Nhà lá U Minh



Nếu nhìn dưới góc độ văn hoá thì khi bóc khỏi cái vỏ vật chất của nó, bản thân ngôi nhà lá đơn sơ đã chứa đựng trong nó vô vàn những giá trị tinh thần.

Nếu từng đến vùng U Minh rộng lớn xưa kia và trên bán đảo Cà Mau ngày nay, đặc điểm mà bạn dễ nhận thấy nhất về văn hóa vật thể là ngôi nhà làm bằng cây lá. Sau Tết nguyên đán, khi mùa khô vẫn còn, người ta bắt đầu sửa sang lại hoặc cất nhà mới, chuẩn bị đối phó với sáu tháng mùa mưa…
Một kiểu nhà ở đặc trưng, mang tính truyền thống của một vùng đất bao giờ cũng phải được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản. Ngôi nhà trước hết phải phù hợp với điều kiện về địa hình, địa vật, khí hậu, thời tiết của vùng. Xem trọng những yếu tố này sẽ giúp con người sáng tạo ra mẫu nhà phù hợp nhất để tự bảo vệ mình trong nắng táp, mưa sa. Mặc khác, điều kiện kinh tế – xã hội cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề xây dựng nhà ở, cho nên việc làm nhà bằng nguồn vật liệu tại chổ là sự lựa chọn tất yếu. Điều đó lý giải tại sao ngôi nhà lá lại rất phổ biến ở vùng U Minh Thượng.
Đất đai vùng U Minh Thượng tuy trũng, nhưng ít chịu tác động của triều cường từ biển và ảnh hưởng của lũ lụt từ sông Cửu Long, cho nên nơi đây không có kiểu nhà sàn như ở một số địa phương đầu nguồn lũ như Châu Đốc của tỉnh An Giang lân cận.
Việc chọn địa thế để cất nhà và cách làm nền nhà chủ yếu là nhằm mục đích đối phó với nước ngập trong mùa mưa. Nước ngập không cao nên phần lớn nền nhà được làm tương đối thấp. Đặc điểm chung về phối cảnh của ngôi nhà ở vùng U Minh Thượng là cạnh nền nhà thường có một ao nước. Đây là kết quả của việc đào lấy đất để đắp nền nhà. Khi nhà xây dựng xong thì nó trở thành một ao nuôi cá. Trước kia, khi mà ở đây người ta chưa có cách khai thác nước ngầm thì nguồn nước trong ao được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là vào mùa khô hạn.
Đúng theo tên gọi, nhà lá được xây dựng bởi cây và lá. Và, cây lá đó được lấy từ nguồn sẳn có tại chỗ. Gỗ tràm được xử lý qua quá trình hóa sinh tự nhiên bằng phương pháp ngâm nước dưới hầm, ao sẽ rất rắn chắn, dẽo dai, ít bị mối mọt đục khoét và lâu mục trong môi trường có độ ẩm cao, nhiều nấm mốc. Một bộ cột nhà bằng tràm được xử lý kỹ theo kinh nghiệm dân gian sẽ có khả năng sử dụng lâu đến hàng chục năm.
Lá dùng để lợp nhà là lá cây dừa nước. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, thích nghi được cả ở môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Có lẽ người xưa cũng đã tìm nhiều loại lá lợp nhà, cuối cùng mới chọn được lá dừa nước làm vật liệu chính, bởi vì loại này tương đối bền trước sự thay đổi của thời tiết và khí hậu đặc thù miền nhiệt đới gió mùa ở Nam bộ. Vào mùa khô, lớp lá dừa nước bao bọc ngôi nhà, nhất là mái nhà trở thành lớp vật liệu cách nhiệt rất tốt. Những buổi trưa nóng bức, biên độ nhiệt giữa trong nhà và ngoài trời chênh lệch rất lớn nên trong nhà luôn rất mát mẽ. Do vậy, khi đời sống vật chất được nâng cao, nhiều ngôi nhà làm bằng vật liệu mới mọc lên nhanh chóng ở vùng U Minh Thượng, nhưng người ta vẫn cất thêm một mái lá để nghỉ trưa như một kiểu nhà hóng mát. Nếu như lá được chọn lọc và lợp kỹ, ngôi nhà có thể sử dụng được trung bình là 5 năm mới phải thay lá mới.
Từ lá cây dừa nước, người ta có thể làm ra các các kiểu lá dùng để lợp mái hay làm vách khác nhau. Mỗi một kiểu lá đều có cách buộc dây riêng khi sử dụng. Dây buộc được gọi chung là “dây lạt”, chúng được làm từ “bẹ” (thân) hoặc “cà bắp” (chồi lá non) của cây dừa nước.
Mẫu nhà ở nguyên thủy của xứ U Minh Thượng là nhà kiểu cột chôn chân xuống đất. Do môi trường ẩm thấp, cột chôn chân dễ bị mục nên người ta sáng tạo thêm mẫu nhà chân cột kê táng. Khi chân cột được kê trên táng đá, cách ly khỏi môi trường ẩm ướt dưới nền đất thì độ bền của bộ cột nhà cũng tăng lên, giúp cho thời gian sử dụng lâu hơn. Song, do nhà kê táng đắt tiền hơn, nên hai kiểu nhà này vẫn song song tồn tại. Ngoài ra cũng cần phải kễ đến sự khác biệt giữa ngôi nhà lá của người Việt và người Khmer. Mẫu nhà nguyên thuỷ của người Khmer không có “hàng ba”, là một hàng cột chống đỡ mái hiên trước ngôi nhà. Đồng thời, người Khmer cũng không làm của sổ, riêng cửa chính thì làm theo kiểu cửa sập chứ không phải cửa đẩy. Về sau này, sự giao thoa văn hoá giữa các cộng đồng tộc người được thúc đẩy, đồng bào Khmer chuyển sang làm nhà theo kiểu của người Việt và người Hoa. Bây giờ nếu bạn muốn tìm hiểu một mẫu nhà Khmer nguyên thuỷ cũng không dễ, vì phải lặn lội đến tận vùng sâu, vùng xa mới có thể tìm gặp.
Sẽ là thiếu sót, nếu không kể đến các kiểu lán trại được các chiến sĩ cách mạng tạo ra trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở căn cứ địa U Minh Thượng. Đây thực chất là những kiểu nhà dã chiến được làm ra trên cơ sở phù hợp với địa hình khí hậu và yêu cầu công việc phục vụ cuộc kháng chiến. Vật liệu để làm láng trại vùng căn cứ cũng là cây, lá. Chính từ khu căn cứ đơn sơ này đã tung ra những đòn chí mạng giáng vào quân địch, góp phần giải phóng miền Nam.
Người ta thường ví ngôi nhà của con người tương tự như tổ của loài chim. Điều này chỉ đúng một phần. Ngôi nhà nói chung, ngôi nhà lá nói riêng không giản đơn là một phương tiện để che mưa, che nắng, mà ở đó còn chứa đựng những yếu tố nhân văn một cách sâu sắc. Nhà không chỉ là chổ dựa thể xác, mà còn là chỗ dựa tinh thần của con người trước nắng táp, mưa sa của thiên nhiên và cuộc đời. Từ nơi thẳm sâu trong tiềm thức của con người vùng U Minh Thượng, ngôi nhà là nơi chứng kiến bao niềm vui, nổi buồn, lúc vất vả nhọc nhằn và khi hạnh phúc ấm no của đời người. Ở nhà, người ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn ở bất cứ nơi nào khác. Khi xa quê hương, người ta lại nói là “nhớ nhà”. Ý nghĩa thiêng liêng của ngôi nhà như vậy nên trước và sau khi dựng nhà, người ta thường cúng vái để cầu mong được sống yên ổn, hạnh phúc. Cho nên, nếu gọi chính xác hơn thì ngôi nhà chính là một “tổ ấm”. Xét ở mặt này, nếu nhìn dưới góc độ văn hoá thì khi bóc khỏi cái vỏ vật chất của nó, bản thân ngôi nhà lá đơn sơ đã chứa đựng trong nó vô vàn những giá trị tinh thần.
Do điều kiện sống ngày càng tốt nhờ kinh tế, xã hội phát triển nhanh, ngôi nhà lá đang được thay thế dần bởi nhà kiên cố. Nhưng hiện tại, ngôi nhà lá vẫn còn tồn tại với một tỷ lệ nhất định tại các khu dân cư. Và, cho dù khi hoàn toàn được thay thế bằng nhà kiên cố, nó vẫn tiếp tục tồn tại trong ký ức của các thế hệ nối tiếp như một phương tiện gắn bó với con người hàng trăm năm qua ở nơi đây.
Nếu ngôi nhà được xem là “mái ấm” thì ngôi nhà lá truyền thống chính là mái ấm tâm linh của con người vùng U Minh Thượng cả trong quá khứ và hiện tại. Đi du lịch ở vùng đất này, nếu không tìm cách vào ở ít nhất một ngày trong căn nhà cây lá thì chắc chắn bạn sẽ không cảm nhận và thấu hiểu được hết những gì đã làm nên tính cách của con người trên vùng đất này.

Nhận xét