Chín bậc tình yêu- Nhà sàn của người Thái

Nhà sàn của người Thái – “Hướn hạn phủ táy” là một công trình kiến trúc tài hoa, hoà đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hoá đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.
Nhà sàn của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu hồi – “tụp cống” khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, thần rùa “Pua tấu” dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng.

Người Thái có câu: “Khửn song phái/cái song đay”- tức là mở hai cửa/đi hai đường. Nhà người Thái cổ bao giờ cũng có hai cầu thang: “Tang chan” và “Tang quản”. “Tang chan” ở cuối nhà, bên trái giành cho phụ nữ lên xuống. “Chan” là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời. Đây là nơi các mẹ, các chị, các em… thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa… Cầu thang này bao giờ cũng mang số lẻ, thường là 9 bậc, ứng với 9 vía. Cầu thang dành riêng cho nam giới – “Tang quản” ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía.

Nhà sàn của người Thái cổ có hai bếp lửa – “Chík pháy”. Bếp lửa phía “Tang quản” dành cho người già, bếp chính ở phía “Tang chan” dành cho nữ giới. Giữa núi rừng trùng điệp, bếp lửa hồng trên nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi con người. Từ bếp giành cho người già đến hết cầu thang dành cho nam giới gọi là “quản”. Đây là nơi dành riêng cho đàn ông, phụ nữ không được đến khu vực này, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nơi đây có gian thờ tổ tiên – “hỏng hóng” và cột thiêng – “sau hẹ”. Trên cột thiêng treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa – “sam huống khẩu” và ba nhánh rau thì là – “sam hóm chík”… Ngoài ý nghĩa có tính biểu tượng của tô tem giáo thì còn mang bóng dáng của thuyết thiên-địa-nhân.

Nhà sàn của người Thái Tây Bắc là nơi chứng kiến buồn vui của bao thế hệ để rồi mỗi người hiểu thêm về quá khứ, hiện tại và tương lai, trân trọng nâng niu những tài sản vô giá cả về vật chất và tinh thần đã trở thành truyền thống tốt đẹp và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn.
Quanh bếp lửa hồng, đã bao lần gia đình họ tộc quây quần nghe người già hát, ngâm, kể “khắp” những điều răn dạy về đạo lý làm người – “Quámk son cốn”, chuyện bản mường – “Quámk tố mướng”, Bước đường chinh chiến của cha ông – “Táy púk sấc”, Tiễn dặn người yêu – “Xống chụ xon xao”… cùng nồng say trong các điệu “xoè” ngày mừng cơm mới, lên nhà mới, hội cưới, ngày xuân…

Nhà sàn còn là nơi con trai đan lát, thổi kèn, pí…con gái quay xa, dệt vải, thêu thùa… đã được khái quát trong câu thơ: Trai biết đàn chài/ gái biết dệt vải –“nhinh hụ tháp phải/ trái hụ san he”.


Các bản Thái thường quần tụ ven suối chân đồi. Những ngôi nhà sàn bình dị ấm cúng, khói lam thơm thoảng gió đồng,lách cách tiếng thoi đưa, đâu đây da diết một điệu khèn cấu khắp, lốc cốc tiếng mõ trâu đàn về bản… Tất cả làm nên một vẻ đẹp trong sáng đậm tình như một bức tranh sơn thuỷ, dân dã nguyên sơ củ một nền văn hoá

Nhận xét