Văn miếu Nghệ An là một ngôi miếu nhỏ có từ lâu đời. Năm Gia Long thứ hai (1803) được nâng cấp, trùng tu và từ đó gọi là Văn Thánh Vinh, thuộc địa phận xã Yên Dũng, huyện Hưng Nguyên, tổng Yên Trường, trấn Nghệ An (nay là phường Hồng Sơn, TP Vinh). Văn miếu Nghệ An thờ Khổng Tử, Chu Văn An và các bậc hiền triết đã có công sáng lập, truyền bá, phát triển Nho giáo, đồng thời là nơi để tôn vinh các nhà khoa bảng Nghệ An.
Chuông đồng cổ lớn của Văn miếu Vinh, nặng 522 cân ta, cao 1,5m, phần quai chuông được tạo dáng 2 con rồng, miệng ngậm ngọc, thân chuông có khắc bài kí của tiến sĩ Bùi Dương Lịch biên soạn vào năm Gia Long thứ 12 (được lưu giữ tại đền Hồng Sơn).
Từ khi xây dựng đến nửa đầu thế kỷ XX, Văn miếu Nghệ An gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của quê hương. Đây là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống, nơi gặp gỡ của các nho sỹ, tao nhân, mặc khách trong hội tư văn, nơi giảng sách, bình văn, tổ chức sát hạch thí sinh hàng tỉnh, diễn ra lễ cầu khoa, cầu tài, cầu lộc. Văn miếu cũng là nơi ra đời và là trụ sở của tổ chức "Hoan Châu học chính", một chi nhánh của Đông Kinh nghĩa thục ở Nghệ An những năm đầu của thế kỉ XX.
Chứng tích còn lại với đất thiêng
Tiếc rằng, do thiên nhiên, chiến tranh và các biến cố xã hội khác nên Văn miếu Nghệ An hiện nay chỉ còn phế tích. Năm 1959, vùng đất này đã được UBND tỉnh giao cho Xưởng In (nay là Công ti CP In Nghệ An) sử dụng và chia cho dân làm nhà ở.
Quá trình cải tạo, xây dựng lại thành phố Vinh sau chiến tranh đã làm cho Văn miếu bị thu hẹp, chỉ còn lại khoảng 1/3 so với diện tích trước đây (trên 7.000m2). Các công trình cổ như hồ nước, tam quan, bái đường, tả, hữu vu, giếng Thiên Tĩnh, đường đi, vườn cây... đã bị phá dỡ. Nhà thượng điện 5 gian đã được Công ti CP In cải tạo làm kho sách là công trình duy nhất của Văn miếu còn tồn tại.
Nhà đại bái của Văn miếu xưa đã được Công ty CP In xây dựng thành nhà kho.
Tại đền Hồng Sơn - nơi đang lưu giữ một số hiện vật của Văn miếu xưa, ngay bên trái trước sân đền là nhà chuông, bên trong treo chiếc chuông đồng lớn cao 1,5m cùng bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng khắc nổi 3 chữ "Văn tại tư" do tiến sĩ Phạm Liệu quê Nghệ An làm quan ở Quảng Nam cúng tiến vào Văn miếu. Ngoài ra còn có ba bài vị cổ sơn son thờ Khổng Tử, Mạnh Tử và Nhan Tử cũng được lưu giữ tại đây.
Anh Nguyễn Quang Toàn, Phó Giám đốc Công ti In Nghệ An, cho biết đất Văn miếu Nghệ An còn gọi là Văn thánh Vinh rất linh thiêng. Một người đàn ông trong vùng lấy hòn đá kê cột nhà Văn Thánh về dùng vào việc không sạch sẽ, đã bị chết. Người đàn ông thứ hai lại khiêng về làm đường đi, bị gãy chân. Người thứ ba lấy một đoạn hoành về làm giàn, một thời gian sau bỗng nhiên bỏ nhà đi...
Còn việc học hành của con em khối 10 phường Hồng Sơn là địa điểm của nhà Văn Thánh xưa thì luôn dẫn đầu phường. Hàng năm có tới vài ba chục em vào đại học. Mỗi lần thi cử, người dân trong vùng thường vào thắp hương tại khu nhà thượng điện (hiện nay là kho sách của Công ti In) để con em thêm quyết tâm, nghị lực, vững lòng, sáng dạ làm bài tốt.
Phục hồi Văn miếu, biết đến bao giờ?
Chủ trương phục hồi Văn miếu Nghệ An có từ năm 1996, nhưng vì phải huy động một khoản tiền khá lớn nên đành dừng lại. Năm 1999, trước hiện trạng Văn miếu đang mất dần, Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An đã giao cho Bảo tàng Nghệ An lập hồ sơ công nhận di tích để khoanh vùng bảo vệ, đồng thời Sở cũng làm việc với Nhà máy In để có phương án bảo vệ di tích.
Những cây cột gỗ lim còn lại của nhà đại bái.
Sau đó UBND tỉnh đã có công văn số 6707/UBND-VX ngày 29/12/2004 giao Sở VHTT chủ trì cùng Sở Xây dựng, UBND thành phố Vinh tham mưu cho UBND tỉnh về việc phục dựng lại Văn miếu Nghệ An. Năm 2005, dự kiến phục dựng văn miếu trên diện tích 3,5 ha bao gồm Công ti CP In, bệnh viện thành phố Vinh và các hộ dân trong vùng. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì phải giải phóng một diện tích đất quá lớn.
Đến năm 2007, để có cơ sở khoa học tiến hành việc phục dựng Văn miếu, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo về việc xác định địa điểm và phương án phục dựng di tích Văn miếu. Ngành Văn hóa cũng đã tổ chức nhiều cuộc đi khảo sát văn miếu các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quốc Tử Giám...
Ngày 20/6/2011, UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 3406/UBND-CN giao cho Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư dự án, tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng; giao UBND thành phố Vinh tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án, kinh phí do ngân sách tỉnh cấp, báo cáo phương án GPMB, tái định cư về UBND tỉnh trước ngày 30/7/2011.
Hòn đá kê cột của Văn miếu Vinh, người dân đem về dùng “không ổn” nên đã đem trả lại.
Địa điểm phục dựng Văn miếu đã được xác định nhưng lại “vướng” công tác GPMB. Công ti CP In đề nghị tỉnh khẩn trương có quyết định chính thức, để công ti sớm ổn định, có kế hoạch phát triển sản xuất. Một số hộ dân trong diện dự định giải tỏa như ông Nguyễn Văn Ban, chị Lê Hồng Minh... nhà ở đường Ngô Đức Kế thì cho rằng: Cứ đúng luật mà làm, chuyển đến chỗ khác tương đương như ở đây là được. Tuy nhiên, khu đất tại vị trí GPMB là “khu đất vàng” có giá trị thực tế rất cao, việc giải tỏa mặt bằng không hề đơn giản. Ngoài ra, mô hình Văn miếu như thế nào cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Như vậy, nếu không có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ cơ quan chức năng thì thời gian Văn miếu Vinh được phục dựng sẽ còn chưa biết đến bao giờ.
Nhận xét
Đăng nhận xét