… Nhưng con rồng không có trong thực tế;  tất cả những bộ phận và chức năng của nó đều phát xuất từ hiện thực và được thần thánh hoá, cách điệu để thờ.
Muốn biết người Việt Nam có sáng tạo không thì ta phải tra hỏi quá khứ. “Ôn cố tri tân”: ôn là học lại bài cũ, thì mới biết sự mới, trước khi nói đến sáng tạo.
Trong mấy ngàn năm nay, người Việt Nam có ba đại sáng tạo, phi thường nếu so sánh với cả toàn cầu. Đó là:
(1) Tạo một đất nước chung sống cho cả 15 bộ tộc khác nhau về nguồn gốc, văn hoá thành một nhà nước thống nhất nhưng đa diện là Văn Lang (cái làng văn hoá). Đây là truyền thống sống chung.
(2) Nền tảng nhà nước Văn Lang đó là tiền đề và cơ sở để Hai Bà Trưng khởi nghĩa giành độc lập (năm 40-43 sau Công nguyên) tiếp đó là những Bà Triệu, Phùng Hưng, Mai Thúc Loan, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh… trong suốt cả ngàn năm Bắc thuộc để xác định nền tự chủ. Đây là truyền thống dân tộc yêu nước của mấy ngàn năm anh hùng.
(3) Mở mang đất nước từ châu thổ sông Nhị đến châu thổ sông Cửu long suốt ngàn năm qua, giữ vững bờ cõi sau thế kỉ bị phương Tây xâm lăng và đô hộ để thành một đất nước thống nhất với số dân gần trăm triệu người và một ngôn ngữ phổ thông đứng hàng thứ 13 trên thế giới. Đây là truyền thống mở cửa.
Cả 3 sáng tạo này về mặt văn hoá xã hội là những kì tích, nhưng bây giờ đều không được “ôn cố”  và đều suy đồi nên gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong giới văn nghệ sĩ. Sở dĩ như vậy vì những người dân thường đã làm hết sức mình để dựng nước và giữ nước, lại nuôi sống giới ưu tú về cơm gạo áo quần và các nhu yếu phẩm khác. Nhưng giới ưu tú và trí thức không làm tròn nhiệm vụ của mình, so với những nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái lan, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Philippines, Cambodia, và Lào nữa.
Đến Jakarta, Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, Phnom Penh… chúng ta xấu hổ vì những kiến trúc hiện đại của họ mang đầy tính dân tộc và tự hào đích thực. Văn học, hội hoạ, vũ đạo, điện ảnh của họ làm cả thế giới quan tâm thăm viếng. Còn Việtnam theo thông tin từ đài BBC của Anh, thì 2/3 du khách đến rồi thì thể không quay trở lại vì bị vắt kiệt, bóc lột, như những con bò sữa.
Ta thường nói truyền thống 4 (hoặc 5) ngàn năm văn hiến – văn hoá có những cơ sở thiết định là văn hiến. Khía cạnh quan trọng nhất của văn hoá là tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói của chúng ta có được khoảng 35 ngàn năm. Chữ viết Nôm của chúng ta có được khoảng từ 2000 năm đến 100 năm về trước và chữ viết abc chúng ta có được là nhờ các giáo sĩ phương Tây, nhất là giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes từ cuốn Từ điển Việt - Bồ - La xuất bản ở Roma năm 1651.
Nguyên việc chính danh cho các văn tự chữ Việt đã là một chuyện nhức nhối và ô nhục. Tổ tiên chúng ta không chịu nói theo người Trung quốc, dù là đời Hán hay đời Đường đô hộ nước ta, mà phát minh một cách đọc riêng của người Việt và gọi đó là chữ Nho, tức thứ văn tự chuyên chở đạo lí của nhà Nho (Nho gồm bộ nhân là người và nhu là cần thiết. Nhu lại gồm là mưa cho lúa nước và nhi là hàm râu chỉ người có tuổi có trải nghiệm).
Khi Pháp đô hộ muốn cách li dân tộc Việt nam, nhất là giới trí thức, khỏi di sản tổ tiên và giao lưu với những nước đồng văn (cùng văn tự khối vuông, tức chữ Nho) như Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản – nên gọi đó là les caractères chinois và dịch là Hán văn để chỉ sở hữu của một chủng tộc, một quốc gia. Năm 1960 nhà xuất bản Sự Thật in cuốn Từ điển Trung – Việt của Văn Tân, như thế là coi chữ Nho như một thứ ngoại văn, chứ không phải một thành tố quan trọng của cả tiếng nói và chữ viết Việt Nam.
Sau khi chế độ khoa cử bị Pháp bãi bỏ ở Miền Bắc (1915) và ở Miền Trung (1919) chúng ta có những thế hệ trí thức xa lìa với văn hiến, di sản của tổ tiên.
Trí thức Việt Nam thường hay tự hào là chỉ có tiếng Việt mới có chữ viết abc theo mẫu tự La tinh của phương Tây tiện lợi cho việc bình dân giáo dục và xoá nạn mù chữ, trong khi các nước thuộc khối chữ vuông tức chữ Nho như Trung quốc, Hàn quốc, Nhật bản không làm được. Và có câu nói nổi tiếng: “Sự thật là sự thật; nửa ổ bánh mì (hoặc nửa củ khoai lang) vẫn là bánh mì (hoặc khoai lang); nhưng một nửa sự thật là điều dối trá”. Điều dối trá ở đây là Nhật Bản đã có romaji (La mã tự) từ thế kỷ 17 và Trung quốc từ năm 1949, Mao Trạch Đông muốn cách tân giản thể hoá chữ Nho và thành lập uỷ ban điển chế việc abc hoá của tiếng Hoa nhưng đến năm 1956 phải bãi bỏ việc Latinh hoá vì tiếng Hoa chỉ có 858 âm nhưng có đến 50 ngàn chữ khiến cho tiếng đồng âm quá nhiều, phiên âm ra abc chỉ gây hoang mang. Lại thêm Trung quốc quá rộng lớn và có nhiều phương ngữ, nếu lấy âm làm chính và chữ làm phụ thì sẽ xé nát đất nước và văn hoá này thành nhiều mảnh: Bắc kinh, Thượng hải, Phúc kiến, Quảng đông, Khách gia (tức người Hẹ)…
Chữ Nhật dùng hệ thống chữ kanji mượn của Trung quốc, tiểu học học 881 chữ, trung học học thêm 1.000 chữ nữa để có thể đọc được sách sử tiền nhân và các nước chung lịch sử văn hoá ở Á đông.
Vậy nên từ khi bãi bỏ chế độ khoa cử (cựu học) để theo Tây học (tân học) người dân các nước kia không mất sợi dây kết nối với truyền thống, còn người Việt thì trở thành mất gốc nhất trong các nước ở châu Á và cả thế giới.
Làm sao có sáng tạo nếu không “ôn cố” và nếu không giao lưu với thế giới qua học tập ngôn ngữ văn hoá của họ mà chúng ta gọi khinh miệt là văn học nước ngoài và văn hoá ngoại lai đồi truỵ?

Nhận xét