Nhà Rông ở Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng được biết đến như “trái tim” của buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng giống với các mái đình của người Kinh, Nhà Rông là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của dân tộc Tây Nguyên.
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở phía bắc của Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, có sáu dân tộc bản địa: Xơ Ðăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, BRâu, Rơ Măm và nhiều dân tộc khác cùng sinh sống như: Kinh, Dao, Tày, Mường, Nùng, Thái, Sán Dìu, Hoa... Kon Tum mang đậm nét truyền thống sử thi và là nơi cội nguồn của ngôi Nhà Rông truyền thống.
Nhà Rông được xây dựng ở vị trí trung tâm của buôn làng |
Kiến trúc độc đáo của Nhà Rông
Nhà Rông là một tác phẩm nghệ thuật lớn bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí… đặc biệt là sự thể hiện không gian thiêng liêng, sức mạnh cộng đồng, là linh hồn của buôn làng. Đây là nơi chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng.
Năm 1999, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum đã tiến hành khảo sát toàn diện thực trạng Nhà Rông trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị 21 về việc khôi phục và xây dựng Nhà Rông truyền thống cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 575 Nhà Rông trên tổng số 588 làng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 97,8%.
|
Sự quan trọng của Nhà Rông trong tiềm thức của người dân tộc thiểu số Kon Tum được hình thành từ chính sự quan niệm của đồng bào dân tộc, họ cho rằng Nhà Rông thể hiện sự quyền uy, giàu có của dân làng mình, là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Yang (trời).
Trở về quá khứ, theo phong tục cổ truyền, lúc bắt đầu xây dựng, già làng thông báo quyết định làm Nhà Rông cho tất cả thành viên trong làng được biết trước một năm để tập trung dân làng và chuẩn bị vật liệu, sau đó làm lễ cúng Yang để xin phép cho làng thực hiện. Nhà Rông thường được các già làng và những người lớn tuổi trong làng lựa chọn ở vị trí quan trọng nhất, thường ở ngay chính giữa làng. Sau đó, người dân mới dựng nhà ở xung quanh và mặt của nhà thường hướng về phía Nhà Rông. Đây là kiến trúc làng cổ mà hiện nay rất ít làng còn lưu giữ. Già làng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mĩ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân đóng góp công sức, tìm vật liệu và tiền của. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh lo việc cắt, vận chuyển gỗ, chọn những cây gỗ cứng và có khả năng không bị mối mọt, thường là gỗ càchit. Những người già hơn phụ trách từng mảng riêng như đục đẽo kết cấu, tạo thẩm mĩ... những người này thường phải có kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà. Nhà Rông có thể làm ròng rã nhiều tháng nhưng 8 trụ lớn chính phải được hoàn tất trong ngày đầu, điều này thể hiện sự thành công, may mắn cho công đoạn tiếp theo. Sau đó là việc làm khung, lên đòn tay, dàn giáo, rui, mè, lợp tranh... mọi công việc phải trôi chảy và thông suốt do những bàn tay vạm vỡ của trai tráng và sự điều hành sáng suốt, tài giỏi của già làng.
Người Tây Nguyên quan niệm Nhà Rông là nơi khí thiêng của đất trời tụ lại để bảo trợ cho dân làng, vì thế trong mỗi Nhà Rông đều có một nơi thiêng liêng để thờ các vật thiêng, nhiều khi chỉ là một con dao, hòn đá, chiếc sừng trâu... người lạ không được xem những vật này, hoặc nếu muốn xem thì phải cúng rất kỹ càng.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Nhà Rông thuộc khu vực bắc Tây Nguyên khá đặc sắc và đa dạng. Với mỗi dân tộc khác nhau mà Nhà Rông được xây dựng với hình dáng khác nhau và có nhiều tên gọi khác nhau. Theo đó, Nhà Rông nhỏ và thấp thường là của người Giẻ Triêng; Nhà Rông của người Xê Ðăng lại vút cao, uy vũ; Nhà Rông của người Ba Na lại mềm mại nhưng vẫn không kém phần uy nghi trông như gà mẹ đứng giữa, các nhà sàn chung quanh là đàn gà con; Nhà Rông của người Gia Rai thanh thoát như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh… Tuy vậy, các Nhà Rông đều có điểm chung là nơi mọi người dân đến để cùng nhau sinh hoạt cộng đồng.
Nhà Rông - sức sống và biểu hiện sức mạnh của cộng đồng
Theo tâm niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số, đã có làng là phải có Nhà Rông. Làng nào không có Nhà Rông thì làng đó thiếu sức sống cội nguồn. Nhà Rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự cố kết cộng đồng người gắn với thiên nhiên.
Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số thì “Dân tộc - Làng - Nhà Rông” là mối quan hệ không thể tách rời, cũng như làng của người Kinh gắn với cây đa, bến nước, sân đình. Nhà Rông hùng vĩ vươn lên bầu trời biểu hiện sức mạnh của một cộng đồng làng, thể hiện tinh thần thượng võ, đầy uy quyền, như là chế ngự không gian và thời gian để khẳng định chủ quyền, lãnh địa của làng.
Nhà Rông cũng chính là điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cùng một số làng cổ khác trên vùng cực Bắc Tây Nguyên, Nhà Rông là nơi diễn ra lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, đâm trâu, Tết Ét đong… được diễn ra hàng năm. Trong khi đó, lễ hội là đất sống của gần như tất cả các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian cổ truyền từ các lễ thức, phong tục, tập quán đến các loại hình diễn xướng dân gian, nhạc cụ dân tộc, trang phục, ngôn ngữ, ứng xử... Nhà Rông vừa có giá trị văn hóa vật thể hữu hình, lại vừa có giá trị văn hóa phi vật thể, là nơi diễn ra lễ hội. Những hình ảnh bếp lửa Nhà Rông bập bùng, những ghè rượu cần cột thành dãy hai bên bếp, âm thanh trầm hùng của cồng chiêng, những vòng xoang uốn lượn và gương mặt rạng rỡ của các già làng, các chàng trai cô gái trong lễ hội ở Nhà Rông thể hiện một không gian văn hóa hết sức mộc mạc, đầm ấm, quây quần trong sự cố kết cộng đồng không thể tách rời, làm nên bản sắc phong phú, độc đáo của văn hóa truyền thống dưới mái Nhà Rông.
Ngoài những sinh hoạt mang tính tín ngưỡng, cổ truyền, tâm linh, thì hiện nay, nhiều làng còn tổ chức các sinh hoạt với nhiều hình thức mới như: tổ chức chào cờ đầu tuần, lễ mừng báo công, nơi phát động các phong trào lớn của các tổ chức, đoàn thể… Trong Nhà Rông, nhiều bản đã treo ảnh, tượng Bác Hồ, cờ Tổ quốc, Quốc hiệu, có bảng thông báo nội bộ, bảng quy ước bảo vệ rừng, quy ước về an ninh trật tự, nội dung, tiêu chí xây dựng Làng văn hóa...
Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố của xã hội, Nhà Rông Kon Tum luôn là biểu tượng đẹp về sự trường tồn của cộng đồng buôn làng, là nơi đào tạo và giáo dục thế hệ kế thừa của dân làng, nơi phát huy truyền thống và tín ngưỡng dân gian của người dân bản địa, trở thành biểu trưng không chỉ của tỉnh Kon Tum mà của các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Một số hình ảnh về Nhà Rông:
Nhận xét
Đăng nhận xét