To be or not to be (Tồn tại hay không tồn tại)
Địa đạo Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo trong lòng đất, với chiều sâu từ 20 đến 28 m. Tổng chiều dài hệ thống đường hầm là 2.034 m, trục đường chính dài 769 m, cao từ 1,5 đến 1,8 m, rộng từ 1,1 đến 2 m.
Từ trục chính địa đạo được cấu tạo thành nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa hầm (lối ra vào). Địa đạo có tất cả 13 cửa, 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm coi như một lỗ thông hơi. Tại các cửa hầm đều có làm khung gỗ chống sập và thường xuyên được gia cố để chống sụt lở. Hai bên trục đường chính cách nhau từ 3 đến 5 m lại khoét lõm sâu vào thành một ô nhỏ, dùng làm nơi sinh hoạt của một gia đình. Địa đạo được cấu tạo thành ba tầng. Tầng 1 sâu cách mặt đất từ 12 m đến 15 m, là nơi sinh sống của nhân dân. Tầng 2 sâu 18 m là nơi đóng trụ sở của Đảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng 3 sâu 22 m dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vĩnh Mốc.
Trong lòng địa đạo có 3 giếng nước, hội trường với sức chứa 50 người, bệnh xá, nhà hộ sinh… Trong thời gian từ năm 1966 đến 1968 ngay trong lòng địa đạo đã có 17 em bé chào đời.
Đế quốc Mỹ trong âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta đã tiến hành ở Vĩnh Linh một cuộc chiến tranh hủy diệt man rợ và tàn khốc. Tháng 6/1995, Vĩnh Mốc đã hoàn toàn bị thiêu trụi bởi bom đạn Mỹ. Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, nhân dân Vĩnh Mốc quyết tâm bám trụ giữ làng không chịu khuất phục trước kẻ thù, hai phần ba dân số được di cư ra các tỉnh phía Bắc, một phần ba dân số còn lại quyết định làm địa đạo bám làng sản xuất và chiến đấu.
Toàn huyện Vĩnh Linh có chừng 114 địa đạo với tổng chiều dài gần 42 km. Hòa bình lập lại, một số địa đạo đã bị vùi lấp, một số vẫn còn khá nguyên sơ trong đó có địa đạo Vĩnh Mốc. Ngày 21/12/1975 Bộ Văn hóa đã đặc cách xếp hạng di tích lịch sử. Năm 1993 địa đạo Vĩnh Mốc lại được công nhận là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của cả nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét