Các công trình được xây dựng để phục vụ cho tập tục thờ cúng của người dân.
Trong xã hội, đời sống tâm linh - tín ngưỡng là một nhu cầu cơ bản không thể thiếu đối với con người, nó cũng bức thiết như nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại. Bởi vậy, nếu bị khủng hoảng hay mất niềm tin thì con người sẽ dễ bi quan trước cuộc sống, trước số phận. Điều đó khiến cho con người ta luôn canh cánh bên lòng ước vọng về một nơi an lành, nơi tâm hồn mình được thanh thản, không phải đối chọi với đời, nơi con người ta có thể tĩnh tâm để chiêm nghiệm về lẽ đời thiệt hơn. Từ thực tế đó, hàng loạt các công trình kiến trúc thờ cúng trong dân gian của vùng Hải Lăng – Quảng Trị đã được ra đời, hiện thực hóa cho đời sống tâm linh của người dân Việt.
Các công trình kiến trúc thờ cúng dân gian được xây dựng và phát triển nhằm mục đích phục vụ cho tập tục thờ cúng của người dân Việt. Do vậy, kiến trúc thờ cúng dân gian đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam. Vì thế trên khắp lãnh thổ Việt Nam, đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp các công trình kiến trúc loại này, từ những đền miếu, miễu, am, đến cả chùa chiền, đình làng, nhà thờ họ… dù mỗi nơi lại có đôi nét khác nhau trong cách thức trang trí xây dựng.
Đất Hải Lăng cũng không ngoại lệ, nơi đây đang tồn tại rất nhiều loại hình kiến trúc dân gian, nhưng do nhiều lý do khách quan, nên hiện nay ở Hải Lăng số lượng của một số loại hình kiến trúc bị suy giảm đáng kể như Đàn hoặc lăng mộ cổ không còn phổ biến trên toàn huyện nữa. Hiện nay, các công trình kiến trúc dân gian ở Hải Lăng chỉ còn tập trung chủ yếu vào 4 nhóm kiến trúc sau: đền – miếu – miễu – am, đình, chùa và nhà thờ họ tộc.
Bên cạnh đó, sự phân bố về số lượng các loại hình kiến trúc dân gian này cũng có những điểm đáng chú ý; đó là, dù trải rộng trên khắp lãnh thổ Việt Nam nhưng những công trình này chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ, còn càng vào dần phía Nam thì những kiến trúc này thưa dần.
Đối với việc phân loại các loại hình này chủ yếu là dựa vào những đặc điểm của từng loại hình, thời gian ra đời và tiến trình phát triển, quy mô cũng như phong cách xây dựng để phân loại các loại hình này.
Bài viết này sẽ lần lượt trình bày những nét chính trong các loại hình kiến trúc dân gian của Hải Lăng - Quảng Trị . Bắt đầu từ "đền - miếu - miễu - am" đến kiến trúc đình, chùa làng, và cuối cùng là nhà thờ họ - nhà thờ phái.
Trước hết sẽ là những nét chính trong loại kiến trúc có thể xem là hình thành sớm nhất của khu vực này. Đó là loại hình "đền - miếu - miễu - am".
Đền, miếu ở Hải Lăng có quy mô khiêm tốn. Nó không thể hiện được quy mô to lớn, lấn áp như đình, hay nhà thờ họ mà thể hiện sự khiêm nhường trong lối xây dựng. Những công trình này được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống của vùng Trung bộ, chịu ảnh hưởng lớn của kiến trúc nhà rường theo phong cách thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn.
Vùng Hải Lăng hầu như có đầy đủ các loại hình đền, miếu này. Nhưng trong số đó những loại kiến trúc xưa (chủ yếu được làm hoàn toàn bằng gỗ theo kiểu nhà sàn) vẫn còn lại khá nhiều, nhiều hơn rất nhiều so với các khu vực khác, và với cả vùng Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên những loại hình này rất khó bắt gặp, do quan niệm xưa thường chọn những vùng đất yên tĩnh để lập miếu thờ. Cũng vì thế mà hiện nay những ngôi miếu cổ này thường nằm khá sâu trong những khu vực ít dân cư qua lại
Trong giai đoạn về sau, xuất hiện thêm loại hình kiến trúc đền miếu được xây dựng bằng chất liệu gạch, đá và gắn kết với nhau bằng mật mía, vôi hàu. Với loại hình nầy bên cạnh việc thể hiện những mô thức trang trí theo phong cách Bắc bộ như vòm cuốn, mái cong, thì phần xây gạch lại chịu ít nhiều ảnh hưởng của phong cách xây dựng của người Chăm. Điều đó khiến cho những công trình này không những tăng tính bền vững vì sử dụng chất liệu gạch,đá, xi măng mà còn thể hiện được trình độ cao trong xây dựng vì sử dụng mạch vữa để liên kết vật liệu công trình.
Ngoài ra, đền miếu ở Hải Lăng cũng có nét giống như kiến trúc của nhà thờ họ (về quy mô thì nhỏ hơn) vì có kết cấu theo kiểu nhà rường 1gian 2chái (có thể có hoặc không có chái kép). Loại đền miếu này thường dùng để thờ nhiều vị thần cùng một lúc. Tuy nhiên loại hình này lại ra đời khá muộn (thế kỷ thứ 19 – 20) và rất ít gặp trong các làng xã.
Số đền miếu được xây dựng dưới dạng kiến trúc khung gỗ chịu lực theo mô thức nhà rường, phần sàn được đỡ trên 4 đến 6 trụ cột hiện nay còn rất ít. Nhiều bộ phận được thay thế, đặc biệt là phần mái ngói của công trình (được thay sang loại ngói Mác Xây), thậm chí còn được thay thế các trụ cột gỗ bằng trụ cột bê tông khiến cho công trình mất đi dáng vẻ mềm mại, nhẹ nhàng và thanh thoát ban đầu.
Đền Văn Thánh - làng Hồi Kỳ - Hải Chánh - Quảng Trị
Miêu bà hỏa - xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị
Miêu bà hỏa - xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị
Miếu bà thứ phi Linh Diệu, làng Thuận Nhơn, xã Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị
Miếu Âm Hồn, làng Thuận Nhơn, xã Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị
Đàn Âm Hồn, làng Hồi Kỳ, xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị
Miêu Ông, làng Hồi Kỳ, xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị.
Nhận xét
Đăng nhận xét