Ngôi đền thờ sự học cổ nhất Việt Nam


Ngôi đền thờ cổ kính mang tên "Thiên Cổ Miếu" được coi là ngôi đền thờ sự học cổ nhất Việt Nam.
Ngôi miếu cổ này nằm khiêm nhường nơi thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì (Phú Thọ), trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa.

Phát hiện ra ngọc phả nhờ... cháy

Thiên Cổ Miếu nằm trong quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và đền Thiên Cổ, đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử. Cho đến nay, qua những chứng tích còn lại thì đây là ngôi đền thờ sự học cổ nhất ở Việt Nam.
 
a
Cuốn Ngọc phả và sắc phong của Thiên Cổ Miếu. 

Năm 1990, ngôi miếu bị cháy, trong lúc cố cứu những vật thờ, người dân Hương Lan đã phát hiện ra cuốn ngọc phả của miếu và cả sắc phong vua ban. Dù bị cháy lẹm một phần, nhưng nội dung ghi chép trong đó thì không bị mất, đó là những tài liệu vô giá về sự tồn tại của ngôi đền từ xa xưa.

Theo như cuốn ngọc phả này thì đây là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, vốn quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên đây dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người này cũng là người dạy học cho hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai thầy cô tạ thế cùng một giờ, một ngày 2/2 năm Quý Dậu (228 trước công nguyên). Đến nay, ngôi mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn ở trong điện và chưa bị dịch chuyển lần nào.
 
a
Tác giả cùng nhà nghiên cứu chữ Việt cổ Đỗ Văn Xuyền trước cửa Thiên Cổ Miếu.

Hoành phi và câu đối trong miếu Thiên Cổ có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Trong miếu, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến... Đặc biệt là các pho tượng Phụ vương, Mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ. Ngoài ra, còn có một bức Hoành phi nhỏ ghi: "Thiên Cổ Miếu" và hai câu đối viết bằng chữ Hán trên gỗ mộc dài chừng một mét: "Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/Nam thiên chích khí linh từ" nghĩa là: "Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam".

Danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương

Theo một cuộc điều tra của Pháp về hệ thống đền, đình ở nước ta - tài liệu vẫn còn lưu trữ ở Viện Hán - Nôm,  thì toàn miền Bắc và miền Trung có hơn 40 đền thờ các thầy cô giáo và những học trò thời trước Hán, tức là thời Hùng Vương đến thời An Dương Vương.

a
Bàn thờ thầy cô giáo Vũ Thê Lang cùng hai công chúa của Hùng Duệ Vương.

Chính từ những chứng tích của Thiên Cổ Miếu, các nhà nghiên cứu đã tìm được một danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương, những người đã đào tạo ra hiền tài cho các Vua Hùng gồm: Thầy Lý Đường Hiên, thời Hùng Vương thứ 6, dạy ở Yên Vĩ, huyện Hoài Nam, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là Ứng Hòa, Hà Nội); Thầy Lỗ Công, thời Hùng Vương thứ 9, là cháu ngoại vua Hùng Định Vương, dạy ở kinh thành Văn Lang...

Đến nay vẫn còn đền thờ của các thầy giáo và học trò của họ ở khắp miền Bắc nước ta như đền thờ thầy Hải Đường tiên sinh ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu; Đền thờ Trương Sơn Nhạc, học trò thầy Lỗ Đường tiên sinh, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh... Thậm chí cả những vùng đất xa xôi, hiểm trở như ở Quỳnh Nhai, Sơn La, cũng có đền thờ thầy cô giáo và những học trò rạng danh thời đó.
 
Thần Quy
Thần Quy

Ngày nay, đền Thiên Cổ không chỉ là điểm đến của những người "Tôn sư trọng đạo", yêu kính cội nguồn dân tộc, mà còn là điểm đến của không biết bao nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước. Ngôi đền cổ thờ thầy cô giáo là một minh chứng hùng hồn cho truyền thống giáo dục của dân tộc ta, một dân tộc có bốn nghìn năm văn hiến.
 

Bản ngọc phả quý được viết vào năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đời vua Lê Anh Tông, do Đông Các học sĩ Nguyễn Bính biên soạn. Ngọc phả này đã ghi chép lại nguồn gốc của Thiên Cổ Miếu: "Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ. Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn - Kinh Bắc. Nguyễn Công đã gả cho Thê Lang người con gái yêu của mình là Nguyễn Thị Thục - một cô gái nết na, thạo nghề tơ tằm canh cửi. Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông tang, canh cửi. Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa".
Ngôi miếu cổ nằm hiền hòa dưới bóng hai cây táu cổ thụ, gốc to bốn, năm người ôm không xuể, có tuổi hàng ngàn năm. Điều thú vị là một cây cho hoa màu vàng, một cây cho hoa màu bạc. Hè năm 1978, do quan niệm ấu trĩ và thiếu chất đốt, ban lãnh đạo hợp tác xã Động Lực quyết định cho chặt hai cây táu làm củi nung gạch. Biết hung tin, các cụ già của thôn Hương Lan đồng lòng kéo nhau ra miếu và ngăn cản vụ chặt cây này. 

Thiên Cổ Miếu là một trong những ngôi đền thờ thầy giáo từ thời Vua Hùng. Đặc biệt, cuốn ngọc phả và những hoành phi câu đối còn lưu giữ trong miếu thờ là minh chứng thực tế khẳng định Việt Nam có một nền giáo dục phát triển mạnh ngay từ khi tổ tiên ta gây dựng nhà nước Văn Lang.
Truyền thuyết sư phụ mẫu
Theo như ngọc phả từ ngôi đền mà dân làng lưu giữ ghi lại, đền đã có cách đây hơn 4.000 năm, tức là thời đại của các Vua Hùng. Ngôi đền là địa chỉ liêng thiêng của người dân thôn Hương Lan, phường Trưng Vương, TP. Việt Trì mà bao đời con cháu trong làng quyết tâm lưu giữ cho muôn đời sau. Hơn 4.000 năm trải qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử, nhiều thứ có thể mất đi, nhiều người có thể hy sinh vì sự tồn tại của ngôi đền cổ này. Cũng vì nhiều lần giặc giã xâm phạm muốn phá bỏ di tích mà một thời gian dài trước đây, người dân gọi chệch tên ngôi đền là “Miếu Hai Cô”.
Bí ẩn về “Thiên Cổ Miếu” ở Kinh Đô Văn Lang - Ảnh 1
Toàn cảnh Thiên Cổ Miếu, nơi thờ thầy giáo từ thời Hùng Vương
Tôi tìm đền ngôi đền vào trước giỗ vợ chồng thầy Vũ Thê Lang đúng một ngày. Bởi thế, tôi đã may mắn gặp được nhiều cụ cao niên trong làng, những người trong ban quản lý khi họ đang chuẩn bị những công việc cuối cùng cho một ngày giỗ trọng đại. Sau chén trà nóng ngay khu nhà khách cạnh đền, ông Nguyễn Quý Thanh (SN 1953), trưởng tiểu ban quản lý cụm di tích Đình, Đền, Lăng Hương Lan cho biết: “Năm 1990, khi các cụ cao niên trong làng hóa bát nhang ở Miếu Hai Cô, chẳng may đền bốc cháy. Trong khi vội vào di chuyển vật dụng trong đền ra bên ngoài, mọi người đã phát hiện ra cuốn ngọc phả và sắc phong của Vua. Từ đó, ngôi đền mới được trả về nguyên mẫu của nó, là đền thờ thầy cô sư phụ, sư mẫu của con Hùng Duệ Vương đời thứ mười bảy chứ không phải Miếu Hai Cô như trước đây dân làng vẫn gọi”.
Theo đó, tích xưa truyền lại, vợ chồng Vũ Công ở đất Mộ Trạch, Hải Dương là một gia đình có sự học nổi tiếng khắp vùng nhưng gia thế nghèo khó. Bởi thế, họ đã tha hương tìm vùng đất kinh đô mở lớp dạy học mà kiếm tiền sinh sống. Khi đến vùng đất Phong Châu, họ đã dừng chân ở thôn Hương Lan và dạy học có tiếng ở đây. Dân làng cảm “cái ơn” của hai vợ chồng nhà giáo nghèo đã khai mở trí tuệ cho con cháu họ mà cấp cho họ đất ở và ruộng vườn để làm.
Không lâu sau khi gắn bó với mảnh đất này, vợ chồng thầy cô giáo sinh hạ được một người con trai khôi ngô tuấn tú, bộc lộ tài trí hơn người ngay từ khi còn nhỏ, đặt tên là Vũ Thê Lang. Khi đến tuổi trưởng thành, một người bạn cũ của Vũ Công là Nguyễn Công ở Đông Ngàn, Kinh Bắc quý mến cậu con trai tài trí của bạn nên đã gả cho con gái là Nguyễn Thị Thục. Đến khi cha mất, Vũ Thê Lang tiếp nối nghiệp cha cùng chung sống một cuộc đời đạm bạc bên người vợ tảo tần nuôi tằm dệt vải.
Tiếng lành đồn xa, sự mẫu mực, chịu khó và tài đức của người thầy giáo làng đã đến tai triều đình lúc bấy giờ. Hùng Vương thứ mười tám mời ông vào kinh giao cho trọng trách chăm lo sự học của hai cô công chúa là Ngọc Hoa và Tiên Dung. Từ tích cổ này mà một thời gian dài, để tránh điều tiếng và giặc phương bắc phá hoại, ngôi miếu được dân làng gọi chệch đi là “Miếu Hai Cô”.
Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Quý Thanh cho biết: “Truyền theo ngọc phả thì vợ chồng thầy Lang tuy không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng lại tạ thế cùng một giờ vào ngày mùng 2 tháng 2 năm Quý Dậu (228 trước Công Nguyên) và được người dân chôn cất cùng một ngôi mộ nằm ở chính giữa ngôi đền này. Do đó, đền rất linh thiêng và có ý nghĩa vì đó là đền thờ thầy giáo từ thời mở nước. Sau nhiều lần trùng tu, sang sửa, phần đền đã có nhiều sự thay đổi nhưng nguyên phần mộ ở giữa thì không ai dám động vào”.
Bí ẩn về “Thiên Cổ Miếu” ở Kinh Đô Văn Lang - Ảnh 2
Mộ phần vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang trong Thiên Cổ Miếu.
Vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang sinh hạ được ba người con trai thì cả ba đều không lập gia đình và làm phò tá tích cực cho Vua Hùng. Chính vì vậy, đến khi họ mất, Hùng Vương đã phong cho cả ba làm Thành Hoàng làng và giao cho làng Hương Lan thờ cúng. Ngày nay, phần mộ của ba vị Thành Hoàng nằm cách mộ phần của cha mẹ chừng 300m. Tại Thiên Cổ Miếu, nơi thờ tự người thầy đã có công dạy học cho hai cô công chúa con Vua Hùng vẫn còn đôi câu đối bằng gỗ viết bằng chữ Hán: “Hùng lĩnh trung chi thắng tích/ Nam thiên trích khí linh từ” (dịch nghĩa đại ý là: Ngôi đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ lớn lao của nước Nam). Hai bên cửa võng có hai câu: “Đạo học nét son ngời Lạc Việt/ Văn minh dấu ấn rạng Hùng Vương”. Còn các hoành phi câu đối trong đền thì được ghi có từ thời vua Tự Đức năm thứ nhất 1848.
Tự hào nền giáo dục đầu tiên
Ngôi đền có diện tích khá khiêm tốn nằm lặng lẽ dưới tán hai cây táu cổ thụ. Ông Thanh không giấu nổi niềm tự hào chỉ vào hai cây táu cho biết: “Hai cây này đã được đưa vào danh sách cây di sản của Việt Nam. Đến tháng 5, hai cây táu sẽ cùng trổ hoa và cũng cùng rụng hoa vào một thời điểm. Tuy nhiên, một cây hoa màu vàng, một cây hoa màu trắng rất kỳ thú. Người dân vẫn cho rằng, ngôi đền linh thiêng từ những điều thuộc về tự nhiên như thế”.
Ông Đỗ Văn Xuyền (SN 1937), người thầy giáo đã có nhiều năm bỏ công sức nghiên cứu về chữ Việt cổ cho biết: “Mặc dù chưa có một nghiên cứu khảo cổ nào khẳng định nền giáo dục thời đại Văn Lang phát triển đến mức nào nhưng chắc chắn ngay từ thời đại mở nước, dân tộc ta đã có truyền thống hiếu học và có chữ viết riêng để khẳng định cho việc học ấy”.
Bí ẩn về “Thiên Cổ Miếu” ở Kinh Đô Văn Lang - Ảnh 3
Ông Đỗ Văn Xuyền luôn tự hào với những tài liệu giải mã được chữ Việt cổ mà mình tìm được.
Ông Xuyền chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi cũng vì nỗi đau tiếc một đất nước nghìn năm văn hiến mà không có chữ viết cho riêng mình, cứ phải mang tiếng mượn chữ của người khác nên mới mải miết đi giải mã chữ Việt cổ. Khi giải mã được rồi, khẳng định được cái sự học ở nước ta đã có từ thời Hùng Vương và chữ viết cũng ra đời từ ngày đó thì không chỉ tôi mà rất nhiều người Việt Nam phải òa khóc”. Đôi mắt người thầy cả một đời mải miết đi giải mã chữ Việt cổ bỗng rưng rưng khiến niềm tự hào lây lan sang cả tâm trạng người đối diện như tôi. Tôi hiểu, người ta khóc vì niềm hạnh phúc khi đã khẳng định được hệ thống giáo dục hưng thịnh ngay từ thời kỳ đầu cha ông mở nước. Điều đó cũng có nghĩa là người Việt ta đã có chữ viết của riêng mình mà phát triển lên chứ không còn chịu tiếng là người đi mượn chữ nữa.
Cũng theo ông Xuyền, không chỉ có đền thờ thầy Vũ Thê Lang mà trên khắp đất nước Việt Nam còn tồn tại rất nhiều ngôi đền thờ các thầy giáo đã có công giảng dạy từ thời Vua Hùng. Ông khẳng định: “Tôi có thể kể tên từng địa danh có đền, tên từng người thầy, từng học trò của họ. Tôi nghĩ rằng đó là một điều đáng tự hào cho cả dân tộc”.
Theo lời kể của ông Xuyền, những năm gần đây, nhiều Việt kiều ở các nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, Úc,... khi nghe nói về chữ Việt cổ đã tìm về gặp ông để được nhìn thấy những con chữ đầu tiên của tổ tiên mình. Họ đã cảm động rơi nước mắt khi biết người Việt ta không còn bị mang tiếng là đi mượn chữ nữa, mà chúng ta đã có chữ ngay từ ngày đầu lập nước Văn Lang. Nhiều người tha thiết được đăng ký vào lớp học chữ Việt cổ của ông Xuyền mở ra. Tuy nhiên, “đến nay, tôi vẫn còn áy náy vì chưa đáp ứng được hết ước nguyện của họ”, ông Xuyền nói.
Cuối cuộc trò chuyện, ông Xuyền nói với chúng tôi rằng: “Chúng ta đều đã biết Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam là Văn Miếu được thành lập năm 1075, thời nhà Lý. Tuy nhiên, với những dấu tích tại ngôi đền và nghiên cứu giải mã được chữ Việt cổ thì có thể khẳng định ngay từ thời Hùng Vương, nước ta đã có một nền giáo dục phát triển. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người tìm đến “Thiên Cổ Miếu” để tri ân với truyền thống tôn sư trọng đạo. Đây là một trong những nét đẹp trong văn hóa người Việt”.
Ông Xuyền rất tự hào: “Ngày nay, đã có rất nhiều người có thể đọc được chữ Việt cổ do tôi và các nhà nghiên cứu giải mã. Đây là điều khiến tôi tâm đắc nhất và hạnh phúc hơn bất cứ thứ phần thưởng nào. Bởi tôi sống đơn giản chỉ luôn tha thiết lưu giữ lịch sử cho con cháu muôn đời sau”.

Nhận xét