Chùa Mía


  Chùa Mía toạ lạc tại thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 40km về phía Tây Bắc. Chùa Mía có hiệu là “Sùng Nghiêm Tự”, nằm trên quả đồi giữa làng Đông Sàng (xã Đường Lâm).
Chùa được xây dựng từ thời xa xưa. Đến đầu thế kỷ thứ 17, chùa bị hoang phế, điêu tàn. Tương truyền, bà cung phi Ngọc Dong còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu - một phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng (1623-1657), gốc người làng Mía, năm 1632 đã bỏ tiền đứng ra khuyên mộ dân trong vùng cùng nhau tôn tạo ngôi chùa. Khi bà qua đời, nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của bà đã cho tạc tượng và đưa vào thờ tại chùa Mía. Người dân trong vùng còn gọi bà một cách tôn kính là Bà Chúa Mía. 
Cổng chùa Mía
Chùa Mía là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam. Tại đây có khoảng 287 pho tượng được phân bố, bài trí trang nghiêm, là 287 câu chuyện ngợi ca những đức tính tốt đẹp tài trí của dân tộc Việt Nam.
Toà bảo tháp
Khách đến chùa Mía phải đi qua chợ Làng Mía, tấp nập, đông vui, cả bốn mùa. Cổng chùa Mía đơn sơ, thoạt nhìn khó đoán được cảnh trí bên trong chùa, chỉ thấy cửa Tam quan thấp thoáng trong tán cây đa già như những vệt màu đen loang lổ trên màu trời và màu cây. Tầng trên tam quan có một quả chuông lớn đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) thuộc đời Lê và một chiếc khánh đồng, đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Cổng Tam quan nằm dưới một cây đa đại thụ, tán phủ rộng, rễ cây chi chít, nổi lên trên mặt đất. Bước vào chùa, không gian nơi đây thoáng đãng và yên tĩnh.
Chùa Mía có 287 pho tượng
Cấu trúc chùa Mía gồm có các tòa Tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ, hành lang san sát liền kề, trong ngoài bao bọc đan xen, tạo dáng thành hình chữ mục. Đối đỉnh với ngọn cây đa là Tòa bảo tháp cử phẩm Liên hoa. Tòa tháp này mới được xây dựng gần đây để thờ vọng Xá lị đức Phật. Đây cũng là ngọn Tháp bút, Kính Thiên, bổ túc và chấn giữ cho mạch văn của làng quê phát triển. Bên trong là khu nội điện gồm: Tiền đường, Đại Hùng, Bảo Điện, Thượng điện được cấu trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” trông rất bề thế, phô diễn vẻ uy nghiêm chốn phật đường. Phía trái tiền đường có dựng một tấm bia lớn đặt lên lưng rùa, ghi rõ niên đại Đức Long năm thứ 6 (1632) đời Lê. Ngoài ra còn có một tấm bia kích cỡ lớn nhất, có niên đại cổ nhất ở khu vực chùa. Chân bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới có đài sen rực rỡ.
Bên trong toà Đại Hùng bảo biện nguy nga đồ sộ có 287 pho tượng trong đó có 6 tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng thổ. Đặc biệt ở chùa Mía có những cây cột bằng gỗ mít rất lớn một người ôm không hết, lên nước láng bóng rất đẹp.
Đến chùa Mía ngày rằm hay mùng một, du khách sẽ thấy lại quang cảnh rất đẹp và trang nghiêm của các cụ bà trong làng đến dự lễ. Ở đây vẫn còn giữ phong tục đi lễ chùa ngày rằm, mùng một. Các cụ bà áo dài tứ thân, khăn đen vấn đầu, đi lễ chùa cầu kinh. Tiếng chuông, tiếng mõ, câu kinh, hòa lẫn vào dòng người áo dài khăn vấn... du khách sẽ có cảm giác như trở về thời xa xưa, hay đang xem một bộ phim lịch sử nào đó. Vòng ra phía sau chùa, vườn hoa cây cảnh thơ mộng, đặc biệt là một không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối làm lòng người chợt thấy thanh thản.
Bên ngoài, cách chùa Mía khoảng 200 mét, có một ngôi đình làng mới được xây dựng, những ngày lễ, các cụ ông, cụ bà ra đình ngồi uống chén nước, trò chuyện, hay cùng chờ nhau đi lễ chùa. Đến đây, du khách sẽ được thấy lại một trong những đặc trưng của văn hóa miền quê xứ Bắc.

Nhận xét