Trong các hoa viên của đế vương của Trung Quốc, Di Hoà Viên cũng danh tiếng như Tử Cấm Thành. Cách Bắc Kinh 15 km về phía tây bắc, Di Hoà Viên thật sự nổi tiếng về nghệ thuật hoa viên truyền thống của Trung Quốc. Di Hoà Viên (nghĩa đen là «vườn nuôi dưỡng sự ôn hoà») đến nay vẫn còn được bảo tồn tốt tại Bắc Kinh. Di Hoà Viên xuất hiện đến nay trên 800 năm. Đầu đời Tấn, cung vua tên là Kim Sơn Cung được xây dựng tại khu vực mà nay là Di Hoà Viên. Năm 1750, vua Càn Long xây hoa Thanh Y Viên tại khu vực này để mừng sinh nhật mẹ ông. Trong chiến tranh Nha Phiến, năm 1860 liên quân Anh-Pháp bắn phá hoa viên này. 28 năm sau, Từ Hi Thái Hậu lấy ngân quỹ (để hiện đại hoá hải quân) mà trùng tu hoa viên trong 10 năm và đặt tên là Di Hoà Viên. Năm 1900, trong loạn Quyền Phỉ, liên quân 8 nước lại phá hoại hoa viên lần nữa. Khi Từ Hi hồi cung tại Bắc Kinh năm 1903, bà cho đại trùng tu hoa viên. Hai cảnh nổi bật ở Di Hoà Viên là Vạn Thọ Sơn và hồ Côn Minh. Hoa viên rộng 294 mẫu, trong đó diện tích hồ chiếm 220 mẫu. Vườn chia làm ba khu vực: khu hành chính (chủ yếu là Nhân Thọ Điện - nơi Từ Hi tiếp các quan lại và giải quyết quốc sự), khu nghỉ ngơi (gồm các điện và vườn hoa), và khu phong cảnh.
Nói chung, đặc điểm của các hoa viên của đế vương là:1. Qui mô lớn, chiếm diện tích rộng. Thí dụ Thanh Y Viên đời Thanh chiếm gần 300 mẫu.2. Phong cách kiến trúc đa dạng, cảnh sắc muôn vẻ. Bao gồm phong cách hoa viên tiểu xảo của phương nam (đặc trưng của Sư Tử Lâm ở Tô Châu) và nét hùng tráng của kết cấu các kiểu tháp dân tộc thiểu số (như Bạch Tháp kiểu Tây Tạng ở Bắc Hải), thậm chí còn hấp thu phong cách nghệ thuật phục hưng Âu Châu (như ở Viên Minh Viên).3. Hoa viên có đa chức năng. Hoa viên là nơi đế vương có thể xử lý việc hành chánh, hội kiến riêng với quan lại, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cúng tế, săn bắn, v.v...
Các hoa viên của tư nhân (chủ yếu là giới thượng lưu) xuất hiện khá nhiều. Có thể kể đến Võng Sư Viên, xây năm 1174 (đời Tống) tại Tô Châu, tiêu biểu cho thể loại nhà-vườn (tức là nhà kết hợp hoa viên). Võng sư trong Hán ngữ là người chài lưới (ngư phủ). Tên hoa viên gợi nhớ nhân vật ngư phủ đã từng gặp gỡ thi nhân Khuất Nguyên (khoảng 340-278 tcn), nghĩa là chủ nhân có tâm sự ngao ngán tình đời, muốn tiêu dao, vui thú điền viên như một ngư phủ. Thế kỷ 18, Võng Sư Viên được trùng tu như là nơi hưu trí của một vị quan. Võng Sư Viên gồm ba khu vực: phía đông là nhà nghỉ ngơi, phía tây là vườn hoa nhỏ với thư phòng của chủ nhân, và phần chính yếu là vườn lớn với đủ loại kỳ hoa dị thảo.
Một nét đặc trưng của hoa viên Trung Quốc là một nhà thủy tạ bên bờ nước. Một nửa kiến trúc ở trên bờ, một nửa kiến trúc lấn ra hồ nước và đứng trên các cây cột. Một nét đặc trưng khác là hành lang có mái che, giúp người ta có thể thưởng ngoạn hoa viên ngay cả khi trời mưa hay đổ tuyết. Từ nhà thuỷ tạ hay hành lang có mái che nhìn ra, người ta có cảm giác như ngắm một bức tranh qua một cái khung. Khung cũng có thể là cửa sổ nhà thủy tạ thiết kế hình vuông, tròn, trái xoan, lá sen, v.v... Những nét đặc sắc khác có thể tìm thấy qua từng chi tiết. Chẳng hạn lối đi lát gạch hay đá. Những hình trang trí hay các bộ phận kiến trúc hình vuông và tròn có ý nghĩa sâu sắc «trời tròn đất vuông» (thiên viên địa phương). Những biểu tượng con dơi là điềm hạnh phúc. Năm con dơi trang trí theo hình tròn là «ngũ phúc lâm môn» – năm điều phúc đến nhà: thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (khoẻ mạnh bình an), du hiếu đức (chuộng đạo đức),khảo chung mệnh (hưởng trọn mệnh trời). Những tranh vẽ tùng hạc trang trí trong các toà nhà thuộc quần thể này cũng ngụ ý sống lâu (tùng hạc diên niên). Mai lan cúc trúc – dù là trong tranh vẽ treo trong nhà hoặc chen vai giữa những kỳ hoa dị thảo khác trong vườn – là biểu tượng cho tiết tháo của người quân tử. Như vậy quần thể kiến trúc hoa viên là sự kết hợp giữa thiên nhiên, triết lý, văn hoá, nghệ thuật rất cao, rất sâu sắc.
Các nghệ nhân Trung Quốc đúc kết nghệ thuật hoa viên thành năm điểm:
1. Thiết kế phải thuận theo địa thế tự nhiên, bố cục linh hoạt. Trong quần thể phải có giả sơn, cây cảnh, hoa cỏ, hồ ao, thủy tạ, hành lang, cầu bắc ngang dòng nước, lối đi quanh co, tường vách.
2. Thiết kế phải có tính lưỡng nguyên (hay âm dương), nghĩa là trong cái nhỏ ẩn tàng cái lớn, trong cái hư chất chứa cái thực, một khu đất phải tạo được nhiều mảng phong cảnh. Thí dụ như vườn tuy nhỏ nhưng phải tạo các lối đi quanh co, cầu bắc phải có nhiều nhịp, những tường vách giả sơn ao hồ đan xen v.v... Hết cảnh này thì mở ra cảnh mới, khiến người dạo chơi cảm giác như quang cảnh mênh mông.
3. Lối đi phải quanh co thâm u dưới hàng cây um tùm, lúc ẩn lúc hiện, loanh quanh một khe nước chảy, gợi nên tâm trạng trầm mặc nơi khách du. Thí dụ lối đi có thể bị khuất sau một tường vách hay giả sơn, nhưng rồi hiện rõ phía sau đó. Đó là thủ pháp tạo sự ẩn hiện.
4. Tạo được nhiều không gian. Không gian được chia ra bởi tường vách, nhà cửa, sân, vườn, khe nước, ao hồ, giả sơn, v.v... Nhưng chúng phải tạo được cảm giác lưu thông, thoáng đãng.
5. Thiết kế phải gợi được khung cảnh nên thơ, trữ tình, kết hợp văn học với hội họa và thư pháp. Trong phòng thất có hoành phi, câu đối, các tác phẩm thư pháp và hội họa. Vách nhà thủy tạ đề thơ, v.v...●
TƯ LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. E.L. Shaughnessy, China, Oxford, 2000.
2. Wolfram Eberhard, A History of China, University of California Press, 1977.
3. Jacques Gernet, A History of Chinese Civilisation, Cambridge University Press, 1987. (Bản dịch tiếng Anh của J.R. Foster).
|
Nhận xét
Đăng nhận xét