Trúc Lâm tịnh viện tọa lạc trên đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trúc Lâm tịnh viện đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao kỷ lục vào ngày 24-5-2009 là ngôi chùa trên đảo lớn nhất Việt Nam.
Từ khu du lịch Vinpearl Land, những chiếc xe điện sẽ đưa quý du khách và Phật tử theo con đường trải nhựa uốn lượn quanh triền núi dốc lên đất Phật ở đỉnh núi, nơi cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp : biển xanh mênh mông, quanh năm lộng gió; đường đi rợp mát bóng cây, hương thơm tinh khiết, ánh nắng chan hòa; nơi tọa lạc ngôi già lam nghiêm tịnh Trúc Lâm tịnh viện.
Ngôi tịnh viện có mặt tiền hướng Đông Bắc, nhìn ra biển Đông, mặt hậu Tây Nam dựa vào vách núi. Từ ý tưởng tạo lập vườn thiền của Thượng tọa Thích Minh Thông trùng hợp với ý tưởng kiến tạo ngôi già lam trên đảo của các Phật tử Phạm Nhật Vượng, Phạm Nhật Vũ ... thuộc Tổng Công ty Du lịch và Thương mại Vinpearl và Tập đoàn An Viên, sự chứng minh của chư vị Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo tỉnh Khánh Hòa : Thích Thiện Bình, Thích Chí Tín, Thích Trí Tâm, ngôi tịnh viện đã được khởi công xây dựng vào ngày kỷ niệm đức Phật Thích Ca Thành đạo (ngày 8 tháng Chạp năm Bính Tuất) Phật lịch 2.551 (26-01-2007). Đại lễ khánh thành tịnh viện đã được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa tổ chức trang nghiêm, trọng thể vào ngày 26 tháng 8 năm Mậu Tý, Phật lịch 2.552 (25-9-2008).
Ngôi tịnh viện được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ "Quốc", kiểu kiến trúc truyền thống chùa miền Bắc, lợp ngói mũi hài, mái mũi thuyền, đầu đao với hạc, lân quy ... Toàn bộ công trình làm bằng gỗ lim chạm trỗ hoa văn tứ linh, tường xi măng, tam cấp lát đá Ninh Bình; tượng thờ và hoành phi, câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng. Với diện tích 44,9m (chiều dọc) x 27,3m (chiều ngang), tịnh viện có nhiều công trình được xây dựng như : Đại hùng bảo điện, Hậu Tổ, Tây lang, Đông lang; miếu Địa Tạng, nhà Tăng ... Đặc biệt, nổi bật trong không gian kiến trúc của tịnh viện là tượng đài lộ thiên Quan Âm Nam Hải tay phải cầm cành dương, tay trái nâng tịnh bình với dáng điệu uyển chuyển, uy nghiêm, nét mặt từ bi, nhân ái nhìn ra biển cả. Tượng bằng đá bạch thạch Nghệ An cao 8m, chân đài đế tượng hình ngọn sóng cao 4,3m bằng xi măng cốt sắt (tổng chiều cao của tượng đài là 12,3m) được tôn trí trong hoa viên bên phải ngôi tịnh viện.
Chính diện ngôi tịnh viện có Tam quan cổng biểu và hậu diện có Tam quan cổng mái trông uy nghiêm và cổ kính.
Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Hệ thống tượng thờ trong tịnh viện mang phong cách và được bài trí theo mẫu của những ngôi chùa cổ ở miền Bắc, tất cả được tạo tác bằng gỗ do những nghệ nhân ở những làng nghề nổi tiếng thực hiện. Tòa bái đường đặt thờ tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện, Hộ Pháp Trừng Ác; tượng Bát Bộ Kim Cương; tượng Thánh Tăng A Nan, tượng Đức Ông Cấp Cô Độc. Nội điện đặt thờ nhiều bộ tượng Phật, Bồ tát ở án thờ giữa : Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Tôn, Di Lặc, Thích Ca Đản sanh ... Án thờ hai bên vách đặt thờ tượng Bồ tát Quan Âm Nam Hải, Bồ tát Quan Âm Tống Tử và bộ tượng Thập Điện Minh Vương. Đông lang và Tây lang ngôi tịnh viện đặt thờ bộ tượng các vị Tổ Thiền Tông. Ngoài hệ thống tượng thờ trang nghiêm được sơn son thếp vàng rực rỡ, được chạm khắc tinh xảo mang tính nghệ thuật cao, trong Đại hùng bảo điện còn trang trí rất nhiều bao lam (cửa võng), câu đối, hoành phi mang ý nghĩa hoằng pháp độ sanh.
Thượng tọa trụ trì Thích Minh Thông đã viết trong bài giới thiệu tịnh viện :"Đứng trên đỉnh núi Trúc Lâm tịnh viện, hướng về Đông, ta có thể tận hưởng gió ngàn lồng lộng của đại dương mênh mông xanh biếc, phóng tầm mắt về hướng Tây là thành phố Nha Trang tráng lệ, xa xa núi non chập chùng hùng vĩ, giữa công trình phố thị hiện đại xen lẫn với cảnh núi rừng và đồng quê thiên nhiên hình thành nên một bức tranh sơn thủy cẩm tú lung linh sắc màu. Với thiên nhiên hữu tình ưu đãi và bàn tay khổ nhọc ngày đêm khai sơn phá thạch để tôn tạo của con người, đã hình thành nên một ngôi già lam tôn nghiêm hôm nay."
Một lần đến với thành phố biển Nha Trang, đến với Trúc Lâm tịnh viện, đến với công trình xây dựng, điêu khắc quy mô, đặc sắc mang dáng dấp ngôi chùa cổ kính miền Bắc trên hòn đảo lộng gió miền Trung, đến với tượng đài Bồ tát Quan Âm Nam Hải thanh thoát, uy nghiêm giữa biển trời mênh mông, là đến với không gian tâm linh an lạc và hướng thiện của du khách, của chư Phật tử gần xa ở mọi miền.
Bài và ảnh : Võ Văn Tường
Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
Cáp treo và tàu đưa khách ra đảo đến tịnh viện
Tam quan tịnh viện
Tượng đài Bồ tát Quan Âm Nam Hải cao 12,3m
Toàn cảnh Trúc Lâm tịnh viện
Mặt tiền tịnh viện
Miếu Địa Tạng
Nhà Tăng
Nhà khách
Điện Phật
Tượng Thích Ca Đản sanh
Bộ tượng Tam Thế Phật
Tượng đức Phật A Di Đà
Bộ tượng Thích Ca Tam Tôn
Tượng đức Di Lặc
Bảo tháp Xá Lợi
Tượng đức Di Lặc
Tượng Bồ tát Quán Thế Âm
Tượng Bồ tát Địa Tạng
Bộ tượng Bát Bộ Kim Cương
Tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện và Hộ Pháp Trừng Ác
Bàn thờ Thánh tăng A Nan
Bàn thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc
Bộ tượng Thập Điện Minh Vương
Bộ tượng các vị Tổ Thiền Tông
Đại hồng chung
Trang trí ở vì kèo
Nhận xét
Đăng nhận xét