Phương thức kè đá khai thác nguồn nước ngầm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và trồng trọt với nhiều điểm khác biệt, độc đáo ở vùng Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ đã và đang được nhiều học giả trong – ngoài nước quan tâm với các mức – góc độ khác nhau.
Trong loạt bài chuyên khảo từ những năm 1937- 1940, nữ học giả Pháp M. Colani đã có những khảo cứu công phu và đi đến một số kết luận tổng quát về loại hình di tích này. Linh mục L.Cadiere - người có nhiều nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về tín ngưỡng và văn hoá cổ ở các tỉnh miền Trung cũng tham gia tán đồng. Sau M.Colani, nhiều nhà nghiên cứu Pháp, Liên Xô (cũ), Việt Nam cũng có bàn tới các di tích này. Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng lại các tài liệu của M.Colani nên cũng không thể đi xa hơn được những kết luận của bà (A. Masson 1960: 15; G. Coedes 1962: 129; L. Bezacier 1972: 242-243; J.V Chesnov 1976: 61; Bùi Huy Đáp 1985: 11; Đào Hùng 1990: 129; Lê Duy Sơn 1991: 84…). Gần đây, Tạ Chí Đại Trường với cách tiếp cận từ nhiều khía cạnh, cách đặt vấn đề đơn giản mà độc đáo hơn đã đi đến một kết luận mới và khác (Tạ Chí Đại Trường 1991: 48-61).
Những vấn nạn của Tạ Chí Đại Trường, những kết quả của đợt khảo sát tháng 3- 1992 đã gợi ý cho chúng tôi rà soát lại các kết luận đã đương nhiên được chấp nhận và sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu trước kia cũng như gần đây.
Tựu trung, các công trình nghiên cứu đều xoay quanh ba vấn đề lớn:
1. Khảo sát, khảo tả và phân loại các công trình khai thác nước.
Công đầu trong lĩnh vực này thuộc về M.Colani. Bà đã tập trung khảo sát trên địa bàn khá rộng, gồm các vùng đất thuộc Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ từ năm 1912 đến 1940. Nhờ những nghiên cứu công phu, tỷ mỷ của bà mà ngày nay chúng ta có các sơ đồ, số đo, bản vẽ, ảnh chụp … của những công trình khai thác nước này. Đến hôm nay những nghiên cứu ấy vẫn còn giá trị. Vì do không có điều kiện, hầu như tất cả các tác giả khác đều dùng chúng như tư liệu gốc. Mặt khác, một số công trình đã bị phá huỷ, cải tạo hay bỏ đi không dùng nữa (Vũ Triều Dương 1992: 18-27).
M. Colani đã dùng thuật ngữ “Système” – (Hệ thống) để chỉ các công trình khai thác nước gồm nhiều thành phần khác nhau, phân bố kiểu bậc thang. Một “Système” hoàn chỉnh nhất – (hệ thống Kình) theo bà bao gồm:
- Trên cùng là một mặt bằng khô ráo.
- Phía dưới là vũng[1] thượng (basin supérieur) nhận nước từ trên cao xuống qua các vòi bằng đá hay gỗ.
- Nước từ trên vũng thượng chảy vào vũng chứa (vũng nước sử dụng) – (basin d’alimentation). Đây là nơi lấy nước ăn, tắm giặt.
- Nước từ vũng chứa chảy xuống vũng tháo rộng, bờ thấp, nước đọng. Trâu bò thường uống nước và đằm ở đó.
- Nước từ các vũng trên theo trọng lực chảy qua các lạch, dòng chảy (ruisseau, defluant) tưới cho các ruộng lúa, vườn tược ở xung quanh.
Các mặt bằng ở trên cao, các bể, lạch và dòng chảy đều được kè đá với chủ đích định hướng và giữ nước dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Ở một số hệ thống, còn có các đường kè đá thành bậc dẫn lối từ làng xuống.
Bà đã dùng thuật ngữ “puits” – (giếng) chỉ những hố hình tròn hay vuông lấy và chứa nước ngầm, thành giếng được kè đá.
Theo M. Colani “puits” đơn giản hơn “système” song không phải là giếng đơn mà là giếng đôi kế tiếp nhau, nằm trên mặt bằng dốc, theo nguyên tắc bình thông nhau có lạch hay dòng chảy dẫn nước ra ruộng.
“Système” và “puits” được bà phân loại theo số lượng của vòi chảy hay không vòi chảy [2] (M. Colaini 1940: 15- 31; 43- 56).
Tháng 7- 1937, M. Colaini đã đào một số hố thám sát ở các mặt bằng trên cao, mặt bằng quanh một số vũng, trên các con đường bậc thang dẫn xuống các giếng[3]Đào, Kình, Đìa, Ông. Độ sâu các hố từ -0,4m tới -1,25m, tính từ bề mặt hố đào. Giếng Kình: 4 hố; giếng Đào: 5 hố; giếng Đìa: 2 hố; giếng Ông: 4 hố.
Hiện vật thu được qua các hố trên ít, đơn giản và khá đồng nhất, chủ yếu là mảnh gốm, sành vỡ. Trong báo cáo kết quả M. Colani đề cập tới những mảnh gốm cổ, gốm hiện đại song không cho biết cụ thể. Tại một hố giám sát ở giếng Kình, bà tìm thấy trên bề mặt một số đồng tiền niên hiệu Gia Long, Tự Đức, Thiệu Trị; ở độ sâu -0,60m tìm thấy một mảnh tiền đồng khác không rõ niên hiệu. Trong hố thám sát 5 của giếng Đào, tìm thấy một vật hình nón trụ bằng đá, đáy là khối hình chữ nhật mà theo M. Colani là dùng để dẫn nước vào ruộng. Kết quả từ hố đào số 5 tại giếng Kình phần nào cho biết những người xây dựng nó đã dùng các khối đá chèn nền, củng cố bờ tường (M. Colani, 1940: 29)[4].
2. Về nguồn gốc và chủ nhân
Có ba ý kiến lớn:
a. Ngoại lai
Dùng các dấu vết tín ngưỡng (tục thờ đá, thờ cây, thuật phong thuỷ, mồ mả cũ), đối sánh cách khai thác nước vùng này với các phương thức thuỷ lợi của người Việt và người Chăm, dẫn các chứng cớ dân tộc học của các tập đoàn thiểu số vùng Assam ở đông bắc Ấn và Indonexia, M. Colani kết luận: Hệ thống thuỷ lợi Quảng Trị “là thuộc về một dân tộc lạ (ngoại lai), chắc đã để lại hậu duệ ở Quảng Trị, nhưng là một số rất nhỏ, đã bị chìm vào trong tổng thể” (M. Colani, 1940: 39).
Theo M. Colani, cả ba nơi Assam, Indonexia và một phần Đông Dương vào một lúc nào đó thuộc vùng khai thác của tập đoàn nhân chủng giống nhau. (M. Colani, 1940: 20). Tuy nhiên, chính bà cũng không biết rõ hướng thiên di của các tộc người đó, “Từ Đông Dương tới Indonexia hay ngược lại”. (M. Colani, 1940: 214).
Linh mục P. Cadière đưa ra các dấu vết còn lại của một thương điếm (emporium) có tên Phường Hàng ở làng Mai Xá, bên cạnh trạm thuế quan Cửa Tùng. “Emporium” này đã bị ngập nước và còn thấy chất đống các mảnh gốm. Nhà truyền giáo này cho rằng những nhóm người đi biển đã tới đây từ thời xa xưa và thâm nhập vào các vùng đất bên trong, chủ yếu theo hướng tây nam. Ông còn cho biết ở Cửa Việt cũng có một “Emporium” tương tự, xong lại không cho biết nhóm người đi biển nói trên có qua đây không và đi về hướng nào?
Ông cho rằng “những người xây dựng (những hệ thống) ở Gio Linh là những người đi biển tới từ Indonexia (?) hay hậu duệ của họ” (?). Song sau đó ông lại phân vân “Những Emporium này có thể là của những thương nhân khác nhau, mà chắc chắn (hay có thể) có niên đại muộn hơn” (M. Colani 1940: 41)[5].
b. Chămpa:
Quảng Trị xưa là đất của vương quốc Chămpa. Thư tịch cổ cho biết đây từng là Ô Châu, Ma Linh châu của Chiêm Thành. Đó là gợi ý cho nhiều nhà nghiên cứu đương nhiên coi người Chăm là chủ nhân của các hệ thống khai thác nước này, song cũng không có những giải thích hợp lý và chứng cớ cụ thể (Bùi Huy Đáp, 1985: 11; Phan Ngọc Chiêu, 1989: 34; Đào Hùng 1990: 129; Lê Duy Sơn 1991: 84…).
c. Việt:
Tạ Chí Đại Trường đã đưa ra một loạt những phản biện xác đáng và hợp lý về những giả thiết và kết luận của M. Colani và những người khác về nguồn gốc Indonexia và sự thiên di. Đồng thời trên một số kết quả đào thám sát 3- 1937, và đặc biệt sự kiện 1572 Nguyễn Hoàng đày tù binh nhà Mạc lên vùng Cồn Tiên, ông đã đi tới một giải đáp mà theo ông “khá giản dị”: “Hệ thống thuỷ lợi dùng cho sinh hoạt và nông nghiệp ở Gio Linh là của những chiến tù 1572” (Tạ Chí Đại Trường, 1991: 57).
3. Niên đại
M. Colani không nói rõ thời điểm cụ thể, theo bà có thể là sau nền văn minh cự thạch, vào những thế kỷ sau công nguyên (M. Colani 1940: 41).
P. Cadière cho rằng thời gian kết thúc của các hệ thống này là vào năm 1572, khi Nguyễn Hoàng đày đám tù binh nhà Mạc lên Cồn Tiên (M. Colani 1940: 209). Theo ông, dân Gio Linh lúc đó không phải là dân Việt và giải thích sự tách biệt dân tộc của hai thời đại trước và sau 1572 bằng những dấu vết thờ cúng ông Tiền (khai khẩn) là của dân tộc trước và ông Hậu (khai canh) là của người Việt đến sau (M. Colani 1940: 210)[6].
G. Coedès đưa ra khung thời gian từ trước Công nguyên (Coedès 1962: 26). E. Bezacier thì cho rằng thuộc sơ sử, trước Bắc thuộc (Bezacier 1972: 252- 253). J.V. Chesnov lại đưa về phạm vi văn hóa Đông Sơn (Chesnov, 1967: 61).
4. Cấu trúc
Vùng đất nơi phân bố các công trình khai thác nước thuộc cùng đồi bazan Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ phía Bắc tỉnh Quảng Trị, có độ cao chừng 100m, diện tích tổng cộng khoảng 235 km2. Đá bazan ở đây bị phong hóa thành đất đỏ, nâu đỏ, xám rất phì nhiêu. Khắp nơi là vườn cau, dứa, chè, hồ tiêu… Hiện nay, còn trồng nhiều cây cao su. Dưới chân đồi, ven sườn đồi là các ruộng lúa bậc thang và phẳng. Đặc điểm của đất ở đây là tính chất giữ ẩm lớn. Đá bazan nằm rải rác khắp nơi.
Chúng tôi đã đi khảo sát được 21 địa điểm, nơi có các công trình khai thác nước tại các làng xung quanh quanh núi Cồn Tiên- xã Gio Linh, Gio An, khu vực các làng Liêm Công Đông, Liêm Công Tây – xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh; xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và khu vực cồn cát thuộc xã Gio Mỹ, Gio Linh (Vũ Triều Dương 1992: 18- 27).
Trước hết, để phân loại các công trình khai thác nước này, chúng tôi xin làm rõ một số khái niệm sau:
- Hệ thống bể lấy nước và dẫn nước: gồm một hay nhiều bể kè đá, lấy và chứa nước mạch. Nước từ đó qua các mương (rãnh) chảy tưới cho các ruộng lúa xung quanh.
Bể: xung quanh có kè đá (không phải đào) để hứng, lấy nước của mạch nổi hay ngầm từ sườn hay chân đồi.
- Hệ thống giếng lấy và dẫn nước: gồm hai giếng (giếng kép) kè đá, được đào sâu xuống đất để lấy nước mạch chìm trong lớp đất bazan. Giếng kép này hoạt động trên nguyên tắc bình thông nhau. Các mương (rãnh) dẫn nước tưới cho ruộng lúa.
Thực tế khảo sát cho thấy các hệ thống giếng, bể có những điểm chung giống nhau và một số nét riêng khác nhau:
+ Đặc điểm chung:
a. Đều được xếp bằng đá, chúng tôi nhấn mạnh: xếp chứ không xây, không có hợp chất liên kết (chủ yếu là đá bazan) và hệ thống các bể hay các giếng nối với nhau chặt chẽ theo chênh lệch về độ cao lấy nước mạch. Hệ thống bể lấy và dẫn nước đầy đủ nhất bao gồm (tính từ cao xuống thấp):
1. Trên cao là một mặt bằng xếp đá, rộng hẹp khác nhau. Trung bình rộng khoảng 0,40- 0,50m.
2. Tiếp đến là một bể nhận nước (có nơi là một lạch nước nhỏ). Bể này hứng nước từ trong nguồn đổ ra. Mực nước ở đây thường không quá 0,20m. Theo nhân dân địa phương không ai được phép lấy nước ở đây. Chức năng của bể này là lắng các tạp chất. Nước từ đây chảy trực tiếp hay qua vòi xuống bể dưới.
3. Bể lấy nước sinh hoạt. Giữa bể lắng và bể này thường có bức tường ngăn bằng đất hay kè đá. Bức tường này có thể coi là đập chắn nước có tác dụng ngăn giữ nước ngầm để có thời gian lắng đọng các tạp chất. Nước từ bể lắng xuống bể lấy nước trực tiếp rỉ qua bức tường chắn hoặc qua các vòi dẫn nước bằng đá, gỗ, thân cây cau. Có hệ thống có một vòi, có hệ thống có 2, 3 vòi. Các vòi bằng đá có hình bán trụ, chiều dài trung bình là 1,30m. Trên bề mặt có rãnh chảy dọc thân và chiều ngang của rãnh là 1,10m. Các vòi phần lớn đã bị vỡ, gẫy, ít cái còn nguyên.
4. Một bậc thấp hơn nữa là bể chứa, nơi dân địa phương tắm rửa, giặt giũ… Bể này cũng được kè đá, thường có kích thước lớn hơn bể trên, ở giữa thường có các tảng đá làm nơi giặt, rửa.
5. Bể tràn hay bể tháo, có kích thước lớn. Nước đọng lại như ao. Đây là nơi trâu bò ra tắm, uống nước. Hiện nay phần lớn chúng đã bị phá.
6. Hệ thống rãnh (lạch, mương) dẫn nước chảy từ bể tràn ra ruộng lúa. Hệ thống này cũng được xếp đá hai bên để tạo thành dòng chảy. Xung quanh khu vực này hiện trồng rất nhiều rau “liệt” (còn gọi là xà lách xoong).
b. Đều thực hiện hai chức năng: Cung cấp nước cho sinh hoạt và tưới tiêu.
c. Đều cùng mục đích khai thác nguồn nước ngầm. Kết cấu của chúng phụ thuộc vào từng loại mạch cụ thể (ngầm hay nổi/phun).
d. Đều lợi dụng đặc điểm của dòng chảy tự nhiên theo chênh lệch về độ cao. Thành phần cấu thành các hệ thống nhiều hay ít là do độ dốc và trữ lượng nước mạch quyết định.
đ. Các hệ thống, bể giếng tham gia điều tiết nước bằng kỹ thuật gia cố đá để giữ nước theo kiểu tự động dâng, tạo các rãnh dẫn nước bằng đá. Đá sử dụng đều là đá có nguồn gốc tại chỗ, phần lớn không có dấu vết chế tác. Kỹ thuật xếp đá, kè đá phù hợp với những vùng có độ dốc để không bị xói mòn và cuốn trôi.
Như vậy, phải chăng môi trường tự nhiên (đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu…) đã buộc cư dân ở đây phải tìm cho mình cách lấy nước hợp lý, sáng tạo này?
- Những điểm khác biệt:
a. Có loại lấy nước mạch nổi, phun và do đó bể lấy nước được kè đá hoặc đắp đất trên bề mặt; có loại lấy nước mạch chìm chảy ngầm và do vậy giếng lấy nước phải đào sâu xuống đất.
b. Có loại có, có loại không có vòi dẫn nước.
c. Có loại có cấu trúc phức tạp, nhiều thành phần, có loại có cấu trúc đơn giản (cấu trúc một bể, một kênh dẫn nước; cấu trúc bể đôi và kênh dẫn nước).
Việc phân loại các công trình khai thác nước ngầm ở vùng phía bắc tỉnh Quảng Trị theo chúng tôi không thể dựa vào số lượng vòi chảy như M. Colani đã làm. Tiêu chí đó không nêu rõ được đặc trưng kỹ thuật và cơ cấu xây dựng. Các hệ thống bể có hay không có vòi chảy đều được xây dựng theo cùng một nguyên tắc và chúng đều thuộc một kiểu.
Chúng tôi thấy rằng tùy theo nguồn mà những công trình này thuộc về hai loại:
1. Hệ thống bể xếp đá lấy nước mạch ngang phun từ sườn, chân đồi. Loại này có hai kiểu:
a. Có bể lắng trước khi nước ra vòi chảy vào bể nhận nước, rồi xuống bể chứa, qua bể tràn và từ đây chảy ra ruộng qua các kênh rạch. Điển hình là các “giếng” Kình, “giếng” Đào[7].
b. Nước nguồn từ vách đồi luồn qua các khe đá, tấm đá chảy thẳng vào bể nhận nước (không có bể lắng) xuống bể chứa, bể tràn hay từ bể nhận nước qua hệ thống kênh rãnh chảy luôn ra ruộng, ví dụ: “giếng” Ông, “giếng” Cái, “giếng” Tép…
Như vậy, có thể thấy rằng trong loại bể thứ nhất này thì kiểu 1 là kiểu phức hợp, kiểu 2 là kiểu đơn giản.
2. Hệ thống giếng được đào sâu xuống đất, được kè đá bao quanh với mục đích lấy nước mạch ngầm. Đây là loại bể kép, theo nguyên tắc bình thông nhau và có kênh, rãnh dẫn nước tưới cho các ruộng lúa xung quanh. Loại này thấy có ở Gio Linh, Cam Lộ, song chủ yếu phân bố ở Vĩnh Linh.
Các hệ thống bể, giếng thường phân bố ở vùng sườn hay chân đồi đất đỏ. Khu vực xung quanh không có sông, suối, ao, hồ,… Toàn bộ trữ lượng nước vùng Cồn Tiên nằm ngầm dưới lớp đất đỏ (M. Colani 1940: 84). Trong khi đó, hệ thống giếng ở Vĩnh Linh lại bám theo một dòng chảy mà người Pháp gọi là sông Liêm Công Tây (M. Colani 1940: 43).
Những hệ thống bể, giếng trước hết cung cấp nước phục vụ đời sống hàng ngày (đáng chú ý là có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt: lắng bể, lấy nước sinh hoạt, bể chứa nước tắm giạt, bể súc vật uống nước…). Nước dư thừa chảy qua hệ thống kênh rãnh tưới cho các ruộng lúa, vườn rau. Chính đặc điểm đa chức năng này tạo nên tính khu biệt và độc đáo của chúng. Thông thường những kênh rãnh từ các hệ thống dẫn nước chảy thẳng ra các ruộng (ruộng bậc thang, ruộng trũng, phẳng quanh khu vực. Song, trong một số trường hợp, nước của vài hệ thống chảy dồn vào một khe, khe này có tác dụng điều hóa nước tưới. Ví dụ: Khe Cừ nhận nước của các “giếng” Ông, Bà, Voi, Cái, Diềm. Ở một vài chỗ còn có các ao hồ với những đập bằng đất, đá, cây tập trung lưu lượng nước như hồ Sen, ao Sara… Nước từ những giếng quanh vùng Cồn Tiên còn chảy tưới cho một số ruộng ở vùng cồn cát ven biển. (M. Colani 1940: 28, bản vẽ LXVIII- trên). (Còn tiếp)
[1] Chúng tôi sử dụng chữ vũng dịch từ chữ “basin” của Tạ Chí Đại Trường. Dân địa phương gọi tất cả các công trình này giếng.
[2] Theo chúng tôi không thể dùng số lượng vòi chảy làm tiêu chuẩn kỹ thuật để phân loại các công trình khai thác nước này. Chúng tôi sẽ làm rõ thêm vấn đề đó ở phần phân loại của mình.
[3] Để tiện theo dõi, chúng tôi sử dụng từ giếng theo dân địa phương đang dùng để gọi tất cả các công trình khai thác nước trong vùng.
[4] Thực ra không thấy có lớp gốm hiện đại, được rải ra khỏi làm đục nước, chắc bờ như Tạ Chí Đại Trường nhận xét (Tạ Chí Đại Trường 1991: 49).
[5] Rõ ràng là những chỉ dẫn của P. Cadière mỏng manh và không nhất quán. Kết quả khảo sát của chúng tôi ở Tùng Luật (gần Cửa Tùng); Phố Hội (gần Cửa Việt). Những địa điểm ở các vị trí thuận lợi cửa sông, ven biển cho thấy: có lẽ P. Cadière đề cập tới những bến thuyền (cảng thị), mà dọc cửa biển miền Trung có không ít. Ở những bến thuyền trên thấy tập trung nhiều mảnh gốm, sành sứ Trung Hoa, Đại Việt, Chăm, niên đại khác nhau.
[6] Việc thờ cúng ông Tiền khai khẩn, ông Hậu khai canh không hề mang dấu vết phân biệt chủng tộc, đây là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung của người Việt.
[7] Như phần trên đã nói, hiện nay dân địa phương gọi tất cả các công trình này là Giếng, để tiện theo dõi chúng tôi vẫn dùng tên gọi đó đặt trong ngoặc kép; còn nếu không trong ngoặc kép thì hiểu là loại đào sâu xuống dưới đất.
Lâm Thị Mỹ Dung
(Bài đã đăng ở tạp chí Khảo cổ học số 2 năm 1993, trang 67-79)
Hình minh họa
Một giếng đã bị sang sửa lại
Giếng Đôộng Làng, Gia Môn, Dốc Miếu
Khe dẫn nước tưới giếng Đôộng Làng
Giếng Đôộng Trong, Gia Môn, Dốc Miếu
Giếng xây bằng gạch Chăm Ngõ Vĩnh
Bến Mai Xá Chánh
Gốm tìm thấy ở Bến Mai Xá Chánh
5. Khảo sát khảo cổ học
Để làm rõ hơn vấn đề từ góc độ khảo cổ học, chúng tôi đã khảo sát khu vực quanh “giếng” Kình (làng An Nha), “giếng” Ông, “giếng” Bà và đào một hố thám sát tại “giếng” Tép (làng Hảo Sơn) thuộc xã Gio An, huyện Gio Linh.
Hố thám sát có kích thước 1x1m, được đào ngay trong lòng “giếng” Tép, là một giếng nhỏ, ít người sử dụng, không ảnh hưởng lắm đến sinh hoạt của người địa phương.
Hố đào đạt tới độ sâu 0,62m so với bề mặt, từ độ sâu này trở xuống là lớp đá ong cứng. Đất trong hố cứng, lẫn nhiều hạt, mảnh vỡ Feralit. hiện vật của lớp đất đào chủ yếu là các mảnh gốm, sành, sứ vỡ, răng động vật, khá giống nhau về loại hình, chất liệu. Trong lớp bề mặt có các mảnh sứ hiện đại, sắt, chì và thủy tinh. Từ độ sâu 0,38m trở xuống, đất lẫn nhiều cát xám đen, số lượng mảnh hiện vật tăng đáng kể. Tại đây tìm thấy một mảnh tiền đồng niên hiệu “Quang Trung Thông Bảo” (1788- 1792), một phần tư mảnh tiền đồng khác không rõ niên hiệu (Vũ Triều Dương 1992: 27- 29).
Trên vườn cao su phía tây “giếng” Kình và trên các vườn rau, sắn giữa “giếng” Tép, “giếng” Ông và “giếng” Bà, chúng tôi cũng thu nhặt được một số mảnh hiện vật sành, gốm, sứ tương tự như trong hố thám sát. Nhìn chung, có ba loại sau:
a. Gốm: có 2 loại gốm mịn và gốm hơi thô.
- Gốm mịn có màu vàng nhạt, đỏ gạch, chế tạo bằng bàn xoay. Một số mảnh hiện vật lồi uốn cong lòng máng hay bẻ gấp khúc ra ngoài. Phần lớn các mảnh không có trang trí. Có một mảnh miệng thu được tại khu vườn gần “giếng” Tép màu đỏ độ nung vừa phải, trang trí những đường khắc chéo nhau.
- Gốm hơi thô xương pha cát và bã thực vật, thường có màu đỏ xám. Độ nung vừa phải. Có mảnh còn thấy dấu vết đun nấu. Loại này chủ yếu có ở vườn cao su phía tây “giếng Kình”. Các mảnh vỡ quá nhỏ nên rất khó xác định loại hình. Trong hố thám sát cũng tìm được 3 mảnh tương tự (2 mảnh ở độ sâu 0,22m; 0,23m và ở độ sâu 0,53m).
b. Sành: Thường có màu xám đỏ, tím. Một số có tráng lớp men mỏng màu sẫm, trang trí đường đắp nổi, hoa văn sóng nước, văn chải ngang. Nhiều mảnh vai đồ đựng kích thước lớn, có quai hình con đỉa…
c. Sứ: Một số ít mảnh sứ men trắng hoa xanh Minh- Thanh (Trung Hoa), Lê- Nguyễn (Đại Việt).
Ngoại trừ một số hiện vật sứ có thể xác định được niên đại. Đa số mảnh gốm, sành có loại hình, kỹ thuật, trang trí… thuộc loại có tuổi thọ dài. Cho tới nay chưa có một nghiên cứu tỷ mỷ nào về loại gốm, sành gia dụng này (của người Việt và đặc biệt của người Chăm).
Tuy vậy, những hiện vật nói trên (trừ loại gốm hơi thô), rất giống (về loại hình, chất liệu, kỹ thuật, trang trí) với các hiện vật gốm, sành, sứ tìm được ở Cồn Dinh, làng Trà Bát, xã Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị, nơi còn vết tích thành Dinh Cát (1600- 1626) của Nguyễn Hoàng[1]. Cùng với tiền đồng, các mảnh sứ men trắng hoa xanh, niên đại tương đối của các mảnh sành- gốm ở đây có thể là từ thế kỷ 16- 17.
Đáng lưu ý là những mảnh gốm hơi thô độ nung vừa phải. Cũng trong đợt khảo sát tháng 3- 1992, chúng tôi đã gặp những mảnh tương tự các địa điểm ven biển Quảng Trị, ở cụm vò Dương Lệ Đông (Lâm Mỹ Dung, Lê Đức Thọ 1992), ở các phế tích kiến trúc Chăm tại Dương Lệ, Trà Liên, Cù Hoan… Ở phế tích phía tây làng Trà Liên cách Cồn Dinh không xa, chúng tôi đã thu được vài mảnh, trong khi ở tại Cồn Dinh, không thấy loại gốm này.
Liệu có thể cho rằng gốm hơi thô ở đây cùng loại với gốm Chăm cổ đã biết? Qua kết quả khai quật Trà Kiệu, Cồn Chăm, Quảng Nam- Đà Nẵng (Nguyễn Chiều, Lâm Mỹ Dung 1991: 19- 29; Lâm Mỹ Dung 1989: 181- 182), và loại gốm thấy nhiều ở các địa điểm huyện Diên Khánh, Ninh Hòa và đảo Hòn Tre, tỉnh Khánh Hòa (Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung 1990: 209- 211). Theo hiểu biết hiện nay, loại gốm với chất liệu hơi thô, độ nung không cao lắm là loại gốm thông dụng của người Chăm cho tới đến những thế kỷ 8- 9 sau công nguyên và muộn hơn nữa. Lượng thông tin còn ít ỏi, chưa thể khẳng định một cách chắc chắn, song chúng tôi tin rằng những mảnh gốm hơi thô nói trên là dấu vết của các cư dân trước thể kỷ 16.
Cũng trong đợt khảo sát, chúng tôi đã trực tiếp thu nhặt và xin lại của dân địa phương một số rìu, bôn đá tứ giác có vai (Lâm Mỹ Dung, Vũ Triều Dương 1992). Những hiện vật này là dấu hiệu về sự có mặt của các cư dân nguyên thủy hậu kỳ đá mới- sơ kỳ kim khí. Như vậy, tư liệu khảo cổ học cho thấy còn người đã sinh sống trên vùng đất này ít ra là từ Thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên. Song ai là chủ nhân của các công trình khai thác nước ngầm độc đáo này?
6. Một số diễn giải
Tác giả Tạ Chí Đại Trường đã có những lập luận có lý để bác bỏ sự thiên di của người Indonexia và cho đến này luận điểm về nhóm người ngoại lai không còn hấp dẫn và đã mất sức thuyết phục.
Theo chúng tôi, những dấu vết tín ngưỡng còn lại trong vùng không thể là chứng cớ chắc chắn cho kết luận của M.Colani. Rõ ràng tục thờ đá, thờ cây,… hay là tín ngưỡng Tính linh (Animisme) phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, và càng không xa lạ với người Chăm, người Việt[2] (M. Przyluski 1909: 757- 764; P. Mus 1933: 373- 377). Thêm nữa, những nghiên cứu gần đây của các nhà dân tộc học lại cho thấy các tập đoàn thiểu số vùng Assam, cụ thể là người Agami Naga (mà M. Colani viện ra như một chứng cớ cho giả thiết của mình) mới bắt đầu làm ruộng nước từ cuối thế kỷ trước(19). Họ cũng trồng lúa nước trên ruộng bậc thang nhưng còn ở trình độ nông nghiệp dùng cuốc và gậy, gần gũi với kiểu phát nương đốt rẫy (B. Verma 1956: 16).
Những kết quả khảo sát tháng 7- 1937 của Colani khó có thể dùng làm cơ sở giải đáp các câu hỏi về chủ nhân hay niên đại do lượng thông tin mỏng manh, không cụ thể. Để có được những căn cứ khảo cổ học chuẩn xác cần phải thám sát khai quật ở các thành phần được sử dụng (lòng các bể lấy nước, tắm giặt…) chứ không phải ở các thành phần phụ, bên cạnh như M.Colani đã làm.
Tuy nhiên, gắn những công trình khai thác nước với nhóm tù binh Mạc 1572 làm nảy sinh nhiều câu hỏi.
Những đồng tiền Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức mà Tạ Chí Đại Trường dựa vào để cho rằng: “các công trình quy mô lớn- vũng Kình, nơi có các đồng tiền dó chẳng hạn, chỉ được hoàn thiện vào hậu bán thế kỷ XIX mà thôi” (Tạ Chí Đại Trường 1991: 59) đều nằm trên bề mặt hố thám sát (mảnh ở độ sâu 0,60m lại không rõ niên hiệu). M. Colani tuy cho biết thêm là hiện vật gốm trong lớp này (0,60m) vẫn như các lớp trên, nhưng lại khảo tả chung chung, lẫn lộn gốm cổ, gốm hiện đại, nên khó lòng dùng chúng để xác định niên đại.
Một câu hỏi được đặt ra là nếu quả thực các hệ thống khai thác nước ở vùng Cồn Tiên do đám tù bình nhà Mạc 1572 xây dựng nên (mà Tạ Chí Đại Trường, để làm rõ thêm vấn đề, đã dẫn chứng sự kiện lập Chùa Vua để tưởng nhớ Nguyễn Hoàng 1695 ở ba làng An Nha, An Hương, Phương Xuân, nơi có nhiều hệ thống thủy lợi quy mô lớn (Tạ Chí Đại Trường 1991: 55), thì những hệ thống khác, không phải chỉ ở Gio Linh mà cả ở Vĩnh Linh, Cam Lộ với cùng mô thức kỹ thuật, phương pháp xây dựng và chức năng của ai và do ai làm?
Mặt khác, nếu chấp nhận “giếng” Kình chỉ được hoàn thiện vào hậu bán thế kỷ 19 thì thật vô lý khi sự kiện đó không hề lưu lại trong ký ức dân các làng đầu thế kỷ 20 khi M. Colani đi khảo sát.
Sử sách cũng không hề ghi chép về sự kiện xây dựng các hệ thống lấy nước đó, trong khi Ô Châu cận lục, Phủ Biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí, đều ghi chép cẩn thận từng việc khơi rãnh, đào kênh dẫn nước ở vùng này.
Một trong những lập luận của Tạ Trí Đại Trường để chứng minh người Việt không xa lạ với kỹ thuật xếp đá là các ví dụ về giếng Thắng Đức thời Lý, giếng Chuông Linh, giếng tự nhiên…Ông còn dẫnTang Thương ngẫu lục kể chuyện Bùi Cầm Hổ thuê người xếp đá làm đập men theo núi Hồng Lĩnh - Nghệ An, hay những công trình xếp đá khác ở Phú Yên… ( Tạ Chí Đại Trường 1991: 57). Trong vấn đề đang quan tâm, sự độc đáo, tính chất khu biệt không phải chỉ nằm trong việc sử dụng chất liệu đá xếp mà là trong mô thức kỹ thuật khai thác - sử dụng nguồn nước ngầm theo cách phân cấp rạch ròi với nhiều mục đích. Và phương pháp nông nghiệp tưới nước khác với cách làm ruộng chờ mưa hay dựa vào thuỷ triều đặc trưng cho người Việt (Đào Hùng 1990: 126).
Vùng Cồn Tiên và những vùng đất đỏ khác rất thích hợp với việc trồng trọt đã từng được nhắc đến không chỉ một lần trong thư tịch cổ[3] thế kỷ 16 - 18 lẽ nào lại là vùng đất không người để Nguyễn Hoàng đưa tù binh Mạc lên với mục đích khẩn hoang.
Tạ Chí Đại Trường có nói đến một số dấu vết Chăm trên vùng đất này, song theo ông “Tín ngưỡng xưa không cho phép các tập đoàn chiến thắng lập cơ sở trung tâm ngay trên vùng đất của kẻ chiếm cứ trước mà mình đánh đưổi đi…” (Tạ Chí Đại Trường 1991: 56). Phải chăng ông muốn nói người Việt không đóng Trị sở tại trung tâm tôn giáo, chính trị, quân sự của người Chăm? Thực tế điền dã cho phép chúng tôi chứng minh ngược lại: Thành Châu Thuận thời Trần, Lê sơ nay còn thấy vết tích ở làng Vệ nghĩa, xã Triệu Long, Quảng Trị dựa trên một thành Chăm cổ (Trương Thu Hiền 1992: 30 – 32). Mặt khác, người dân Việt chắc là đã cộng cư cùng người Chăm vì nhiều lý do mà lý do quan trọng nhất là nhu cầu thực dụng về đất ở, đất trồng trọt. Rất nhiều các di chỉ khảo cổ học từ thời tiền sử, sơ sử cho thấy những nơi cư trú chồng chất lên nhau từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác, kéo dài qua nhiều thế kỷ. Điều này có thể áp dụng với trường hợp cộng cư Việt- Chăm, Chăm- Việt[4], Ô Châu Cận lục 1553 còn chép về những làng Chăm lẫn với làng Việt (Dương Văn An 1962: 44). Và nếu không ở trên đất của cư dân Chăm thì người Việt sẽ ở đâu trên dải đất miền Trung khô cằn và chật hẹp?[5]
Để bác bỏ ý kiến cho rằng người Chăm là chủ nhân của hệ thống thuỷ lợi Gio Linh, M.Colani đã so sánh những hệ thống đó với các hệ thống thuỷ lợi Phan Rang (đập Nha Trinh) và cho rằng giữa chúng không có gì chung (M. Colani 1940: 59). Song điều kiện sinh thái ở Phan Rang khác rất nhiều so với Quảng Trị. Hơn nữa đem so một hệ thống khai thác nước ngầm, nước nguồn dưới đất ở vùng đồi với một hệ thống đắp đập ngăn sông vùng lưu vực sông thì khó mà tìm được các nét tương đồng, (nhưng ngay ở vùng đất đỏ Quảng Trị cũng có những đập đắp bằng đất, đá, cây dù với quy mô nhỏ hơn so với các đập ở Phan Rang). Thực tế cho thấy một hệ thống thuỷ lợi không phải lúc nào cũng thuộc một phương pháp kỹ thuật đồng nhất, mà thường đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện sinh thái cụ thể từng vùng. Những nghiên cứu gần đây của các học giả nước ngoài về các hệ thống kỹ thuật trị thuỷ ở Đông Nam Á cho phép thấy rõ đặc điểm này (J. Spencer 1974: 74).
Sự đa dạng đó thể hiện khá rõ trong phương thức thuỷ lợi của người Chăm. Những khảo sát về nghề nông trồng lúa nước của người Chăm thời cổ cho thấy ngoài việc đắp đập, làm hồ chứa nước như ở Phan Rang, người Chăm còn sử dụng những xe đưa nước từ sông lên ruộng cao, hay giống như người Thái, họ xây những đập nhỏ bằng cành cây và đá chắn ngang sông, suối (Đào Hùng 1990: 128- 130). Ông Nguyễn Thiệu Lâu cho biết một kiểu thuỷ lợi đa yếu tố nữa của người Chăm ở vùng Mường Mán (Phan Thiết). Đó là hệ thống các nhóm ao con, nằm ở hai mặt bằng với độ cao khác nhau. Các ao này được đào để lấy, chứa và tiêu nước ngầm. Chúng được nối với các đập trên các suối bằng các kênh dẫn. Như vậy, những ao ở đây vừa để lấy nước ngầm và chứa nước từ các suối để tưới cho ruộng lúa. Hình thức khai thác nước ở Mường Mán phần nào gần gũi với phương thức lấy nước ngầm vùng đất đỏ Quảng Trị. Trong cả hai cách lấy, sử dụng nước ở Quảng Trị và Mường Mán ta đều thấy yếu tố tương ứng với phương pháp làm hồ chứa gắn với địa hình dốc phổ biến ở vùng cao nguyên của các xã hội trồng lúa Châu Á (Yoshikaru Takaya 1977: 10).
Đáng tiếc hiện nay, hệ thống ao Mường Mán đã được người Việt cải tạo lại làm ao nuôi cá và ruộng lúa nên không khảo sát được (Nguyễn Thiệu Lâu 1940: 131- 134).
Những dấu vết đập nước còn được thấy ở vùng cồn cát Trà Lộc, Hải Lăng, Quảng Trị (P. Cadière 1905: 190). Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp lục cũng ghi chép về những mạch nước chảy từ các cồn cát tưới cho ruộng lúa (Lê Quý Đôn 1977: 105). Và phải chăng, những giếng nằm dưới chân các cồn cát có kênh dân nước tưới ruộng ở Gio Linh, Gio Mỹ cũng là một phương thức thuỷ lợi nhỏ phù hợp với địa hình cồn cát của người Chăm đã được người Việt kế thừa và sử dụng ?
M. Colani dẫn việc người Việt với thói quen hay phá những công trình (của người Chăm) ở các vùng họ tới chiếm đóng để lấy vật liệu xây dựng (M. Colani 1940: 37) nhằm mục đích củng cố cho giả thiết rằng những công trình giếng không phải của người Chăm. Song cần lưu ý đây là các công trình khai thác nước, rất cần thiết cho sinh hoạt và trồng trọt. Ở Đông Nam Á, các công trình thuỷ lợi thường có tuổi thọ dài, sức sồng bền bỉ so với các nhà nước, các triều đại, bởi lý do đơn giản là chúng thiết yếu cho mọi giai đoạn, mọi cư dân (J. Stargardt 1986: 32). Hơn nữa, có không ít những ví dụ cụ thể về người Việt kế thừa, sử dụng và phát triển các thành quả của người Chăm trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá[6]. Trên thực tế, mãi tới những năm gần dây do nhu cầu đất ở và đất trồng trọt tăng nhanh, người ta mới san bằng các gò đồi, tường thành nơi thường có những công trình kiến trúc Chăm. Thực tế còn cho thấy có vô số đền miếu do người Việt dựng lên để thờ các bức tượng, thậm chí một mảnh điêu khắc từ những đền tháp Chăm cổ đã đổ nát (tất nhiên là để thoả mãn nhu cầu chủ quan của mình). Ngay ở Thăng Long khi xưa, tù binh Chăm cũng được phép dựng những đền thờ của mình. Ví dụ ở chùa Tào (chỗ bây giờ là Ngân hàng Nhà nước) vào các năm 1886- 1888 khi đào móng xây dựng, người ta đã phát hiện được nhiều vết tích thú vị (điêu khắc, tượng) của một ngôi đền Chăm (Dumoutier 1901: 85).
Ở những địa điểm có những hệ thống bể giếng không tìm thấy gạch và điêu khắc Chăm nên M. Colani đã đi tới kết luận rằng không phải cư dân Chăm đã xây dựng và sử dụng những giếng đó. Song gạch, ngói, tượng và điêu khắc là những vết tích, chứng cớ của các nhóm đền tháp thành hay cung điện. Ở làng xóm người dân Chăm bình thường nhà cửa được dựng bằng những vật liệu nhẹ và có lẽ cũng không khác nhiều lắm so với những ngôi nhà tranh của nông dân Việt. Ngay các đền tháp Chăm đầu tiên cũng được xây dựng bằng gỗ. Thư tịch có nói nhiều về nhà ở sơ sài, đơn giản của người Chăm (Lương Ninh 1968: 15- 16). Thậm chí, vẫn còn tín ngưỡng cho rằng: người không được ở nhà gạch, nhà ngói vì nhà gạch, nhà ngói chỉ để “dành riêng” cho các vị thần (Mah Mod 1975: 63).
Việc không tìm thấy gạch hay điêu khắc Chăm ở một vùng nào đó không hẳn là chứng cớ để cho rằng nơi đó không là đất Chăm, không có người Chăm cư trú, nhiều ví dụ điền dã các tỉnh miền Trung cho thấy rõ điều này[7].
Chúng tôi thiên về ý kiến cho rằng người Chăm là chủ nhân của các hệ thống bể giếng vùng đất đỏ Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ.
M. Colani có biết ba di tích Chăm ở vùng này nhưng lại cho rằng chúng không có vai trò quan trọng (M. Colani 1940: 209). Trong khi đó, chính bà lại nghĩ ao Xara ở làng Hảo Sơn có thể từ âm Chàm SRAH (vũng- ao). Ở chùa Bụt Mọc làng Liêm Công Đông, Vĩnh Linh, P. Cadiere đã tìm được một cánh tay của tượng Chăm (Cadiere 1909: 8). Ở làng Trương Xá, Cam Lộ cũng thấy một tượng bị vỡ phần trên (Gariot 1911: 199).
Với đợt điền dã tháng 3- 1992, chúng tôi đã khẳng định nhiều phế tích và di tích kiến trúc Chăm:
1. Phế tích ở thôn Duy Viên- xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, cách những hệ thống giếng ở xã Vĩnh Thành khoảng 5km theo đường chim bay.
2. Phế tích ở xóm Huỳnh Thượng- xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, cách những hệ thống giếng ở xã Vĩnh Thành khoảng 2,5km theo đường chim bay.
3. Di tích ở phường Sỏi thuộc thôn Lạc Tân, xã Gio Phong, huyện Gio Linh (theo P. Cadiere ở dưới chân một đồi đỏ, vũng Bái Trời (P. Cadiere 1909: 8). Bái Trời hay Bái Ân là một trong hai tổng của Cồn Tiên. Di tích này cách khu vực có hệ thống giếng bể ở Gio An khoảng 5km theo đường chim bay.
4. Di tích ở Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh. Đây là nhóm tháp có quy mô lớn với những điêu khắc có niên đại sớm từ thế kỷ 7 và niên đại muộn từ thế kỷ 12 (Trương Thu Hiền 1992: 14- 15). Từ đây tới Ninh Xá, nơi có các hệ thống giếng, bể khoảng 5km theo đường chim bay. Ở đây, tìm thấy các trang trí phong cách Hoà Lai muộn, Đồng Dương sớm (thế kỷ 9) (Trương Thu Hiền 1992: 16).
5. Phế tích tại Lâm Bang, xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ, cách Cồn Tiên khoảng 5km theo đường chim bay.
6. Di tích ở Cam Giang, thị xã Đông Hà. Ở đây tìm thấy nhiều hiện vật đá như Linga, bệ thờ, …một tượng bò Nandin, tương tự tượng bò Nandin ở tháp Mỹ Sơn A1 (Trương Thu Hiền 1992: 18). Di tích này cách Gio An, nơi có giếng khoảng 5km theo đường chim bay.
Bảy di tích, phế tích kiến trúc kể trên, chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, nhưng đã cho thấy mật độ khá lớn các di tích văn hoá Chăm. Chúng chứng tỏ sự có mặt của cư dân Chămpa trong vùng ít ra là từ thế kỷ 11, 12…
Nhìn trên bản đồ, giữa khu vực có các hệ thống xếp đá khai thác nước và các địa điểm có di tích văn hoá Chămpa rõ ràng có mối liên hệ về không gian (và có thể từ đó cả thời gian). Tạ Chí Đại Trường cho biết cách Phan Thiết 6 km về phía bắc có một giếng nước mà tới trước năm 1945, người Chăm thường làm lễ rước sinh thực khí (Tạ Chí Đại Trường 1991: 60). Giếng này hình vuông, lát gỗ xung quanh, giống hệt giếng Cây Đa (làng Phúc Mỹ Đông, quốc lộ I) và những giếng vùng Vĩnh Linh, Gio Linh mà M. Colani còn thấy vết sườn gỗ. Phải chăng chúng có chung một nguồn gốc?
Chủ nhân những giếng Chăm ở Miền Trung (Trần Kỳ Phương và Vũ Hữu Minh 1991: 127- 128) hay trong các colonat Chăm ở miền Bắc (Lưu Đồn- Thái Bình), (Bùi Duy Lan 1977: 205- 207), Yên Sở, Hoài Đức (khảo sát tháng 5- 1992 của chúng tôi) và chủ nhân của hệ thống kè khai thác nước ở Quảng Trị đều rất hiểu biết về nước ngầm, nước mạch. Ngay ở địa hình khô cạn, toàn cát đá, họ cũng luôn có những giếng nước ngọt, trong vắt và không bao giờ cạn.
Khảo sát phương thức trị thuỷ (hay nói đúng hơn là sử dụng nước) của các cư dân Đông Nam Á, J. Spencer đã phân biệt 19 kỹ thuật cơ bản có nguồn gốc khác nhau (địa phương- Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Hoa và phương Tây), từng được và đang sử dụng ở các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo (J. Spencer: 1974: 74, h.1).
Theo tác giả ở đồng bằng Bắc Bộ, phương thức đặc trưng là ruộng ngập nước (theo thuỷ triều) và ruộng đắp bờ chờ mưa. Hệ thống đê, kênh và “van” có mục đích chính là kiểm soát mực nước dâng còn giao thông và tưới tiêu đóng vai trò phụ.
Các bể chứa (tiếng Anh- Tank) với ba thành phần- tương tự như ở Gio Linh theo J. Spencer có nguồn gốc Ấn Độ, chỉ thấy ở những vùng chịu ảnh hưởng Ấn Độ. Chưa bao giờ các bể chứa loại đó phân bố khác Đông Nam Á lục địa, ở Philippin hay ở các đảo Indonexia phía đông Bali. Cũng theo tác giả này (ở Việt Nam) bể chứa chỉ thấy sử dụng trong vùng đất của vương quốc Chămpa xưa (cùng với một kỹ thuật khác là đập và kênh chuyển dòng). Còn ở những vùng chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa (Bắc Việt Nam) đó chỉ đơn giản là những cái ao nhân tạo để chứa nước (J. Spencer 1974: 87). Hệ thống thuỷ lợi Gio Linh tương tự như những hệ thống kênh rạch dẫn nước vùng cao ở Luzon và Bali là một hệ trong những kiểu sinh thái (ecotype) ở Đông Nam Á giai đoạn sớm (Stargardt 1986: 37).
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng: để xây dựng và bảo trì những công trình giếng, bể cần có sự tổ chức, điều khiển và lực lượng nhân công nhất định. Trong trường hợp thuỷ lợi vừa và nhỏ của vùng đất này, việc cường điệu hoá quá mức vai trò của một tổ chức lãnh đạo trung ương là không phù hợp. Ở đây, có lẻ nên áp dụng thuỷ lợi “Quasihydraulic agriculture” - kiểu xã hội trồng lúa nước cần quy mô thuỷ lợi nhỏ và Nhà nước chỉ tham gia một phần vào việc xây dựng, điều khiển hệ thống tưới tiêu (Yoneo Tshii 1978: 19). Thực tế cho thấy ở phần lớn các vùng Châu Á, đa số các hệ thống thuỷ lợi là những công trình quy mô nhỏ, do dân địa phương xây dựng bằng những vật liệu tại chỗ để thoã mãn nhu cầu cuộc sống hàng ngày (Stargardt 1986: 32).
Một ý kiến khác cũng được đa số các học giả tán thành: Đây là những công trình của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, sống định cư. Như vậy, khó có thể đẩy xa niên đại của chúng tới hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí. Và, các cư dân với lối sống du canh du cư, phát nương làm rẫy cũng ít khả năng là chủ nhân các hệ thống khai thác vùng đất đỏ Quảng Trị.
Người Chăm có mặt ở vùng đất này từ rất sớm, ít ra cũng từ thế kỷ 4 sau Công nguyên (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh 1991: 18). Theo thư tịch cổ Trung Hoa thì người Chăm đã biết trồng lúa nước từ rất sớm, vào khoảng đầu Công nguyên (Đào Hùng 1990: 128). Nông nghiệp từng giữ vai trò quan trọng trong xã hội Chăm cổ (Lương Ninh 1968: 18- 25). Tài liệu dân tộc học cũng cho biết người Chăm coi trọng nông nghiệp, công tác điều tiết nước tưới giữ vai trò chủ đạo trong xã hội cổ truyền Chăm (Phan Ngọc Chiến 1989: 40- 46). Tín ngưỡng dân gian của họ mang đậm nét tín ngưỡng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước (Mah Mod 1975: 57- 60).
Các vết tích còn lại của văn hoá Champa khẳng định sự có mặt của họ ở vùng Bắc Quảng Trị từ những thế kỷ 7- 8 sau Công nguyên (có nhiều khả năng còn sớm hơn nữa). Tuỳ theo điều kiện sinh thái trong vùng, kết hợp với kinh nghiệm tìm mạch nước, đào giếng, làm bể chứa, họ đã xây dựng những hệ thống xếp đá khai thác nước để phục vụ cuộc sống hàng ngày, trồng lúa nước và các loại cây khác như cau, trầu, hồ tiêu… Cư dân Việt khi tới đây (không hẳn chỉ từ thế kỷ 16)[8] đã kế thừa và phát triển những thành tựu văn hoá, kinh tế này. Có lẽ, họ đã mở mang thêm kể cả đất trồng và các công trình lấy nước tương ứng. Chính sự phì nhiêu của đất bazan, điều kiện nước tưới thuận lợi, sự phong phú của các loại thực vật (thực vật trồng và lâm thổ sản) đã khiến Nguyễn Hoàng đưa tù bình nhà Mạc lên đây để thực thi và phát triển công việc cấy cày, trồng trọt phục vụ củng cố mục đích ly khai của ông, dấu vết rất đậm nét của thế kỷ 16- 17 đã chứng tỏ điều đó.
Mặc dù những kết quả thám sát khảo cổ học của chúng tôi còn quá ít ỏi để có thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, đó cũng là những căn cứ khoa học mới giúp chúng tôi kiên định hơn, đi xa hơn để tìm chủ nhân đích thực của hệ thống kè đá khai thác nước ở tỉnh Quảng Trị khi có những tiếp xúc và điều kiện thuận lợi hơn.
TÀI LIỆU DẪN
BEZACIER.L. 1972. le Vietnam, leur fascicule. Paris.
BÙI HUY ĐÁP 1985. Văn minh lúa nước và nghề trồng lúa nước Việt Nam. NXB Nông nghiệp, Hà Nội. CADIERE L.P. 1905. Monuments et souvenirs Chams du Quang Tri et du Thua Thien. B.E.F.E.O.TV.
CADIERE L.P. 1909. Notes sur quelques emplacements Chams de la Province de Quang Tri.B.E.F.E.O. TIX.
COEDES. G. 1962. Les peoples de la penisnule Indochinoise. Histoine- civilisation. Paris.
COLANI.M. 1937. Anciennes irrigations et bassins dans le DoLinh (Quang Tri). Cahier de l’ Ecole Francaise d, Extreme Orient. TX.
COLANI.M. 1940. Emploi de la Pierre en des temps recules: Annam- Indonesia- Assam. Bulletin des Anis du Vieux de Hue.
CHESNOV.J.A. 1967. Dân tộc học lịch sử các nước Đông Dương. Bản dịch chép tay. Tư liệu khoa Sử- Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
DƯƠNG VĂN AN 1962. Ô châu cận lục. Saigon.
DUMOUTIER.M.G. 1901. Etudes sur les Toukinsis. B.E.F.E.O.T.I
ĐÀO HÙNG 1190. Về phương thức trồng lúa của người Chăm cổ. Tạp chí Đất Quảng, số 61.
GARIOD.CH. 1911. Une Journee de fouilles a Truong xa. B.E.F.E.O.TXI.
LÊ QUÝ ĐÔN 1977. Phủ biên tạp lục. NXB.KHXH. Hà Nội.
LƯƠNG NINH 1978. Kinh tế và xã hội Chămpa. Tư liệu khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
LÂM MỸ DUNG 1990. Kết quả khai quật Cồn Chăm, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam- Đà Nẵng. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989.
LÂM MỸ DUNG, LÊ ĐỨC THỌ 1993. Mộ vò Chăm. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992.
LÂM MỸ DUNG, VŨ TRIỀU DƯƠNG, LÊ ĐỨC THỌ 1993. Rìu bôn đá ở Quảng Trị. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992.
LÊ DUY SƠN 1991. Các giếng nước cổ ở Gio An. Tạp chí Cửa Việt, số 4.
MUS.P. 1993. Cultes indiens et indigenes au Champa. B.E.F.E.O.TI.
MASSON. A. 1960. Histoire du Vietnam. Paris.
MAHMOD 1975. Bước đầu tìm hiểu về tôn giáo tín ngưỡng của người Chàm ở Việt Nam. Tạp chí Dân tộc học, số 4.
NGUYỄN THIỆN LÂU 1942. Les e’tangs desseches de la region de Muong Man. Bulletin de l’Institut Indochinoise pour l,Etude de l,home. Vol.1.
NOTES ET MELAGES. 1993. Poulo Canton et Culao Cham. B.E.F.E.O.T.I.
NGUYỄN CHIỀU, LÂM MỸ DUNG VÀ VŨ THỊ NINH 1991. Đồ gốm trong cuộc khai quật di chỉ Chăm cổ Trà Kiệu. Khảo cổ học, số 4.
PHAN NGỌC CHIẾN 1989. Một số vấn đề kinh tế nông nghiệp vùng người Chăm ở Thuận Hải. Trong Người Chăm ở Thuận Hải. Sở Văn hoá Thông tin Thuận Hải xuất bản.
PHAN KHÁNH 1981. Sơ khảo lịch sử thuỷ lợi Việt Nam, T.I. NXB KHXH, Hà Nội.
PHAN HUY LÊ, TRẦN QUỐC VƯƠNG, HÀ VĂN TẤN, LƯƠNG NINH 1991. Lịch sử Việt Nam, T.I. NXB ĐH và GDCN, Hà Nội.
PRZULUSKI.M.J. 1909. Notes sur le culte de arbres au Tonkin. B.E.F.E.O T.IX.
QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN 1961. Đại Nam nhất thống chí. Tập 9, Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Bình. Tu trai Nguyễn Tạo dịch. Saigon.
SPENCER.J.F. 1974. La maitrise de l’eau en Asie du Sud- Est. Etudes rurales. N0, 53,54,55,56. Janvier- Decembre.
STAGARDT.J. 1986. Hydraulci Works and Southeast Asian polities. Southest Asia in the 9th to 14th centuries. Singapore.
TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG 1991. Dấu vết thuỷ lợi sử dụng chất liệu đá xếp ở vùng Gio Linh. Tạp chí Văn Lang, N02 California.
TAKAYA YOSHIKARU 1977. Rice growing societies of Asia. Ecological approach. In South East Asian studies vol.15. N03.
TRẦN QUỐC VƯỢNG, LÂM MỸ DUNG 1990. Báo cáo kết quả khảo sát khảo cổ tại tỉnh Khánh Hoá. Trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1990.
TRẦN KỲ PHƯƠNG, VŨ HỮU MINH 1991. Cửa Đại Chiêm thời vương quốc Chămpa thế kỷ IV- XV trong Đô thị cổ Hội An. NXB.KHXH. Hà Nội.
VERMA.B 1956. Agriculture and land ownership system among the primitive people of Assam. Delhi.
YONEO ISHII. 1978. History and rice growing in Thailand. In A rice growing society (monographs of the center for Southeast Asian studies. Kyoto University). The University press of Hawaii- Honolulu.
[1] Kết quả cùng đợt khảo sát khảo cổ học tỉnh Quảng Trị tháng 3 năm 1992 của chúng tôi.
[2] Trong đời sống hiện nay, dấu vết thờ cây, thờ đá… vẫn còn thấy ở nhiều nơi, ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Tổng Bái Ân- một trong hai tổng của Cồn Tiên nổi tiếng với các giống lúa đặc sản, cau, trầu, hồ tiêu… các giống lúa ở đấy nếu đem trồng ở nơi khác không bao giờ giữ được thuần chủng (Dương Văn An 1962: 24; Lê Quý Đôn 1997: 343).
[4] Kết quả khảo sát của chúng tôi ở nhiều địa điểm tại Quảng Trị, Quảng Nam- Đà Nẵng, Khánh Hòa,… đều chứng tỏ rất rõ sự cộng cư đó.
[5] Tất nhiên quá trình Nam Tiến là một quá trình phức tạp, sau một thời gian dài, cư dân của vương quốc Chawmpa chắc không đủ công để chiếm lĩnh toàn địa bàn từ núi rừng đến các cồn cát ven biển. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới các vùng đất thuận lợi cho con người sinh sống.
[6] Ví dụ về hàng loạt các giếng Chàm ở cả miền Bắc và miền Trung; những đập nước ở Quảng Trị, Phan Rang…cho tới nay vẫn được sử dụng. Ông Đào Hùng cho rằng những xe nước ở Bình Định, Quảng Ngãi là người Việt tiếp thu của người Chăm (Đào Hùng 1991: 129).
[7] Tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam- Đà Nẵng) không tìm thấy gạch Chăm, điêu khắc Chăm (Notes et melanges 1933: 496, ở đây còn một giếng vẫn đang được sử dụng (Trần Kỳ Phương và Vũ Hữu Minh 1991: 128). Mường Mán nơi có hệ thống ao, kênh cũng không thấy gạch, điêu khắc Chăm (Nguyễn Thiệu Lâu 1942: 134).
[8] Sử sách chép rõ vùng Quảng Trị từ thế kỷ 11 đã là Châu Minh Linh của Đại Việt.
Lâm Thị Mỹ Dung
(Bài đã đăng ở tạp chí Khảo cổ học số 2 năm 1993, trang 67-79)
Hình ảnh minh họa
Tympan Trà Liên
Giếng Bà, Hải Sơn, Gio An, Gio Linh (ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Trị)
Giếng của người Chăm hiện nay (ảnh tư liệu của Hội nghị TBKCH 2009)
Nhận xét
Đăng nhận xét