LINH NGA NIÊ KĐĂM



Không ở đâu có nhiều lễ thức như ở Tây Nguyên. Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên bất cứ điều gì liên quan đến sản xuất và đời sống con người đều phải có sự cầu xin để được cho phép của các Yang. Xong việc, được việc phải tạ ơn. Vi phạm luật lệ cộng đồng khiến các yang nổi giận phải tạ tội… từ đó mà diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội.



Do có cùng một địa bàn cư trú trên phía Đông dãy núi Trường Sơn, cùng chung tín ngưỡng đa thần, nên sự tương đồng văn hóa tập quán giữa các tộc người, đặc biệt là trong lĩnh vực các lễ hội, cũng là điều tất yếu.

Hệ thống các lễ hội Tây Nguyên có thể chia làm ba nhóm theo ba tính chất nội dung như sau: 
- Các lễ nghi & lễ hội theo nông lịch.
- Các lễ nghi & lễ hội theo vòng đời 
- Các lễ nghi & lễ hội đối với những mối quan hệ ngoài cộng đồng.
Cả ba nhóm lễ nghi và lễ hội này đều nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, phục vụ cho hai đối tượng chủ yếu là toàn thể cộng đồng hoặc gia đình cá thể. 
Sự cố kết cộng đồng là một trong những cơ sở tồn tại của các tộc người Tây Nguyên, do đó, việc chăm lo cúng kiếng các vị thần linh, sao cho mọi hoạt động trong một năm của toàn thể cộng đồng được suôn sẻ, bao giờ cũng được các vị thủ lĩnh (chủ bến nước, tù trưởng…) và hội đồng già làng hết sức coi trọng.
Có thể điểm lại một cách sơ lược một vài lễ hội cộng đồng chính trong đời sống Tây Nguyên:
Các lễ hội cộng đồng chính tính theo thời gian một năm
Những lễ thức theo nông lịch: 
1- Lễ Cầu mưa :
Thường diễn ra vào dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm, khi thiên nhiên bắt đầu chuyển mùa, việc dọn sạch rẫy cũ hoặc khai hoang rẫy mới, được mọi gia đình bắt tay vào thực hiện.
Lễ cầu mưa sẽ tiến hành vào thời điểm sau khi một nửa số gia đình trong buôn, bon, kon, plei đã làm xong việc dọn cỏ, đốt rẫy (rẫy mới phát lần đầu, rẫy hiện đang trỉa lúa sau khi thu hoạch mùa trước, để lại những gốc rạ, nay phải cuốc lên và đốt đi như một hình thức bổ xung dinh dưỡng của đất; rẫy bỏ hoang nhiều năm cho đất tự hồi phục, nay đến thời hạn luân chuyển…). Chủ làng sẽ cùng với các thày cúng, và một số già làng chuẩn bị cho lễ này. Lễ có thể diễn ra gần bến nước ngoài buôn, cũng có thể tổ chức tại sân nhà Rông, hoặc ngay tại sân nhà hay trong nhà của chủ bến nước (tùy theo tập quán cư trú của mỗi tộc người).
Lễ vật hiến sinh chuẩn bị cho lễ cầu mưa lớn nhất chỉ là một con heo từ 3-5 gang (khoảng 60kg) gà, rau và rượu cần không hạn chế số lượng, do toàn thể cộng đồng đóng góp (tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, không có quy định nào về mức độ hay số lượng bắt buộc. Người không có của sẽ đóng góp bằng công phục vụ). Thày cúng sẽ khấn những lời bày tỏ nguyện vọng của cả cộng đồng cầu mong không chỉ nhanh chóng có mưa để tiến hành gieo trỉa, mà còn xin cho được một năm mưa gió thuận hòa, đủ nước cho cây lương thực, thực phẩm sinh sôi, phát triển, phục vụ nhu cầu ăn uống trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Người Bâhnar Rngao ở Kon Tum còn có lễ cầu mưa rất đặc biệt: trước tiên cúng thần Sấm (Book Glaih), nếu trời vẫn không mưa, sẽ phải cúng cả tình nhân của thần Sấm là Yang Đăk để nhờ xin hộ với thần làm ra mưa. Lễ vật hiến sinh là một con dê trắng và một con heo trắng.
2- Lễ mừng lúa mới: 
Đối với các tộc người theo nhóm ngữ hệ Môn – Khơ mer (Nam Á), lễ ăn cơm mới thường được chủ làng, chủ giọt nước đứng ra tổ chức chung cho cả cộng đồng. Lễ thường được tổ chức vào dịp cắt những gùi lúa đầu tiên (khác với lễ đóng cửa kho lúa của từng nhà sau khi đã thu hoạch xong. Cũng như khác với lễ ăn cơm mới của từng gia đình của nhóm các tộc người thuộc ngữ hệ  Nam Đảo).
Lễ thường diễn ra ở sân nhà Rông, hoặc ở nhà chủ giọt nước (chủ làng), vào dịp tháng 11 hoặc đầu tháng 12 dương lịch, có thể kéo dài trong 2 – 3 ngày, tùy theo mức độ mùa màng dự kiến sẽ thu được. Lễ vật hiến sinh trong ngày tổ chức ăn cơm mới có thể là heo, bò, đối với các nhóm tộc người ngữ hệ Môn –Khơmer thì nếu được mùa lớn (thu được 100 gùi lúa trở lên) phải có ăn trâu.
Đây là một trong những lễ hội cộng đồng lớn của mọi tộc người trong năm, bởi sự no đủ đã nhìn thấy rõ. Con người cũng đến lúc cần được nghỉ xả hơi sau một quãng thời gian vất vả lao động, tạ ơn các vị thần linh đã phò trợ, giao đãi với dòng họ và bạn bè đã hỗ trợ trong năm.
Trong lễ hội này, người ta thường mời cả các buôn cận kề, họ hàng, hoặc con cái đã đi lấy vợ, hoặc lấy chồng ở các làng khác tới cùng chung vui, giao lưu, kết nghĩa cũng diễn ra.
3- Lễ cúng bến nước (uống nước giọt, cúng máng nước): 
Nước là một nhu cầu thiết yếu của con người, nên đây cũng là một lễ tạ rất quan trọng của cả cộng đồng đối với các vị thần linh coi sóc bến nước, giọt nước hay máng nước. 
Lễ này có thể diễn ra những ngày cuối năm, khoảng tháng 12 dương lịch, nhưng cũng có thể được tổ chức vào đầu năm mới, khoảng tháng 2 hoặc 3, sau khi đã thu hoạch hoàn tất mùa vụ.
Đến ngày đã định, cả làng phải tham gia vào việc dọn vệ sinh sạch sẽ trong ngoài buôn, bon, kon, plei, nhất là xung quanh bến nước, phát quang cây cỏ dại, thay thế những ống nước bị hư hỏng, khơi thông lại dòng chảy của nguồn nước. Lễ  tổ chức ngay cạnh giọt nước, bến nước, gốc đa hoặc gốc cây blang giữa đường từ giọt nước về, để cảm tạ thần bến nước và tiếp tục cầu xin một năm mới có đủ nước dùng cho người, cho cây cối 
(lương thực). Con vật hiến sinh trong lễ này thường là heo, không ăn trâu bò và không thể thiếu những tiếng ching chiêng, những vòng múa xoang, vì đặc biệt phần hội của các lễ thức này rất được coi trọng. Những Lễ hội này người ta đều có mời các làng cận kề cùng tham dự trong tiếng ching chiêng vang lừng và rượu chảy rong róc trong cần nứa uốn cong.
Lễ của gia đình, dòng họ 
Thời tiết ở Tây Nguyên chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa, từ cuối tháng 4 đến tháng 10 dương lịch. Mùa khô, bắt đầu từ cuối tháng 10 cho đến đầu tháng 4 năm sau. Cuối mùa mưa, khi hàng ngàn những bông hoa m’nga phí (dã quỳ) khoe sắc vàng rực rỡ khắp mọi nẻo đường, đung đưa trong gió và cái nắng cũng vàng chói lọi của bầu trời Cao nguyên, ấy là vụ thu hoạch mùa màng đã tới, nhà nhà nhộn nhịp gặt hái.  Sau đó là đến vụ nông nhàn. Người lao động nghỉ ngơi, bước vào “mùa ăn năm uống tháng”.  Mọi lễ lạt không liên quan gì đến lịch sản xuất nông nghiệp (như đám cưới, bỏ mả, chúc sức khỏe...) cũng đều tập trung trong mùa khô, kéo dài từ khi gặt lúa sớm (cúng hồn lúa, ăn cơm mới ...) cho đến tận mùa dọn rẫy tháng 4 năm sau. Lúa bắp đã chất đầy sang mdliê (kho lúa) cái no đủ đã thấy rõ. Đây là lúc nghỉ ngơi cho bõ những tháng ngày mặt sấp lưng ngửa cùng trời đất. Đây cũng là lúc phải cảm tạ các thần linh, báo hiếu cùng cha mẹ, vui chơi giao đãi với bạn bè, tiễn đưa năm cũ, đón mừng một năm mới đến... Do đó bao giờ các lễ cũng đông vui, trở thành ngày hội của một buôn làng, cả vùng, hay chỉ của một gia đình, dòng họ.  
Bất cứ một gia đình nào trong buôn làng có việc phải cúng kiếng là bà con dù trong hay ngoài dòng họ, cũng đều kéo đến tham gia giúp đỡ, đóng góp công sức hay vật chất. Dù chỉ một bó rau, gùi củi, hay lon gạo, trái bí, ghè rượu... đều được gia chủ trân trọng đón nhận, cảm tạ.      
Những lễ cúng của một gia đình ngày nay thường không thành “hội”. Nhưng thuở xưa, lễ của nhà các tù trưởng, các chủ bến nước hay của các nhà giàu, có địa vị nào đó trong buôn, trong bộ tộc, thường mời nhiều khách sang trọng, khách xa gần ăn uống kéo dài 5-7 ngày. Trong lễ, để giúp vui sẽ mời các nghệ nhân đến kể trường ca, cổ tích. Trai gái tụ tập thách đố nhau, thi tài bằng văn vần, hát đối đáp, hoặc chơi các trò chơi phổ biến trong dân gian, để thi tài, thi khỏe... Do đó phần sau của lễ trở thành hội. Những lễ cúng của cả buôn, hay cả vùng cai quản của một tù trưởng lớn, như: cúng bến nước, vào mùa săn bắn, ăn mừng năm mới, đâm trâu mừng được mùa... càng đông vui kéo dài “lễ thành hội” là như thế.  
Mùa “ăn năm uống tháng” ở Tây Nguyên thường vào cuối năm cũ, đầu năm mới, tức là đã vào mùa xuân. Xuân Tây Nguyên đến vào tháng Ba, trước khi mùa mưa bắt đầu chừng hai, ba tháng. Lúc này cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở, ong bướm bay rợp trời. Cảnh quan cũng tạo nên cho con người niềm hứng khởi. Đồng bào không gọi ăn Tết, nhưng một số vùng cũng có lễ hội đón năm mới, một hình thức tạ ơn chung với các thần linh đã phù trợ cho trong năm cũ. Cầu các Yàng tiếp tục bảo trợ cho năm mới. Người Êđê gọi là “mnăm thun mrâo”, người Jrai gọi là “bơng tơ kuh thun”.
Ông chủ làng, các già làng, thày bói, thày cúng  cùng nhau bàn định lựa chọn ngày tháng xong xuôi, sẽ phân công đàn ông tu sửa nhà Rông cho gọn gàng, sạch sẽ. Vào rừng chọn cây để làm cột Gơng (như cột nêu của người Kinh). Cột có thể làm bằng tre, hoặc bằng thân cây gòn (thứ cây gỗ trắng, mềm, dễ đẽo gọt). Trong những lễ cúng lớn người Tây nguyên bao giờ cũng dùng lễ vật tế thần là con trâu, buộc vào những cây cột này. Đồng thời chủ làng cũng thông báo cho cả plei (buôn) biết ngày đã được chọn để tổ chức lễ cúng.  
Đến ngày đã định, cả plei Jrai tụ tập về nhà rông, ăn mặc váy áo, khố đẹp, mới, mang nhiều vòng cổ, còng tay, chân bằng đồng, bạc hoặc các chuỗi hạt cườm. Nhà nào có bộ chiêng quý, chiếc trống lớn, tiếng hay sẽ được huy động mang tới góp vui. Con trâu hoặc bất cứ một con vật dùng để hiến tế nào, sẽ được dắt tới buộc vào cột Gơng. Bên cạnh đặt cái nia đựng các lễ vật khác như: rượu, muối, lúa, ngũ cốc... vừa thu hoạch  xong. 
 Chủ làng cùng các già làng đến tận nhà mời thày cúng ra làm lễ. Sau khi đã khấn khứa với các Jàng, trần tình cùng con trâu (trâu ở Tây Nguyên thường chỉ dùng cho các cuộc tế lễ, không được xử dụng vào bất cứ một lao động nào), rằng: vì quyền lợi của cả cộng đồng mà trâu phải thay cho người bày tỏ với mọi thầìn linh tấm lòng thành của gia chủ, hoặc buôn làng... Sau đó là nghi lễ đâm trâu (nếu có). Người ta lấy chiếc đầu và đuôi trâu đặt lên dàn cúng, đốt những chiếc đèn bằng sáp ong và bắt đầu khấn vái, mời gọi các yàng mà họ cho là tốt bụng, đã có lòng phù trợ cho buôn làng làm ăn sinh sống thuận lợi năm qua, và khẩn cầu tiếp tục được giúp đỡ trong năm tới. 
Cúng xong, những ai đã được cắt cử sẽ xẻ thịt trâu cho phụ nữ nấu đồ ăn. Hội đồng già làng (phôn pô bút) lên nhà Rông với thày cúng và các nhân vật quan trọng khác trong plei, bàn chuyện làm ăn trong năm mới. Những người không có việc ở nhà Rông thì về nhà mình nấu cơm nếp, làm thêm đồ ăn, để đến giờ quy định, lại tập trung về nhà Rông, góp cỗ chung cùng cả làng. Ai không góp cơm thịt  thì góp rượu ghè. Đến trước giờ ăn chung, sau khi đã bày dọn trên nhà Rông, thày cúng lại một lần nữa khấn vái, rồi cả buôn cùng vào tiệc.  
Rượu càng vơi, mọi người càng hào hứng trong tiếng chiêng trống rộn ràng. Trai gái nắm tay nhau chung vui trong nhịp múa xoang, bước chân rậm rịch, men rượu ngấm la đà, chẳng còn ai có thể đứng ngoài vòng xoang nữa. Ai mệt thì nghỉ, ai đói thì ăn, ăn uống xong lại tiếp tục. Tới khi cạn nguồn tiếp tế cơm rượu thịt, có khi đã vài ba ngày.  
Sau hội chung của cả plei, nhà nào muốn cúng riêng thì cứ tự tổ chức và mời mọc họ hàng, bè bạn.
Mong sao mỗi độ xuân về, lên Tây Nguyên du khách còn được tham dự nhiều những lễ hội hồn nhiên của cộng đồng cư dân bản địa.

Nhận xét