Vì sao gọi Huế là đất Thần Kinh?
Thứ Hai, 11/11/2013 07:21 
 
Gọi là đất Thần Kinh, là do hai chữ KINH ĐÔ và THẦN BÍ ghép lại mà thành. Như vậy Huế là một Kinh Đô Thần Bí do hai sự kiện lịch sử sau đây :

1. - Sự kiện thứ nhất xảy ra vào năm 1558. Sau khi Trịnh kiểm anh rể của Nguyễn Hoàng sát hại Nguyễn Uông anh ruột của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng bèn đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để xin ý kiến hầu tìm cách đối phó.

Nhìn về hướng Nam, Trạng Trình chỉ thốt một lời " Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân ". Hiểu ý, Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho mình vào nam làm trấn thủ đất Thuận Hoá để xa lánh hiểm họa không biết lúc nào sẽ xảy ra cho mình. Sự nghiệp của nhà Nguyễn ở phương nam bắt đầu từ đấy, và kéo dài 400 năm, núp bóng giải Hoành Sơn rồi lan rộng khắp cả Nam Kỳ.


2. Sự kiện thứ hai, khá huyền hoặc. Trong một giấc mơ, chúa Nguyễn Hoàng thấy một bà lão mặc sắc phục đỏ, tự xưng là Thái Thượng Lão Quân, bảo Nguyễn Hoàng đi về hướng đông khoảng ba dặm để lập kinh đô. Đêm hôm ấy, chúa Nguyễn Hoàng cùng đoàn tùy tùng nghỉ chân ở một địa điểm trên bờ Sông Hương, cách Huế khoảng 5 cây số về phía tây. Sáng hôm sau, chúa Nguyễn Hoàng di chuyển về hướng đông như bà lão trong mộng đã bảo, và quả thật, sau mấy dặm đường, chúa Nguyễn Hoàng đã bị thu hút bởi cảnh trí tuyệt vời như thiên nhiên đã dành sẵn cho ông. Ngoài cái đẹp của sông núi hữu tình, chắc chắn ông và các cố vấn của ông còn "phát hiện" được những lý do địa lý mà thời ấy mọi người đều tin tưởng, và hy vọng rằng đây là một vùng đất tốt, một "địa linh nhơn kiệt" đáng được chọn làm nơi thiết lập bản doanh của chúa Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ, và sau này là kinh đô của cả nước.

Lời tiên tri của Trạng Trình, lời báo mộng của Thái Thượng Lão Quân quả đã báo trước sự nghiệp lâu dài 400 năm của nhà Nguyễn và cũng là 400 năm của cố đô Huế. Một ngôi chùa nổi tiếng được Nguyễn Hoàng cho xây cất ngay tại nơi báo mộng để tưỏng niệm Lão Quân mang tên chùa Thiên Mụ, hay còn được gọi là Linh Mụ. Ngôi chùa này được khởi công xây cất năm 1601 và đến năm 1841 thì được chỉnh trang và mở rộng, đồng thời xây thêm cái tháp cao ở sân trước chùa. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng qua các thời đại, đến nay ngôi chùa đó vẫn còn vững chắc, và đã trở thành danh lam thắng cảnh , và di tích lịch sử của Việt Nam.

Đó là lý do tại sao Huế còn được gọi là đất Thần Kinh. 

Nhận xét