SỰ CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT QUÂN SỰ
TÂY PHƯƠNG CHO VIỆT NAM NAM
HỒI CUỐI THẾ KỶ THỨ MƯỜI TÁM
VÀ ĐẦU THẾ KỶ THỨ MƯỜI CHÍN:
TRƯỜNG HỢP NHÀ NGUYỄN
FRÉDRÉRIC MANTIENNE
NGÔ BẮC dịch
Lời người dịch:
Chúng ta có thể ghi nhận được một số điểm quan trọng và từ đó các bài học lịch sử hữu ích trong bài viết dưới đây:
1. Trong tiền bán thế kỷ thứ mười chín, Việt Nam đã có một hệ thống gồm ít nhất 32 thành trì trên khắp nước. Các
thành này, xây dựng theo kỹ thuật quân sự Tây Phương, được đánh giá là
vững chắc và hiện đại nhất so với bất kỳ quốc gia nào tại Á Châu cùng
thời.
2. Với
các thành phố quan trọng đều nằm dọc theo bờ biển hay sông lớn, việc
xây dựng một hải lực hùng mạnh là điều thiết yếu cả về mặt quân sự lẫn
thương mại cho bất kỳ một chính quyền Việt Nam nào. Trong
tiền bán thế kỷ thứ 19, Việt Nam đã có một hải quân hùng mạnh nhất Đông
Nam Á, đã có một vị vua Gia Long tự mình học nghề mộc và xuống xưởng
đóng tàu làm việc hàng ngày, đã gửi sứ bộ sang Trung Hoa lần đầu tiên
bằng thuyền đi biển do chính Việt Nam đóng lấy, đã sử dụng và nỗ lực
đóng tàu chạy bằng hơi nước tân tiến nhất thời bấy giờ tuy không thành
công, và đã có một hải quân có thể đối đầu với bất kỳ quốc gia nào, theo
các quan sát viên đương thời.
3. Ba
vị vua đầu tiên của triều Nguyễn không phải là những người đã theo đuổi
chính sách bế quan tỏa cảng, mà ngược lai, là những nhà lãnh đạo đã
thực hành chính sách mở cửa để tiếp thu và thích nghi các khoa hoc, kỹ
nghệ mới lạ từ bên ngoài có lợi cho quyền lợi của quốc gia./-
Các nhà lãnh đạo triều Nguyễn đã biểu lộ sự quan tâm lớn lao về kỹ thuật quân sự của nước ngoài. Sự
chấp nhận và thích nghi kỹ thuật này của họ tạo thành một chương quan
trọng trong các quan hệ với khối Tây trong lịch sử Việt Nam.
Cuộc
hành quân quân sự đầu tiên của Pháp đánh Việt Nam có nhật kỳ vào tháng
Tư 1847 khi một cuộc hải chiến giữa các chiến thuyền Việt Nam và hải
quân nước Pháp đã xảy ra ngoài khơi thành phố Tourane (Đà Nẵng). Trong
các báo cáo của họ, các sĩ quan phía Pháp có đề cập đến năm chiếc hộ
tống hạm (corvettes) có thiết kế điển hình của Âu Châu, cũng như các
thuyền buồm quân sự cổ truyền (1). Sau này, trong giai
đoạn chinh phục thuộc địa giữa năm 1858-84, các sĩ quan Pháp đều nhất
mực lấy làm khâm phục về sư kiên cố và cách thiết kế các ngôi thành mà
họ đã đột kích để chiếm đóng ở nhiều nơi khác nhau trên xứ sở. Trong cả hai trường hợp, các chuyên viên thuộc hải quân và lục quân Pháp đã nhấn mạnh đến sự thích ứng tuyệt hảo của Việt Nam các kỹ thuật của Âu Châu vào các tình trạng địa phương. Bài nghiên cứu này nhắm vào sự thông thạo của Việt Nam trong việc xây thành lũy và các khoa học hải quân từ khoảng cuối thế kỷ thứ mười tám cho đến tiền bán thế kỷ thứ mười chín.
http://www.vietnamboats.org/Photos/1807annamboat.jpg
VIỆT NAM TRONG THẾ KỶ THỨ MƯỜI TÁM: SỰ CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT QUÂN SỰ CỦA ÂU CHÂU
BỐI CẢNH:
Vào khoảng từ năm 1600 trở về sau, phần đất vốn từng được biết là vương quốc Đại Việt đã bị chia đôi thành hai phần. Tại
miền Bắc, thường được biết bởi các người Âu Châu là Tonkin [tức Đông
Kinh, sử Việt gọi là Đàng Ngoài, chú của người dịch], nhà Lê trị vì
nhưng quyền hành thực sự thuộc vào tay một loạt các Chúa (Lords) trong
gia đình họ Trịnh. Tai miền Nam,
Chúa Nguyễn cai trị từ vùng nay là Huế; trên danh nghĩa họ nằm dưới
quyền chủ tể của nhà Lê nhưng được hưởng trong thực tế sự độc lập. Vương
quốc của họ, được gọi là Cochinchina [sử Việt gọi là Đàng Trong, chú
của người dịch] bởi người phương Tây, dần dần bành trướng đến đáy của
Đồng Bằng sông Cửu Long. Sau nhiều thập kể của chiến tranh
từng đợt kéo dài cho đến tiền bán thế kỷ thứ mười bẩy, hai bên đã đạt
được một sự hưu chiến tồn tại cho đến khi có sự bùng nổ của cuộc tranh
chấp với Tây Sơn năm 1771. Ba anh em nhà Tây Sơn, các kẻ
đã lấy tên gọi từ ngôi làng của họ tại vùng thượng du tỉnh Bình Định, đã
thành công trong việc lật đổ cả hai nhà cai tri họ Nguyễn và vua
Lê/Chúa Trịnh, nhưng chưa bao giờ hoàn tất việc củng cố quyền hành của
họ. Sau ba thập kỷ chiến tranh, nhà Nguyễn đã đánh bại họ và thành lập một đế triều cai trị một vương quốc Việt Nam thống nhất.
Mặc
dù cả Chúa Trịnh lẫn Chúa Nguyễn đều quan tâm đến việc thu mua súng ống
do Âu Châu sản xuất trong thế kỷ mười bẩy, các kỹ thuật liên hệ đến sự
xây dựng thành lũy và đóng tàu xem ra không được họ quan tâm mấy (2). Sự “nhập cảng” kỹ thuật quân sự đặc biệt trở nên quan trọng tại Việt Nam trong thời nội chiến với Tây Sơn. Sau
một cuộc chiến thắng then chốt của Tây Sơn hồi năm 1773, và sự từ trần
kế tiếp của hầu như tất cả các hoàng tử gia tộc Chúa Nguyễn, vị hoàng tử
cuối cùng kháng cự -- Nguyễn Ánh, tức Gia Long Hoàng Đế sau này (trị vì
từ 1802 – 20), bị bắt buộc chạy trốn xuống tận vùng Đồng Bằng sông Cửu
Lọng. Ông hoàng trẻ quen biết trong năm 1776 hay 1777 với một giáo sĩ
truyền đạo người Pháp, Pigneaux de Béhaine, Giám Mục địa phận Adran, khi
đó đang sống tại Hà Tiên. Nguyễn Ánh nhiều lần tìm cách
gia tăng quân số để chiến đấu chống trả Tây Sơn, nhưng hàng năm trong
khoảng từ 1775 đến 1788, các đội quân và hạm đội hùng mạnh của Tây Sơn
đã đánh đuổi lực lượng của ông và chiếm giữ nhiều nơi hơn nữa trong vùng
Đồng Bằng, bắt buộc ông phải lui về vùng đầm lầy và sau đó ra khỏi đầt
liền để trú ơ các đảo trong vịnh Thái Lan.
Trung
tâm quyền lực của Tây Sơn được đặt tại vùng đã từng là các tỉnh trọng
tâm của vương quốc nhà Nguyễn; nhờ thế, họ có thể dựa vào các tỉnh đông
dân cư nhất để gia tăng số lính. Các đội quân của họ thường được nói có quân số lên tới cả 200,000 người và đôi khi còn hơn thế. Ngược
lại, Nguyễn Ánh chỉ có thể dựa vào dân số gốc người Việt thưa thớt tại
phần phía nam Đồng Bằng, cùng với các dân định cư gốc Trung Hoa và Mã
Lai trong khu vực. Về mặt quân số, các lực lượng đa chủng
tộc này không thực sự cân xứng với các đội quân đông đảo của Tây Sơn,
bên còn có một hải lực hùng mạnh bao gồm hàng trăm chiến thuyền buồm và
chèo [galleys: thuyền buồm sàn thấp, chạy vừa cả bằng buồm lẫn tay chèo,
chú của người dịch] và các thuyền nhỏ hơn, được tăng cường bởi các hải
tặc Trung Hoa được tuyển để đie6`u khiển các thuyền buồm của họ. Các chiến dịch hành quân hỗn hợp của hải và lục quân Tây Sơn đưa đến nhiều cuộc thất trận nặng nề của lực lượng của Nguyễn Ánh. Họ
không thể nào kháng cự các cuộc xâm nhập hàng năm vào phương Nam bởi
các lực lượng Tây Sơn nhằm thu vét số thu hoạch lúa gạo, hay không thể
phòng thủ được Sàigòn. Pigneaux đã thuyết phục ông hoàng
trẻ tuổi rằng ông chỉ có thể đương đầu được ưu thế quân sự của Tây Sơn
bằng cách áp dụng các trang thiết bị và các chiến thuật của Âu Châu (3).
http://www.vietnamboats.org/Photos/PCvnpcardjunshanoi.jpg
Khúc quanh đã trùng hợp với chuyến du hành của Pigneaux sang Pondicherry
và sau đó về Pháp trong thời khoảng giữa 1785 đến 1789, khi ông đã ký
kết một hiệp ước quân sự với triều đình Pháp nhân danh Nguyễn Ánh. Vào
lúc cuối cùng ông đã không thể thuyết phục được triều đình Pháp thực
thi bản hiệp ước, nhưng ông đã thành công trong việc gây quỹ đủ tài
chính và khuấy động đủ sự quan tâm của người Pháp về tương lai của
Nguyễn Ánh giúp thu gom được nhiều kiện vũ khí và đạn dược xuất phát từ
Pondicherry và đảo Mauritius. Nhiều chiến thuyền đã ở lại
Cochinchina và được thuê mướn bởi Nguyễn Ánh và thủy thủ đoàn của chúng,
cùng với một nhóm nhỏ các sĩ quan người Pháp mà ông giám mục đã thuyết
phục họ gia nhập hàng ngũ. Họ chính yếu là các sĩ quan hải
quân, nhưng hai người là các chuyên viên lục quân rất thông thạo về
pháo binh và các kỹ thuật xây dựng các công sự phòng thủ. Điều thường
được xác định là đã có tới 400 người Pháp phục vụ trong quân đội của
Nguyễn Ánh, nhưng con số này đã được phóng đại quá lố (4). Dựa
theo các nguồn tư liệu đương đại của Pháp, chúng ta có thể ấn định rằng
nhiều nhất cchưa có tới 100 người Pháp tại Cochinchina trước năm 1792,
và chỉ có ít người ở lại sau thời điểm đó – có lẽ khoảng mười hai sĩ
quan và một vài người lính. Trong thời khoảng từ 1799 đến
1802, khi mà sự giao tranh mãnh liệt nhất đã xảy ra trước khi có sự
chinh phục Việt Nam của Nguyễn Ánh, chỉ có bốn sĩ quan hải quân là hãy
còn có mặt tại Cochinchina (Đàng Trong)(5). Vì thế không thể nào nói rằng cá nhân họ đã làm thay đổi diễn biến của các sự việc. Tuy
nhiên, họ đã huấn luyện quân đội của Nguyễn Ánh về các kỹ thuật mới và
đã chia sẻ các kỹ thuật chiến đấu giúp cho quân lính và thủy thủ của ông
cân bằng được ưu thế của quân đội Tây Sơn.
Các
kỹ thuật Âu Châu đã được sử dụng trong việc xây dựng thành lũy và đóng
thuyền trong suốt các thập niên sau cùng của thế kỷ thứ mười tám kéo dài
trong một giai đoạn lâu dài trong lịch sử Việt Nam. Chúng
vẫn còn được phát triển và cải tiến trong suốt các thời trị vì của các
vua Gia Long, Minh Mạng (1820-40), và Thiệu Trị (1841-7). Bài viết này vì thế sẽ tập trung chủ yếu vào ba nhà lãnh đạo này.
Thành Bắc Ninh (hinhxua .free.fr)
CÁC SỰ XÂY DỰNG THÀNH LŨY
Nghệ thuật các công trình phòng thủ đã có từ rất lâu đời tại Việt Nam. Công trình phòng thủ to lớn cổ xưa nhất là kinh đô của An Dương Vương tại thành Cổ Loa, cách Hà Nội 15 cây số. Có
nhật kỳ từ thế kỷ thư ba trước Thiên Chúa, thành lũy này gồm ba phòng
tuyến khác nhau có hình vòng cung, phòng tuyến thứ nhất và rộng nhất đo
được 3 km nhân 2 km. Phòng tuyến thứ nhì dài 6.5 km và phòng tuyến thứ ba dài 1.6 km, bao quanh tòa thành và hoàng cung. Các tường thành, ở một số nơi cao tới 10 – 12 mét, được đắp bằng đất và hãy còn được trông thấy. Cần
phải ghi nhớ rằng họa đồ của tòa thành này được phỏng theo một kiểu mẫu
của Trung Hoa, đặc biệt là có hình chữ nhật cho tường thành phòng thủ
trong cùng.
Vào
cuối thế kỷ thứ mười bốn, Hồ Quý Ly, kẻ thoán ngôi sau này bị bắt giữ
bởi Trung Hoa, đã dựng một tòa thành tại tỉnh Thanh Hóa. Thành này hình vuông, 500 mét nhân với 500 mét, xây bằng đá có trát đất ngoài mặt. Nhiều viên đá này, đo được 7 mét theo chiều dài và cao 1.5 mét, cân nặng 16 tấn. Trong
thế kỷ thứ mười lăm, nhiều thành trì khác được xây dựng theo lệnh của
vua Lê Thánh Tôn (trị vì từ 1459 đến 1497): tại Hà Nôi, Thanh Hóa, Đồng
Hới và Ải An Nam [Port d’Annam: Ải Nam Quan (?), chú của người dịch]. Một
vài thành (Hà Nội và Thanh Hóa) được xây theo mẫu hình vuông của Trung
Hoa, trong khi các thành tọa lạc tại các vùng núi non được xây cất theo
hình thể các ngọn núi tương tự như Vạn Lý Trường Thành tại Trung Hoa
(6). Trong những năm 1600, các Chúa Nguyễn đã xây dựng một
hệ thống thành trì phức tạp nơi biên giới phía bắc nhằm đẩy lui các
cuộc viễn chinh của các kẻ địch của họ từ Tonkin (Đàng Ngoài). Hệ
thống này bao gồm nhiều bức tường lũy (như ở Trường Đức [đúng ra là
Trường Dục (?), chú của người dịch] và Đồng Hới), một số chạy dài cả 10
kilimét, với một tòa thành tại Dinh Muôi [?], nơi mà bộ chỉ huy, các kho
lúa gạo và cơ quan hành chánh tỉnh Quảng Bình tọa lạc. Trường lũy ở Đồng Hới đánh dấu biên giới giữa hai vương quốc Việt Nam. Biên
giới được đắp tường thành kiên cố này, tương tự như Trường Thành hay
các bức tường thành được gia cố khác (bằng đá vôi) được. thiết lập bởi
người La Mã tại các biên giới đế quốc của họ, thì rất hữu hiệu. Một
vài cuộc tấn công quan trọng của các lực lượng nhà Trịnh đã bị đẩy lui
bởi quân đội nhà Nguyễn trong thế kỷ thứ mười bẩy, đưa đến một sự đình
chiến giữa hai “vương quốc” kéo dài đến hàng trăm năm (7).
Cửa Thành Bắc Ninh (hinhxua .free .fr)
Nghệ thuật xây dựng thành trì, khi đó, được hay biết bởi người Việt Nam, chính yếu dựa trên tiêu chuẩn Trung Hoa, có hình vuông hay hình chữ nhật. Sau khi chiến tranh giữa Đàng Ngoài (Tonkin) và Đàng Trong (Cochinchina) thực sự được chấm dút vào năm 1672, ít có bằng chứng về bất kỳ sự xây dựng quân sự mới nào. Tuy
nhiên trong thế kỷ thứ mười tám, chiến tranh Tây Sơn đã châm ngòi cho
sự phục hồi tầm quan trọng của các thành trì phòng thủ tại Việt Nam, bởi
có nhiều cuộc bao vây và nhiều thành trì mới đã được xây dựng ở cả hai
bên. Tây Sơn đã củng cố kinh đô của họ tại Chà bàn, gần
Thị Nại (cũng là một quân cảng quan trọng, phía bắc Qui Nhơn) với các
tường thành bao quanh thành phố và một t0a` thành sẽ chứng kiến nhiều
cuộc vây hãm. Chúng ta chỉ có thể giả định rằng các thành
trì này được xây bằng các bức tường đất có cắm tre trên bờ tường, sử
dụng các bức tường thành cổ xưa hơn của người Chàm được xây bằng gạch.
Trong khi đó, Nguyễn Ánh phát triển Sàigòn thành kinh đô của ông; thành phố và khu vực bao quanh được gọi chung là Gia Định. Từ căn cứ này ông đã kháng cự Tây Sơn và sau cùng đã khởi sự công cuộc tái chinh phục toàn thể xứ sở. Tuy nhiên, ông đã phải mất nhiều năm để đạt được điều đó. Như
đã ghi nhận, cứ vào mùa xuân Tây Sơn đã phái các đôi quân và hạm đội
đông đảo vào để thu đoạt số thu hoạch lúa gạo tại khu vực Gia Định. Các
lực lượng mỏng manh của Nguyễn Ánh nhiều lần bị rượt đuổi, và ông hoàng
bị bắt buộc rời khỏi thành phố và, trong thực tế, phải xa xứ sở trong
một thời kỳ để sống lưu vong. Sau đó ông tìm cách quay về, và trong tháng Bẩy năm 1789 Giám Mục Adran đã trở lại Sàigòn từ Pháp xuyên qua Pondicherry. Một
trong những bước tiến đầu tiên của Nguyễn Ánh là đã tận dụng kiến thức
quân sự của các sĩ quan Pháp bằng cách yêu cầu họ vẽ các họa đồ, và
trông nom việc xây dựng, một tòa thành tân tiến tại Sàigòn theo thiết kế
của Âu Châu. Họa đồ được vẽ bởi Theodore Lebrun và Victor Olivier de Puymanel; 30,000 người đã được huy động để xây dựng tòa thành. Cư
dân Sàigòn và quan chức của họ bị đánh thuế nặng nề để xây thành, và
các công nhân bị thúc ép mạnh mẽ đến nỗi một cuộc nổi loạn đã bùng nổ
(8).
Tòa thành được xây bằng đá; chu vi đo được 4,176 mét. Mặc
dù được xây theo một mô thức Vauban điển hình, thành Sàigòn dù thế
thường được mô tả là theo kiểu “Trung Hoa”, được thiết kế như một thành
phố gồm tám hào, với hình bát giác của một đóa hoa sen, có tám cổng (9).
(Sébastien Le Prestre [1633-1707], Lãnh Chúa vùng Vauban và là Thống
Chế của nước Pháp, đã tổ chức sự phòng thủ của các biên giới nước Pháp
bằng việc xây dựng hay tái chỉnh trang hơn 300 tòa thành và các thành
phố có công sự phòng thủ được kiên cố hóa. Tập khảo luận về sự tấn công và phòng thủ các tòa thành (Treatise on the attack and defence of citadels)
của ông đã được ấn hành sau khi đã từ trần vào năm 1737, và các ý nghĩ
của ông về sự xây dựng các công sự phòng thủ đã được thực hành tại Âu
Châu trong hơn một thế kỷ. Các thành trì được xây dựng theo các mẫu thiết kế của ông có thể được tìm thấy trong các thành phố thuộc địa chẳng hạn như Pondicherry, Madras và Calcutta.)
Thành Sơn Tây, 1884 (hinhxua.free.fr)
Điểm
mâu thuẫn này có thể được khảo sát trong nhiều chi tiết hơn, bởi nó sẽ
giúp để nhấn mạnh một số đặc điểm của tòa thành được xây dựng tại Sàigòn
trong năm 1790. Các tư liệu Việt Nam cùng thời liên quan
đến các hoạt động của các người lính đánh thuê Âu Châu đến trợ giúp
Nguyễn Ánh thì khá hiếm, và về tòa thành cũng chịu chung một sự im lặng
như thế. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, một
quyển từ điển địa lý biên soạn bởi ông Lê Quang Định vào năm 1806 theo
lệnh của vua Gia Long, không đề cập bất kỳ điều gì về tòa thành này. Gia Định thành thống chí,
một quyển sách mô tả về Gia Định được viết trong thời trị vì của vua
Minh Mạng bởi ông Trịnh Hoài Đức, xem ra đã loại bỏ một cách cẩn thận
bất kỳ sự đề cập nào về các ngoại nhân hay các thành quả của họ. Đại Nam liệt truyện,
một tập tóm tắt tiểu sử các nhân vật triều Nguyễn cũng được viết dưới
thời vua Minh Mạng, có chưa đầy hai trang dành cho Giám Mục Adran và các
sĩ quan theo ông sang Cochinchina, nhưng vẫn không có gì nói về tòa
thành (10).
Sự đề cập duy nhất về tòa thành xây trong năm 1790 được tìm thấy trong quyển Đại Nam nhất thống chí,
một toàn thư về địa lý của Việt Nam; nó đã được sử dụng như một sự tham
khảo để mô tả về sự thiết kế của tòa thành đầu tiên – hình bát giác –
có hình hoa sen với tám cổng – và để kết luận rằng mẫu thiết kế là theo
kiểu “Trung Hoa”. Quyển sách này được viết dưới thời trị
vì của vua Tự Đức (1848-83), tuy nhiên, đã có một thời gian dài qua đi
sau khi có sự triệt hủy tòa thành. Các chi tiết về thiết kế của tòa thành xem ra có vẻ có tính cách thơ văn hay mỹ từ nhiều hơn là dựa vào thực tế (11). May mắn thay, chúng ta có thể tham khảo các sự tường thuật đương thời. Trước
tiên, có hai bản đồ đương đại về Sàigòn, lần lượt được vẽ trong các năm
1799 và 1815, với một cảnh quan rất rõ về tòa thành. Trên
cả hai bản đồ, tòa thành rõ ràng xuất hiện như được xây cất trên một
họa đồ hinh vuông, với bốn tháp canh chính ở các góc thành, và sáu tháp
canh thấp hơn phân nửa và các pháo đài nhô ra ngoài tường thành cùng các
mô đất, theo kiểu thiết kế của Vauban. Không thể nào nhìn thấy bất kỳ thiết kế hình bát giác nào nơi hình vẽ này (12).
Hơn nữa, các du khách ngoai quốc thăm viếng tòa thành đầu tiên hồi đầu thập niên 1820 không có gì hồ nghi về thiết kế của nó. John Crawfurd đã viết rằng “Thành Sàigòn, hay đúng hơn Pingeh [Bến Nghe’?, chú của người dịch] có hình dạng một hình bình hành … Tôi phỏng đoán, theo bên ngoài, rằng chiều dài nhất của tứ giác có thể vào khoảng ba phần tư dặm”. George Finlayson đã mô tả kiến trúc có “hình tứ giác, và mỗi chiều kéo dài khoảng nửa dặm” (13). Một
du khách thứ ba, John White, chỉ nhìn thấy bốn trong số tám cổng, nhưng
Crawfurd thì nói rõ hơn về điểm này: “Ngoại trừ bốn lối ra vào chính …
các cổng bao gồm bốn cổng lớn và nhiều cổng nhỏ” (14). Bốn
cổng nhỏ được quan sát bởi Crawfurd phù hợp với các nguyên tắc của
Vauban: đôi khi mở trực tiếp vào các hào giao thông, nhằm giúp cho đôi
quân xông ra ngoài một cách mau lẹ và tấn công các lực lương bao vây. Sự giải thích này cho tám cổng nghe ra có vẻ hợp lý hơn, đặc biệt khi ta cứu xét thấy họa đồ không có hình bát giác.
Về
vấn đề không rõ tòa thành có theo thiết kế kiểu “Trung Hoa” hay không,
chúng ta sẽ lại tham khảo hai bản đồ, rõ ràng cho thấy một mô thức
“Vauban” hoàn hảo, và về lời chứng thực của ba vị du khách. Theo Crawfurd, “họa đồ nguyên thủy có mang tính chất Âu Châu, nhưng bị bỏ ngang chưa hoàn tất. Nó
có một bờ dốc thường lệ quanh pháo đài, bãi đất trống quanh thành, một
hào khô ráo có chiều ngang khá rộng, và các tường lũy và pháo đài thông
thường … Bên trong thành được sắp xếp ngay ngắn và sạch sẽ, và phơi bày
một dáng vẻ của trật tự và cách sắp xếp kiểu Âu Châu.” Finlayson mô tả nó như “một thành mới được xây cất trong các năm gần đó, theo những nguyên tắc của công sự phòng thủ Âu Châu. Nó
có xây đắp một bờ dốc thông thường quanh pháo đài [để nâng kẻ địch vào
đúng tầm bắn của quân phòng thủ sau pháo đài, chú của người dịch], hào
ướt nước, và một tường lũy cao, để khống chế vùng đất bao quanh” (15).
Để có đủ các yếu tố này trong thiết kế Âu Châu của tòa thành đầu tiên
tại Sàigòn được xây cất bởi Nguyễn Ánh, chúng ta có thể tham khảo cuộc
khảo cứu của Louis Malleret về nền móng tòa thành, vốn được khám phá ra
hồi thập niên 1920 (16).
Liệu chúng ta có thể nói tòa thành xây theo “kiểu Trung Hoa” chỉ vì nó có thiết kế theo hình tứ giác hay chăng? Cần
phải nhấn mạnh rằng các kỹ sư người Pháp, Lebrun và Olivier, đã không
lựa chọn địa điểm, bởi họ đã sử dụng tường thành của tòa thành cũ. Ngay
dù thế, địa điểm này thì hoàn hảo để xây dựng một tòa thành, bất kể
theo kiểu gì: một nền đất cao gần sông, với ba mặt được bao bọc bởi dòng
nước tự nhiên (Sông Sàigòn, Kinh Tàu [?] (Arroyo Chinois) và Kinh
Arroyo de l’Avalanche [?]). (Cần phải vạch ra rằng địa
điểm xây thành thích hợp một các tuyệt hảo với các điều kiện về phong
thủy, chạy theo hướng tây bắc/đông nam – được chỉ một cách rõ ràng bởi
địa bàn đặt trên bản đồ vẽ năm 1815 – và ba dòng nước mang lại năng lực
sinh động, cùng với một sự phòng thủ tự nhiên mạnh mẽ). Cơ
cấu hình tứ giác có vẻ như thích hợp nhất với các điều kiện thiên nhiên
của địa điểm, bất kể có theo kiểu truyền thống Trung Hoa hay không. Một
thí dụ tuyệt hảo – hãy còn tồn tại – là tòa thành Vauban tương tự như
thành Sàigòn là tòa thành được xây dựng trên đảo Ré, gần vùng La Rochelle trên bờ biển nước Pháp.
Thực
ra bằng chứng rõ rệt duy nhất của thiết kế “Trung Hoa” là phần trang
trí các cổng, mà Finlayson đã mô tả là “đẹp đẽ và được trang hoàng theo
kiểu Trung Hoa”. Crawfurd ghi nhận rằng “các cổng ra vào
lớn được xây bằng đá và vôi, và được xây cất rất là công phu, mặc dù một
tháp canh kiểu Trung Hoa vớI hai tầng mái che làm cho chúng có một vẻ
kỳ cục và phi quân sự”. White cũng ghi nhận rằng các cổng được gia cố bởi cấu trúc bằng sắt như ở Âu Châu (17).
Thành Sàigòn bị mời gọi để chứng tỏ sức mạnh của nó một lần duy nhất, và không phải là để chống lại quân Tây Sơn. Trong
năm 1832, một cuộc nổi loạn dưới sự lãnh đạo của Lê Văn Khôi bùng nổ
tại miền Nam chống lại vua Minh Mạng, và các kẻ nổi dậy sau hết đã bị
bao vây trong thành bởi quân đội hoàng gia. Cuộc bao vây
kéo dài trong hai năm (1884-5). Và nhiều cuộc tấn công đã bị đẩy lui một
cách hữu hiệu trước khi tòa thành bị thất thủ. Cũng cần
phải ghi nhận rằng quân đôi triều đình đã áp dụng các chiến thuật được
đề nghị bởi Vauban để hướng dẫn một cuộc bao vây như thế, đã đào các hào
để tiến tới tường thành (18).
Bây giờ chúng ta hãy trở lại với cuộc tranh chấp cùng Tây Sơn. Thành
Sàigòn đã có một tầm quan trọng sinh tử cho Nguyễn Ánh: một khi nó đã
được hoàn tất, ông có được một đồn lũy thực sự tại miền Nam, và từ thời
điểm đó trở về sau, Tây Sơn không bao giờ còn mưu toan đánh chiếm Sàigòn
nữa. Sự xây dựng tòa thành là một điểm ngoặt, cho phép
ông sau hết suy tính về sự tái chinh phục chứ không chỉ cho việc đề
kháng; như chúng ta sẽ thấy, sự chế ngự được đặt nền trên đá, nhưng cũng
trên sức gió, có nghĩa hải quân. Ít năm sau đó, sự kiểm soát các đồn
trại đã giúp Nguyễn Ánh trong công cuộc chinh phục Việt Nam. Hàng
năm chiến hạm của ông thường rời Gia Định và giương buồm bắc tiến trong
tháng Sáu-tháng Bẩy – khi gió nồm thổi từ hướng tân nam lên trên – để
phối hợp với lục quân của ông xâm nhập vào đất Tây Sơn và phóng ra các
chiến dịch hỗn hợp. Khi gió mùa đảo ngược, hạm đội phải quay hướng xuôi nam, nhờ sức gió thổi từ hướng đông bắc xuống.
Trong
năm 1794, sau một chiến dịch thành công tại khu vực Nha Trang, thay vì
triệt thoái về miền nam trước khi gió mùa đổi chiều, Nguyễn Ánh đã tạo
lập một tòa thành tại Duyên Khánh [sách Việt Nam gọi là Diên Khánh (?),
chú của người dịch], gần thành phố. Được xây dựng bởi de Puymanel năm
1793, tòa thành được đóng quân dưới sự chỉ huy của người con trai cả và
thừa kế Nguyễn Ánh, Hoàng Tử Cảnh, có sự trợ giúp bởi Giám Mục và ông de
Puymanel. Quân Tây Sơn bao vây thành trong tháng Năm 1794, nhưng không lấy được thành (19). Không
lâu sau khi cuộc bao vây chấm dứt, các lực lượng chúa Nguyễn từ Sàigòn
quay ra Nha Trang và tái lập các chiến dịch quân sự tại khu vực sau khi
quân đồn trú được giải vây. Lần đầu tiên kể từ khi khởi sự
cuộc chiến, các lực lượng của Nguyễn Ánh đã tìm cách ở lạI trong mùa
thời tiết bất lợi tại một khu vực từ lâu nằm dưới sự kiểm soát của Tây
Sơn. Vì thế các thành Sàigòn và Duyên Khánh đã đóng một
vai trò rất quan trọng trong sự thành công của ông, không phải về mặt
quân sự -- mặc dù sự vây hãm thành Duyên Khánh đã là một cuộc giao chiến
thực sự -- cho bằng khía cạnh tâm lý. Sàigòn tác động như một sự phòng ngự mạnh mẽ, và Duyên Khánh như một cái gai đâm vào da thịt của Tây Sơn.
Vào
lúc khi mà cuộc chiến tranh đã qua và Việt Nam được thống nhất dưới
triều Hoàng Đế Gia Long năm 1802, chỉ có hai tòa thành được xây cất,
dưới sự điều khiển của các sĩ quan người Pháp. Tuy nhiên,
rõ ràng là vua Gia Long và vua Minh Mạng đã bị thuyết phục bởi hiệu quả
của chúng, vì trong thời bình chúng ta sẽ chứng kiến sự xây cất đến 32
tòa thành mới được xây theo thiết kế Vauban trong giai đoạn từ 1802 đến
1844: mười một thành dưới thời Gia Long, hai mươi thành dưới thời Minh
Mạng, và một thành dưới thời vua Thiệu Trị. Các tòa thành
mới này đã tạo thành một màng lưới đáng nể sợ trên khắp vương quốc, trải
dài từ bắc xuống nam, từ Cao Bằng tới Hà Tiên. Bảng 1 là một danh sách các thành này, với nhật kỳ khởi đầu xây cất (nếu có được nhật kỳ) và hình dạng cấu trúc của chúng (20).
Sự,
quan sát trước tiên được ghi nhận về các thành lũy này được xây theo
kiểu Vauban trong thế kỷ thứ mười chín là hình thể của chúng, hoặc là
hình lục giác hay ngũ giác (với một ít ngoại lệ có hình tứ giác). Thiết
kế Vauban thường có nghĩa chúng sẽ được bố trí với càng nhiều tháp canh
càng tốt ngõ hầu đối chọi với kẻ thù bằng sức mạnh phòng thủ tối đa,
trái với thiết kế Trung Hoa cổ truyền với hình vuông hay chữ nhật. Các
thiết kế đa giác được sử dụng dưới thời Nguyễn Ánh/Gia Long trong thời
khoảng từ 1790 đến 1820; các thí dụ rõ nhất là thành ở Bắc Ninh, Vinh và
Sàigòn. Đến mức độ mà chúng ta có thể xác định được, trong thời trị vì
của vua Minh Mạng hình thể các thành mới được xây cất đã thay đổi thành
hình vuông hay hình chữ nhật, chỉ có bốn tháp canh ở bốn góc. Thành
Sàigòn cung cấp một thí dụ tuyệt hảo về sự thay đổi này. Được xây cất
trong năm 1790 theo mô thức Vauban trên một thiết kế hình tứ giác với
mười tháp canh (bốn tháp bên trong và sáu tháp ở vòng ngoài), nó đã bị
gỡ bỏ năm 1835 theo các mệnh lệnh của vua Minh Mạng tiếp theo sau cuộc
nổi loạn của Lê Văn Khôi. Ngay sau đó, vua Minh Mạng đã
khởi sự cho xây một thành mới, lần này với một thiết kế đơn giản hơn
nhiều, theo hình tứ giác và chỉ có bốn tháp canh.
BẢNG 1:
Các Thành Được Xây DướI Triều Nguyễn
________________________________________________________________________
Địa điểm của thành Mẫu thiết kế
Sàigòn (1790) Tứ giác
Duyên Khánh (1793) Không rõ
Vinh (1803?), Thanh Hóa (1804) Lục giác
Huế (1805) Tứ giác
Bắc Ninh (1805 bằng đất, 1825 đá ong, 1845 gạch) Lục giác
Quảng Ngãi (1807) Ngũ giác
Hải Dương (1807) Ngũ giác
Hà Tĩnh (đất, 1810?), Thái Nguyên (1813) Tứ giác
Vĩnh Long (1813) Lục giác
Khánh Hòa (1814) Không rõ
Bình Định (1817) Không rõ
Hưng Hóa (1821) Tứ giác
Sơn Tây (1822) Tứ giác
Quảng Bình và Cao Bằng (1824) Không rõ
Định Tường (1824) Không rõ
Quảng yên (1827) Không rõ
Nghệ An (1831) Không rõ
Hưng Yên (1832) Tứ giác
Nam Định (1833) Tứ giác
Hà Tĩnh (1833) Tứ giác
Quảng Nam (1833) Không rõ
An Giang (Châu Đốc), Hà Tiên, Lạng Sơn (1834) Không rõ
Hà Nội (1835) Tứ giác
Gia Định (Sàigòn, xây lại) (1836) Tứ giác
Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Trị (1837) Không rõ
Biên Hòa (1838) Không rõ
Tuyên Quang (1844) Không rõ
_____________________________________________________________________
Liệu ta có thể kết luận, khi đó, rằng kiểu Âu Châu của Vauban đã bị vứt bỏ để theo các mô thức Trung Hoa cổ truyền hay chăng. Điều
đã được xác quyết rằng không có sự trợ giúp của các cố vấn Âu Châu, các
kỹ sư Việt Nam không còn có thể xây dựng các cấu trúc theo thiết kế Âu
Châu và điều này giải thích sự quay về mô thức hình vuông hay hình chữ
nhật Trung Hoa cổ truyền sau thời trị vì của vua Gia Long. Tuy
nhiên, trong thực tế, các thành mới xây sau năm 1822 thực sự được thiết
kế với những sự sửa đổi mới nhất trong sự xây cất các công sự phòng thủ
được phát triển tại Âu Châu vào lúc đó. Thí dụ, thành Sàigòn được xây lại năm 1836 có hình chữ nhật, với bốn tháp canh lớn ở bốn góc. Các
tháp canh vòng ngoài và các pháo đài chìa ra ngoài như cái sừng (horn
works), nét đặc thù gắn liền với mẫu thiết kế Vauban được họa ra khi
pháo binh còn có tầm tác xạ ngắn, nay không còn được áp dụng nữa. Sự bố trí của nó rất giống với các đồn lũy được xây tại Pháp trong thời đệ nhất Đế Chính (1804-14). Ta co thể đặc biệt nghĩ đến Đồn Liédot trên
bờ biển Đại Tây Dương và phần lớn các đồn lũy được xây dựng sau đó, kể
cả các đồn lũy chung quanh Paris được dựng lên sau năm 1840 (22). Trong các thập niên 1830 và 1840, cùng các loại đồn và thành đã được xây cất ở cả Việt Nam lẫn Âu Châu. Thay
vì đơn giản hóa các họa đồ kiểu Vauban bởi có tình trạng được giả định
là vô khả năng của họ để xây cất công trình phức tạp như thế, khi đó,
các kỹ sư Việt Nam ngược lại, đã thực hành theo những kỹ thuật mới nhất
của Âu Châu.
Một
thí dụ khác về sự thích nghi này đối với các sự phát minh mới nhất của
Âu Châu được cung cấp bởi Finlayson, kẻ đã đến thăm Huế vào năm 1822 và
lấy làm kinh ngạc về tòa thành của nó, hãy còn đang được kiến thiết. Như ông đã viết:
Phần này của bức tường thành mới được hoàn tất trong năm nay, có một tình trạng rất hoàn chỉnh. Tuy
thế, nhà vua hiện nay [Minh Mạng], không hoàn toàn hài lòng, như vị vua
tiền nhiệm, với các nguyên tắc của thiết kế kiểu Vauban. Theo đó ông cho xây các ổ đặt súng đại bác theo họa đồ do chính ông phát minh ra. Thứ
tự của chúng bị đảo ngược, có nghĩa, chúng có kích thước thu hẹp theo
chiều hướng chiếu xuống dưới hào [tức chiều dưới đáy, chú của người
dịch], và kích thước rộng hơn bên trên hướng lên phía bờ thành!
Finlayson nói thêm rằng các ổ đặt súng này tạo thành “phần duy nhất khả dĩ chỉ trích được trong công trình”. Tuy
nhiên, một chú thích từ nhà biên tập đã đính chính tác giả, xác nhận
rằng kiểu xây dựng các lỗ đặt súng này đã được khuyến cáo từ lâu và
trong thực tế đã được áp dụng tại Âu Châu trong vài thập kỷ (22).
Cả
hai trường hợp – thành mới ở Sàigòn và các sự sửa đổi của thành ở Huế
-- chứng tỏ rằng các kỹ sư của vua Minh Mạng đã am hiểu tường tận các sự
phát triển và cải tiến mới nhất trong nghệ thuật xây dựng công sự phòng
thủ tại Âu Châu và đã tức thời thích nghi chúng vào trong các công
trình của họ. Chúng ta có thể giả thiết rằng thông tin này
đã được cung cấp bởi Jean-Baptiste Chaigneau, một trong hai sĩ quan hải
quân đã ở lại Huế sau khi chiến tranh kết thúc, vì ông dã về Pháp vào
năm 1819 và sau đó quay trở lại Việt Nam hai năm sau đó. Ông được biết
có mang về nhiều sách vở được đặt mua bởi vua Gia Long, bao gồm các sự
nghiên cứu khoa học và kỹ thuật mới nhất (23). Vai trò của
Chaigneau như là kẻ cung cấp những sách vở Âu Châu mới nhất về các bộ
môn này được suy luận là vì có sự kiện rằng các tòa thành được dựng bởi
vua Gia Long (trước khi có sự khởi hành của Chaigneau năm 1819) đã được
xây theo họa đồ kiểu Vauban, trong khi sau khi ông trở lại Việt Nam vào
đầu thời trị vì của vua Minh mạng, tất cả những gì mà chúng ta có được
là một họa đồ hay một sự mô tả theo thiết kế hình tứ giác (xem Bảng 1).
Như
đề cập ở trên, thành Sàigòn được xây cất dưới sự chỉ đạo của Puymanel
và Lebrun, và thành Duyên Khánh bởi Puymanel; hai sĩ quan này đã rời xứ
sở rất lâu trước khi chiến tranh chấm dứt. Khi vua Gia
Long bắt đầu xây các thành khác sau năm 1802, chỉ có bốn người Pháp hãy
còn sống ở Việt Nam -- một bác sĩ y khoa và ba sĩ quan hải quân – và
không có bằng cớ cho thấy họ có thể đã dính líu đến sự xây dựng các
thành lũy. Mà ngược lại, mọi tài liệu cung ứng xác nhận rằng các kỹ sư Việt Nam độc lực vẽ họa đồ và giám sát các sự xây cất này (24). Họ
đã được huấn luyện bởi Lebrun và Puymanel trong nghệ thuật xây dựng
công sự phòng thủ kiểu Vauban, và họ cũng có một vài sách vở và bản vẽ
được phiên dịch bởi Giám Mục Adran. Thí dụ, có một bản đồ
đề năm 1773 nhan đề “Một bản đồ quân sự [bao gồm] mọi phần chính [để
phòng thủ hay tấn công] ở một địa điểm được xây dựng theo sự ghi nhớ của
Thống Chế vùng Vauban của J. E. Duhamel, kỹ sư hoàng gia”. Tác
phẩm này, hãy còn được cung cấp tại Việt nam hồi năm 1921, bao gồm các
sự phiên dịch sang tiếng Việt Nam các tên gọi và sự mô tả khác nhau cho
nhiều loại bộ phận của công sự phòng thủ được suy tư bởi Vauban; chắc
chắn là nó đã được dùng để huấn luyện các kỹ sư Việt Nam (25). Một
toán đăc nhiệm cũng đã được thành lập để phụ trách việc xây dựng và bảo
trì các thành lũy này; sự tạo lập văn phòng Giám Thành này (Citadel
supervision) thuộc Bộ Binh nhấn mạnh đến tầm quan trọng mà vua Gia Long
đã có cho vấn đề này (26).
Các
tòa thành này là các bản sao toàn hảo của các thiết kế kiểu Vauban,
nhưng dù thế chúng cũng thích nghi với các nét đặc thù của Việt Nam. Trước
tiên, và quan trọng nhất trong nhãn quan Việt Nam, là tất cả nhưng cấu
trúc này phù hợp với các yều cầu của thuật địa lý phong thủy cổ truyền: chúng
được xây tại nhưng địa điểm thuận lợi nơi mà các đường nét khác thường
của thiên nhiên trong phong thủy chẳng hạn như các sông ngòi và các núi
đồi hàm xúc sự hiện diện của các lực tích cực và ngăn cản các lực tiêu
cực khỏi phạm đến chúng. Theo đó, Linh Mục Léopold
Cadière, người có sự hiểu biết thâm sâu về nhân chủng học trong văn hóa
miền Trung Việt Nam, đã nghĩ rằng kiến trúc to lớn đàng trước thành Huế
gồm chứa một vọng gác và cột cờ không có tầm quan trọng thực sự về quân
sự, mà thực ra là một bức “bình phong” thứ nhì về phong thủy – bình
phong thứ nhất là một quả đồi phía nam Huế -- ngăn cản lối tiến vào
thành và hoàng cung để tăng cường các sự bảo vệ thần linh. Tất cả các thành lũy đều được xây theo trục bắc-tây bắc/nam-tây nam, theo đó bảo đảm được sức mạnh và sự thịnh vượng (27).
Điều đã sẵn được ghi nhận là tất cả thành được xây dưới thời Gia Long đều có hình đa giác, thường là lục giác hay ngũ giác. Có ba ngoại lệ quan trọng: Sàigòn, Huế và Hà Nội. Tại
những nơi này, mẫu thiết kế là hình vuông hay hình chữ nhật, và vì thế,
ít hữu hiệu hơn -- về mặt quân sư -- mô thức đặt ra bởi Vauban và được
áp dụng vào lúc bấy giờ (ngoại trừ Sàigòn, bởi ba bên được bảo vệ bởi
các giòng nước thiên nhiên). Chúng ta chỉ có thể ức đoán
rằng vua Gia Long tôn trọng mẫu thiết kế Việt-Hoa cổ truyền cho hai
thành phố kinh đô của Việt nam, cũng như cho kinh đô hiện đại của ông
tại Sàigòn. Cần phải lưu ý rằng các cổng của tất cả các thành lũy đều có cơi lầu kiểu Trung Hoa bên trên, là nét không thường có nơi các đồn lũy Vauban tại Pháp. Các vọng tháp trên cao ngự trị trên tòa thành, cũng là các đường nét Trung Hoa và không phải là phần trong mẫu thiết kế Vauban.
Sự
du nhập các sự giảng giải của Vauban vào Việt Nam hồi cuối thế kỷ thứ
mười tám đã kích thích sự thay đổi đáng kể -- trong thực tế, một cuộc
cách mạng – trong nghệ thuật xây dựng thành lũy của Việt Nam. Trong
khi các kỹ sư Việt nam được giáo dục bởi các sĩ quan Pháp, sau đó họ có
thể tự mình đảm nhận sự xây cất các tòa thành mà không cần đến sự trợ
giúp của ngoại quốc. Vào thời điểm đó, các thành lũy này được thừa nhận là độc đáo tại Á Châu, kể cả đối với các thuộc địa của Âu Châu. Các
kỹ sư Việt Nam đã thích ứng các kỹ thuật nhập nội với các truyền thống
địa phương và vẫn cập nhật hóa các sự cải cách về kỹ thuật. Từ
cuối thế kỷ thứ mười tám cho đến giữa thế kỷ thứ mười chín, họ đã đồng
hóa và thích ứng theo các đường lối đặc sắc những kỹ thuật của Âu Châu
trong lãnh vực này. Nếu so sánh, tùy viên người Pháp trong
đoàn viễn chinh Anh-Pháp đánh Trung Hoa hồi năm 1860, là người đã
nghiên cứu các thành trì của cả thành phố có tường thành bao quanh và
các đồn lũy phòng thủ thành phố Thiên Tân, nhận định rằng Trung Hoa hãy
còn ở ngưỡng cửa khi xét về mặt xây dựng công sự phòng thủ, mới chỉ ở
mức Âu Châu thờI Trung Cổ về mặt phòng thủ và tấn công các công sự được
kiên cố hóa (28).
Theo
sau cuộc chiến tranh với Tây Sơn, các thành trì kiểu Âu Châu được xây
cất trong thời bình đã trở thành các biểu tượng, và nơi cư trú, của
quyền lực vương triều, khi mà các đại biểu cấp tỉnh của Hoàng Đế sống
trong các thành trì đó. Chắc chắn, hệ thống toàn quốc các
thành trì đã trợ giúp nhà Nguyễn trong việc củng cố chế độ mới của nó,
bởi nó là một sự trợ lực đáng sợ để đẩy lui nhiều cuộc nổi dậy ở địa
phương đã bùng nổ trong những năm đầu tiên của triều đại. Rõ
ràng nhà Nguyễn đã hiểu rất rõ rằng các thành trì này đã hữu dụng ra
sao cho việc xây dựng một quốc gia tập quyền và hùng mạnh, một bài học
mà các đối tác Âu Châu của họ đã thấu hiểu từ lâu.
Bến Mỹ Tho 1910 (belleindochine.free.fr)
HẢI QUÂN VÀ VIỆC ĐÓNG THUYỀN
Bây giờ chúng ta hãy hướng về các thương thuyền và các tàu bè quân sự. Trong các thế kỷ trước đây, cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong đều có nét đặc thù là họ không có các đội thuyền mậu dịch. Viết
trong thế kỷ thứ mười bẩy, Alexandre de Rhodes ghi nhận rằng người Việt
Nam tại Đàng Ngoài không bao giờ mua bán ở bên ngoài vương quốc, vì một
số lý do. Trước tiên, họ không biết về nghệ thuật hải hành và chỉ dính líu đến các sự trao đổi dọc bờ biển. Thứ nhì, các thuyền bè của họ không đủ mạnh để đi biển có sóng cả gió to. Sau hết, các nhà lãnh đạo không cho phép thần dân của họ được ra khỏi vương quốc (20). Ngoại
trừ sự hải hành dọc bờ biển bằng các chiếc thuyền nhỏ, chúng ta có ít
bằng cứ về chuyện thuyền Việt Nam lái sang các nước ngoài; trong phần
lớn các trường hợp, không rõ là những chiếc đó là các thuyền đó của
Trung Hoa hay Việt Nam. Dù sao, có vẻ các thuyền nhỏ có đi
từ Đàng Trong đến Xiêm La trong thế kỷ thứ mười bẩy, chở theo các nhà
mậu dịch Việt Nam dưới danh nghĩa các sứ đoàn chính thức được phái đến
triều đình tại Ayudhya. Trong năm 1682, một giáo sĩ truyền
đạo người Pháp và hai nhà mậu dịch người Anh đã thuê mướn một thuyền
đánh cá nhỏ của Việt Nam và mướn một thủy thủ người Bồ Đào Nha để lái
thuyền từ Đàng Ngoài (Tonkin) sang Ayudhya. Sư kiện một thuyền Việt Nam đã được lái sang Xiêm La đã được tường thuật như một trường hợp ngoại lệ bởi các giáo sĩ truyền đạo.
Một
đặc điểm của hai chính thể Việt Nam – Đàng Ngoài và Đàng Trong – là
không Đàng nào lại dính líu một cách trực tiếp với bất kỳ hình thức mậu
dịch nào bên ngoài xứ sở của họ. Mọi sản phẩm nhập cảng
đều được giao tại các hải cảng Việt Nam bởi các thương nhân ngoại quốc
trên các tàu thuyền ngoại quốc, và hàng xuất cảng được vận chuyển theo
cùng một cách như thế. Chính vì thế phần lớn nền ngoại
thương hoàn toàn lệ thuộc vào thiện chí và quyền lợi của các tác nhân
ngoại quốc, hoặc là người Trung Hoa hay người Âu Châu.
Ngược lại, hải quân thì mạnh về cả kích thước lẫn phẩm chất. Cuộc
đánh bại một hạm đội được phái bởi Công Ty Đông Ấn của Hòa Lan (VOC)
đến đánh Cochinchina năm 1643 đã chứng tỏ sức mạnh và tinh thần chiến
đấu của hải quân của nó, và nhờ thành tích đó đã làm vang danh vương
quốc (31). Tuy nhiên, tất cả các tàu chiến của nó đều là
các thuyền sàn thấp (galleys: vừa chạy bằng buồm vừa do chèo tay, chú
của người dịch], nên mặc dù hữu hiêu đặc biệt cho các trận hải chiến dọc
bờ biển và trong nhiều vũng cửa sông ven biển, chúng không hoạt động
tốt tại các vùng biển sâu và không thể đi xa khỏi bờ biển. Các
thuyền buồm lớn duy nhất là của khách nước ngoài, hoặc là các chiếc
thuyền buồm Trung Hoa hay các tàu có cánh buồm vuông của Âu Châu.
Tuy
nhiên tình trạng này đã thay đổi hoàn toàn trong thời kỳ chiến tranh
với Tây Sơn, đặc biệt trong thời khoảng giữa năm 1790 đến 1802. Cả hai lực lượng hải quân và hải thương đều phát triển khả năng du hành vùng nước xanh (biển sâu) trong giai đoạn này. Tại
Việt Nam, mọi thành phố quan trọng đều tọa lạc hoặc trên bờ biển hay
dọc các con sông có dòng nước hải hành được; bởi thế điều thiết yếu là
phải có một hải quân mạnh để thực hiện các cuộc hành quân phối hợp hải
và lục quân. Từ năm 1775 đến 1788, các hạm đội lớn lao của
Tây Sơn thường xuyên lái xuống phương nam để tịch thu vụ mùa lúa vừa
mới gặt tại Gia Định và chuyên chở nó về lại lãnh địa của họ, vốn thường
trực chịu nạn thiếu hụt thực phẩm. Tây Sơn có thể thực
hiện các chiến dịch như thế hàng năm, bởi họ dễ dàng có số lượng tàu
thuyền áp đảo hạm đội nhỏ bé hơn của nhà Nguyễn. Ngay từ
năm 1781, Giám Mục Adran đã thuyết phục Nguyễn Ánh thuê bao các thuyền
của Bồ Đào Nha theo thiết kế Âu Châu, cùng với thủy thủ đoàn và trong
thực tế, cả súng ống của họ. Tuy nhiên, kinh nghiệm đầu tiên đã là một tai họa. Không
biết vì lý do gì, hai tàu chiến Bồ Đào Nha đã bỏ trốn khỏi chiến
trường, trong khi thủy thủ đoàn của chiếc tàu thứ ba đã bị hạ sát bởi
các binh sĩ Việt Nam nổI cơn tức giận.
Chỉ vài năm sau đó tình thế đã thay đổi theo chiều hướng thuận lợi cho Nguyễn Ánh. Sự
việc này xảy ra khi Giám Mục quay trở lại từ Pháp và Pondicherry với
một số trợ giúp của tư nhân, bao gồm cả hai chiến thuyền của vùng thuộc
địa nêu tên sau [Pondicherry, chú của người dịch]. Các chiếc tàu này chuyển giao trang thiết bị quân sự và ở lại Sàigòn để phục vụ nhà Nguyễn. Chúng trước tiên có các thủy thủ người Pháp và người Ấn Độ, sau đó là người Việt Nam dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp. Các
chiến thuyền này đã là nền tảng cho sự xây dựng một hạm đội Việt Nam
đáng thán phục, gồm cả một hạm đội quân sự và một hạm đội thương thuyền. Trong
những năm kế tiếp, Nguyễn Ánh đã mua hay thuê bao từ hải ngoại thêm vài
chiếc thuyền Âu Châu khác, và vào những năm cuối cùng của cuộc chiến
hạm đội của ông đã có một kích thước rất đáng nể sợ. Các
thuyền buồm sàn thấp cổ truyền Viêt Nam và các thuyền buồm nhỏ chiếm
phần lớn hạm đội này; tuy nhiên, ngay từ năm 1794, hai chiến thuyền Âu
Châu đã phối hợp cùng hành quân với 200 thuyền mỗi loại trong hai loại
thuyền này để tấn công thành của Tây Sơn gần Qui Nhơn. Năm
1799 một thương nhân người Anh tên Berry đã chứng kiến cuộc khởi hành
của hạm đội chạy xuôi dòng sông Sàigòn; ông ta đã nhìn thấy 100 chiếc
thuyền buồm sàn thấp (galleys), 40 thuyền buồm lớn [junks, kiểu Trung
Hoa?, chú của người dịch], 200 thuyền nhỏ và 800 xuồng chuyên chở hàng (carriers: không rõ nghĩa ở đây, chú của người dịch] được kéo bởi ba chiến thuyền một buồm kiểu Âu Châu. Năm
1801, một hạm đội trong hải quân của Nguyễn Ánh gồm có 9 chiến thuyền
Âu Châu được trang bị với 60 khẩu súng, 5 chiến thuyền với 50 khẩu súng,
40 thuyền với 16 súng, 100 thuyền buồm, 119 thuyền buồm sàn thấp và 365
thuyền nhỏ.
Không
phải tất cả những chiếc thuyền được gọi là “Âu Châu” đều đã được mua
tại hải ngoại; phần lớn trong đó thực ra đã được đóng tại một xưởng đóng
tàu độc đáo được thiết lập bởi Nguyễn Ánh tại Sàigòn. Đích thân ông đứng ra giám sát công việc, sinh hoạt vài giờ mỗi ngày ở đây. Như
một nhân chứng đã ghi lại, “Một xu hướng chính trong tham vọng của ông
là khoa học về hàng hải, một bằng chứng về việc này là ông đuợc nghe đã
nói rằng ông sẽ đóng tàu hàng loạt đúng theo họa đồ Âu Châu” (33). Ngay
từ 1792, mười lăm chiến thuyền buồm hạng trung, chạy nhanh (frigate) đã
được đóng xong, với một thiết kế một phần theo Trung Hoa (phía đuôi và
phía mũi tàu) và một phần theo Âu Châu; chúng có gắn mười bốn khẩu súng. Năm
1804, Roberts, sứ giả của Công Ty Đông Ấn của Anh Quốc đến Triều Đình
Huế, đưa ra một sự mô tả một số chiến thuyền thuộc loại hỗn hợp này; có
vẻ rằng vài loại thuyền đã có hiện diện, ít nhiều đều có liên hệ mật
thiết với các kiểu mẫu nguyên thủy của Âu Châu hay Trung Hoa. Trong
quan điểm của ông, các thuyền này “nguyên thủy được đóng như một chiếc
thuyền buồm [kiểu Trung Hoa?. Chú của người dịch] nhưng [với] các bộ
phận bên trên được hoàn tất theo kiểu Âu Châu và chạy bằng cách thả buồm
như một con tàu (ship). Nhà Vua nguyên thủy có 17 chiếc thuyền buồm, hay Tows [tiếng Việt là tàu], tương tự như các thuyền đó”. Người
Mỹ, John White, trông thấy những chuyến thuyền tương tự trong khoảng
1819-1820, ca ngợi sự cấu tạo chắc chắn để đi biển của chúng và phẩm
chất của sự đóng tàu (34). Chúng ta rõ ràng có ở đây một trường hợp điển hình của việc pha trộn các kỹ thuật địa phương với các kỹ thuật nhập cảng.
Sự
thụ đắc kỹ năng Âu Châu đã có thể xảy ra nhờ ở một ý tưởng đơn giản
nhưng tinh khôn: một chiếc thuyền Âu Châu cũ đã được tháo gỡ ra từng
mảnh riêng biệt, và sau đó được ráp trở lại sao cho các thợ mộc Việt Nam
có thể học hỏi được các kỹ thuật tinh xảo hơn trong việc đóng thuyền
của Âu Châu để áp dụng cho việc chế tạo các chiếc thuyền lớn có cánh
buồm vuông. Cùng lúc, khi chiếc thuyền được ráp trở lại, một chiếc thuyền mới tinh sẽ cùng được sản xuất theo mẫu của chiếc thuyền cũ. Berry
nói rằng các người thợ mộc Bồ Đào Nha đã làm việc ở đó; nhiều phần là
các thợ mộc Trung Hoa cũng được thuê mướn, bởi các chiến thuyền buồm
[kiểu Trung Hoa, chú của người dịch] cũng được xây dựng tại xưởng đóng
tàu này. Chính đích thân Nguyễn Ánh cũng học nghề làm mộc
và rất có khả năng về lãnh vực này. Ông đã hấp thụ lý thuyết hàng hải từ
các quyển sách bằng tiếng Pháp được phiên dịch bởi Giám Muc, đặc biệt
là bộ Bách Khoa Encyclopédie của Đierot và d’Alembert, trong đó
các chương và các hình ảnh liên quan đến việc đóng thuyền được trình bày
với chi tiết đặc biệt (33).
Hiệu
năng và kỹ năng của xưởng đóng tàu Sàigòn được tán dương cao độ bởi tất
cả các nhà mậu dịch và thủy thủ Âu Châu đã đến thăm viếng thành phố
trong các năm 1790-1802. Berry đã mô tả ba chiến thuyền Âu Châu được đóng ở đó như tạo ra “một phong độ đáng nể vì nhất”. Trong
cuộc thăm viếng của White tại Sàigòn năm 1819, ông đã ca ngợi cơ xưởng
ngang bằng với bất kỳ nhà máy đóng tàu nào tại Âu Châu. Roberts
đã mô tả các chiếc thuyền thiết kế hỗn hợp mà ông trông thấy ở vịnh
Tourane [Đà Nẵng ngày nsay, chú của người dịch] là “được đóng đặc biệt
tốt”. Ba chiến thuyền lớn Âu Châu được chỉ huy bởi các sĩ
quan người Pháp, chỉ còn bốn người trong họ là đã tham gia vào các trận
đánh sau cùng và có tính cách quyết định trong các năm 1801-2. Liên
quan đến số lượng các sĩ quan và thủy thủ đã gia nhập hải quân của
Nguyễn Ánh, cần ghi nhận rằng trong thời khoảng từ 1790 đến 1802, bằng
chứng cho thấy chưa đến 80 sĩ quan và thủy thủ có mặt tại Việt Nam, và
phần lớn trong họ đã rời Việt Nam vào năm 1792. Khi đó, ta
phải giả thiết rằng chỉ có một số lượng rất ít các sĩ quan hải quân và
các thủy thủ đã lái các chiến thuyền của Nguyễn Ánh trong thời gian từ
1792 đến 1799. Điều này có nghĩa tất cả thủy thủ đoàn và
các sĩ quan của các chiến thuyền -- bất luận theo kiểu thiết kế của Âu
Châu hay hỗn hợp -- đều là người Việt Nam, và đã được huấn luyện để cung
cấp nhân lực cho các chiếc thuyền lớn có buồm hình vuông kiểu Âu Châu. Các
thuyền trưởng người Pháp đã chứng thực sự can đảm và các kỹ năng của
họ. Năm 1822, Chaigneau có nói với các khách tham quan người Anh rằng
Việt Nam đào tạo được các người đi biển lão luyện và can đảm” (37).
Sự
sử dụng hỗn hợp các chiến thuyền lớn chạy bằng sức gió kiểu Âu Châu
(với một ưu thế đáng kể về pháo binh) và các thuyền buồm sàn thấp cổ
truyền [chạy vừa bằng buồm vừa bằng tay chèo, chú của người dịch] đã
mang lại cho Nguyễn Ánh một lợi thế thực sự đối với các lực lượng hải
quân của Tây Sơn. Ngay từ những năm 1792-3, hàng trăm
chiến thuyền buồm sàn thấp đã bị đánh đắm hay bắt giữ trong các cuộc đột
kích bởi các chiến thuyền thiết kế theo kiểu Âu Châu với hỏa lực mạnh
mẽ (38). Ở những thời điểm khác, sự kết hợp cả hai kiểu thuyền đã mang lại thế thượng phong cho các lực lượng nhà Nguyễn. Hải
lực hỗn hợp đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong các trận đánh
có tính cách quyết định trong các năm 1801-02 (thí dụ, tại Thị Nại, gần
Qui Nhơn và tại Huế), nơi mà cả hai bên đều vân dụng các lực lượng
khổng lồ trên đất liền và trên biển.
Giai đoạn 1790-1802 đánh dấu một cuộc cách mạng trong thái độ của Việt Nam đối với biển và đối với các xứ sở hải ngoại. Chưa
đầy mười hai năm, dân tộc Việt Nam, trước đây vốn được mô tả là hoàn
toàn không thích hợp với sự hải hành đi xa, đã có thể đón nhận các kỹ
thuật ngoại quốc không dễ dàng gì thông hiểu, để thích ứng chúng vào các
điều kiện địa phương, để xây dựng một hải quân hữu hiệu và đáng nể sợ
và để cung ứng nhân lực cho các chiếc thuyền đi biển cả của họ, bất luận
cho mục đích buôn bán hay cho chiến tranh – và đã làm tất cả các điều
này với sự trợ giúp tối thiểu của nước ngoài. Một sự xác
nhận cho tình trạng này được đưa ra bởi một người Anh, kẻ đã báo cáo vào
lúc vừa bắt đầu thế kỷ thứ mười chín tầm mức đe dọa mà hải quân Việt
Nam có thể gây ra cho các quyền lợi trên biển của Anh Quốc một khi người
Pháp có thể lập được một khu định cư tại đó và phát triển hải quân; “Họ
có thể tạo lập một hải lực không chỉ có ưu thế trên bất kỳ lực lượng
trên biển nào mà chúng ta có được ở Ấn Đô [,] mà còn giúp cho họ có khả
năng đối phó với mọi quốc gia trên thế giới” (39). Sự kiện
thứ nhì tiêu biểu cho sự khai triển mới của Việt Nam thông ra biển: sứ
đoàn được phái bởi vua Gia Long sang Trung Hoa xin tấn phong từ Hoàng Đế
nhà Thanh đã đi bằng đường biển chứ không phải đi qua biên giới trên
đất liền ở phía bắc, như đã từng xảy ra trong nhiều thế kỷ trước.
Sau cuộc chiến thắng tối hậu trên nhà Tây Sơn năm 1802, Nguyễn Ánh đã để hạm đội của ông dừng bước nghỉ ngơi. Có vẻ là chỉ có hai chiến thuyền kiểu Âu Châu là hãy còn hoạt động trong thập kỷ 1810. Sự
từ bỏ hải quân xem ra chủ yếu là hậu quả của các vấn đề ngân sách, khi
mà chính phủ vào lúc đó đã chi tiêu các ngân khoản lớn cho việc xây dựng
các thành lũy và các công trình công cộng như đường xá, kinh đào, đê
điều vân vân … Tuy nhiên, ngay từ năm 1819, đã có bằng
chứng về sự khởi sự mới trong việc đóng tàu; vua Gia Long đã tái lập một
lực lượng quan trọng và đích thân đến giám thị các xưởng đóng tàu (40).
Cũng
có bằng chứng về một sự tiếp tục kỹ thuật và phẩm chất tương tự cho
việc đóng đàu trong thời trị vì của vua Minh Mạng, dựa trên một vài sự
tường thuật bởi du khách ngoại quốc cho hay rằng các thuyền buồm và các
thuyền kiểu Âu Châu và các thuyền có kiểu hỗn hợp đã đồng hiện diện. Các du khách này cũng ca ngợi phẩm chất của các tàu thuyền của Việt Nam. John
White đã coi trọng hải quân Việt Nam, giống như Crawfurd, là người đã
bình luận rằng “các thuyền của họ, đã nổi bật bởi các sự lượng định tốt
đẹp, là sự mô tả hay nhất của xảo nghệ bản xứ có thể nhìn thấy được ở
bất cứ nơi đâu tại Ấn Độ, và thích hợp để đương đầu với thời tiết xấu
nhất mà không sợ.mối nguy hiểm nào”. Về các thủy thủ Việt
Nam, Crawfurd có nói thêm, “Tôi không biết có dân tộc nào ở phương đông
lại thích hợp tuyệt hảo như thế để trờ thành các người đi biển lão
luyện”. Trong năm 1847, khi hải quân Pháp giao chiến với
các lực lượng hải quân của Việt Nam, các thuyền bị phá hủy không chỉ bao
gồm các thuyền buồm mà còn có cả năm hộ tống hạm loại tốt (41).
Các thuyền kiểu Âu Châu được đóng cho hải quân cũng được dùng cho việc mậu dịch. Chúng
không chỉ chuyên chở thường kỳ lúa gạo từ miền nam ra miền trung Việt
Nam, mà còn được dùng cho các chuyến đi ra nước ngoài. Vua
Gia Long đã ra lệnh chấm dứt trong năm 1802 các phái bộ thương mại được
phái ra hải ngoại để mua vũ khí và đạn dược, nhưng vua Minh Mạng đã tái
lập tập tục này. Các phái bộ mậu dịch cũng còn có mục
đích tạo cơ hội cho thủy thủ đoàn và các sĩ quan Việt Nam được huấn
luyên về hải hành trên biển xa, cũng như về sự sử dụng các kỹ thuật Tây
phương. Trong năm 1823, vua Minh Mạng đã chỉ thị một cách
rõ ràng cho thủy thủ đoàn là phải học hỏi cách thức sử dụng các dụng cụ
hàng hải, chấm định khoảng cách theo la bàn, và nói chung huấn luyện để
đào tạo nhân sự điều khiển các thuyền có buồm hình vuông kiểu Âu Châu
trên biển cả. Trong năm 1835, các chỉ thị tương tự tiếp
tục nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc học hỏi các kỹ thuật hải hành,
các hải lộ và phép vẽ họa đồ lòng biển; trong năm 1842, người kế ngôi
vua Minh Mạng, tức vua Thiệu Trị đã đưa ra các chỉ thị như thế (42).
Ý
chí chính trị để học hỏi các kỹ thuật ngoại quốc vẫn được duy trì trong
suốt thời trị vì của vua Minh Mạng, đạt tới cực điểm vào cuối thập kỷ
1830, khi nhà vua ra lệnh mua tàu chạy bằng hơi (nước). Sứ
giả Việt Nam Phan Huy Chú trong năm 1833 đã nhìn thấy một chiếc tàu
chạy bằng hơi lần đầu tiên tại Batavia [tức Jakarta, Nam Dương ngày nay,
chú của người dịch], một chiến thuyền hải quân Hoa Kỳ, và một sứ giả
khác, Lý Văn Phúc [hay có sách ghi là Phức?, chú của người dịch], đã mô
tả chiếc tàu như thế trong chuyến du hành của ông sang Calcutta [Ấn Độ]. Chiếc
tàu chạy bằng hơi đầu tiên của Việt Nam đã được mua theo lệnh của vua
Minh Mạng vào năm 1839; ba chiếc khác sau đó – được đặt tên Yên Phi, Vũ
Phi và Hương Phi – và trong năm 1844 một chiếc thuyền lớn hơn nữa đã
được tạo mãi, gọi là chiếc Diễn Phi (43).
Điểm đáng chú ý là người Việt Nam đã sử dụng các thuyền chạy bằng hơi rất sớm từ năm 1839. Sau
hết, nước Pháp chưa bao giờ sử dụng các tàu chạy bằng hơi trên một căn
bản thương mại trước thời khoảng 1816-18, và ngay sau đó chỉ trên một
kích thước nhỏ hẹp của việc hải hành dọc bờ biển. Các
chiếc tàu chạy bằng hơi đầu tiên của hải quân Anh Quốc và Pháp đã không
được lệnh khởi công xây cất cho đến cuối thập niên 1820. Tại
Á Châu, Hòa Lan đã vũ trang chiếc tàu chạy bằng hơi đầu tiên cho hải
quân của họ vào năm 1837, và chiếc tàu cho thương mại vào một hay hai
năm sau đó (44).
Sự so sánh với nước Xiêm La vào thời điểm này là một điều hữu ích. Mãi
tới thập niên 1830 vua Rama II (trị vì từ 1824-51) mới quyết định rằng
các thuyền của quốc gia chỉ chuyên dùng các kiểu mẫu của Âu Châu (45). Nói cách khác, người Xiêm La đang nói về thuyền buồm trong khi Việt Nam đã sẵn đầu tư vào tàu chạy bằng hơi. Mặc
dù tôi không khảo sát tình hình tại các nước Á Châu khác (điều sẽ thật
lý thú nếu làm một sự so sánh với Trung Hoa và Nhật Bản), có vẻ Việt Nam
là một trong những xứ sở quan tâm nhất đến các kỹ thuật hàng hải của Âu
Châu trong các nước Á Châu thời tiền bán thế kỷ thứ mười chín. Mối
quan tâm này lên đến cực điểm khi một nỗ lực được thực hiện vào năm
1839 dể sao chép [việc đóng] một chiếc tàu chạy bằng hơi tại xưởng đóng
tàu ở Huế, mặc dù nỗ lực này đã không thành công. Kỹ năng
Việt Nam để sao chép các kỹ thuật ngoại quốc đã vươn tới các giới hạn
của nó khi đối đầu với sự phức tạp của đầu máy chạy bằng hơi (nước);
không thể trốn tránh được việc học hỏi các kiến thức về khoa học ngoại
quốc. Nỗ lực đầy quyến rũ này của Việt Nam để bắt kịp các
kỹ thuật mới nhất của Tây phương đánh dấu không chỉ ý chí mạnh mẽ của
Hoàng Đế Minh Mạng để thu dụng các kỹ thuật ngoại quốc cho xứ sở của
ông, mà còn ghi dấu cho cả các giới hạn của chính sách này. Liệu
Việt Nam có thể thực sự tiếp nhận được các kỹ thuật mà không cần phải
học hỏi các nguyên lý của khoa học Tây phương hay chăng (46).
Kể
từ 1790 cho đến lúc có sự xuất hiện của chế độ thực dân Pháp, chúng ta
có thể nói rằng Việt nam đã thông thạo các kỹ thuật hàng hải, đã phát
triển một cách tinh khôn kỹ năng và khả năng để đóng thuyền kiểu Âu
Châu, và đã có thể đào tạo nhân lực chuyên môn cho các con thuyền phục
vụ cho cả mục đích chiến tranh và mậu dịch. Chính sách này
đã không bị giới hạn vào tình trạng khẩn cấp thời chiến, mà còn được
tiếp tục sau khi chiến tranh chấm dứt, dưới các thời trị vì của các vua
Gia Long và Minh Mạng. Nó không phải là một chính sách đặc
nhiệm nhất thời (ad hoc) của riêng một vị hoàng đế đối diện với tình
trạng khẩn cấp của chiến tranh, mà đúng hơn là một chính sách thường
trực trong suốt thời trị vì của ba vị vua đầu tiên nhà Nguyễn.
CHÍNH SÁCH MỞ CỬA HAY BẾ QUAN TỎA CẢNG?
Dựa
vào hai thí dụ được nghiên cứu trong tập khảo luận này, các sự xây cất
các thành lũy và về hải thuyền, chúng ta đã nhìn thấy các vị hoàng đế
Việt Nam triều Nguyễn đã tỏ lộ một sự quan tâm thường trực đến việc thụ
đắc các kỹ thuật Âu châu như thế nào. Lý thú hơn nữa, người ta có thể
tán thưởng nhiều hơn về việc họ đã kiên trì tiến bước cùng với các sự
cải tiến kỹ thuật và đã tiếp nhận cùng thích ứng các sự cải tiến này,
bất luận là cho việc tu bổ các thành lũy hay để sửa sang đội hải thuyền
của họ. Sự quan tâm này cũng không bị giới hạn chuyên biệt về các vấn đề quân sự không thôi.
Trong
phần kết luận, các thí dụ này về các kỹ thuật Âu Châu được nhập cảng và
thích ứng tại Việt Nam đã nêu ra một điểm liên quan đến chính sách của
Việt Nam trong thời khoảng tiền bán thế kỷ thứ mười chín. Điều được lập
luận rằng không chỉ các kỹ thuật ngoại quốc đã không bị từ khước, mà
trong thực tế chúng đã được chấp nhận một cách rộng rãi. Hơn
nữa, điều quan trọng cần nhấn mạnh là thời trị vì của vua Minh Mạng đã
không ra hiệu cho một sự quay ngược lai như hình chữ U nằm ngang, các
chính sách của vua cha của ông; ngược lại, người ta có thể ghi nhận một
sự phát triển trong các nỗ lực nhìn ra ngoài Việt Nam để tìm kiếm các
sản phẩm và các kỹ thuật ngoại quốc, và hiển nhiên để tìm những gì mới
lạ nhất. Các vua Gia Long và Minh Mạng chính vì thế đều
nhận thức rất rõ về mối đe dọa của Âu Châu, và đã làm mọi điều có thể
làm được để giữ các ảnh hưởng chính trị Tây Phương ở bên ngoài vương
quốc của họ: sư từ chối tiếp kiến các phái bộ chính thức, cả của Anh lẫn
Pháp, và ý muốn của họ muốn kiểm soát mậu dịch với Âu Châu, cũng như sự
thù nghịch của họ đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo, rõ ràng là các hậu
quả của các sự lo sợ như thế. Mặt khác, họ rất cởi mở đối với các khía cạnh khác của thế giớI bên ngoài, kể cả thế giới của người Âu Châu. Họ
đã nhiệt tình duy trì sự độc lập của mình trong một thế giới Á Châu sắp
sửa sụp đổ dưới sức nặng của sự bành trướng của Âu Châu, hơn là nghiêng
về việc bế quan tỏa cảng đối với thế giới bên ngoài. Sự chấp nhận và thích ứng không ngừng các kỹ thuật của Âu Châu cung cấp bằng chứng rõ rệt cho sự kiện này./-
Nguồn: Journal of Southeast Asian Studies, 34 (3), các trang 519-534 October 2003, @2003 The National University of Singapore
CHÚ THÍCH:
Frédéric
Mantienne là Phụ Khảo tại Phòng Khảo Cứu Bán Đảo Đông Dương
(Laboratoire Péninsule Indochinoise), thuộc trường École Pratique des
Hautes Études và trường École Francaise d’Extrême-Orient tại Paris. Địa
chỉ email của ông là fr.mantienne@wanadoo.fr
1. Văn Khố Các Hôi Truyền Giáo Hải Ngoai tại Paris (Archives des Missions Étrangères de Paris) (từ đây về sau gọI tắt là AMEP), quyển 568, folio 342, thư của Đức Ông Forcade gửi chủng viện Foreign Missions, ngày 2 tháng Sáu, 1847.
2. Pierre-Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Campa (Paris: EFEO, 1972), các trang 205-7; Léopold Cadière, “Le quartier des Arènes, 1, Jean de la Croix et les premiers Jésuites”, Bulletin des Amis du Vieux Hue [từ giờ trở đi, gọi tắt là BAVH), 11, 4 (1924); Li Tana, Nguyen Cochinchina: Southern Vietnam in the seventeenth and eighteenth centuries
(Ithaca: Cornell University Southeast Asia Program, 1998), các trang
43-5; Frédéric Mantienne, “Le recours des États de la Péninsule
Indochinoise à l’aide européenne dans leurs relations (XVI ème – XVIII
ème siècles), trong Guerre et paix en Asie du Sud-Est, biên tập bởi Nguyễn Thế Anh và Alain Forest (Paris: Harmattan, 1998), các trang 55-84.
3. Frédéric Mantienne, Les relations politiques et commerciales entre la France et la Péninsule Indochinoise (Paris: Les Indes Savantes, 2002), vol. II, các trang 147-50.
4. Xem, thí dụ, Alexander Barton Woodside, Vietnam
and the Chinese model, A comparative study of Nguyễn and Ch’ing civil
government in the first half of the nineteenth century (Cambridge, MA.: Harvard University Press, 1971), trang 16.
5. Mantienne, Relations politiques et commerciales, các trang 184-8.
6. Louis, Bezacier, “L’Art et les constructions militaires annamites”, BAVH, 28, 4 (1941): 340-3 và Bezacier, “Conception du plan des anciennes citadelles-capitales du Nord Vietnam”, Journal Asiatique, 240, 2 (1952): 185-95. Có nhiều hình ảnh đáng để ý trong tập Le vieux An-Tinh của Hippolyle Le Breton, (Hanoi: EFEO reprint, 2001).
7. Léopold Cadière, “Le mur de Đồng-hới, Étude sur l’établissement des Nguyễn en Cochinchine”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient (từ đây về sau gọi tắt là BEFEO), 6 (*1906): 138-40.
8. Archives
du Ministère des Affaires Étrangères, Paris (từ đây về sau gọi tắt là
AMAE), série Asie, vol. 19, folios 376-7, thư từ De Guignes gửi Bộ NgoạI
Giao, 29 tháng 12, 1791.
9. Xem, thí dụ, Woodside, Vietnam and the Chinese model, trang 17 và trang 298, chú thích 20; và Lê Thành Khôi, Histoire du Vietnam des origines à 1858 (Paris: Sudeastasie, 1992), trang 337. Một
sự nghiên cứu chi tiết về thành này là bài viết của Louis Malleret,
nhan đề “Éléments d’une monographie des anciennes fortifications et
citadelles de Sàigòn”, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, 4 (1935): 5-108.
10. Một
bản dịch đầy đủ đoạn viết về Giám Mục Pigneaux de Béhaine được tìm thấy
trong bài viết của Léon Vandermeersch, nhan đề “Autour des honneurs
funèbres décernés à l’Évêque d’Adran au Vietnam”, Vietnamologica, Tập San Phát huy Việt Nam hoc. / Revue d’études vietnamologiques / Journal of Vietnamological Studies, 3 (1998): 121-42.
11. Bản dịch của sự mô tả này được tìm thấy trong bài viết của Malleret, “Éléments d’une monographie”, các trang 56-7.
12. “Họa Đồ thành phố Sàigòn. Thành được xây trong năm 1790. Vẽ bởi Đại Tá Vict’. Olivier. Vẽ lại theo họa đồ tổng quát được sắc lập theo lệnh của Quốc Vương năm 1795. Bởi ông Brun kỹ sư Hoàng Triều. Bởi
Jn Me Dayot 1799”, trong một tài liệu nhan đề “Mémoire sur la côte et
les ports de la Cochinchine par Je. ME D’Ayot, quan lại Triều đình
Cochinchine”; “Họa đồ Gia Định và các vùng phụ cận” (Plan de Gia Định et
des environs) được vẽ bởi Trần Văn Học, ngày mồng 4 tháng 12 âm lịch
năm Gia Long thứ mười bốn (1815), được khắc và in trong quyển sách của
Jean-Marie Dayot, nhan đề “Pilote Cochinchinois”: Atlas de la Cochinchine (Paris: Dépôt Général de la Marine, 1818). Hai bản đồ được in lại trong bài viết của Malleret, “Élémentrs d’une monographie”, các ảnh chụp XI và XII.
13. John Crawfurd, Journal of an embassy from the Governor-general of India to the courts of Siam and Cochin China (London: Henry Colburn, 1828), trang 223; George Finlayson, The mission to Siam and Hue the capital of Cochion China in the years 1821-2 (Singapore and Bangkok: Oxford University Press and the Siam Society sách in lại, 1988), trang 312.
14. John White, A voyage to Cochin China (London: Longman, Hurst, Rees, Orme, Brown and Green, 1824), các trang 220-6; Crawfurd, Journal of an embassy, trang 224.
15. Cùng nơi dẫn trên, các trang 223-4; Finlayson, Mission to Siam, trang 312.
16. Malleret, “Éléments d’une monographie”, các trang 48-52 và các ảnh chụp XVI-XVII.
17. Finlayson, Mission to Siam, trang 312; Crawfurd, Journal of an embassy, trang 224; White, Voyage to Cochinchina, các trang 220-6.
18. Jules Silvestre, “L’insurrection de Gia Định, La révolte de Khôi (1832-1835)”, Revue Indochinoise (từ giờ trở đi gọi tắt là RI), 18, 7-8 (1915): 1-37.
19. AMEP,
vol. 746, folio 472, thư của Le labousse gửi Boiret, ngày 13 tháng Năm
năm 1795; được trích dẫn trong bài viết của Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine (1658-1823). Documents historiques (Paris: Les Indes Savantes, 2000 sách in lại), vol. III, trang 288.
20. Danh sách này được dựa chính yếu theo bài viết của tác giả Léopold Cadière, nhan đề “Notes sur le corps du génie annamite”, BAVH, 8, 4 (1921): 287; Cadière đã biên soạn danh sách các thành theo các nguồn tư liệu Việt Nam. Thông
tin từ các mẫu thiết kế đến từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau được sử
dụng trong bài viết này và cũng từ ký sự và sổ tay của các sĩ quan người
Pháp đã phục vụ tại Việt Nam trong hậu bán thế kỷ thứ mười chín; xem,
thí dụ, bài viết của Louis Kreitmann, “Le service du génie au Tonkin (Paris: Berger-Levault & Cie, 1889). Ba
tòa thành đã nhận được sự chú ý đặc biệt của các học giả. Đối với
Saigòn, xem Malleret, “Éléments d’une monographie”; đối với thành Huế,
xem bài của Trung Tá Ardant du Picq, “Les fortifications de la citadelle
de Hue”, BAVH, 11, 3 (1924): 221-45; và về thành Bắc Ninh, xem bài của Tướng Ardant du Picq, “Histoire d’une citadelle annamite: Bac Ninh”, BAVH, 22, 3-4 (1935): 237-421. Về thành Vinh và Hà Tĩnh, xem Le Breton, Le vieux An Tinh, các trang 248-9, 256, và các ảnh chụp XCV và CIII.
21. Pierre Rocolle, 2000 ans de fortification francaise (Paris: Ch. Lavauzelle, 1973) và Rémy Desquesnes cùng các tác giả khác, Les Fortifications du littoral. La Charente Maritime (Chauray: Éditions Patrimoines & Médias, 1993), các trang 24, 189-94.
22. Finlayson, Mission to Siam, trang 362. Bản
thiết kế nguyên thủy cho Thành Fort Boyard, đề năm 1801, cho thấy các ổ
đặt súng trên bờ thành tương tự, nhưng chúng không được áp dụng khi mà
thành sau rốt được dựng lên trong thập niên 1840; Duquesnes và các tác
giả khác, Fortifications du littoral, các trang 224, 230
23. A. Salles, “J.B. Chaigneau et sa famille”, BAVH, 10, 1 (1923): 77-8.
24. John Crawfurd, “Crawfurd’s report on the state of the Annamese Empire”, trong quyển sách biên tập bởi Alistair Lamb, The Mandarin Road to old Hue (London: Archon Books, 1970), trang 268.
25. Cadière,
“Notes sur le corps”, trang 285. Nhan đề nguyên thủy của bản đồ như
sau” Carte militaire [comprenant] toutes les principales parties [qui
servent à l’attaque et à la défense] d’une place dressée sur les
mémoires du Maréchal de Vauban par J.E. Duhamel, ingénieur du Roi,
1773”.
26. Võ Liêm, “La capitale du Thuan-Hoa (Hue)”, BAVH, 3, 3 (1916): 279.
27. Léopold Cadière, “La merveilleuse capitale”, BAVH, 3, 2 (1916): 247-72; Gustave Dumoutier, “L’astrologie, considérée plus spécialement dans ses applications à l’art militaire”, RI, 17, 11-12 (1914): 455-75, đặc biệt, trang 457; và Dumoutier, “L’astrologie chez les Annamites. Ses applications à l’art militaire”, RI, 18, 7-8 (1915): 101-26. Cũng xem Ardant du Picq, “Fortifications de la citadelle” và Histoire d’une citadelle”.
28. Bá tước Escatrac de Lauture, Mémoires sur la Chine (Paris: Le Magasin Pittoresque, 1865), các trang 71-4.
29. Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions en la Chine et autres royaumes de l’Orient avec son retour en Europe par la Perse et l’Arménie (Lille: Desclée, De Brouwer et Cie, 1883, sách in lại), trang 18.
30. AMEP, vol. 652, folios 39-42, “Journal de De Bourges” (1682). Các
sứ bộ đến triều đình Xiêm La được đề cập trong các thư của Langlois gửi
Đức Ông Laneau, ngày 1 tháng Hai, 1689 (vol. 736, folio 174); và từ
Labbé gửi Đức Ông Laneau, ngày 5 tháng Hai năm 1691 (vol. 736, folio
671).
31. W. J.M. Buch, “La Compagnie des Indes néerlandaises et l’Indochine”, BEFEO, 36 (1936): 182-3.
32. AMEP,
vol. 299, folio 70, thư từ Lavoué gửi Liot, ngày 29 tháng Năm năm 1794;
Nguyễn Thế Anh, “An English mémoir on Vietnam (1803)”, Văn Hóa Nguyệt San, 14, 8-9 (1965): 1369-70; AMEP, vol. 801, folio 867, thư từ Barisy gửi Létondal, ngày 11 tháng Tư năm 1801.
33. Nguyễn Thế Anh, “English memoire”, trang 1371; sự chú ý của Nguyễn Ánh đến xưởng đóng tàu được đề cập trong AMEP, vol. 746, folio 392, thư của La Labousse gửi chủng viện Foreign Missions, ngày 24 tháng Bẩy năm 1792.
34. AMEP,
vol. 746, folio 392, thư của Liot gửi chủng viện Foreign Missions, ngày
18 tháng Bẩy 1792; “Narrative of Roberts’ mission to Hue, 1804”, trong
sách của Lamb, Mandarin Road, trang 225; P. Midan, “Les Européens qui ont vu le vieux Hue: John White”, BAVH, 24, 2-3 (1937): 133-4.
35. Thông tin về kỹ năng Việt Nam học hỏi được trình bày trong bài viết của Nguyễn Thế Anh, “English memoir”, trang 1371 và AMEP, vol. 746, folio 871, thư của Le Labousse gửi chủng viện ngày 24 tháng Tư năm 1800.
36. Nguyễn
Thế Anh, “English memoir”, trang 1369; P. Midan, “Européens qui ont vu
le vieux Hue”, các trang 242-3; “Narrative of Roberts’ missions”, trang
205.
37. “Crawfurd’s report”, các trang 263-4.
38. Muốm biết thêm chi tiết các chiến dịch này, xem Mantienne, Relations politiques et commerciales, vol. II, các trang 152, 190-3.
39. Nguyễn Thế Anh, “English memoir”, trang 1373.
40. Paul Huard và Maurice Durand, Connaissance du Vietnam (Hànội: Imprimerie Nationale/EFEO, 1954), trang 229.
41. AMEP,
vol. 568, folio 342, thư của Đức Ông Forcade gửi chủng viện Foreign
Missions, ngày 2 tháng Sáu năm 1847; “Crawfurd’s report”, các trang
263-4; Midan, “Européens qui ont vu le vieux Hue”, trang 260.
42. Cheng
Ching-ho (Trần Kính Hòa), “Les “missions officielles dans les Hạ Châu”
ou “Contrées méridionales” de la première période des Nguyễn”, phiên
dịch bởi Claudine Salmon, BEFEO, 81 (1994): 105-6, 109, 111.
43. Bài viết của Phan Huy Chú trong Hải trình chí lược = Haizheng zhilue = Récit sommaire d’un voyage en mer,
dịch và chú giải bởi Phan Huy Lê và các tác giả khác (Paris:
Association Archipel, 1994), các trang 75-6; các tàu khác được đề cập
đến trong bài viết của Trần Kính Hòa, “Missions Officielles”, các trang
111, 113-14.
44. Denys Lombard, “Pirates malais” – première moitié du XIXe siècle”, Archipel, 18 (1979): 248; F.J.A. Broeze, “The merchant fleet of Java (1820-1850)”, Archipel, 18 (1979): 279.
45. Jennifer W. Cushman, “Siamese state trade and the Chinese go-between, 1767-1855”, Journal of Southeast Asian Studies, 12, 1 (1981): 53.
46. Woodside, Vietnam and the Chinese model, trang 283./-
Ngô Bắc dịch
© 2006 gio-o
Nhận xét
Đăng nhận xét