Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, dinh thự của Công tử Bạc Liêu hay Vườn lan Bình Thủy... đều là những nơi khó bỏ qua của du khách khi đến miền Tây.
1. Biệt thự của Công tử Bạc Liêu
Du khách khi đến đất Bạc Liêu đều được hướng dẫn đi thăm ngôi biệt thự của vị Công tử Bạc Liêu khét tiếng một thời Trần Trinh Huy. Sinh năm 1900, Trần Trinh Huy là con thứ ba trong gia đình có bảy người con của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch. Ngay từ thời trai trẻ, ông Trần Trinh Huy đã nổi danh ở vùng đất lục tỉnh Nam Kỳ về mức độ chịu chơi, đến mức mà danh xưng công tử Bạc Liêu (dùng để chỉ những vị công tử lắm tiền nhiều của) chỉ để dành cho một mình ông.
|
Vị công tử này có rất nhiều nhà ở Sài Gòn cũng như ở khắp xứ Nam kỳ lục tỉnh, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến là căn biệt thự nằm ở thành phố Bạc Liêu. Căn biệt thự này được chính kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng vào khoảng năm 1919. Điều đặc biệt là các vật liệu như gạch, phù điêu, vật dụng trong nhà... đều được đưa từ Pháp sang. Khi hoàn thành, nó trở thành ngôi biệt thự bề thế nhất xứ lục tỉnh thời bấy giờ.
|
Sau nhiều lần trùng tu, căn biệt thự ở số 13 đường Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng ngày đầu. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cuộc sống xa hoa của vị công tử Bạc Liêu thời trước. Các vật dụng trong nhà hoàn toàn bằng gỗ quý, những bộ bàn ghế khảm hoa văn tinh xảo, những chiếc phản bằng gỗ nguyên khối có giá ước tính hàng tỷ đồng... Bên cạnh đó là những chiếc bình gốm, liễn sứ... có giá trị lịch sử quý giá như tô đậm thêm cho sự giàu sang của vị công tử này. Bên hông nhà là nơi trưng bày những chiếc xe kéo tay, xe hơi của vị công tử này sử dụng trước đây. Hiện nay, ngôi nhà được sử dụng để kinh doanh khách sạn với 10 phòng ngủ thu hút rất đông du khách hằng ngày.
|
2. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Xây dựng vào năm 1895, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trở nên nổi tiếng khi tác phẩm L'Amant (Người Tình) của nhà văn người Pháp Marguerite Duas được xuất bản vào năm 1984. Tác phẩm là một câu chuyện tình có thật của tác giả và chàng công tử Huỳnh Thủy Lê, chủ nhân của căn nhà. Mối tình đẹp của hai người bắt đầu trên một chuyến phà chiều ở miền Tây vào khoảng năm 1929, khi nữ văn sĩ mới 15 tuổi. Sau hai năm quen nhau, chàng công tử họ Huỳnh phải lấy vợ theo sự sắp đặt của gia đình. Cô gái người Pháp ôm nỗi buồn tình trở về nước với mong muốn quên đi tất cả.
|
Để rồi hơn nữa thế kỷ sau, chuyện tình buồn đó đã được bà viết thành sách. Ngay khi xuất bản vào năm 1984, tác phẩm này đã trở nên nổi tiếng, được dịch thành 40 thứ tiếng trên khắp thế giới và nó giúp nữ văn sĩ này nhận giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp. Tác phẩm này sau đó đã được đạo diễn J.J.Annaud chuyển thể thành bộ phim cùng tên nổi tiếng Người Tình vào năm 1990.
|
Ngày nay, ngôi nhà cổ 3 gian này là địa điểm tham quan khó bỏ qua khi du khách trong và ngoài nước về Đồng Tháp. Ngôi nhà là sự pha trộn giữa kiến trúc của phương Tây và Trung Hoa. Các vật liệu xây nhà như gạch, kính đều được nhập về từ Pháp. Bên trong ngôi nhà được bài trí theo kiến trúc ba gian đặc trưng của người Việt. Ở giữa nhà là bàn thờ, các hoa văn chạm trổ cầu kỳ mang vẻ uy nghi của những gia đình giàu có người Trung Quốc thời xưa. Ngoài các vật dụng cổ xưa, ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hình ảnh của nữ văn sĩ Marguerite Duras lúc trẻ cũng như khi về già.
|
3. Nhà cổ Bình Thủy
Còn có tên gọi khác là Vườn lan Bình Thủy, ngôi nhà cổ này chính là nhà thờ của dòng họ Dương ở thành phố Cần Thơ. Ngôi nhà có tuổi đời hơn 140 (năm 1870) được thiết kế và xây dựng theo kiểu Đông Tây kết hợp. Mặt tiền của tòa nhà được thiết kế mang đậm phong cách Pháp với các cột, vòm mái, phù điêu... nhưng toàn bộ nội thất hoàn toàn theo phong cách kiến trúc, bài trí đặc trưng của một gia đình Việt.
|
Nơi trang trọng nhất tại gian giữa của ngôi nhà là bàn thờ, các tủ, bàn, ghế, giường, sập gụ trong nhà đều được làm bằng gỗ quý cẩn xà cừ mang đậm nét Nam bộ. Không chỉ có vậy, ngôi nhà còn lưu giữ được nhiều đồ cồ quý hiếm có tuổi đời mấy trăm năm như các bình gốm, liễn sứ.... vừa có giá trị kinh tế vừa mang giá trị lịch sử.
|
Nếu như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp) là nơi ở của nhân vật chính trong tác phẩm Người Tình thì nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) chính là bối cảnh chính trong bộ phim nổi tiếng cùng tên do đạo diễn JJ.Annaud thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 1990. Ngoài ra, ngôi nhà còn là bối cảnh của nhiều bộ phim Việt Nam nổi tiếng thời bấy giờ như Người đẹp Tây Đô, Nợ Đời...
|
Nhận xét
Đăng nhận xét